QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 21:56 (GMT+7)
Biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh toàn cầu

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng, Hội nghị COP15 (Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra vào tháng 12-2009, tại Cô-pen-ha-ghen, Đan Mạch, là hội nghị Bàn về tính mạng con người. Thật vậy, BĐKH không chỉ gây ra nghèo đói, kìm hãm sự phát triển mà còn đang thách thức nghiêm trọng đến các vấn đề an ninh toàn cầu. Hãy xem sự tác động của BĐKH dưới góc độ an ninh cũng như xem nhân loại đang làm gì với nó.

                                                                                                                        

Biến đổi khí hậu trực tiếp đe dọa đến an ninh toàn cầu, thậm chí có thể châm ngòi cho xung đột, chiến tranh.

Thực tế cho thấy, BĐKH đã, đang và sẽ trực tiếp đe dọa đến an ninh toàn cầu. Theo Diễn đàn thế giới về con người, mỗi năm thế giới có khoảng 300.000 người thiệt mạng và 325 triệu người khác bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khí hậu trái đất nóng lên. Kết quả thống kê của các tổ chức quốc tế còn cho biết, trong vài thập kỷ gần đây, GDP toàn cầu đã giảm 20% do BĐKH - mức thiệt hại còn lớn hơn tổn thất từ hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 cộng lại. Tuy nhiên, hệ lụy của BĐKH không dừng ở đó. BĐKH có thể còn châm ngòi cho xung đột, chiến tranh. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng: BĐKH có thể làm mất ổn định môi trường địa chính trị; từ đó, dẫn tới xung đột, giao tranh, thậm chí chiến tranh. Điều đó có nghĩa là, chiến tranh, xung đột nổ ra không chỉ vì tranh chấp tài nguyên (như: dầu mỏ, vàng bạc và các loại khoáng sản khác) hay vì các mục tiêu chính trị như trước đây, mà trong tương lai, hoàn toàn có thể xuất phát từ việc tranh chấp tài nguyên nước và lương thực. Ông M. Rô-xê-gran, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách Lương thực quốc tế cho rằng: giá lương thực tăng, tình trạng khan hiếm nước và quỹ đất hạn hẹp có thể làm tăng thêm áp lực xã hội. Ông lo ngại về một sự bất ổn tiềm tàng vì theo ông, môi trường bị hủy hoại có thể sẽ kéo theo sự suy thoái xã hội nghiêm trọng, làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên lỏng lẻo, và việc di cư ồ ạt trong nội bộ các quốc gia có thể làm bùng phát xung đột ngay trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia láng giềng với nhau. Tương tự, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, trong tương lai, các cuộc xung đột phát sinh từ nguyên nhân BĐKH sẽ lên tới đỉnh điểm, nhiều quốc gia phải đối mặt với hàng loạt vụ biểu tình bắt nguồn từ sự phẫn nộ của người dân nghèo do mất nhà ở, đất canh tác vì sự vô trách nhiệm hoặc bất lực của chính phủ.

Cùng với các nhận định trên, mặc dù là cường quốc hàng đầu thế giới, song Mỹ coi BĐKH là thách thức chiến lược đối với an ninh quốc gia. Chính phủ nước này cho rằng: trong vài thập kỷ tới, Mỹ có thể phải sử dụng đến quân đội để đối phó với hậu quả bão lũ, hạn hán, bệnh tật tràn lan và nạn di cư (tị nạn khí hậu) trên diện rộng. Dưới góc nhìn chống khủng bố, Lầu Năm Góc cảnh báo, những kẻ cực đoan còn có thể lợi dụng hậu quả của BĐKH để đẩy vấn đề đi xa hơn, nhằm tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng hơn đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi tháng 12-2008 đã giả định rằng, một trận lụt khủng khiếp tại Băng-la-đét có thể khiến hàng trăm nghìn người phải di cư sang nước láng giềng Ấn Độ. Điều này sẽ làm phát sinh các xung đột tôn giáo, hoặc gây bệnh tật tràn lan; việc cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng rối loạn không thể kiểm soát cả về kinh tế, xã hội và chính trị. Báo cáo này cũng cho rằng, cuộc xung đột đẫm máu tại miền Nam Xu-đăng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong nhiều năm qua thực chất là hậu quả của nạn hạn hán và tình trạng sa mạc hóa ở miền Bắc nước này.

Đánh giá về BĐKH, trong khi chỉ ra các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều nhà khoa học cũng cho biết, không có một nước, một khu vực nào ngoại lệ với sự BĐKH, bởi nó có thể là thảm họa đối với bất cứ quốc gia nào, vào bất cứ thời điểm nào. Quan điểm này càng được củng cố vì nhiều khu vực vốn được coi là ít bị ảnh hưởng hơn thì nay đang phải hứng chịu sự tồi tệ nhất của sự BĐKH trong vòng 100 năm qua. Nhưng đó mới là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế thì trái đất vẫn đang tiếp tục ấm lên, băng ở hai đầu bán cầu đang tan nhanh hơn dự báo và mực nước biển vẫn tiếp tục dâng cao. Theo báo cáo của Hội đồng Khoa học đa quốc gia về BĐKH thì mỗi thập kỷ, trái đất ấm lên 0,13o C; lượng khí thải đi-ô-xít các-bon (CO2) vào bầu khí quyển tăng 0,65 lần và mực nước biển dâng cao thêm 3,1 cm. Hội đồng này nhận định, nếu không ngăn chặn được sự nóng lên của trái đất (tức là chấp nhận để nhiệt độ tăng thêm 2o C nữa) thì trong vòng 2 đến 3 thập kỷ tới, loài người sẽ khó có thể tưởng tượng được sự giận dữ của thiên nhiên đối với sự tồn tại và phát triển của mình.

Kết quả “nhỏ nhoi”, “khiêm tốn” của Hội nghị COP15 và nguyên nhân dẫn đến kết quả đó.

Có tới hàng nghìn đại biểu của 193 nước, trong đó có khoảng 130 nguyên thủ quốc gia tham dự, khiến cho Hội nghị COP15 xứng đáng là hội nghị có quy mô lớn nhất trong lịch sử LHQ. Nhưng quy mô hoành tráng không phải bao giờ cũng tỉ lệ thuận với thành công. Sáng 19-12-2009, các đại biểu dự Hội nghị đã “ghi nhận” bản Thỏa thuận COP15, được 28 nước thông qua vào tối hôm trước. Bản Thỏa thuận ấn định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt ở 2o C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng không đề ra được phương cách để đạt được mục tiêu này. Bản Thỏa thuận chỉ kêu gọi các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển đến tháng 4-2010 khẳng định bằng giấy trắng mực đen những cam kết về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (HƯNK), mà không đưa ra mục tiêu cụ thể nào. Thỏa thuận cũng dự trù các cơ chế đảm bảo sự minh bạch của việc thực hiện các cam kết và dự kiến viện trợ 10 tỉ đô-la/năm trong vòng 3 năm tới để giúp các nước nghèo thích ứng với BĐKH (số tiền này sau đó sẽ tăng lên thành 100 tỉ đô-la cho đến năm 2020). Ngoài ra, một “Quỹ xanh khí hậu” sẽ được lập ra để hỗ trợ cho các dự án ở các nước đang phát triển, nhằm giảm lượng khí thải gây HƯNK.

Trên đây là tất cả những gì mà Hội nghị COP15 đạt được. Kết quả “nhỏ nhoi”, “khiêm tốn” đó khiến cộng đồng quốc tế thất vọng; thậm chí, có đại biểu dự Hội nghị còn cho Thỏa thuận COP15 như là một “cuộc diệt chủng của Đức quốc xã” đối với châu Phi. Người ta nói rằng: chính lúc cần nhất thì nhiều cường quốc lại “thu mình lại”, hay “chia lợi ích dễ hơn chia nguy cơ”. Tuy nhiên, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Ở đây, sự nghi kỵ, bất đồng, đùn đẩy trách nhiệm giữa các nước lớn, giữa “nhóm nước giàu” - “nhóm nước nghèo” và sự mất dân chủ trong việc quyết định các vấn đề là nguyên nhân chủ yếu. Nhiều vấn đề lớn của Hội nghị còn có sự bất đồng sâu sắc. Chẳng hạn, đồng ý chịu phần lớn gánh nặng, nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, với tỉ lệ tăng trưởng nhanh, các nước đang phát triển, nhất là những nền kinh tế mới nổi, phải chia sẻ trách nhiệm, vì những nước này “đóng góp” đáng kể lượng khí thải CO2 vào bầu khí quyển. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại không đồng tình với quan điểm này, vì họ cho rằng phương Tây mới là “thủ phạm chính” của khí thải gây HƯNK trong khoảng 200 năm qua. Đó là chưa nói đến sự bất bình đẳng của các quốc gia dự Hội nghị. Trên thực tế, tiến trình chuẩn bị cũng như khi diễn ra Hội nghị thì châu Phi và nhiều nước nghèo khác đã bị gạt sang bên lề. Ngay cả EU cũng bị gạt ra khỏi các cuộc thương lượng vào giờ chót, khiến Liên minh này chỉ ủng hộ Thỏa thuận một cách miễn cưỡng. Các nước phản đối mạnh mẽ nhất, đương nhiên, là các quốc đảo nhỏ. Họ yêu cầu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5o C, vì trên mức đó, theo tính toán, họ sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới trong tương lai.

Rõ ràng, với những bất đồng xem ra còn muôn thủa thì kết quả mà Hội nghị đạt được cũng là điều dễ hiểu. Về thực chất, nó vẫn phản ánh sự phân hóa dai dẳng và nghi kỵ bất tận giữa các nước. Nhiều vấn đề quan trọng của Hội nghị không được đưa ra bàn thảo dân chủ, mà chúng (như lời của một nhà quan sát): “được thương lượng một cách bí mật, sau cánh cửa khép kín, trái ngược hoàn toàn với thông lệ quốc tế”. Với cách hành xử như thế thì Hội nghị đạt kết quả vang dội mới là lạ.

Lợi ích quốc gia hay lợi ích toàn cầu?

“Lợi ích quốc gia” là vấn đề mà quốc gia nào cũng phải xem trọng. Nhưng luôn giương vấn đề đó lên tại một hội nghị bàn đến các vấn đề toàn cầu, thì e rằng nó không đúng chỗ. Tính phức tạp của tiến trình thương lượng và hàng trăm vấn đề hóc búa cho thấy, muốn đi đến một Công ước khung của LHQ về BĐKH với đầy đủ tính pháp lý, thì một trong những điều kiện trước hết là các quốc gia, nhất là các cường quốc, cần phải thật sự hy sinh một phần lợi ích quốc gia của mình, vì lợi ích chung của thế giới. Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như thế. Một số cường quốc, đồng thời cũng là những quốc gia có lượng khí thải gây HƯNK vào bầu khí quyển nhiều nhất, thay vì phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ về tài chính cho các nước nghèo thích ứng với sự BĐKH, thì họ lại coi đó là “gánh nặng”. Mặt khác, luôn vin vào “lợi ích quốc gia” nên mức cam kết giảm khí thải gây HƯNK của nhiều cường quốc tỏ ra rất dè dặt. Giới hạn trước và giới hạn sau (mốc thời gian) để định mức giảm lượng khí thải CO2 giữa các nước cũng không có sự thống nhất. Giải thích điều này không khó khăn gì. Thực chất của sự việc nằm ở chỗ: nó gây khó dễ cho việc kiểm soát và đánh giá các cam kết, và suy đến cùng, nó xuất phát từ lợi ích quốc gia.

Như vậy, muốn cứu trái đất khỏi thảm họa từ sự BĐKH, vấn đề cơ bản nhất là phải giải quyết cho được mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và lợi ích toàn cầu. Hai mặt lợi ích này không đối lập nhau; trái lại, chúng bổ sung cho nhau, trong đó, lợi ích toàn cầu là điều kiện cần để từng quốc gia tồn tại và phát triển. Giải quyết được mối quan hệ đó, không có cách nào khác, trước hết, phải tăng cường vai trò và đảm bảo thực quyền của LHQ. LHQ cần có hành động mạnh mẽ hơn, bằng cách đưa ra mục tiêu “ngăn chặn” thay vì “đối phó” với sự BĐKH; coi trọng đồng thời cả hai mặt: tìm kiếm những giải pháp thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch, giảm tác nhân gây HƯNK và dự liệu các giải pháp đối phó với những thách thức về mặt an ninh liên quan đến BĐKH. Thứ đến, nhóm các nước giàu phải đi tiên phong trong cuộc chiến chống BĐKH và phải thể hiện bằng hành động trên thực tế. Với các nước còn lại, trong đó có các nước nghèo, cũng phải chủ động vào cuộc, vì việc các nước này phá rừng và xây dựng các công trình thủy điện mà không đếm xỉa gì đến môi trường, cũng đang “góp phần” làm trái đất nóng lên. Cuối cùng, cộng đồng quốc tế cần phải đi đến xây dựng một cách không chậm trễ Hiệp ước của LHQ về chống BĐKH (thay vì chỉ dừng lại ở bản Thỏa thuận như hiện nay), với đầy đủ các điều khoản mang tính pháp lý, gắn liền với một cơ chế giám sát của quốc tế, thì cuộc chiến chống BĐKH mới được biểu hiện trên thực tế. Bằng không, việc ngăn chặn sự BĐKH  mãi mãi vẫn chỉ là khẩu hiệu.

ĐỨC LÊ

 

Ý kiến bạn đọc (0)