QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:08 (GMT+7)
Bình luận: Bạo lực, chiến tranh không thể là giải pháp hữu hiệu ở Trung Đông
Một vòng xoáy bạo lực mới lại dấy lên ở khu vực Trung Đông vốn đã có thừa bạo lực, máu lửa, hận thù. Nguy cơ một cuộc chiến tranh Trung Đông mới đang đến gần, những “thảm họa nhân đạo” đang diễn ra khiến cả thế giới lại bàng hoàng, lo lắng.

           

1- Héc-bô-la (Hezbollah - Đảng của Chúa Trời) là tổ chức chính trị và quân sự của người Hồi giáo dòng Si-ai ở Li-băng. Tổ chức này do một nhóm giáo sỹ Hồi giáo thành lập năm 1982 sau khi I-xra-en xâm chiếm Li-băng. Mục tiêu của Héc-bô-la là buộc I-xra-en phải rút  khỏi Li-băng. Tháng 5-2000, mục tiêu này đã được thực hiện. Héc-bô-la được sự ủng hộ của Xy-ri và I-ran. Hiện nay Héc-bô-la có 23 ghế trong Quốc hội và hai ghế Bộ trưởng trong Nội các Chính phủ Li-băng. Giống như các lực lượng Hồi giáo cực đoan của người Pa-le-xtin, Héc-bô-la và Ha-mát không công nhận I-xra-en. Họ đòi huỷ diệt Nhà nước I-xra-en và bác bỏ sự tồn tại của I-xra-en trên vùng đất mà họ cho là lãnh thổ của người Hồi giáo. Héc-bô-la và Ha-mát bị một số nước, trong đó có Mỹ và I-xra-en coi là tổ chức khủng bố. Theo Nghị quyết 1559 của Liên hợp quốc thông qua năm 2004 yêu cầu rút hết quân đội nước ngoài khỏi Li-băng và giải tán lực lượng quân sự của Héc-bô-la, nhưng Héc-bô-la không thực hiện điều này và vẫn duy trì lực lượng vũ trang của mình.
Vòng xoáy bạo lực mới này được châm ngòi bằng sự kiện hôm 25-6-2006 một nhóm dân quân Ha-mát thuộc Pa-le-xtin vượt biên giới Ga-da xâm nhập vào lãnh thổ I-xra-en, giết chết hai binh sĩ I-xra-en và bắt đi một binh sĩ khác. Ha-mát ra điều kiện sẽ chỉ thả người lính này một khi I-xra-en thả các tù nhân nữ, tù nhân thiếu niên và hơn 1000 tù nhân Pa-le-xtin khác. I-xra-en ngay lập tức bác bỏ yêu sách này và ngày 4-7 đã mở cuộc tấn công bằng xe tăng, đại bác, máy bay phản lực vào dải Ga-da, nơi một năm trước đây I-xra-en đã rút quân, trả lại cho Pa-le-xtin cai quản. Máy bay phản lực F-16 của I-xra-en đã đánh phá nhiều công sở của Chính phủ Pa-le-xtin có lãnh đạo thuộc lực lượng Ha-mát, như văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, giết hại hàng trăm  người Pa-le-xtin ở dải Ga-da. Trong khi tình hình ở Ga-da đang căng thẳng thì lực lượng Héc-bô-la1 ở Li-băng lại làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ thêm bằng một kịch bản tương tự: ngày 12-7 Héc-bô-la đưa quân xâm nhập vào lãnh thổ I-xra-en, tập kích giết chết 8 binh sĩ I-xra-en, bắt đi 2 binh sĩ khác, và cũng ra điều kiện đòi I-ra-en phải thả các tù nhân Pa-le-xtin bị I-ra-en bắt giữ để đổi lấy tự do của hai binh sĩ I-xra-en. Chính phủ I-xra-en nhóm họp khẩn cấp, bác bỏ yêu sách của Héc-bô-la, đồng thời bày tỏ thái độ giận giữ, phản ứng mạnh mẽ trước việc đối phương xâm nhập lãnh thổ, giết chết và bắt cóc một số binh sĩ của mình. Thủ tướng I-xra-en E-hut On-mớt coi đó là những “hành động chiến tranh” và thề trả đũa “thật đau đớn”. Ông cho rằng, Chính phủ Li-băng với sự tham gia của Héc-bô-la đã tìm cách phá hoại sự ổn định trong vùng và họ phải chịu trách nhiệm về các hậu quả. Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en A-mi Pê-rét tuyên bố: “Nhà nước I-xra-en thấy mình có quyền sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết”. Tổng tham mưu trưởng quân đội I-xra-en Dan Ha-lút còn tuyên bố mạnh hơn: “Nếu những người lính I-xra-en không được trao trả, chúng tôi sẽ quay chiếc đồng hồ Li-băng trở lại 20 năm”. Từ ngày 13-7, I-xra-en mở cuộc tấn công bằng không quân, pháo binh, bắn phá ác liệt nhiều cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, nhà máy điện, sân bay, bến cảng của Li-băng. I-xra-en đặc biệt chú trọng đánh phá các vị trí, căn cứ của Hec-bô-la. Tối 19-7, máy bay I-xra-en đã ném 23 tấn bom vào khu nhà ở phía Nam Bây-rút, nơi được coi là văn phòng chính của Héc-bô-la và có căn hộ của thủ lĩnh Hát-xan Na-xra-la. Lực lượng Héc-bô-la cũng đáp trả, bắn hàng trăm quả tên lửa sang I-xra-en; thủ lĩnh Héc-bô-la là Hat-san Na-xra-la tuyên bố sẽ tiến hành “cuộc chiến tranh mở”, và đưa chiến tranh đến tận thành phố Hai-pha và xa hơn nữa ở I-xra-en. Thủ tướng Li-băng F. Si-ni-o-ra gọi I-xra-en là “cỗ máy chiến tranh” đã biến nước ông thành một “vùng thảm hoạ”. Ông kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) giúp thiết lập lệnh ngừng bắn và ngăn chặn các cuộc tấn công của I-xra-en. Chiến sự leo thang hằng ngày, phía I-xra-en tuyên bố cuộc tấn công vào Ga-da và Li-băng là vô hạn độ. Ngày 19-7, bộ binh I-xra-en đã tiến vào nam Li-băng, đẩy cuộc chiến lên một nấc thang rất nguy hiểm. I-xra-en tuyên bố lực lượng bộ binh của họ chỉ hoạt động ở khu vực sát biên giới hai nước để tìm kiếm và phá huỷ các đường hầm bí mật và các kho vũ khí dùng để tấn công I-xra-en. Thống kê vào ngày thứ mười của cuộc chiến đã có gần 400 người Li-băng, hơn 100 người Pa-le-xtin, hơn 30 người I-xra-en thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, hàng chục vạn người phải chạy tỵ nạn. Mỹ và nhiều nước khác đang di tản công dân của mình khỏi Li-băng. Ngày 20-7, Thủ tướng Li-băng một lần nữa lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế có những áp lực buộc I-xra-en ngừng leo thang quân sự, đồng thời cũng cảnh báo nếu I-xra-en cứ lấn tới thì quân đội Li-băng cũng phải vào cuộc. Thủ tướng Li-băng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “cần giúp Li-băng giải giáp Héc-bô-la, vì các cuộc oanh tạc của I-xra-en đang làm cho nhóm du kích Hồi giáo dòng Si-ai này thêm được lòng dân… Héc-bô-la đã trở thành một nhà nước trong lòng một nhà nước, và đó là điều nghiêm trọng”.
Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng mới này, cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm, lo lắng, đã và đang có những phản ứng ở những mức độ, sắc thái khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung cộng đồng quốc tế còn tỏ ra lúng túng, có phần bất lực, chưa có được những nhận thức và hành động thống nhất, biện pháp kịp thời, có hiệu quả để chấm dứt xung đột, vãn hồi hòa bình. Ngày 14-7, LHQ đã đưa ra dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên ngừng bắn, chấm dứt xung đột, nhưng đã bị Mỹ phủ quyết. Tổng thư ký LHQ Cô-phi An-nan kêu gọi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Li-băng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của I-xra-en, nhưng hiện chưa rõ những nước nào đóng góp quân cho lực lượng này và nhiệm vụ cụ thể của họ là gì. Từ năm 1978 đã từng có một lực lượng 2000 quân của LHQ được triển khai để giám sát biên giới I-xra-en và Li-băng, nhưng họ không có quyền bắt buộc các bên phải duy trì hoà bình. Do đó, lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ giờ đây nếu được triển khai cũng khó hoàn thành được nhiệm vụ. Tại Hội nghị thượng đỉnh các cường quốc thuộc G-8 họp tại Xanh Pê-téc-pua vừa rồi cũng đưa cuộc khủng hoảng Trung Đông thành một trọng điểm của chương trình nghị sự. Hội nghị đã lên tiếng cáo buộc các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã gây ra cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi I-xra-en chấm dứt các hành động quân sự. Nước chủ nhà Nga và một số nước thành viên đã thúc giục Mỹ gây sức ép với I-xra-en, nước mà họ cho là đã có những hành động quân sự vượt quá giới hạn sự trả đũa và giải thoát con tin. Tuy nhiên, Mỹ vẫn kiên trì lập trường ủng hộ I-xra-en. Tổng thống G.W.Bu-sơ nói I-xra-en “hoàn toàn có quyền tự vệ”. Ngoại trưởng C.Rai-xơ cho rằng thúc ép I-xra-en ngừng bắn lúc này là không thực tế. Dù sao, Mỹ cũng hứa hẹn sẽ yêu cầu I-xra-en kiềm chế các hoạt động quân sự, tránh gây tổn thất cho sinh mạng dân thường và phá huỷ cơ sở hạ tầng của Li-băng, làm suy yếu chính phủ Li-băng là điều bất lợi. Mỹ cũng yêu cầu cần có áp lực đối với một số quốc gia A-rập, yêu cầu họ cần phải lên án cả những hành động gây hấn của Ha-mát và Héc-bô-la, đòi các nhóm vũ trang này phải trả tự do cho các binh sĩ I-xra-en bị bắt cóc. Mỹ cũng nhấn mạnh cần phải cảnh báo một số quốc gia như  Xy-ri và I-ran vì cho rằng họ đã đứng đằng sau Héc-bô-la trong chiến dịch gây hấn với I-xra-en. Còn tổ chức Hội nghị Hồi giáo cũng không thuyết phục được các tổ chức Hồi giáo theo đường lối cực đoan ở Li-băng và Pa-le-xtin ngừng các hoạt động bạo lực. Liên đoàn các nước A-rập cũng đã nhóm họp tại Cai-rô ngày 15-7, kêu gọi I-xra-en ngừng tấn công vào thường dân và sẽ làm trung gian hoà giải giữa I-xra-en và các nhóm vũ trang Ha-mát cũng như Héc-bô-la. Tuy nhiên, Liên đoàn A-rập cũng thiếu sức mạnh của sự đoàn kết nhất trí để ngăn chặn cuộc xung đột đang leo thang trong khu vực. Ngày 20-7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Trung Đông phải ngừng ngay xung đột và đổ máu, vì Li-băng và các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin “đang đứng bên bờ vực của một thảm hoạ nhân đạo quy mô lớn”.
Trên thực tế, các bên tham chiến trong cuộc xung đột hiện nay đang tìm cách đổ lỗi cho nhau. Còn những nước đứng đằng sau thì lại nuôi những mưu đồ của riêng  mình. Theo báo “Người bảo vệ” của Anh dẫn các nguồn tin  châu Âu, Anh và I-xra-en cho rằng Mỹ đã “bật đèn xanh” cho I-xra-en tấn công Héc-bô-la tại Li-băng trong một thời gian nhất định, trước khi cùng cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn. Mỹ đã phủ nhận điều này, nhưng dư luận quốc tế khó tin bởi ngày 18-7 hãng AFP (Pháp) nói rằng Mỹ đã từ chối kêu gọi ngừng bắn giữa I-xra-en và Héc-bô-la. Mặt khác, Tổng thống G.W.Bu-sơ cũng nói: “Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, thế giới phải giải quyết vấn đề Héc-bô-la, Xy-ri và tiếp tục hợp tác để cô lập I-ran”. Ngoại trưởng C.Rai-xơ cũng nói rõ là thoả thuận ngừng bắn giữa I-xra-en và Héc-bô-la chỉ có thể đạt được “khi giải quyết xong vấn đề Héc-bô-la gây hấn, và khi có điều kiện”.
Theo các nhà phân tích thì tình hình Trung Đông hiện nay là vô cùng phức tạp. Chiến sự có thể không chỉ diễn ra giữa I-xra-en với Ha-mát ở Ga-da và với Héc-bô-la ở Li-băng mà có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực, lôi kéo nhiều nước tham gia. Có tin, I-xra-en có thể tấn công cả Xy-ri được coi là cùng với I-ran ủng hộ Héc-bô-la. Tổng thống I-ran  M. A-ma-đi-nê-giát nói rằng, nếu I-xra-en tấn công Xy-ri, điều này đồng nghĩa với một cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ thế giới Hồi giáo, và I-xra-en sẽ phải đối mặt với những sự phản ứng quyết liệt, sự ủng hộ của I-ran đối với Xy-ri là tất yếu. Có tin, I-ran cũng muốn nhân cơ hội này để “giải quyết” I-xra-en, nước mà Tổng thống M.A-ma-đi-nê-giát từng tuyên bố phải được xoá tên trên bản đồ thế giới. Hy vọng, đó chỉ là những tin đồn, những lời phỏng đoán, không bao giờ trở thành hiện thực. Bởi hiện thực đó sẽ là cơn ác mộng, là thảm hoạ cho cả khu vực Trung Đông và thế giới cũng phải gánh chịu.
Thực tế lịch sử cũng như hiện tại cho thấy bạo lực, khủng bố, chiến tranh không thể là giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề cơ bản ở khu vực Trung Đông nói riêng cũng như thế giới nói chung. Trong vòng hơn nửa thế kỷ nay, từ khi Nhà nước I-xra-en ra đời (1948), bạo lực, xung đột vũ trang chưa bao giờ ngừng hẳn, đã từng diễn ra bốn cuộc “chiến tranh Trung Đông” giữa I-xra-en và thế giới A-rập, nhưng vấn đề I-xra-en  -  Pa-le-xtin nói riêng, mâu thuẫn, xung đột giữa I-xra-en với thế giới A-rập nói chung vẫn tồn tại. Các cuộc chiến tranh Li-băng (1982), chiến tranh vùng Vịnh (1991), chiến tranh I-rắc (2003) cũng không giải quyết được các vấn đề cơ bản ở Trung Đông mà chỉ mang lại sự tàn phá, chết chóc, thiệt hại cho các bên tham chiến. Giờ đây, các tổ chức vũ trang Ha-mát và Héc-bô-la dùng thủ đoạn bạo lực mang tính khủng bố, giết hại, bắt cóc binh sĩ I-xra-en để đổi lấy việc phóng thích các tù nhân Pa-le-xtin nhưng cũng chỉ là ảo tưởng, không những không thể đạt mục tiêu mà lại gây nên một vòng xoáy bạo lực mới rất nguy hiểm ở Trung Đông. I-xra-en dùng lực lượng quân sự hùng hậu tấn công ác liệt vào dải Ga-da và Li-băng, vượt quá giới hạn của sự trả đũa và giải cứu con tin cũng chẳng thể đạt mục tiêu đặt ra mà chỉ gây nên những “thảm họa nhân đạo” cho thường dân vô tội và bị dư luận chỉ trích, lên án. Hơn thế nữa, I-xra-en càng tấn công, đánh phá Li-băng càng ác liệt, thì lực lượng Héc-bô-la càng lớn mạnh, càng được lòng dân ở Li-băng. Đáng chú ý là tờ nhật báo Haaretz của I-xra-en cũng đã lên tiếng cảnh báo nhà cầm quyền nước này hãy “coi chừng lọt bẫy". “Cái bẫy” này được giăng ra: đầu tiên phái Ha-mát từ Ga-da xâm nhập lãnh thổ I-xra-en, bắt đi binh sĩ I-xra-en thứ nhất, buộc I-xra-en trả đũa chính quyền Ha-mát, nhảy vào Ga-da để giải cứu binh sĩ này. Tiếp sau đó, Héc-bô-la tái diễn màn bắt cóc binh sĩ I-xra-en, buộc I-xra-en nhảy vào Li-băng để trả đũa và giải cứu con tin. Như vậy, I-xra-en cùng một lúc đang phải tiến hành hai mặt trận ở Ga-da và Li-băng, đụng độ với hai tổ chức Hồi giáo cực đoan được coi là “khủng bố”, nếu không cẩn thận có thể “đụng chạm” đến Xy-ri và I-ran, hai nhà nước mà Oa-sinh-tơn xếp vào “trục ác quỷ” thì rồi không biết điều gì sẽ đến với Nhà nước Do Thái I-xra-en ?
Quả thực, không bên nào có thể kiếm được lợi lộc trong vòng xoáy bạo lực hiện nay ở Trung Đông, ngoại trừ bọn “lái súng”. Bạo lực, chiến tranh đã và mãi mãi không thể là giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề ở khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều bạo lực, chiến tranh. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là các bên tham chiến, đặc biệt là I-xra-en phải ngừng bắn, chấm dứt xung đột, các lực lượng tham chiến trở về vị trí của mình như trước khi xảy ra vòng xoáy bạo lực mới. Các lực lượng Ha-mát, Héc-bô-la phải trao trả các con tin I-xra-en mà họ bắt giữ. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là LHQ, các cường quốc cần thống nhất ý chí, hành động, nêu cao vai trò, trách nhiệm giữ gìn hòa bình, an ninh ở khu vực Trung Đông và thế giới, có những biện pháp tích cực, có hiệu quả hơn để chấm dứt xung đột; khởi động lại “tiến trình hòa bình Trung Đông”. Đây là nguyện vọng của nhân dân, là lợi ích của hòa bình, ổn định ở khu vực trọng điểm chiến lược này cũng như của toàn thế giới.
 
Nguyễn Trung

 

Ý kiến bạn đọc (0)