QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 00:53 (GMT+7)
Binh đoàn 15 phối hợp với địa phương và các lực lượng trên địa bàn tham gia xây dựng cơ sở chính trị - xã hội
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và quân đội, Binh đoàn 15 đã trải qua hơn 22 năm làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên địa bàn Tây Nguyên. Thành quả hoạt động của Binh đoàn những năm qua đã góp phần thay đổi tích cực bộ mặt kinh tế, xã hội, dân cư... nơi đây. Trên dải vành đai biên giới phía Tây tiếp giáp với Cam-pu-chia và Lào dài hàng trăm cây số vốn hoang sơ, thưa thớt dân cư, bị chiến tranh tàn phá nặng nề trước đây, nay đã trở thành một vùng cây công nghiệp rộng lớn với hơn 2 vạn héc-ta cao su, cà phê. Cùng với đó là sự hình thành các cụm điểm dân cư mới với hàng vạn người từ nhiều địa phương cả nước; trong đó có một bộ phận đáng kể là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên được tuyển dụng vào làm việc và một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân cư. Những thay đổi tích cực trên có giá trị rất quan trọng đối với yêu cầu củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN), sự ổn định và phát triển của địa bàn cả về trước mắt và lâu dài.

Tham gia tích cực, thường xuyên, có hiệu quả công tác xây dựng cơ sở chính trị-xã hội (CT-XH) trên địa bàn Tây Nguyên là một trong những thành quả chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ KT-QP của Binh đoàn vừa qua. Có được thành quả đó, trước hết, lãnh đạo, chỉ huy Binh đoàn đã quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, đường lối, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và quân đội trong thời kỳ mới, nhất là việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; kết hợp kinh tế với quốc phòng; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chủ trương xây dựng và phát triển Tây Nguyên; xây dựng các khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược... Trên cơ sở đó đề ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT-QP sát đúng, phù hợp với thực tế tình hình, nhiệm vụ của Binh đoàn, của địa bàn. Binh đoàn đã luôn chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động giữ vững và phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện nhiệm vụ KT-QP. Do vậy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng hầu hết mọi thành viên trong Binh đoàn đã có ý thức, trách nhiệm đúng đối với nhiệm vụ, không nề hà gian khổ, gắn bó với sản xuất, với đồng bào các dân tộc, góp phần thực hiện tốt các yêu cầu xây dựng địa bàn vững mạnh.

Những khó khăn, hạn chế của các địa phương cơ sở chủ yếu là: đời sống kinh tế, văn hóa của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; nhận thức về các vấn đề CT-XH của nhân dân nhìn chung còn đơn giản, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở một số địa phương cơ sở còn nhiều bất cập. Cùng với những khó khăn do tác động bởi những yếu tố địa lý, dân cư, xã hội, gần đây trên địa bàn còn nổi lên các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch câu kết, móc nối với bên ngoài gây ảnh hưởng xấu tới ổn định an ninh CT-XH. Sau các vụ việc xảy ra năm 2001 và 2004, gần đây các thế lực thù địch đang tăng cường tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; kích động chia rẽ dân tộc, tôn giáo; lôi kéo vượt biên trái phép, truyền đạo trái pháp luật...
Trong các chủ trương, giải pháp tổng thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KT-QP đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng cơ sở CT-XH trên địa bàn. Trong đó, việc tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị và nhân dân địa phương; với các lực lượng chức năng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ được đặc biệt coi trọng.
Từ nhiều năm trước đây, Binh đoàn đã có chủ trương gắn kết giữa các cơ sở sản xuất với các tổ chức dân cư trên địa bàn; giữa người lao động của Binh đoàn với đồng bào các dân tộc tại chỗ; giữa các tổ chức, đoàn thể, cơ quan của Binh đoàn với các tổ chức, đoàn thể, cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị của tỉnh, huyện, làng, xã trên địa bàn. 100% các tổ, đội sản xuất của Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với các làng, xã địa phương. Toàn Binh đoàn thực hiện thống nhất phương châm "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn làng". Hoạt động gắn kết của Binh đoàn với địa phương được thực hiện theo quy chế, có nền nếp. Theo định kỳ, Binh đoàn và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị giao ban trao đổi tình hình, xác định kế hoạch phối hợp hoạt động cùng giải quyết các vấn đề mà nhiệm vụ KT-QP của Binh đoàn và nhiệm vụ CT-XH của địa phương đang đặt ra. Trước những phát triển mới về an ninh, CT-XH trên địa bàn và những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KT-QP, Binh đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện trên địa bàn cùng bàn bạc, xác định chủ trương, phương hướng phối hợp giải quyết. Gần đây, Binh đoàn và các công ty của Binh đoàn đã cùng với cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tổ chức đánh giá việc tiếp nhận đồng bào địa phương vào làm việc trong Binh đoàn; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất trong dự án KT-QP của Binh đoàn đối với đồng bào địa phương... Đồng thời, xác định các nội dung cần tập trung để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng địa bàn về mặt dân cư, xã hội, giữ gìn an ninh CT-XH, đấu tranh ngăn ngừa kịp thời  hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn.
Luôn có ý thức và trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở CT-XH trên địa bàn, gắn bó chặt chẽ với đồng bào địa phương, các đơn vị cơ sở của Binh đoàn đã có nhiều hình thức, biện pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này. Nội dung công tác dân vận không những được tập trung vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn chú ý vào các nội dung cụ thể, trực tiếp, như vận động đồng bào địa phương vào làm việc với Binh đoàn; xây dựng buôn, làng vững mạnh về CT-XH. Bên cạnh tổ chức thực hiện tốt các hình thức dân vận đã có, ở Công ty 74 của Binh đoàn đã có hình thức kết nghĩa giữa các hộ công nhân của Công ty với các hộ đồng bào trên địa bàn; ở Công ty 75 đang thực hiện phương châm: mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn kết với một hộ đồng bào dân tộc thôn, bản. Bước đầu thực hiện cho thấy, những hình thức này đã có tác dụng tốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tổ chức đời sống giữa các hộ công nhân với các gia đình địa phương. Nếu được tổ chức tốt, đây sẽ là một hình thức góp phần tích cực vào việc tăng cường sự gắn bó giữa Binh đoàn với địa phương. Trước yêu cầu về an ninh CT-XH, Binh đoàn đã chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền 2 huyện biên giới Đức Cơ và Ia Grai thành lập "Ban chỉ đạo thống nhất", nhằm phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nhân dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên trái phép, phá hoại sản xuất; đồng thời, thực hiện các giải pháp thiết thực để tăng cường an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Riêng trong năm 2006, tại huyện Đức Cơ, hoạt động của "Ban chỉ đạo thống nhất" đã vô hiệu hóa nhiều đường dây tổ chức người vượt biên trái phép; tiếp nhận 21 đối tượng vượt biên trở về sinh sống tại cộng đồng.
Trước yêu cầu mới của tình hình, nhiệm vụ, cùng với việc tiếp tục chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong thực hiện xây dựng cơ sở CT-XH, Binh đoàn đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, các lực lượng chức năng, trước hết là lực lượng Công an, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên địa bàn. Từ năm 2004, Bộ Tư lệnh Binh đoàn và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai đã thống nhất xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa hai đơn vị về bảo đảm an ninh CT-XH và phát triển kinh tế trên địa bàn biên giới. Việc làm này đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, buôn bán hàng cấm, các hoạt động tội phạm; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương trên địa bàn biên giới. Năm 2006, lực lượng tự vệ thuộc Đội 16, Công ty 72 của Binh đoàn đã phối hợp với BĐBP Đồn 725 vận động nhiều người dân trên địa bàn không vượt biên trái phép. Riêng ở tỉnh Gia Lai, sự phối hợp giữa Binh đoàn và lực lượng biên phòng trong hoạt động giữ gìn an ninh biên giới đã trực tiếp góp phần làm giảm đáng kể tình trạng vượt biên trái phép.
Năm 2006, Tư lệnh Binh đoàn 15 và Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an ninh nông thôn trên địa bàn biên giới. Sự phối hợp giữa Binh đoàn với lực lượng Công an đã được triển khai theo hướng Binh đoàn gắn với Công an Tỉnh; các công ty gắn với Công an huyện; các đội sản xuất gắn với Công an các xã và các làng trọng điểm về an ninh trật tự, an ninh nông thôn. Nhờ đó, công tác trao đổi thông tin giữa cơ quan và các đơn vị của hai lực lượng được thường xuyên, kịp thời hơn trước, phục vụ thiết thực cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng cơ sở CT-XH trên địa bàn. Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau cùng tiến hành công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn, nên có thể vận dụng nhiều hình thức, huy động nhiều lực lượng cùng tham gia, qua đó hiệu quả hoạt động này đã được nâng lên. Quy chế phối hợp giữa Binh đoàn và lực lượng Công an được ký kết ở các cấp đã tạo ra một lực lượng thống nhất có thể đảm nhận tốt công tác phòng ngừa, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp tác động xấu tới tình hình an ninh CT-XH trên địa bàn. Hoạt động phối hợp này đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấy cắp sản phẩm, phá hoại phương tiện sản xuất trong các cơ sở sản xuất của Binh đoàn; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc ổn định CT-XH ở các địa phương.
Sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực với trách nhiệm chính trị cao giữa Binh đoàn và các lực lượng chức năng trong tiến hành xây dựng cơ sở CT-XH đã trở thành một nhân tố hết sức cần thiết cho sự ổn định và phát triển của địa bàn. Tăng cường đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc làm này, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đối với một địa bàn trọng yếu của đất nước trong bối cảnh còn những khó khăn, phức tạp, là mối quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Binh đoàn 15 hiện nay.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọ
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh đoàn
 
Ý kiến bạn đọc (0)