QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:56 (GMT+7)
Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo ở Trường sĩ quan Công binh
Trường sĩ quan Công binh được thành lập ngày 26-12-1955, tiền thân là lớp học đầu tiên của Cục Công binh và phân khoa Công binh thuộc Trường sĩ quan Trần Quốc Tuấn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giáo viên, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng luôn phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên nắm bắt khoa học kỹ thuật hiện đại, tận tụy công tác, anh dũng sáng tạo trong chiến đấu, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, xây dựng Nhà trường không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Nhà trường đã đào tạo hàng vạn sĩ quan chỉ huy, cán bộ kỹ thuật, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với chức năng chủ yếu đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học, Nhà trường còn tiếp tục đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành cho quân đội, Binh chủng và nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo. Cùng với việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và xây dựng Nhà trường chính quy, Trường sĩ quan Công binh còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực góp phần phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo dục- đào tạo, Nhà trường luôn chú trọng hoàn thiện chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục- đào tạo của Nhà trường. Từ nhiều năm qua, Nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các đề tài khoa học tập trung vào xây dựng quy trình, chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học, không chỉ bó hẹp trong đội ngũ giáo viên, cán bộ mà còn có sự tham gia của học viên, nhằm phát huy khả năng sáng tạo của mọi cán bộ, giáo viên, học viên trong giảng dạy và học tập. Trên cơ sở bám sát các giáo trình, tài liệu và tổng kết thực tiễn chiến đấu, nghiên cứu các cuộc chiến tranh xâm lược gần đây, nhất là sự phát triển về phương thức, thủ đoạn tác chiến, vũ khí công nghệ cao..., Nhà trường đã biên soạn  một hệ thống giáo trình cho từng đối tượng đào tạo, bảo đảm tính toàn diện, tính khoa học và thực tiễn cao, được hội đồng khoa học của Binh chủng thẩm định, thông qua. Hiện nay, Nhà trường đang thực hiện giảng dạy gần 25 chương trình cho các đối tượng: đào tạo sĩ quan phân đội bậc đại học; đào tạo trung đội trưởng 3 năm; đào tạo cao đẳng kỹ thuật; trung cấp thợ sửa chữa xe máy công binh; nhân viên chuyên môn kỹ thuật và làm nhiệm vụ quốc tế. Trong quá trình giáo dục- đào tạo, Nhà trường luôn chú trọng duy trì chặt chẽ chế độ thanh tra, kiểm tra huấn luyện, khắc phục kịp thời các khâu yếu, mặt yếu. Mặt khác, hằng năm Nhà trường đều tổ chức các đợt thâm nhập thực tế các đơn vị để kiểm nghiệm kết quả đào tạo đối với các sĩ quan mới tốt nghiệp ra trường, thông qua nhận xét của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị. Trên cơ sở đó, Nhà trường tiếp tục điều chỉnh chương trình, nội dung cho sát với tình hình thực tế ở đơn vị.
Cùng với việc thực hiện đúng phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, thực hiện tốt 6 mối kết hợp, 3 quan điểm và 8 nguyên tắc, Nhà trường luôn đổi mới về phương pháp, đặc biệt chú trọng gắn lý thuyết với thực hành, coi trọng thực hành, bảo đảm thực hành chiếm 2/3 thời gian huấn luyện để học viên sau khi ra trường thành thạo kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành công binh và biết tổ chức, chỉ huy phân đội của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cập nhật, bổ sung kịp thời các kiến thức mới, bảo đảm tài liệu học tập, nghiên cứu, tạo điều kiện và có phương pháp phù hợp nhằm khơi dậy, phát huy tư duy độc lập, sáng tạo của người học, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, nhất là đối với học viên đào tạo cấp phân đội bậc đại học. Tổ chức có hiệu quả công tác cổ động thao trường, bãi tập và tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tạo khí thế thi đua học tập tốt. Duy trì có nền nếp chế độ cho học viên đi thực tập ngoài đơn vị, nhất là trong giai đoạn các đơn vị vào mùa huấn luyện để các học viên củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Nhờ đó, kết quả học tập của học viên  luôn đạt tỷ lệ cao, có trên 80% khá giỏi. Khi tốt nghiệp ra trường, học viên đều đảm đương được chức trách ban đầu như mục tiêu, yêu cầu đào tạo đặt ra.
Vấn đề then chốt trong công tác giáo dục- đào tạo được Nhà trường chú trọng là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngang tầm với nhiệm vụ, không ngừng đáp ứng yêu cầu phát triển nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bên cạnh nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học, Nhà trường còn tiếp tục đào tạo nhiều đối tượng như cán bộ chỉ huy tham mưu cơ quan trung đoàn, lữ đoàn, giảng viên chuyên ngành công binh, nhân viên chuyên môn kỹ thuật... Với việc đào tạo đa cấp, đa ngành đó đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị tốt, giỏi về chuyên môn và ý thức trách nhiệm cao, thực sự trở thành tấm gương sáng để học viên noi theo.
Trong những năm qua, Nhà trường đã tích cực cử giáo viên, cán bộ đi đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh Công binh và chủ động liên kết với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn đội ngũ giáo viên, cán bộ của Nhà trường. Đồng thời đề nghị trên cho phép Nhà trường giữ lại một số lượng thích hợp học viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt, có phương pháp sư phạm để bồi dưỡng làm cán bộ quản lý học viên, trợ giảng và tạo nguồn kế tiếp bổ sung cho đội ngũ giáo viên. Trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ giáo viên chính, lớp giáo viên đầu ngành, lớp kế cận và kế tiếp, bảo đảm sự  kế thừa liên tục. Cùng với đó, Nhà trường còn thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, tích lũy học phần các chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh giảng viên; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy đại học... Trong giảng dạy chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật các thông tin khoa học- công nghệ, làm cho những thành tựu khoa học- công nghệ trở thành trợ thủ đắc lực trong đổi mới phương pháp dạy- học. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hội thi giáo viên, cán bộ quản lý giỏi từ cấp cơ sở trở lên, bảo đảm 100% các khoa giáo viên, các đơn vị quản lý học viên có giáo viên, cán bộ dự thi; đồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và dự giảng, bình giảng theo kế hoạch để đánh giá chính xác, thực chất kết quả giáo dục- đào tạo và trình độ, năng lực của giáo viên, qua đó có kế hoạch, biện pháp xây dựng đội ngũ giáo viên bảo đảm chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ giáo dục- đào tạo trong tình hình mới. Mặt khác, Nhà trường tăng cường cử giáo viên, cán bộ đi thực tế ở các đơn vị theo từng chuyên ngành, với thời gian thích hợp để nâng cao trình độ mọi mặt, có thêm kinh nghiệm thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng đơn vị, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống tài liệu của Nhà trường sát với thực tế đơn vị.
Với nhiều biện pháp tích cực, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường ngày càng được nâng cao. Hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy có trình độ đại học, trong đó có trên 40% có trình độ sau đại học; 5 đồng chí Nhà giáo ưu tú, 5 đồng chí đạt danh hiệu giáo viên giỏi toàn quân, 40 giáo viên giỏi cấp trường, 133 giáo viên giỏi cấp khoa, hàng chục giáo viên được tặng thưởng huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục- đào tạo; trên 80% số giáo viên có trình độ ngoại ngữ A, B, C Nga văn, Anh văn; gần 40% có chứng chỉ B Tin học, trên 60% đã qua các lớp bồi dưỡng Tin học nâng cao. Có thể nói, Nhà trường đang có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ học vấn, có năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn, từng bước đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Phấn đấu đến năm 2010, Trường sĩ quan Công binh có đội ngũ cán bộ và giáo viên đủ khả năng tham gia đào tạo chương trình sau đại học.
Một trong những vấn đề quan trọng là bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo của Nhà trường. Công tác bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ cho huấn luyện luôn là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải có sự đầu tư đúng mức, nhất là đối với các đơn vị kỹ thuật. Trong khi đó Nhà trường được Binh chủng giao nhiệm vụ đào tạo (đa cấp, đa ngành) từ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, tiểu đội trưởng đến cán bộ chỉ huy tham mưu cấp trung đoàn, lữ đoàn công binh, hoàn thiện đại học cho sĩ quan công binh, đào tạo giảng viên chuyên ngành công binh..., nên việc bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu huấn luyện cho các đối tượng là cả một quá trình, đòi hỏi Nhà trường phải tập trung mọi khả năng, nỗ lực để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, Nhà trường không đầu tư dàn trải, dành tập trung dứt điểm từng hạng mục công trình xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, thao trường, bãi tập, nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập..., theo hướng ưu tiên những vấn đề quan trọng, bảo đảm vừa mang tính bền vững, chính quy, hiện đại và khoa học, vừa tạo ra diện mạo mới về cảnh quan, môi trường. Mặt khác, Nhà trường tích cực bổ sung, đổi mới trang thiết bị dạy- học theo hướng hiện đại hóa, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, trong đó chú trọng bảo đảm vật chất cho huấn luyện thực hành. Đồng thời coi trọng và phát huy khả năng tư duy sáng tạo của giáo viên và học viên để có nhiều sáng kiến cải tiến, làm mới nhiều mô hình, học cụ, phương tiện dạy- học phù hợp với bậc đào tạo và tiếp cận, bắt nhịp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với những trang bị kỹ thuật quân sự mới, hiện đại. Nhờ thực hiện tốt phương châm đó, đến nay  toàn trường đã có 44 giảng đường phổ thông, 16 giảng đường đặc chủng, 4 phòng thí nghiệm, mua sắm được hàng trăm máy vi tính và hàng chục máy chiếu các loại, trang bị đến từng tổ, bộ môn, khoa giáo viên. Đặc biệt, từ năm 1997 đến nay, Nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm huấn luyện thực hành có diện tích gần 30 héc-ta, với một hệ thống thao trường, bến vượt sông tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách thường xuyên được củng cố, tăng cường đầu sách, bảo đảm tính đa dạng về thể loại, chủng loại, phát huy tốt tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng các giờ thực hành, tự học, tự nghiên cứu cho cán bộ, giáo viên, học viên. Ngay cả nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập của bộ đội cũng được đầu tư xây dựng theo hướng dứt điểm từng hạng mục và ưu tiên những vấn đề quan trọng, bảo đảm tính bền vững, thẩm mỹ và thống nhất, nhằm không ngừng xây dựng Trường sĩ quan Công binh thực sự là một nhà trường chính quy, mẫu mực, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh anh hùng.
 
Đại tá, ThS. Phạm Quang Xuân
Hiệu trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)