QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:24 (GMT+7)
Binh đoàn 16 với nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế-quốc phòng trên địa bàn chiến lược Nam Tây Nguyên-Bình Phước

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quyết định số135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 08-12-1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định (số1788/1998/QĐ-BQP) thành lập Binh đoàn 16.

 Được ra đời, thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng là vinh dự to lớn, nhưng cũng là trọng trách nặng nề, khó khăn của Binh đoàn. Dự án xây dựng khu KT-QP mà Binh đoàn đảm nhiệm mang tính tổng hợp thuộc cả lĩnh vực kinh tế- xã hội (KT-XH) lẫn quốc phòng- an ninh (QP-AN), được triển khai trên địa bàn 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, suốt dọc chiều dài 500 km trên tuyến biên giới Việt Nam- Căm-pu-chia. Nơi đây, hậu quả của chiến tranh để lại còn rất nặng nề, tiềm năng cả một vùng đất đai rộng lớn, hoang vu chưa được khai thác; đường sá đi lại rất khó khăn; kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp; mật độ dân cư thưa thớt, có nơi trên tuyến biên giới gần 50 km chưa có dân sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo và dân di, dịch cư tự do; trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu; đời sống nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao; QP-AN chưa được củng cố, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định...  

 Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trên mặt trận mới của một đơn vị mới thành lập và với ý thức, trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Binh đoàn (được điều động từ các đơn vị của Quân khu 5, Quân khu 7, Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 và một số đơn vị khác) đã đồng tâm, hiệp lực, vừa nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, triển khai vị trí đóng quân, xây dựng doanh trại, củng cố nơi ăn, ở, làm việc, vừa khẩn trương triển khai thực hiện Dự án. Hình ảnh người chiến sĩ “lưng mang ba lô, khẩu súng quàng vai” hành quân ra trận và “rau rừng, mắm kem, bếp Hoàng Cầm”, ở trong lều bạt, lán trại tạm giữa rừng núi của thời kỳ chiến tranh lại tái hiện với cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn những ngày đầu đi “mở đất” trên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới của Tổ quốc. 

Trên cơ sở Dự án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh đoàn đã chủ động phối hợp với các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển các khu KT- QP trong vùng Dự án theo “lộ trình” và được phân kỳ phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng đầu tư.

Xuất phát từ mục tiêu dự án, thực tế của địa bàn và rút kinh nghiệm từ mô hình xây dựng khu KT-QP của đơn vị bạn, Binh đoàn xác định chủ trương xuyên suốt là: Lấy phát triển KT-XH là nhiệm vụ trung tâm và phải được kết hợp chặt chẽ với củng cố QP-AN, làm cho mỗi bước phát triển sản xuất kinh tế là một bước phát triển về xã hội- dân cư và cũng là một bước tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN trên địa bàn.

 Để thực hiện các mục tiêu Dự án, Binh đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép các mục tiêu của khu KT-QP với các mục tiêu, chương trình phát triển KT-XH của các địa phương, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo, di dân, định canh, định cư, phát triển giáo dục, văn hóa, y tế; vận động nhân dân tham gia sản xuất trong các khu KT-QP...

Trong phát triển KT-XH, Binh đoàn ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng trước và kết hợp với bố trí các điểm dân cư theo kế hoạch phát triển sản xuất; từng bước thực hiện đa dạng hóa ngành nghề mà trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, kết hợp sản xuất với kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ kỹ thuật, vừa giúp dân xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, vừa tạo bước đi vững chắc cho quá trình thực hiện Dự án. Đến nay, Binh đoàn đã xây dựng được 9 khu KT-QP trên vùng đất rộng lớn thuộc địa bàn 22 xã, 8 huyện của 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước. Xây dựng, nâng cấp trên 400 km đường, trong đó làm mới 254,4 km; xây dựng 133, 6 km đường dây điện, 77 công trình thủy lợi, 110.000 m2 nhà ở các loại; xây dựng 40 trường học, 62 nhà trẻ, 1 bệnh viện, 6 bệnh xá, hệ thống phát thanh, truyền hình, nhà văn hóa, chợ... Binh đoàn đã chuyển mục đích sử dụng 23.929 ha (trong tổng số 47.327 ha diện tích đất được giao), tổ chức khai hoang và trồng được hơn 11.000 ha các loại cây công nghiệp, gồm: cao su, cà phê, điều cao sản, hồ tiêu...Ngoài cây công nghiệp, Binh đoàn đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và cây ăn quả, gieo trồng 6.416 ha, thu hoạch hơn 60.000 tấn các loại (31.000 tấn sắn, 21.850 tấn lúa, 5.152 tấn ngô, 1.350 tấn khoai lang, 2.357 tấn đậu các loại, gần 7.000 tấn rau xanh); phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm (trên 3200 con trâu, bò, gần 15.000 con lợn, trên 3.300 con dê...). Đặc biệt, trong quá trình triển khai Dự án, Binh đoàn đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí lại các điểm, cụm dân cư, di dân và ổn định dân cư. Binh đoàn đã quy hoạch, bố trí được 68 cụm, điểm dân cư trong vùng Dự án, hình thành các buôn, làng, thị tứ, thị trấn chạy dọc tuyến biên giới (thành lập thêm 3 xã mới) với trên 5.000 hộ dân, gần 20.000 nhân khẩu; giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, trong đó có 1.409 hộ dân đi xây dựng kinh tế mới (tỉnh Bến Tre:1000, tỉnh Thanh hóa: 409). Bên cạnh đó, Binh đoàn đã tổ chức tái định cư cho 312 hộ dân người Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc, 1.342 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và hơn 1.200 hộ gia đình cán bộ, nhân viên Binh đoàn. Để ổn định đời sống dân cư, Binh đoàn đã phối hợp với các địa phương tổ chức khai hoang, cấp đủ đất ở, đất canh tác cho các hộ dân theo quy định (bình quân đất ở 1.000m2/ hộ, đất canh tác 1ha/ hộ); tổ chức giao, nhận khoán vườn cây công nghiệp cho 3.235 hộ với 3.235 ha đất sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: nước, điện, đường, trường, trạm, các cơ sở phúc lợi công cộng; tổ chức hướng dẫn, tập huấn về quy trình kỹ thuật, hướng dẫn trồng xen cây ngắn ngày khi cây công nghiệp chưa khép tán; tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp, chủ yếu là phân bón, giống vật nuôi, cây trồng; chế biến và tiêu thụ sản phẩm, làm dịch vụ “hai đầu" cho dân... Nhờ vậy, các hộ dân tham gia Dự án và người lao động trong Binh đoàn yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống từng bước được nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố niềm tin cho nhân dân xây dựng cuộc sống trên vùng kinh tế mới.

Cùng với đẩy mạnh phát triển KT-XH, kết hợp với tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN trong quá trình thực hiện các mục tiêu Dự án, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí lại dân cư trên vành đai biên giới, phát triển sản xuất, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia sản xuất trong khu KT-QP, Binh đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Binh đoàn thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, trước hết là chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Bên cạnh xây dựng lực lượng khung thường trực, Binh đoàn thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng tự vệ (6 đại đội) theo đúng Pháp lệnh Dân quân tự vệ, phù hợp với tổ chức sản xuất theo mô hình khu KT-QP; thành lập Sư đoàn dự bị động viên 16 (theo Quyết định số 54/2006/QĐ-BQP, ngày 04- 04-2006 của Bộ Quốc phòng), trên cơ sở động viên lực lượng tại chỗ và thực hiện động viên lực lượng dự bị của 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương. Các lực lượng trên thường xuyên được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự theo chương trình, nội dung quy định, phù hợp với đặc điểm, điều kiện địa bàn, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ, hiệu quả hoạt động, thực sự là nòng cốt trong bảo đảm QP-AN của vùng dự án, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trên tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Từ Binh đoàn đến các đơn vị luôn nắm chắc tình hình, dự kiến các tình huống, chủ động đối phó có hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Hệ thống văn kiện SSCĐ, phòng chống thiên tai, phòng chống cháy nổ, cháy rừng thường xuyên được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với nhiệm vụ và tình hình thực tế của Binh đoàn. Binh đoàn luôn duy trì nghiêm các chế độ SSCĐ; thực hiện 4 tại chỗ (lãnh đạo, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, bảo đảm tại chỗ), kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống, kể cả thiên tai, lũ lụt (trận lụt lớn ở EaSúp năm 2007, lực lượng Binh đoàn đã kịp thời sơ tán 340 hộ gia đình ra khỏi vùng ngập lụt, tìm kiếm, cứu thoát 47 người dân bị kẹt trong vùng lũ lớn). Binh đoàn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương và bộ đội biên phòng, các đơn vị đứng chân trên địa bàn kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn nơi “phên dậu” của Tổ quốc.

Trải qua 10 năm thành lập và triển khai thực hiện Dự án xây dựng khu KT-QP, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động Binh đoàn đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, cần cù lao động sản xuất, cải biến một vùng đất đai rộng lớn, rậm rạp, hoang vu, thưa vắng dân cư, tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới Tổ quốc trở thành vùng kinh tế phát triển và nhiều triển vọng, dân cư-xã hội tiến bộ, vững vàng thế trận QP-AN. Gần 20.000 ha đất hoang hóa trước đây được che phủ bởi hàng triệu cây công nghiệp các loại đã cho thu hoạch; các loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả phủ kín các vùng đồi, khe suối. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ; mạng đường sá được xây dựng, nâng cấp vào các vùng sản xuất và nối thông các địa bàn khu vực dọc tuyến biên giới; các công trình công cộng, nhà dân mới được xây dựng trải rộng khắp vùng Dự án; đưa hệ thống đường dây tải điện về thắp sáng từng nhà, đưa y tế, giáo dục, văn hóa về tới các buôn, sóc, làng, bản. Nhiều vùng, mấy năm trước còn hoang vu, thưa vắng dân cư, đến nay đã trở thành những cụm làng, bản, thị tứ, thị trấn ngày càng khởi sắc trên vành đai biên giới. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình trong vùng Dự án được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình khá giả, đồng bào yên tâm gắn bó xây dựng quê hương mới. Tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường, tạo cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc địa bàn, nhất là trên tuyến biên giới.

Đi đôi với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-QP, Binh đoàn luôn chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là về chính trị. Binh đoàn thường xuyên giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, người lao động Binh đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hệ thống tổ chức, biên chế thường xuyên được kiện toàn theo hướng “gọn, mạnh, hiệu quả”; chú trọng đẩy mạnh công tác huấn luyện gắn với xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động được cải thiện; quản lý tốt, khai thác có hiệu quả vũ khí, trang bị; xây dựng được mối quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trong vùng Dự án và vùng lân cận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Binh đoàn còn những mặt thiếu sót, tồn tại. Do quá trình điều tra, khảo sát vùng dự án chưa kỹ, chọn đất thâm canh một số loại cây công nghiệp chưa phù hợp, triển khai nóng vội, nên chất lượng một số vườn cây không được như mong muốn. Việc triển khai thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi phương thức khoán cho các hộ dân chăm sóc vườn cây còn chậm. Nền nếp chính quy, khả năng SSCĐ còn những mặt hạn chế, xử lý một số tình huống còn lúng túng...

Ghi nhận sự phát triển của Binh đoàn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã về thăm và biểu dương thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ KT-QP. Binh đoàn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều phần thưởng khác.  

Từ thực tiễn quá trình xây dựng và trưởng thành, Binh đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm quý giá. Đó là: Luôn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN. Thường xuyên phát huy vai trò, trách nhiệm chính trị của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, công nhân viên và người lao động. Tăng cường công tác dân vận, nâng cao hiệu quả xây dựng địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ KT-QP.

10 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, người lao động Binh đoàn đã nêu cao ý chí, quyết tâm, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, vượt khó, chủ động, tự lực, tự cường”. Đây là nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển của Binh đoàn trong thời gian tới.  

Phát huy kết quả, kinh nghiệm, truyền thống 10 năm qua, Binh đoàn tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trên địa bàn chiến lược xung yếu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thiếu tướng Nguyễn Doãn Não

Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)