QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:29 (GMT+7)
Binh đoàn 15 - mô hình thành đạt khu kinh tế-quốc phòng trên địa bàn chiến lược
Binh đoàn 15 được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới” từ đầu năm 2003, rồi Tư lệnh Binh đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cuối năm 2004. Nghe tiếng tăm, sự tích các Anh hùng từ hồi ấy, chúng tôi không khỏi thán phục. Nhưng, “trăm nghe không bằng một thấy”, gần đây chúng tôi quyết định “xẻ dọc Trường Sơn” đi Tây Nguyên, đến Binh đoàn 15 để được trực tiếp “tai nghe mắt thấy” những việc làm và những thành tựu cụ thể.

Đến Binh đoàn 15, được gặp gỡ, tìm hiểu qua các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Binh đoàn, Ban Giám đốc các công ty 72 và 75 và  được đi tham quan một số đội, cơ sở sản xuất-kinh doanh của Binh đoàn, “tai nghe mắt thấy” người thực, việc thực, chúng tôi đã thật sự “tâm phục, khẩu phục” về một mô hình thành đạt gắn kết xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng trên một địa bàn chiến lược quan trọng của Tổ quốc.

Mặc dù bận rộn nhiều công việc, nhưng với lòng mến khách, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Binh đoàn cũng dành thời giờ tiếp đón, trao đổi với chúng tôi trong tình đồng chí, đồng đội chân thành, thẳng thắn, cho chúng tôi tiếp xúc các tài liệu, văn bản và người thực, việc thực ở một số công ty, đội sản xuất của Binh đoàn. Qua đó, chúng tôi thấy được Binh đoàn 15 đúng là một mô hình thành đạt, tiêu biểu của Quân đội ta trong việc quán triệt, thực hiện nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao cho là phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Nhiều hội nghị tổng kết, nhiều bài báo, tài liệu đã nói về mô hình này để học tập, rút kinh nghiệm, nhân điển hình. ở đây, tôi chỉ nêu lên đôi điều cảm nhận của mình. Chúng tôi được biết, hầu hết các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đến thăm Binh đoàn, động viên và định hướng chỉ đạo, tiếp thêm nguồn động lực to lớn để Binh đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng với chủ trương, định hướng chiến lược củ Đảng, Nhà nước và Quân đội trong thời kỳ mới. Trong lần tới thăm Binh đoàn gần đây nhất, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói: “Tôi thường xuyên theo dõi công việc của các đồng chí. Mô hình Binh đoàn 15 giúp cho Trung ương, Bộ Chính trị nghiên cứu để phát triển thêm các khu KT-QP”. Điều đó được tiếp tục khẳng định trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng “tiếp tục phát triển các khu KT-QP, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng - an ninh là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và các khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo”.
Binh đoàn 15 đứng chân ở Tây Nguyên, một địa bàn trọng điểm chiến lược và khu vực nhạy cảm trên biên giới phía Tây Tổ quốc, giáp Lào và Căm-pu-chia.  Chính là một địa bàn trọng điểm chiến lược từng được coi là “mái nhà” của bán đảo Đông Dương, nên trong các cuộc kháng chiến trước đây, các đội quân xâm lược đều tìm cách chiếm lĩnh nơi này để khống chế toàn bộ Đông Dương. Cũng chính trên địa bàn trọng điểm chiến lược này đã từng diễn ra những cuộc chiến đấu oanh liệt chống kẻ thù xâm lược, chống thiên tai, thể hiện ý chí anh hùng, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của người Tây Nguyên. Tiêu biểu từ chàng dũng sĩ Đam San trong huyền thoại đến anh hùng Núp với “Đất nước đứng lên” thời chống Pháp; đến chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng mùa Xuân 1975 của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng chính là địa bàn trọng điểm chiến lược như vậy mà từ sau năm 1975 đến nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng hoạt động chống phá. Chúng sử dụng từ tàn quân Fulro đến “Tin lành Đề-ga” hòng gây bạo loạn lật đổ, mưu toan tách Tây Nguyên ra khỏi Tổ quốc Việt Nam ta.
 Tây Nguyên không chỉ là địa bàn trọng điểm chiến lược giàu truyền thống anh hùng trong chiến đấu, mà còn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá với những di sản quí báu như đàn đá, đàn Tơ-rưng, Klông-pút, nhà Rông, nhà Mồ; từ hàng nghìn bản trường ca, dân ca đã và đang được sưu tầm, xuất bản thành sách, tiêu biểu như trường ca “Đam San” đến “Không gian văn hoá cồng chiêng” mới được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá thế giới”. Chính uỷ Binh đoàn, Đại tá Nguyễn Duy Ngọ quê vùng hội Lim Quan họ nổi tiếng mà Việt Nam ta đang đề nghị UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới” đã tâm sự với tôi về bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá ở quê hương Bắc Ninh và quê hương thứ hai là Tây Nguyên của anh. Qua tiếp xúc với Tư lệnh và Chính uỷ Binh đoàn, chúng tôi hiểu rằng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động ở Binh đoàn 15 thật vinh dự, tự hào được sống, làm việc trên một địa bàn trọng điểm chiến lược và có bề dày truyền thống anh hùng, bất khuất và dày đặc những di sản văn hoá quí báu như Tây Nguyên. Đó cũng là một động lực tiếp sức cho họ xây dựng nên một mô hình thành đạt gắn kết KT-QP. Điều này không nằm ngoài qui luật xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta, qui luật dựng nước và giữ nước của dân tộc ta: thời chiến tranh, chúng ta chiến thắng quân xâm lược không chỉ bằng những gì đang có mà còn bằng cả quá khứ lịch sử và truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngày nay xây dựng và phát triển trong điều kiện hoà bình, chúng ta cũng không chỉ bằng những gì hiện có mà cũng bằng cả quá khứ lịch sử và truyền thống văn hoá của dân tộc, của đất nước.
           
1- Ví dụ một số chỉ tiêu chính mà Binh đoàn đã đạt được trong năm 2005: giá trị sản xuất là 333, 6 tỷ đồng, đạt 115,38% kế hoạch năm (KHN); doanh thu (cả xây dựng cơ bản và tự làm) là 340, 8 tỷ đồng, đạt 111,68% KHN; lợi nhuận trước thuế là 15, 43 tỷ đồng, đạt 102, 3 % KHN; thu nộp ngân sách 29, 49 tỷ đồng, đạt 100, 03% KHN; tiền lương bình quân là 1.070.307 đồng/người/tháng, v.v.
Qua 21 năm xây dựng và trưởng thành, Binh đoàn 15 đã nỗ lực phát huy mọi tiềm năng, từ quá khứ lịch sử đến hiện tại trên địa bàn Tây Nguyên, phấn đấu từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ một số nông, lâm trường, đơn vị sản xuất lương thực kém hiệu quả, tập họp lại đến nay thành một Tổng công ty cấp Nhà nước theo cơ chế tự hạch toán, làm ăn có hiệu quả, hoàn thành mọi chỉ tiêu cơ bản về sản xuất- kinh doanh1 và đạt mục tiêu chung đặt ra đối với các khu KT- QP của Quân đội. Thông qua hoạt động sản xuất- kinh doanh có hiệu quả, Binh đoàn đã tham gia tích cực vào các chương trình của Nhà nước và địa phương (gồm 5 huyện, một thành phố với hơn 20 xã, phường, thị trấn): điều chỉnh lao động, tạo việc làm, phân bố lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, định canh, định cư, xoá đói, giảm nghèo; tham gia thiết thực vào việc xây dựng cơ sở chính trị - xã hội, góp phần tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Binh đoàn đã vận động, tổ chức, tạo việc làm ổn định cho gần 9.000 hộ gia đình với hơn 1,5 vạn lao động và trên 5 vạn người trong vùng dự án, trong đó có hơn 4.000 hộ với hơn 8.000 lao động là người dân tộc địa phương vào làm việc tại các khu KT- QP. Binh đoàn phối hợp với các địa phương tổ chức giáo dục, hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, giúp đỡ đồng bào chuyển đổi sản xuất theo phương thức mới, tạo điều kiện xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào và họ đã được hưởng các lợi ích KT - XH từ hoạt động gắn kết KT- QP của Binh đoàn đem lại. Đây là nhân tố quan trọng cùng với công tác vận động quần chúng do Binh đoàn chủ động phối hợp với địa phương tích cực tiến hành, đã tạo nên ý thức giác ngộ chính trị của người lao động và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Vì vậy, qua hai sự kiện bọn phản động xúi giục gây rối ở Tây Nguyên vào tháng 2-2001 và tháng 4-2004, trong 120 làng bản của 24 xã do Binh đoàn đảm nhiệm vẫn giữ vững ổn định, không có lao động của Binh đoàn, cũng như đồng bào trong vùng dự án tham gia. Cùng với sự phát triển kinh tế, Binh đoàn đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu dân cư tập trung, xây dựng địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN. Binh đoàn thực hiện chủ trương “vườn cây đến đâu, bố trí cụm điểm dân cư đến đó”, “ Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với bản, làng”. Từ chủ trương đó, Binh đoàn đã xây dựng được 120 điểm với 7 trung tâm khu dân cư ở các huyện biên giới thuộc hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Các cụm dân cư này được tổ chức gắn với các khu sản xuất tập trung của các nông trường, công ty, đội sản xuất, đan xen với các bản làng của địa phương, tạo thành các tuyến KT - QP. Điều này đã tạo thuận lợi để Binh đoàn nắm chắc được tình hình dân cư, chính trị, xã hội trên địa bàn và tham gia có hiệu quả vào việc tuyên truyền, vận động  đồng bào các dân tộc trên địa bàn tích cực hưởng ứng các phong trào chính trị, xã hội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sang cho rằng, hiệu quả kinh tế đạt được cũng chưa phải là cao, nhưng hiệu quả tổng hợp về xã hội, QP-AN của các khu KT-QP mà Binh đoàn thực hiện là rất lớn và có ý nghĩa thiết thực đối với sự ổn định và phát triển trước mắt cũng như lâu dài của địa bàn trọng điểm chiến lược Tây Nguyên.
Chúng tôi cho rằng, trong “thời buổi kinh tế thị trường”, người ta chỉ đơn thuần sản xuất, kinh doanh một cách nghiêm chỉnh theo đúng luật pháp mà có hiệu quả, có lãi đã là rất khó, rất tài, đáng khâm phục lắm rồi. ở đây, những người lính - “Bộ đội Cụ Hồ” vốn quen cầm cây súng đánh giặc trước kia, nay làm kinh tế ở vùng rừng núi biên cương Tây Nguyên xa xôi, tự hạch toán trong “cơ chế thị trường” mà có hiệu quả, có lãi (tuy chưa cao, chưa lớn), nhưng điều đáng quí nữa là họ còn luôn giữ vững “định hướng xã hội chủ nghĩa”, định hướng gắn kết KT - QP, làm nòng cốt và góp phần tích cực giữ vững an ninh ở một địa bàn trọng điểm chiến lược, như Binh đoàn 15 đã và đang làm được, thì thật không thể không “tâm phục khẩu phục” !
(Xem tiếp trang 85)
Khi cắt nghĩa nguyên nhân sự thành đạt của mình, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang cũng như các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Ban Giám đốc các Công ty 72 và 75 mà chúng tôi tiếp xúc đều nói nhiều đến những nguyên nhân khách quan, như đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa phương v.v. mà ít nói về mình. Khiêm tốn cũng là một thuộc tính phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân. Nhưng tôi cứ nghĩ rằng, chính nguyên nhân chủ quan, tức là phẩm chất chính trị, óc thông minh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những con người trong Binh đoàn mới là nhân tố có ý nghĩa quyết định xây dựng Binh đoàn trưởng thành, lớn mạnh như ngày nay.
Khi tiếp xúc với các đồng chí ở Binh đoàn 15, ít nhiều tôi đều thấy toát lên vẻ đẹp của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Tôi nghĩ, những phẩm chất mang tính truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã được “Bộ đội Cụ Hồ” ở Binh đoàn 15 kế tục, phát huy, phát triển trong thời kỳ mới. Họ “trung với Đảng” bằng quyết tâm sắt đá thực hiện đường lối, chủ trương, tư tưởng và nhiệm vụ chiến lược của Đảng giao cho là xây dựng, phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng trên địa bàn trọng điểm chiến lược Tây Nguyên. Họ “hiếu với dân”, cụ thể bằng cách thường xuyên làm tốt công tác dân vận với đồng bào dân tộc địa phương, kết nghĩa với các làng, bản, mở trường dạy chữ, dạy nghè, giúp dân phát triển sản xuất, xây “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết” cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo, tạo công ăn việc làm cho dân, giúp dân xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện chuyển giao hàng trăm héc-ta đất đai màu mỡ, địa thế thuạn lợi cho dân địa phương làm nhà ở hoặc canh tác. Đồng chí Thượng tá Đặng Anh Dũng, Giám đốc Công ty 72 thuộc Binh đoàn cho biết, riêng Công ty đồng chí đã bàn giao 70 héc-ta đất tốt, đất đẹp hai bên đường ô-tô cho đồng bào địa phương tái định cư.
Tôi muốn nêu lên một điều cảm nhận của mình về họ - “Bộ đội Cụ Hồ” ở Binh đoàn 15 mà tôi đã tiếp xúc, từ Tư lệnh, Chính uỷ, các đồng chí khác ở Bộ Tư lệnh Binh đoàn, đến các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy ở các công ty, như Đặng Anh Dũng, Hoàng Văn Sinh ở Công ty 72, Trần Văn Khiêm, Nguyễn Hải Triều, nữ đồng chí Hải phụ trách công đoàn ở Công ty 75…Tuy cảm nhận này còn mông lung nhưng là có thật, đó là “khí phách anh hùng”, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội làm kinh tế.  “Khí phách anh hùng” trong xây dựng hoà bình ngày nay, khi “mặt trận kinh tế là hàng đầu”, khi “thương trường là chiến trường” không nhất thiết biểu hiện như anh Trỗi, anh Xuân, nhưng vẫn rất cần thiết phải có “khí phách anh hùng” mới trở thành anh hùng, mới làm nên sự nghiệp anh hùng trong thời kỳ đổi mới hôm nay. Chỉ có điều, biểu hiện của “khí phách anh hùng” hôm nay có khác. Khi tiếp xúc với những “Bộ đội Cụ Hồ” ấy, tôi không thấy có điều gì gọi là “đao to búa lớn”, họ là những con người trầm tĩnh, nhỏ nhẹ, khiêm nhường, ấy vậy mà ít nhiều đều thấy toát lên một “khí phách anh hùng” của thời kỳ đổi mới. Đó là ý chí, là nghị lực, là bản lĩnh chính trị, là quyết tâm không gì lay chuyển nổi, vượt mọi khó khăn, gian khổ, là trí thông minh, lòng dũng cảm, chủ động, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng Binh đoàn, xây dựng từng Công ty trong Binh đoàn thành mô hình thành đạt gắn kết KT- QP như hôm nay. Tôi mạo muội gọi họ là những người “có chí làm quan, có gan làm giàu”. Họ là những sĩ quan trung, cao cấp của Quân đội đang mang tài trí, sức lực để phục vụ, để cống hiến trên một địa bàn trọng điểm chiến lược. Họ “có chí làm giàu” trước hết là làm giàu cho Công ty, cho Binh đoàn, cho Tây Nguyên và cho đất nước chứ không phải như không ít người chỉ chăm chăm thu vén làm giàu cho riêng mình.
Từ trụ sở Binh đoàn 15 đến các Công ty 72 và 75 thuộc Binh đoàn, xe chúng tôi lướt trên những con đường trải nhựa, xuyên qua những vườn, rừng cao su, cà phê của Binh đoàn xanh mướt, hoà quyện với màu đất đỏ Ba-dan, kéo dài hàng chục cây số, đến sát biên giới với Căm-pu-chia, mỗi năm cho ra hàng ngàn, hàng vạn tấn sản phẩm xuất khẩu mang lại ngoại tệ góp phần làm giàu cho đất nước. Cơ ngơi, nơi ăn chốn ở, làm việc, vui chơi, giải trí từ Bộ tư lệnh Binh đoàn đến các công ty đều khá đầy đủ, khang trang. Chúng tôi thật ngỡ ngàng và vui mừng trước những cảnh tượng đó. Thiếu tá Hợi, trợ lý tuyên huấn Binh đoàn, như một “hướng dẫn viên du lịch” đi cùng chúng tôi, nói: “ Có được như ngày nay là phải trả bằng biết bao mồ hôi và cả xương máu đấy, các anh ạ !”. Điều đó là đương nhiên. Có sự thành đạt nào mà chẳng phải trả giá. Các đồng chí ở Công ty 72, 75 bồi hồi nhớ lại và kể cho chúng tôi về những buổi đầu thành lập Công ty, Binh đoàn. Vùng biên cương hẻo lánh này còn là nơi “rừng thiêng nước độc”, bạt ngàn là cỏ tranh, cỏ le, cỏ đuôi chồn lẫn với bom, mìn, chất độc hoá học, bệnh sốt rét hoành hành. Còn biết bao khó khăn, thách thức, có lúc tưởng như không thể vượt qua từ hồi “khai thiên lập địa” thành lập các nông, lâm trường, công ty, Binh đoàn, cho đến nay đâu đã hết, chỉ có những khó khăn, trở ngại mới, muôn hình muôn vẻ không ngừng xuất hiện, đòi hỏi phải vượt qua. Thiếu tướng Tư lệnh Binh đoàn Nguyễn Xuân Sang tâm sự, anh và các đồng chí trong Binh đoàn luôn phải đứng trước câu hỏi “có dám đương đầu với khó khăn, thách thức hay không ?”. Rồi anh lại tự trả lời bằng câu nói chắc nịch với giọng trầm ấm của vùng quê Lệ Thuỷ, Quảng Bình rằng: “Có động đất, sóng thần, Binh đoàn chúng tôi vẫn kiên trì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, quyết hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ gắn kết xây dựng kinh tế với quốc phòng trên địa bàn trọng điểm chiến lược Tây Nguyên”.
 
Nguyễn Trung
 

Ý kiến bạn đọc (0)