Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:34 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Bệnh viện 4, Binh đoàn Cửu Long được thành lập ngày 21-8-1976 tại miền Đông Nam Bộ. Những ngày đầu mới thành lập, tổ chức, biên chế chưa ổn định, trang bị còn thiếu thốn, nhưng Bệnh viện đã khắc phục khó khăn, làm tốt công tác thu dung điều trị, nuôi dưỡng thương binh sau chiến tranh. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, Bệnh viện vừa phải đảm nhiệm cứu chữa tại chỗ (từ 500 - 900 giường bệnh), vừa cơ động lên tiền phương cứu chữa cho bộ đội; đồng thời, tiếp nhận, chữa bệnh cho hàng ngàn người dân Cam-pu-chia sang lánh nạn. Ngoài nhiệm vụ cứu chữa thương binh, Bệnh viện còn được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng, giám định, giải quyết chính sách cho thương binh và đưa họ về nơi an dưỡng. Từ năm 1990 đến 1994, Bệnh viện rút gọn thành Đội điều trị. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, năm 1995, Bệnh viện được tái lập. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong Binh đoàn, Bệnh viện còn được giao nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho các đối tượng bảo hiểm y tế trong các khu công nghiệp và nhân dân địa phương.
Để thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn chủ trương xây dựng Bệnh viện quân y mẫu mực, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, tham gia xã hội hóa y tế, tiến đến phát triển thành một bệnh viện Đa khoa khu vực. Theo đó, Bệnh viện đã được đầu tư xây dựng mới một số khoa lâm sàng; năm 2005, được Binh đoàn đầu tư xây dựng Khoa Khám bệnh và Khoa Cận Lâm sàng, với diện tích 5.000m2, gồm hơn 50 buồng, phòng liên hoàn, khép kín, cùng các trang thiết bị hiện đại. Ngoài các trang bị được Cục Quân y cung cấp, Binh đoàn đầu tư mua sắm, Bệnh viện còn được tỉnh Bình Dương hỗ trợ một số máy móc hiện đại. Nhờ đó, Bệnh viện đã trang bị được máy siêm âm màu, máy X.quang cao tần, máy chụp CT cắt lớp, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy nội soi chẩn đoán và phẫu thuật Tai-Mũi-Họng... đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn và nhân dân, công nhân viên trong khu vực.
Nhận thức rõ yếu tố quyết định sự phát triển của Bệnh viện là con người với trình độ chuyên môn cao, nên ngay từ khi mới tái lập, Ban Giám đốc Bệnh viện đã sớm định hướng công tác tạo nguồn và đào tạo cán bộ chuyên môn. Nguồn cán bộ là những y, bác sỹ từ các đơn vị điều về; từ nguồn luân chuyển cán bộ về Bệnh viện học tập nâng cao tay nghề; từ các y, bác sỹ đào tạo dân y tuyển hợp đồng lao động, nên lực lượng chuyên môn dần được bổ sung, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Bệnh viện thực hiện tốt việc kết hợp giữa đào tạo tại chỗ và đào tạo chuyên sâu, cơ bản ở các trường Y- Dược trong và ngoài quân đội, thông qua nhiều hình thức đào tạo ngắn hạn, hoặc mời giáo viên về Bệnh viện huấn luyện chuyển giao kỹ thuật. Không những thế, Bệnh viện còn chủ động gửi cán bộ đi đào tạo các chuyên ngành sản khoa, nhi khoa, Tai- Mũi- Họng, Răng- Hàm- Mặt, Mắt, Đông y... để đáp ứng nhu cầu khám- chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Nhờ đó, đến nay, Bệnh viện đã có 54 bác sỹ, dược sỹ đại học, 133 y sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh trung cấp, trong đó có 6 bác sỹ chuyên khoa cấp II, 36 bác sỹ chuyên khoa cấp I và 6 Thầy thuốc ưu tú.
Để phát huy bản chất tốt đẹp của người quân y cách mạng, Bệnh viện tổ chức thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm thiết thực, hướng vào việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Ngay từ ngày đầu vào bệnh viện, bệnh nhân được đón tiếp, hướng dẫn chu đáo; khu khám bệnh và xét nghiệm được tổ chức liên hoàn, khép kín rất tiện lợi cho người bệnh; khu chờ đợi có hệ thống nghe nhìn, gọi tên và tuyên truyền sức khỏe. Hết giờ làm việc, Bệnh viện bố trí kíp trực ngoài giờ, bảo đảm tiếp tục xử lý, cấp cứu, điều trị kịp thời. Việc bố trí kíp trực ngoài giờ (các ngày thường) và thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết đã đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Cùng với đó, Bệnh viện còn bố trí kíp trực ngoại viện, gồm những bác sỹ có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng tới đơn vị, nhà dân hoặc công ty để cấp cứu bước đầu, rồi chuyển bệnh nhân về Bệnh viện điều trị. Nhờ tinh thần trách nhiệm cao và thái độ phục vụ tốt, uy tín của Bệnh viện ngày càng được nâng cao, sự hài lòng của người bệnh dành cho Bệnh viện ngày càng lớn; nhiều công ty, xí nghiệp và nhân dân đã tìm đến Bệnh viện đăng ký khám, chữa bệnh. Số thẻ đăng ký khám Bảo hiểm Y tế và số lượt người đến khám tại Bệnh viện năm 2006 là 74.000 thẻ và 111.000 lượt người; con số tương ứng của năm 2007 là 88.000 và 156.000, năm 2008 là 96.000 và 194.000.
Để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện, một trong những giải pháp mà Bệnh viện thực hiện thành công là chủ động hợp tác, học hỏi từ các bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng, các bệnh viện Quân - dân y trong khu vực; kết nghĩa với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Y học dân tộc, Bệnh viện Nhi Đồng II và quan hệ mật thiết với nhiều bệnh viện theo tinh thần giúp đỡ, như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Thống Nhất, Hội Tai-Mũi-Họng tại thành phố Hồ Chí Minh... Các bệnh viện này thường xuyên cử bác sỹ có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm đến cùng khám và phẫu thuật chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện. Từ tháng 6/2008 đến nay, bác sỹ của các bệnh viện tuyến trên đã cùng các bác sĩ, y sĩ của Bệnh viện 4 thực hiện 440 ca phẫu thuật an toàn. Các mặt bệnh đã được cấp cứu và điều trị thành công là sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hóa nặng, bệnh tim mạch, đa chấn thương, gãy xương phức tạp, vết thương thấu bụng tổn thương nhiều cơ quan, điều trị các bệnh lý về sỏi thận, sỏi mật. Nhờ đó, các kíp phẫu thuật của Bệnh viện đã tự phẫu thuật được nhiều ca bệnh khó, năm 2008 đã phẫu thuật 2.400 ca loại I và loại II an toàn. Được sự giúp đỡ của bệnh viện Y học Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, bộ phận Đông y của Bệnh viện đã phát triển toàn diện cả khám, điều trị nội, ngoại trú bằng thuốc sắc, thuốc thang và vật lý trị liệu. Quý I, năm 2009 đã có 25.000 lượt người được khám và điều trị bằng Y học cổ truyền. Ngoài khám bệnh và điều trị nội trú, Bệnh viện thường xuyên tổ chức nhiều đoàn khám sức khoẻ, cấp cứu dịch bệnh cho nhân dân, công nhân tại các công ty, xí nghiệp.
Trong những năm gần đây, Bệnh viện thường xuyên phối hợp với các bệnh viện kết nghĩa làm tốt công tác dân vận, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng và khám bệnh, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người nghèo ở các địa phương vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Riêng năm 2008, Bệnh viện đã cử 7 đoàn y, bác sỹ tới 7 địa phương, xa nhất là huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Tân Châu (Tây Ninh), xã đảo Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu)… khám cho 1.770 lượt người, với kinh phí 88 triệu đồng từ quỹ vốn của Bệnh viện, được nhân dân và chính quyền địa phương khen ngợi. Với sự cố gắng hết mình của tập thể cán bộ, công nhân viên trong nhiều năm qua, Bệnh viện 4 đã từng bước trưởng thành và phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cấp trên giao. Với những thành tích đó, Bệnh viện đã được Bộ Y tế tặng bằng khen trong hoạt động kết hợp quân - dân y giai đoạn 2002-2007, được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua đơn vị khá nhất năm 2007, được Tổng cục Hậu cần tặng bằng khen trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, được Bảo hiểm Xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Tháng 9 năm 2008, Bệnh viện đã được Bộ Quốc phòng ký quyết định công nhận là Bệnh viện hạng II; cuối năm 2008, được Chính phủ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng”, 98 tập thể và cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu thi đua.
Là một bệnh viện quân y, nên lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Bệnh viện trong sạch, vững mạnh, Bệnh viện vững mạnh toàn diện và trong nhiều năm liền, Bệnh viện đã đạt được các chỉ tiêu đó.
Để Bệnh viện ngày càng phát triển, phục vụ tốt hơn sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, cán bộ, công nhân viên Bệnh viện đang ra sức phấn đấu xây dựng Bệnh viện ngày càng chính quy, hiện đại. Bệnh viện 4 mong muốn nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền và Sở Y tế tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh để trở thành Bệnh viện đa khoa khu vực, đáp ứng tốt hơn chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa y tế. Đồng thời, mong muốn cấp trên và các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ, đầu tư xây dựng Bệnh viện 4 ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ của một bệnh viện hạng II, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Binh đoàn và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong khu vực.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011