QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 00:08 (GMT+7)
Bệnh viện 103 thực hiện tốt Chương trình “quân dân y kết hợp”

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Chương trình hành động của hai Bộ: Y tế và Quốc phòng, những năm qua, Bệnh viện 103 đã thực hiện tốt Chương trình "quân dân y kết hợp" (QDYKH), góp phần tích cực vào việc phục vụ sức khoẻ nhân dân và bộ đội ; đồng thời, thiết thực góp phần thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng trong tình hình mới.  

Ngay sau khi có Chỉ thị 109/CT ngày 19-4-1998 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tưởng Chính phủ) về công tác y tế quân đội và Thông tư 22/YT-QP ngày 15-9-1998 của Liên bộ Y tế - Quốc phòng, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tổ chức quán triệt, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, y-bác sĩ, nhân viên trong toàn đơn vị nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa to lớn của Chương trình và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với từng tập thể và cá nhân. Lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện xác định đây là vinh dự, trách nhiệm, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của đơn vị; do đó, mọi nội dung công tác QDYKH được coi là trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và cán bộ chủ trì các cấp. Để tổ chức đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, Bệnh viện đã tập trung bồi dưỡng y đức, phẩm chất nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y- bác sĩ; thành lập các tổ, đội công tác; phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp uỷ và chính quyền địa phương tìm hiểu tình hình kinh tế-xã hội, y tế cơ sở, phong tục, tập quán của đồng bào, để tổ chức các đợt công tác đạt hiệu quả cao.

Nét nổi bật của việc thực hiện QDYKH ở Bệnh viện 103 trong thời gian qua là, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trên các địa bàn đến công tác; thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về quốc phòng-an ninh, góp phần xã hội hoá công tác y tế và thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ con người. Những địa phương mà đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện đến công tác thường là vùng còn nhiều khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo sinh sống; nhiều nơi điều kiện kinh tế hết sức hạn chế, không có trạm y tế xã, không có cán bộ y tế hoạt động. Bởi vậy, Bệnh viện đã chủ động chuẩn bị cả về đội ngũ cán bộ chuyên môn và phương tiện, vật chất kỹ thuật, sẵn sàng làm nhiệm vụ trong những điều kiện khó khăn nhất. Thực hiện chương trình công tác, cán bộ, y - bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện đã trực tiếp khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn sức khoẻ cho nhân dân; tham gia củng cố, xây dựng y tế cơ sở; chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, nhất là kỹ thuật hiện đại, như siêu âm, điện tim, các kỹ thuật chuyên khoa… cho cán bộ y tế địa phương. Tính đến năm 2008, Bệnh viện đã cử 16 đoàn công tác, với 450 y - bác sĩ, khám bệnh cho 7.481 lượt người là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Mường, Nùng, Khơ Mú, Xinh Mun, Sán Dìu, Kháng, La Ha... Riêng cuối năm 2008, Bệnh viện đã phối hợp với Đoàn Kinh tế-quốc phòng B.26 và chính quyền địa phương thực hiện chương trình QDYKH tại hai xã Nậm Lạnh, Mường Và thuộc huyện Sốp Cộp (huyện khó khăn nhất của tỉnh Sơn La), khám, tư vấn và phân loại sức khoẻ cho 5.500 đồng bào; kê đơn, cấp thuốc kịp thời cho nhiều trường hợp cần phải xử lý, như: bệnh nhân suy thở do suy tim, lên cơn hen phế quản, các bệnh lý sản khoa… Gần đây nhất, đầu tháng 4 năm 2009, với sự giúp đỡ của Qũy chăm sóc nông dân và Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Bệnh viện đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 1.500 nông dân nghèo và đối tượng chính sách ở các huyện: Bình Giang, Nam Sách, Cẩm Giàng (Tỉnh Hải Dương), tạo ấn tượng tốt đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Cùng với việc khám, tư vấn sức khoẻ cho nhân dân, Bệnh viện đã tổ chức các đoàn đến thăm, khám bệnh, tặng quà cho thương binh tại các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng ở Thuận Thành (Bắc Ninh), Duy Tiên, Liêm Cần (Hà Nam); khám bệnh cho các đối tượng chính sách ở Sơn La, Hà Nội, Hoà Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ; tham gia phong trào hiến máu tình nguyện; xây nhà tình nghĩa cho đồng bào ở xã Trung Giáp, Phù Ninh, Phú Thọ… Theo yêu cầu của trên, Bệnh viện đã cử hàng trăm lượt bác sĩ, y tá đi tuyến khám bệnh, phân loại sức khoẻ cho hơn 30.000 lượt cán bộ, công nhân viên các nhà máy, xí nghiệp, công trường, nông trường, cơ quan dân sự… Bằng nhiều biện pháp phù hợp, Bệnh viện đã tập trung củng cố y tế cơ sở, trang bị kỹ thuật, dụng cụ y tế, tư vấn chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế và khắc phục tình trạng xuống cấp ở các trạm y tế cơ sở. Bệnh viện cũng đã trực tiếp giúp đỡ xã Văn Tố, Tứ Kỳ, Hải Dương xây dựng mới một trạm xá; tặng trang thiết bị y tế cho hai trạm y tế ở xã Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Linh, Quảng Trị và xã Trung Giáp, Phù Ninh, Phú Thọ. Với việc làm đó, một mặt, Bệnh viện đã góp phần tích cực vào việc xoá tình trạng vùng “trắng” y tế, bảo đảm cho người dân được khám, chữa bệnh (nhiều ca bệnh hiểm nghèo được phát hiện và cứu chữa kịp thời); mặt khác, thông qua khám, chữa bệnh mà góp phần thanh toán tệ mê tín dị đoan ở vùng dân tộc thiểu số. Cũng thông qua hoạt động của Chương trình QDYKH, Bệnh viện đã góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân định canh, định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống; giữ dân, giữ đất trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng-an ninh và củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết quân dân.

Thực hiện Chương trình QDYKH, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện còn tham gia tích cực vào việc phòng chống dịch bệnh, bảo đảm y tế trong phòng, chống thiên tai, thảm họa. Trong thập kỷ qua, tình hình dịch bệnh và thiên tai, thảm hoạ diễn biến rất phức tạp; đặc biệt, thiên tai thường xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân. Nhằm giảm thiểu các tác động đó, Bệnh viện đã tích cực tham gia nghiên cứu về y học thảm họa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bệnh viện cũng tham gia cuộc diễn tập “Thực nghiệm thu dung, cấp cứu, điều trị nạn nhân do thảm họa” đạt kết quả tốt, được Uỷ ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn tặng Bằng khen. Khi có các tình huống xảy ra, Bệnh viện đã cử các đoàn cán bộ y-bác sĩ tham gia giúp địa phương khắc phục hậu quả kịp thời. Điển hình là, việc cứu chữa nhân dân bị nạn trong cơ bão số 5 ở vùng biển Tây Nam; cứu chữa người bị bỏng trong vụ cháy xe khách tại Đại Bái, Bắc Ninh, cháy hầm lò ở Quảng Ninh, cháy Trung tâm thương mại quốc tế ITC, cứu chữa ngư dân bị nạn trên biển ở Đảo Nam Yết… Ngoài ra, Bệnh viện đã tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, xử lý vệ sinh môi trường; trực tiếp ngăn chặn và dập tắt kịp thời dịch bệnh tiêu chảy cấp, điều trị sốt rét cho nhân dân và bộ đội trên địa bàn Tây Nguyên, ở miền Tây Nghệ An; phòng, chống dịch màng não cầu ở Hà Giang; mổ xơ hóa cơ Delta; phòng, chống dịch tả, thương hàn ở một số nơi khác... Đội công tác QDYKH của Bệnh viện còn tham gia tư vấn kế hoạch hóa gia đình, biện pháp nuôi dạy con cho đồng bào; hướng dẫn họ phát hiện và tự điều trị các bệnh thông thường bằng các loại thuốc nam sẵn có ở địa phương... 

Cùng với các hoạt động đó, Bệnh viện còn trực tiếp góp phần quan trọng vào việc xây dựng tiềm lực y tế cho các địa bàn cơ sở. Hiện nay, đội ngũ bác sĩ cơ sở còn thiếu rất nhiều, tỷ lệ mới đạt 5,2 bác sĩ trên 10.000 dân. Có thực tế là, số bác sĩ trẻ ra trường thường không muốn xin về công tác ở các địa phương, cơ sở. Thực trạng đó làm cho lực lượng thầy thuốc ở đây vốn đã thiếu lại càng thiếu. Để góp phần khắc phục tình trạng trên, trong Chương trình QDYKH, Bệnh viện đã chú ý đưa các nội dung, kế hoạch huấn luyện tạo nguồn cán bộ y tế cho các cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cơ sở cách mạng, kháng chiến cũ. Chỉ trong 5 năm gần đây, cùng với Học viện Quân y, Bệnh viện đã đào tạo lâm sàng và cận lâm sàng cho 19 lớp dân y, với 2.177 học viên dân y bậc đại học, 3 lớp cử tuyển thuộc vùng sâu, vùng xa của khu vực Nam Bộ. Với Tây Nguyên, Bệnh viện đã đào tạo 303 học viên cử tuyển là con em các dân tộc Ba Na, J Rai, Xê Đăng, Ê Đê… theo chương trình riêng, phù hợp trình độ của từng đối tượng. Đây là lực lượng quan trọng làm nòng cốt xây dựng tiềm lực y tế cơ sở phục vụ dân sinh và quốc phòng ở các địa bàn. 

Chương trình QDYKH được thực hiện trên phạm vi cả nước, nhưng tập trung và phát huy tác dụng nhất ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là những vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng - an ninh mà Đảng và Nhà nước tập trung đẩy mạnh công tác dân vận, xoá đói, giảm nghèo… Chính vì thế, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình QDYKH, Bệnh viện 103 đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng. Thông qua các hoạt động khám, chữa bệnh, giao lưu, hoạt động từ thiện, tặng quà… cán bộ, y-bác sĩ của Bệnh viện đã góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, quân đội và ngành Quân y.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, cán bộ, y-bác sĩ, nhân viên Bệnh viện 103 tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt chương trình QDYKH, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân và quân đội, góp phần xây dựng tiềm lực y tế cơ sở, củng cố “thế trận lòng dân” của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. HOÀNG MẠNH AN

Giám đốc Bệnh viện

 

Ý kiến bạn đọc (0)