Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:11 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày 17-2- 2008, Quốc hội tự phong của tỉnh Cô-xô-vô, thuộc nước Cộng hòa (CH) Xéc-bi-a đã đơn phương tuyên bố độc lập. Tuyên bố này đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau trong dư luận quốc tế. Mỹ, Anh và một số nước phương Tây ngay lập tức công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô, coi đây là bước đi "tích cực" cho ổn định ở khu vực Ban- căng. Xéc-bi-a, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác phản đối, coi việc làm này là một tiền lệ nguy hiểm đối với an ninh, ổn định ở Ban-căng và trên toàn thế giới. Thủ tướng Xéc-bi-a V. Cô-xtu-ni-a còn tố cáo, đây là "nền độc lập giả hiệu và là một sản phẩm của Mỹ và NATO". Vậy thực chất vấn đề Cô-xô-vô tuyên bố độc lập là gì và nó tác động như thế nào đối với an ninh của khu vực và thế giới?
Cô-xô-vô là một vùng đất ở Tây Nam CH Xéc-bi-a, có diện tích khoảng 11.000 km2, dân số hơn 2 triệu người; trong đó, khoảng 90% là người gốc An-ba-ni (phần lớn theo đạo Hồi) và 10% còn lại chủ yếu là người Xéc-bi-a (theo Cơ đốc giáo chính thống). Cô-xô-vô nằm trên bán đảo Ban-căng - nơi được coi là cầu nối của 3 châu lục Âu - Á - Phi, khống chế con đường huyết mạch từ Biển Đen ra Địa Trung Hải và là "cửa ngõ" từ Châu Âu tiến vào khu vực Trung Đông. Do vị trí địa-chiến lược quan trọng đó, nên đây là nơi mà các cường quốc phương Tây luôn tìm mọi cách can thiệp, gây ảnh hưởng, nhằm phục vụ cho mưu đồ chiến lược bá chủ khu vực và thế giới; trong đó, Liên bang (LB) Nam Tư được họ xác định là một trọng điểm trong tổng thể chiến lược chống CNXH. Theo các nhà phân tích quốc tế, phương Tây đã hoạch định và tiến hành một chiến lược chống phá LB Nam Tư trên tất cả các lĩnh vực, với lộ trình và bước đi được tính toán kỹ lưỡng, có bài bản, theo bốn giai đoạn. Giai đoạn 1, từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, phương Tây chủ trương tăng cường can dự ở Ban-căng, từng bước giành quyền ảnh hưởng ở LB Nam Tư. Để đạt mục tiêu đó, họ đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, gieo rắc, kích động hận thù dân tộc và ý thức phục thù chống chế độ mới có xu hướng đi theo CNXH; đồng thời, tích cực tập hợp các phần tử phản động, tàn quân của chế độ cũ để xây dựng lực lượng chính trị đối lập chống Nhà nước LB Nam Tư và các nước XHCN. Giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 1948, lợi dụng mâu thuẫn giữa LB Nam Tư và Liên Xô, phương Tây sử dụng chính sách viện trợ kinh tế, quân sự để lôi kéo và biến chính thể của Tổng thống LB Nam Tư Ti-tô thành "tiền đồn" chống Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu; mặt khác, tích cực cài cắm, gây dựng lực lượng thân tín trong bộ máy chính quyền LB để chuẩn bị cho các bước chống phá tiếp theo. Giai đoạn 3, bắt đầu từ sau sự sụp đổ của Chính quyền Ti-tô; đặc biệt, từ khi khối Vác-xa-va bị giải thể, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu bị tan vỡ, phương Tây đẩy mạnh các hoạt động chống phá, lật đổ ban lãnh đạo có xu hướng XHCN, đưa các nhân vật thân tín đã được cài cắm từ trước lên nắm quyền lãnh đạo, tạo cơ sở để phá vỡ LB Nam Tư. Tháng 3- 1990, Quốc hội Mỹ đã thông qua sắc lệnh ngừng viện trợ cho Chính quyền Nam Tư; đồng thời, tăng cường ủng hộ các đảng theo khuynh hướng "dân chủ", như các đảng phát xít mới, các tổ chức Hồi giáo cực đoan và những tổ chức khủng bố gốc An-ba-ni. Mỹ cũng tăng cường viện trợ vũ khí, trang bị, cử chuyên gia quân sự hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Crô- a-ti-a và Xlô-va-ki-a… Giai đoạn 4, phương Tây trực tiếp can thiệp, hậu thuẫn cho các lực lượng ly khai tiến hành chia tách LB Nam Tư: trước tiên là Xlô-vê-ni-a và Crô-a-ti-a; tiếp đến là Bô-xni-a và Ma-xê-đô-ni-a và năm 2006 tách nốt Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô, chính thức xóa tên LB Nam Tư khỏi bản đồ thế giới.
Kịch bản "Cô-xô-vô độc lập" là một bộ phận quan trọng trong chiến lược chống phá LB Nam Tư của phương Tây. Nó cũng được các chiến lược gia phương Tây coi là "kịch bản mẫu" về sử dụng vấn đề "dân tộc", "tôn giáo" để kích động chủ nghĩa ly khai cực đoan, nhằm phục vụ cho chiến lược bá chủ khu vực và toàn cầu của họ. Trong lịch sử Cô-xô-vô, mâu thuẫn giữa người Xéc-bi-a và người gốc An-ba-ni đã có nguồn gốc từ lâu; bởi, cả hai tộc người này đều coi Cô-xô-vô là "miền đất thánh" gắn chặt với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Lợi dụng mâu thuẫn đó, phương Tây ra sức mua chuộc, sử dụng các phần tử Hồi giáo cực đoan người gốc An-ba-ni để gây xung đột dân tộc, tôn giáo, nhất là giữa người Xéc-bi-a và người gốc An-ba-ni, phá hoại Nhà nước LB Nam Tư. Năm 1960, dưới sự đạo diễn của phương Tây, người gốc An-ba-ni đưa ra yêu sách đòi quy chế "cộng hòa" cho Cô-xô-vô. Tuy nhiên, khi đã được hưởng quy chế tự trị, các phần tử Hồi giáo cực đoan người gốc An- ba-ni vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bạo lực, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chống phá Chính quyền Trung ương. Năm 1990, Tổng thống LB Nam Tư (Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô) Mi-lô-xê-vích quyết định hủy bỏ quy chế tự trị và giải tán bộ máy Chính quyền của Cô-xô-vô. Quyết định đó đã tạo cơ hội cho các phần tử Hồi giáo cực đoan người gốc An-ba-ni đẩy mạnh các hoạt động ly khai, đòi độc lập. Năm 1992, được phương Tây hậu thuẫn, người gốc An-ba-ni tự tổ chức bầu "Quốc hội", "Tổng thống" và thành lập Chính phủ riêng ở Cô-xô-vô. Năm 1996, lực lượng Hồi giáo ly khai thành lập Quân đội giải phóng Cô-xô-vô (KLA), tiến hành các hoạt động vũ trang chống Chính quyền Nam Tư. Tháng 3-1999, vu cáo Tổng thống Mi-lô-xê-vích vi phạm "dân chủ", "nhân quyền", Mỹ và NATO đã tiến hành chiến dịch không kích kéo dài 78 ngày đêm chống LB Nam Tư. Tháng 6-1999, Chính phủ LB Nam Tư buộc phải đồng ý rút quân đội khỏi Cô-xô-vô, đặt tỉnh này dưới sự quản lý của Liên hợp quốc (LHQ), do quân đội NATO giữ vai trò "gìn giữ hòa bình". Tháng 10-2000, phương Tây tiến hành cuộc "Cách mạng Hoa Hồng" lật đổ Tổng thống Mi-lô-xê-vích và hậu thuẫn cho ông V. Cô-xtu-ni-a (Thủ tướng hiện nay của Xéc-bi-a) lên nắm quyền. Tháng 1-2006, Ha-xim Tha-xi - thủ lĩnh của KLA trước đây - tự phong là Tổng thống Cô-xô-vô và dưới sự bảo trợ của phương Tây, đã thực hiện cái gọi là "công đoạn cuối cùng để tách Cô-xô-vô ra khỏi Xéc-bi-a".
Việc các nhà lãnh đạo Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập thực chất là hành động ly khai cực đoan, vi phạm trắng trợn nghị quyết 1244 (năm 1999) của LHQ, mà theo đó, LHQ khẳng định nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của LB Nam Tư - nay là Xéc-bi-a; tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. Trước tiên, việc làm này càng khoét sâu mâu thuẫn giữa Cô-xô-vô và Xéc-bi-a, giữa tộc người Xéc-bi-a và người gốc An-ba-ni. Các nhà lãnh đạo Xéc-bi-a đã tuyên bố kiên quyết không công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô, sẵn sàng thực hiện các biện pháp để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Mặt khác, "độc lập" của Cô-xô-vô nếu được quốc tế công nhận sẽ kích thích chủ nghĩa dân tộc ở khu vực Ban-căng; nhất là người gốc An-ba-ni ở Xlô-vê-ni-a, Crô-a-ti-a, Mác-xê-đô-ni-a và nhiều nơi khác cũng có thể "noi gương" Cô-xô-vô để thực hiện ly khai, đòi độc lập, nhằm thực hiện tham vọng xây dựng nhà nước "Đại An-ba-ni". Người Xéc- bi-a cũng có thể đòi độc lập để xây dựng nhà nước "Đại Xéc-bi-a"… Như vậy, hiệu ứng "đô-mi-nô" của chủ nghĩa ly khai tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào ngay tại Cô-xô-vô vừa mới độc lập và trong các nước CH thuộc LB Nam Tư trước đây. Một số nhóm vũ trang người Xéc-bi-a đe dọa sẽ đấu tranh để thành lập nhà nước riêng tách khỏi Cô-xô-vô.
Hiệu ứng "đô-mi-nô" của Cô-xô-vô cũng có thể lan rộng ra các châu lục khác trên thế giới, làm cho nhiều nước, nhất là những nước đang có các vấn đề về dân tộc, tôn giáo cũng sẽ phải hứng chịu những tình cảnh ly khai cực đoan tương tự như Cô-xô-vô và bị rơi vào tình trạng chia rẽ, xung đột hết sức phức tạp. Chính khách của nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo, nếu Cô-xô-vô được công nhận độc lập thì đây sẽ là khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tan rã và ly khai ở nhiều khu vực trên thế giới. Thực tế, việc Cô-xô-vô tuyên bố độc lập đã gây tác động tiêu cực ngay tại nhiều nước, nhiều khu vực. Vừa qua, các nhà lãnh đạo của vùng Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a, thuộc Gru-di-a; khu vực Pri-đne-xtơ-rô-vi-e, thuộc Môn-đô-va…, đã lên tiếng kêu gọi LHQ và cộng đồng quốc tế công nhận nền độc lập của họ, làm cho Chính quyền của các nước này hết sức lo ngại. Nguy cơ chủ nghĩa ly khai cực đoan cũng đang đe dọa sự ổn định ở vùng Ba-xcơ và Ca-ta-lan (Tây Ban Nha), đảo Síp (Thổ Nhĩ Kỳ), Bắc Ai-len (Anh), Tre-snhi-a (Nga), Phlen-đơ (Bỉ), Ca-sơ-mia (Ấn Độ), Đài Loan, Tây Tạng (Trung Quốc)… Sự "độc lập" của Cô-xô-vô cũng có thể làm gia tăng hoạt động đấu tranh đòi ly khai của lực lượng "Những con hổ giải phóng Ta-min" ở Xri-lan-ca, lực lượng A-bu Xay-áp ở Phi-líp-pin, phong trào A-chê ở In-đô-nê-xi-a, phong trào Hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan… Nó cũng có thể cổ súy, khích lệ các lực lượng đối lập, phản động có tư tưởng ly khai ở các nước, các khu vực trên thế giới tìm cách câu kết với bên ngoài để phá hoại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, lật đổ chế độ chính trị hợp hiến.
Nhưng điều dư luận hết sức lo ngại là với "Cô-xô-vô độc lập", phương Tây đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với công pháp quốc tế và an ninh thế giới, khi mà họ bất chấp luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ để thực hiện mưu đồ và lợi ích riêng. Theo các nhà phân tích quốc tế, "kịch bản Cô-xô-vô" của phương Tây ở khía cạnh chiến lược, nó còn là cuộc cạnh tranh địa- chiến lược, địa-chính trị hết sức gay gắt, quyết liệt giữa các cường quốc ở Ban-căng và trên thế giới. Mục tiêu nhất quán của Mỹ và EU trong việc tách Cô-xô-vô khỏi Xéc-bi-a là để giành quyền kiểm soát Ban-căng và loại bỏ ảnh hưởng của Nga ở khu vực. Nhưng thông qua đó, Mỹ còn nhằm củng cố vị thế độc tôn của mình ở Châu Âu và trên thế giới. Mỹ đã xây dựng ở Cô-xô-vô căn cứ quân sự Camp Bondsteed hiện đại hàng đầu thế giới, cho phép Mỹ nâng cao đáng kể khả năng khống chế về quân sự đối với Châu Âu và các khu vực lân cận. Một mục tiêu khác nữa là Mỹ tạo thêm một "con bài" để tiếp tục gây chia rẽ trong nội bộ Châu Âu, làm chậm tiến trình nhất thể hóa của EU, ngăn chặn khả năng trỗi dậy của Khối này. Còn EU muốn thông qua việc công nhận "độc lập" của Cô-xô-vô để khẳng định vai trò "tự chủ" trong công việc ở Châu Âu và vị thế "bình đẳng" với Mỹ và Nga trong cuộc cạnh tranh địa-chiến lược ở khu vực Ban-căng. EU đã quyết định cử một phái bộ gồm 2.000 nhân viên để giúp Cô-xô-vô xây dựng hệ thống cảnh sát, tư pháp và hải quan… Tuy nhiên, các quan chức EU cũng thừa nhận, EU đang đứng trước "sứ mệnh hết sức khó khăn", nhất là sự chia rẽ quan điểm về "nền độc lập của Cô-xô-vô" có thể làm cho EU trở thành tổ chức "đông mà không mạnh" . Hiện chỉ có 6 nước trong EU công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô, đa số các nước còn lại thì phản đối, coi việc công nhận độc lập của Cô-xô-vô là "không cần thiết". Nước Nga vốn có lợi ích truyền thống ở khu vực Ban-căng (hiện Nga cũng là bạn hàng lớn nhất của Xéc-bi-a với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD/ năm), kịch liệt phản đối "kịch bản độc lập của Cô-xô-vô". Các nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, Nga hoàn toàn tôn trọng luật pháp quốc tế, sẵn sàng đối thoại để giải quyết mọi vấn đề trên tinh thần bình đẳng và hợp tác; nhưng Nga cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp trả đũa thích đáng, nếu phương Tây tiếp tục cố tình gia tăng chèn ép chiến lược đối với Nga.
Dư luận thế giới bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những hiệu ứng ly khai cực đoan từ sự "độc lập của Cô-xô-vô" có thể gây ra đối với an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam khẳng định lại lập trường tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền, coi việc Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập ngày 17-2-2008 là đi ngược lại tinh thần nghị quyết 1244 mà Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã khẳng định vẫn còn hiệu lực và là cơ sở pháp lý đối với sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Cô-xô-vô (UNMIK) trong khi Hội đồng Bảo an chưa có quyết định khác. Việt Nam yêu cầu các bên kiềm chế, đối thoại hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế để tìm giải pháp phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các bên liên quan; kiên quyết phản đối việc các nước lợi dụng vấn dề dân tộc, tôn giáo để can thiệp công việc nội bộ nước khác, nhất là để kích động chủ nghĩa ly khai cực đoan, nhằm thực hiện những toan tính và lợi ích riêng. Việc làm đó là không phù hợp với thực tế đa dân tộc, đa tôn giáo của các nước hiện nay, là đi ngược lại trào lưu hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển đang là xu thế lớn của thời đại, chỉ làm tổn hại đến an ninh, ổn định của các nước, các dân tộc và thế giới.
Việc Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập cũng là bài học cảnh tỉnh các nước rằng, trong tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, cùng với việc tập trung nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, phải hết sức chú ý củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, chăm lo củng cố quốc phòng - an ninh để đủ sức đối phó có hiệu quả với các thách thức, nguy cơ từ bên ngoài và bên trong, bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước; đồng thời, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ để xây dựng một thế giới bình đẳng, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đức Thắng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011