QPTD -Thứ Hai, 08/08/2011, 00:06 (GMT+7)
Binh đoàn 12 phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trên mặt trận kinh tế-quốc phòng

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ đã mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam; miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH; ở miền Nam, đế quốc Mỹ dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm, xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ kẻ thù mới của cách mạng Việt Nam và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng1-1959) đã xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, giải phóng miền Nam; miền Bắc đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước tiến lên CNXH, làm cái “nền”, cái “gốc” của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Để chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, Đảng ta quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo về chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ngày 19-5-1959, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn (Đoàn 559) được thành lập với 500 cán bộ, chiến sĩ, làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam; tổ chức đưa, đón bộ đội, cán bộ dân chính đảng và chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam. Ngay sau khi thành lập, Đoàn đã quyết định mở tuyến hành lang vào Nam bắt đầu từ khe Hó (huyện Vĩnh Linh) phát triển về hướng Tây Nam, vượt qua sông Bến Hải, đường số 9, đến điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Theo lộ trình đó, tuyến giao liên vận tải quân sự lúc khởi đầu phải vượt qua địa hình phức tạp với nhiều núi cao hiểm trở, nhiều sông, suối và hệ thống đồn, bốt dày đặc của địch ở vùng giới tuyến. Với phương châm “ Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã bí mật tiến quân vào núi rừng Trường Sơn, tổ chức tìm lối, mở đường, lập trạm, vận chuyển vũ khí, đưa cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu. Ngày 21-8-1959, chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển bằng gùi thồ theo đường mòn trong núi rừng Trường Sơn tới Tà Riệp (Thừa Thiên) giao cho Liên khu 5, chính thức khai thông tuyến vận tải quân sự Trường Sơn. Trên đà thắng lợi, tuyến vận tải Trường Sơn từng bước tiến vào Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, thật sự là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Cùng với sự phát triển tuyến vận tải đường bộ, Đoàn 559 còn được Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ tổ chức tuyến vận chuyển đường biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ (chủ yếu là cực Nam Trung Bộ- Khu 6, Nam Bộ); tháng 7-1959, tại cảng cá Thanh Khê- Quảng Bình, tiểu đoàn 603 được thành lập (còn gọi là Đoàn 759), gồm 107 người, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết và thạo nghề biển thực hiện nhiệm vụ trên (đến tháng 4-1960 bàn giao cho Hải quân quản lý).       

Nhận rõ vị trí đặc biệt quan trọng của tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn với cách mạng miền Nam và nguy cơ thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân Mỹ, ngụy coi đây là mục tiêu trọng điểm đánh phá và là chiến trường thử nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh bóp nghẹt”. Chúng đã sử dụng và tập trung đủ các loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ để phát hiện, đánh phá, rải chất độc hoá học, tung thám báo, biệt kích và đưa cả quân cơ động chiến lược đến ngăn chặn, nhằm cắt đứt tuyến vận tải Trường Sơn. Đế quốc Mỹ đã ném xuống tuyến đường Trường Sơn trên 4 triệu tấn bom đạn (trong hơn 7 triệu tấn bom đạn ném xuống chiến trường Việt Nam) và hàng triệu lít chất độc hoá học. Nơi đây đã trở thành cuộc đọ sức quyết liệt giữa chiến tranh ngăn chặn của địch với chiến tranh chống ngăn chặn của ta; rốt cuộc, chúng đã thất bại, không thể ngăn chặn nổi sức sống mãnh liệt và sự lớn mạnh của Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn.  

Suốt 16 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Trường Sơn đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi hiểm nguy, mưu trí, kiên cường, dũng cảm, lập nên kỳ tích oanh liệt. Các lực lượng Bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh có thời điểm lên tới trên 10 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến; tổ chức thành 9 sư đoàn và các đơn vị binh chủng trực thuộc, gồm: công binh, vận tải, phòng không, bộ binh, thông tin, giao liên-chuyển thương,… được tổ chức chỉ huy thống nhất trên toàn tuyến cũng như trên từng cung - chặng; trong đó, lấy vận tải cơ giới đường bộ làm trung tâm. Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hệ thống đường giao thông chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường miền Nam, xuyên Đông-Tây Trường Sơn, xuyên 3 nước Đông Dương, gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang liên hoàn, đồng bộ với tổng chiều dài gần 20.000 km; xây dựng và cải tạo 500 km đường sông; xây dựng hàng ngàn cầu, cống, ngầm; mở trên 3.000 km đường giao liên hành quân bộ; xây dựng tuyến đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km; xây dựng được mạng lưới thông tin đa phương thức mà chủ lực là 1.600 km đường dây tải ba... Ngoài ra, trong căn cứ chiến lược Trường Sơn còn tổ chức hệ thống sở chỉ huy các cấp, các cơ sở điều trị, bảo đảm kỹ thuật, trung tâm huấn luyện, cảng biển, cảng sông, căn cứ tập kết bảo đảm cho các chiến dịch lớn...Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ đó đã hình thành “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” phục vụ cho hoạt động vận chuyển và hành quân cả mùa khô và mùa mưa; đồng thời, vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn ngăn chặn của Mỹ- ngụy. Đặc biệt, lực lượng vận tải với vai trò trung tâm của tuyến chi viện chiến lược đã không ngừng lớn mạnh, tổ chức vận chuyển đa phương thức: đường bộ, đường sông, đường ống; trong đó, lấy vận tải cơ giới đường bộ là chủ yếu, vận tải đường sông là bổ trợ. Bộ đội vận tải với tinh thần “gan vàng, dạ ngọc” đã vận dụng sáng tạo các phương thức vận tải, tranh thủ thời cơ, vuợt qua mọi hiểm nguy, vận chuyển 1.500.000 tấn vật chất, kỹ thuật, tổ chức hành quân đi bộ và cơ động bằng cơ giới cho hơn hai triệu lượt người vào, ra chiến trường,... kịp thời đáp ứng nhu cầu cho các chiến trường miền Nam và Nam Đông Dương chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.  

Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo độc đáo của Đảng ta trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bộ đội Trường Sơn với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, không quản ngại gian khổ, hy sinh, đã lập nên kỳ tích oanh liệt, làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh, con đường chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến toàn thắng. Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và 81 tập thể, 48 cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tháng 7-1975, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trên mặt trận mới, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 (đơn vị kế thừa truyền thống Bộ đội Trường Sơn) không một ngày nghỉ ngơi lại có mặt ở những nơi khó, việc khó trên địa bàn cả nước và nước bạn Lào, chủ yếu là vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, các công trình công nghiệp và dân dụng, xây dựng các khu kinh tế mới, kết hợp sản xuất với sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên địa bàn đứng chân và hoạt động... Những công trình xây dựng và thành quả lao động của Binh đoàn luôn gắn chặt với các công trình trọng điểm về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), kết hợp với củng cố QP-AN của đất nước. Ngoài việc tập trung lực lượng hoàn thành xây dựng cơ bản đường Hồ Chí Minh theo dọc Đông Trường Sơn, từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) với chiều dài 1.920 km, Binh đoàn 12 được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng tuyến Đường 279 chạy theo vành đai biên giới Việt Nam - Trung Quốc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu, dài gần 1.000 km; tham gia xây dựng 6 tuyến đường sắt (trong đó có tuyến đường sắt Thống nhất); mở mới, nâng cấp trên 5.500 km đường, xây dựng hàng ngàn cầu, cống bê tông...; tham gia xây dựng các công trình thủy điện Hòa Bình, thủy điện Đray Hling (Đắk Lắk), mỏ Apatít (Lào Cai), thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An); khai hoang, trồng cà phê ở Tây Nguyên... Bên cạnh đó, một số đơn vị của Binh đoàn còn tham gia xây dựng cơ bản 9 tuyến đường của bạn Lào với tổng chiều dài hơn 360 km, 36 cầu vĩnh cửu; giúp bạn xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa ở 4 tỉnh,... góp phần tăng cường tình hữu nghị đặc biệt hai nước Việt- Lào.

Thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế đất nước, từ năm 1989, Binh đoàn 12 được chuyển thành doanh nghiệp với tên giao dịch kinh tế là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, thực hiện tự chủ hạch toán sản xuất, kinh doanh (SXKD). Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy Tổng Công ty đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện, trước hết là về nhận thức và phương thức hoạt động SXKD theo cơ chế thị trường; tổ chức, sắp xếp lại bộ máy từ Tổng Công ty đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh, gọn, phù hợp với mô hình của một doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng (KT-QP) và tổ chức, biên chế của quân đội. Trong hoạt động SXKD, Tổng Công ty xác định: lấy xây dựng cơ bản làm chủ yếu; trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông là trung tâm, kết hợp với kinh doanh tổng hợp; tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại; tiếp thu, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; luôn coi trọng “chữ tín” với khách hàng. Nhờ có định hướng đúng và tổ chức quản lý, điều hành chặt chẽ, phát huy được sức mạnh của tổ chức quân đội làm kinh tế nên Tổng Công ty đã trúng thầu hàng trăm công trình do Chính phủ, Bộ Quốc phòng là chủ đầu tư và thắng thầu quốc tế nhiều dự án về xây dựng cầu, đường, bến cảng, sân bay, các công trình thủy lợi, thủy điện, các công trình công nghiệp, dân dụng trên khắp cả nước, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, 6, 18, đường Hồ Chí Minh...Hiện nay, Tổng Công ty đang tiếp tục thi công một số công trình trọng điểm của Nhà nước, tiêu biểu như: thủy điện Sơn La, thủy điện Bản Chát (Lai Châu), thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srêpok3 (Đắk Lắk); xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 279, đường tuần tra biên giới, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 78 - Cămpuchia... Tất cả các công trình, dự án mà Tổng Công ty tham gia thi công đều bảo đảm tiến độ, chất lượng, được chủ đầu tư đánh giá cao, giữ được uy tín của một đơn vị quân đội làm kinh tế, thương hiệu  “Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn” ngày càng được bồi đắp.

Đáng khích lệ là trong môi trường cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, khả năng vốn hạn hẹp, chưa có nhiều kinh nghiệm “thương trường”, nhưng hiệu quả SXKD của Tổng Công ty ngày càng được nâng cao. Giá trị sản lượng từ năm 1989 đến năm 2008 tăng trưởng bình quân khoảng 18% (tăng gấp 46 lần so với năm 1989), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách với Nhà nước; giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động với thu nhập bình quân hằng năm cao hơn lương quốc phòng 1,5 lần; vốn đựơc bảo toàn và phát triển, hoạt động tài chính lành mạnh, lợi nhuận hằng năm đạt từ 2- 2,5% trên giá trị doanh thu; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng về hoạt động sản xuất kinh tế. Cùng với SXKD, Binh đoàn 12 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thực hiện nghiêm nội dung giáo dục, huấn luyện hằng năm theo quy định; thường xuyên quan tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là về chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức xây dựng 6 lữ đoàn Dự bị động viên cầu đường chiến lược, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao; xây dựng 1 tiểu đoàn cứu hộ, cứu sập, sẵn sàng tham gia khắc phục thiên tai, thảm họa bất thường có thể xảy ra. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị của Tổng Công ty luôn chủ động và tham gia có hiệu quả công tác dân vận, các chính sách xã hội với nhiều nội dung và hình thức phù hợp; tổ chức tiếp đón và giải quyết chính sách tồn đọng về khen thưởng, thương binh, liệt sĩ của Bộ đội Trường Sơn cho 5.456 lượt người; sản xuất và cấp tặng trên 170.000 Huy hiệu chiến sĩ Trường Sơn; đón hàng chục vạn lượt người trong nước và nước ngoài đến tham quan Bảo tàng đường Hồ Chí Minh do Binh đoàn quản lý; lập dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn” (đã được Chính phủ phê duyệt) và Bộ Quốc phòng đã giao cho Binh đoàn 12 làm chủ đầu tư 3 dự án thành phần...   

Trải qua 34 năm hoạt động trên mặt trận KT-QP, đặc biệt là 20 năm trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - luôn tích  cực, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao; sản xuất, làm kinh tế đạt hiệu quả, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu qủa chính trị-xã hội và QP-AN, giữ được uy tín của đơn vị quân đội làm kinh tế, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp, đưa Tổng Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp mạnh của quân đội, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng và cùng với các doanh nghiệp Nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân theo định hướng XHCN...Với thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, làm kinh tế, Binh đoàn 12- Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất; tháng 1-2009, Chủ tịch nước đã tặng Binh đoàn Huân chương Quân công hạng Nhì do những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (2004- 2008). Binh đoàn có 5 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3 tập thể và 3 cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động.

Kế thừa, phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thành tích, kinh nghiệm trên mặt trận KT-QP, thời gian tới, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được cấp trên giao, không ngừng nâng cao hiệu quả SXKD, bảo đảm mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; kết hợp chặt chẽ giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị- xã hội và QP-AN; giữ gìn và phát triển tiềm lực quốc phòng, nhất là nguồn nhân lực và trang bị kỹ thuật; hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Bộ giao; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng lực lượng dự bị động viên cầu đường chiến lược có trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao,...góp phần cùng toàn quân và cả nước xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thiếu tướng LƯƠNG SỸ NHUNG

Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)