QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:00 (GMT+7)
Binh đoàn 15, sau 25 năm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng

Ngày 20 - 2 - 2010 đánh dấu chặng đường 25 năm thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (KT-QP) của Binh đoàn 15. Ra đời và thực hiện nhiệm vụ KT-QP với quy mô lớn, trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, gắn liền với thời kỳ đổi mới của đất nước, do vậy, yêu cầu và khó khăn, thách thức đặt ra với Binh đoàn là rất lớn. Quán triệt sâu sắc 2 nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới; được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, các đơn vị bạn; của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trên địa bàn công tác, Binh đoàn đã phát huy cao độ trách nhiệm chính trị, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn luôn nhận thức sâu sắc rằng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KT-QP phải được thể hiện tập trung ở việc hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao và qua giá trị tổng hợp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh (QP-AN) mà Binh đoàn đóng góp với địa bàn. Trong tổ chức thực hiện, trước hết, Binh đoàn đã tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), lấy đó làm khâu trọng tâm,  "đòn bẩy" để tham gia tích cực vào các chương trình của Nhà nước và các địa phương trong điều chỉnh lao động, tạo việc làm, bố trí lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị-xã hội, góp phần tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả SXKD, Binh đoàn đã tiến hành đồng bộ các giải pháp về tư tưởng, tổ chức, chính sách sát hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Binh đoàn đã tổ chức đánh giá lại năng lực thực tế của các doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch SXKD hằng năm gắn với kế hoạch 5 năm, sao cho phát huy lợi thế của từng đơn vị, mở rộng địa bàn hoạt động và ngành nghề SXKD; nghiên cứu, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý đối với từng dự án, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, giống mới; xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm của Binh đoàn theo tiêu chuẩn ISO; xúc tiến việc thăm dò, phát triển thị trường. Từ đó, Binh đoàn tiến hành xây dựng các phương án khoán sản phẩm, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá tiền lương cho các ngành nghề, phù hợp với chế độ, chính sách của Nhà nước và thực tế của đơn vị. Việc làm này có tác dụng tích cực nâng cao hiệu quả SXKD, đảm bảo cả lợi ích của doanh nghiệp và của người lao động.

Việc đổi mới giải pháp tổ chức SXKD là động lực quan trọng để tạo nên sự đột phá về năng suất, sản lượng, hiệu quả SXKD. Tính riêng trong 5 năm gần đây (từ năm 2004 đến năm 2009) sản lượng mủ cao su bình quân trên mỗi héc-ta đã tăng 2,5 lần; sản lượng cà phê tăng 2 lần; giá trị sản xuất tăng 5 lần; doanh thu tăng 2,5 lần; lợi nhuận trước thuế tăng 12,42 lần; nộp ngân sách tăng 3,2 lần. Vượt qua nhiều khó khăn trong SXKD, Binh đoàn đã ngày càng đứng vững trong cơ chế thị trường, bảo toàn và phát triển được nguồn vốn; đảm bảo SXKD đúng pháp luật và các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng; đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 14.000 lao động, trong đó có gần 8.000 lao động là người dân tộc địa phương. Thu nhập và đời sống của người lao động và mọi thành viên trong Binh đoàn đã ngày càng được cải thiện: năm 2009, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 3,52 triệu đồng/tháng; nhiều đơn vị có thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng, như: Công ty 72, 74, 75, 711…; nhiều hộ gia đình có thu nhập từ kinh tế vườn đồi lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như các gia đình: Rơ Mak-Brao (Công ty 75), Hoàng Minh Tuấn (Công ty 72), Cao Thị Phương (Công ty 74),v.v.

Cùng với phát triển SXKD, Binh đoàn đã chú trọng kết hợp xây dựng địa bàn dân cư về kinh tế, chính trị, xã hội. Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng để khơi dậy nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển; đồng thời, thiết thực củng cố, tăng cường thế trận, tiềm lực QP-AN trên địa bàn chiến lược của đất nước. Thông qua việc thực hiện các chủ trương "Phát triển sản xuất đến đâu, xây dựng cơ sở hạ tầng và khu dân cư đến đó" và gắn giữa các cấp trong Binh đoàn với tỉnh, huyện, xã, thôn, làng, Binh đoàn đã tham gia có hiệu quả vào việc tạo dựng vành đai biên giới và vùng lãnh thổ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước ta ở địa bàn Tây Nguyên.

Những năm qua, Binh đoàn đã xây dựng các trung tâm dân cư ở các khu vực Yên Thế, Đức Cơ, I-a-gơ-Rai, Chư PRông (Gia Lai); Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum)… Các cụm dân cư được tổ chức gắn với các khu sản xuất tập trung của các nông trường, công ty, các đội sản xuất, đan xen với các bản, làng của địa phương, tạo thành các tuyến kinh tế-xã hội, KT-QP nằm rải trên 300 km địa bàn biên giới. Công tác xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đã được tiến hành tích cực. Binh đoàn đã mở mới, nâng cấp, đưa vào sử dụng gần 500 km đường giao thông; xây dựng 3 nhà máy thủy điện công suất nhỏ; hơn 60 km đường dây dẫn điện; 33 hồ đập ngăn, chứa nước; hệ thống trường học, nhà mẫu giáo, bệnh xá… Sự thay đổi về dân cư, cơ sở hạ tầng nói trên đã góp phần nâng cao năng lực kinh tế, phục vụ đời sống người lao động và đồng bào các dân tộc trên địa bàn; đồng thời có ý nghĩa thiết thực đối với yêu cầu QP-AN, góp phần ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả xây dựng địa bàn, Binh đoàn đã vận dụng nhiều nội dung, hình thức, như: tổ công tác xây dựng địa bàn; tổ chức kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, đội  sản xuất với 130 thôn, làng. Đặc biệt, từ 2006 đến nay đã tổ chức gắn kết được gần 2.000 hộ gia đình công nhân với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các hình thức đó, Binh đoàn đã phối hợp với địa phương giúp dân mở rộng diện tích canh tác, đổi mới phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm; trình diễn mô hình làm lúa nước, chăn nuôi bò, khai hoang, phục hóa đồng ruộng…; đào tạo và đào tạo lại nâng tay nghề cho thợ khai thác mủ cao su, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Binh đoàn cũng đã làm tốt việc vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc ở các công ty, đơn vị, giao khoán vườn cây cho các hộ gia đình chăm sóc, thu hoạch. Nhờ đó, thu nhập của hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều tăng, từng bước xóa đói, giảm nghèo… Cùng với đó, Binh đoàn đã thực hiện tốt các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", như: xây dựng nhà tặng công nhân và nhân dân trên địa bàn; thăm và tặng quà các cháu tật nguyền, các gia đình chính sách; tổ chức khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; tham gia các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm, cầu cống, kênh mương, trạm thu phát sóng truyền hình, các khu vui chơi cho các cháu…

Hoạt động của Binh đoàn chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, hệ thống chính trị nhiều nơi còn mỏng, yếu; trình độ dân trí thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. Thêm vào đó là sự tăng cường chống phá dưới các chiêu bài "dân tộc", "tôn giáo", "dân chủ", "nhân quyền" của các thế lực thù địch. Bởi vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng. Hằng năm, các đơn vị đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ về cơ sở phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của địa phương, thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền lợi của nhân dân đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch, không theo bọn phản động Fulrô, "Tin lành Đề ga", không tham gia biểu tình, bạo loạn và vượt biên trái pháp luật sang Cam-pu-chia. Các đơn vị đã chú trọng tuyên truyền chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc, phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt Luật Đất đai; vận động nhân dân thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" và các hoạt động "Xóa đói, giảm nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa". Các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền trọng điểm vào các dịp lễ, tết, bầu cử Quốc hội, đại hội đảng bộ các cấp; vận dụng linh hoạt các hình thức: tuyên truyền miệng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chiếu phim, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách cho nhân dân, góp phần định hướng tư tưởng, làm cho nhân dân gắn bó với Binh đoàn, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch công tác, duy trì sinh hoạt, giao ban hằng tháng, sơ, tổng kết hằng năm và tham gia giúp cấp ủy các cấp (đặc biệt là cấp xã, thôn) nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; làm tốt công tác rèn luyện đội ngũ đảng viên, phát triển đảng viên mới, góp phần cùng địa phương xóa tình trạng thôn, làng "trắng" đảng viên… Nhờ đó, bộ máy chính quyền từ xã đến thôn, làng trên địa bàn từng bước được củng cố, hoạt động có nhiều tiến bộ, giải quyết tốt những vướng mắc trong nhân dân.

Cùng với việc phát triển sản xuất, tăng cường xây dựng cơ sở chính trị-xã hội để tạo ra tiền đề vật chất, tinh thần cơ bản cho QP-AN, Binh đoàn đã chú trọng phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng tự vệ và lực lượng dự bị động viên, Binh đoàn đã tổ chức, sắp xếp các lực lượng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; tăng cường chất lượng công tác huấn luyện quân sự và hiệu quả hoạt động thực tế. Tỷ lệ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị đạt trên 91,2%; kết quả huấn luyện quân sự hằng năm đạt 100% yêu cầu, có 70% đạt khá, giỏi. Binh đoàn đã chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền một số huyện trên địa bàn thành lập "Ban chỉ đạo thống nhất" để tăng cường các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, đã xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan Quân sự, Biên phòng, Công an để thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Những việc làm trên đã góp phần làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch được ngăn chặn kịp thời.

25 năm phấn đấu không mệt mỏi, kề vai, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương, Binh đoàn 15 đã góp phần tích cực vào việc thay đổi bộ mặt kinh tế, chính trị, xã hội, tăng cường tiềm lực QP-AN, tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự ổn định và phát triển trên địa bàn công tác. Quá trình đó, đồng thời cũng bồi đắp cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, người lao động của Binh đoàn những giá trị tốt đẹp về phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong lĩnh vực công tác mới; để lại cho cấp ủy và chỉ huy các cấp trong Binh đoàn những bài học quý báu về lãnh đạo và tổ chức tiến hành nhiệm vụ KT-QP. Đó là:

- Phải luôn luôn quán triệt sâu sắc 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế sao cho phù hợp với nhiệm vụ, đặc điểm, điều kiện của đơn vị.

- Thường xuyên coi trọng và có các chủ trương, phương thức thích hợp để củng cố, tăng cường quan hệ gắn bó giữa Binh đoàn với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn công tác.

- Trên cơ sở chú trọng toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT-QP cần có những giải pháp đột phá có tính đòn bẩy, tạo động lực.

- Chăm lo xây dựng tổ chức và con người vững mạnh toàn diện, đáp ứng kịp thời những yêu cầu phát triển của nhiệm vụ trong tình hình mới…

Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN SANG

Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)