Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:34 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Việt Nam là một quốc gia nằm ven bờ Biển Đông với bờ biển dài hơn 3.260 km, cùng hàng nghìn hòn đảo ven biển và đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông. Điều kiện địa lý này đã đem lại nhiều thuận lợi, tiềm năng cũng như những thách thức lớn lao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đối với Việt Nam, Biển Đông có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) của đất nước. Hầu hết khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu là thông qua đường biển và các ngành kinh tế mũi nhọn đều gắn kết với biển như dầu khí, hải sản, giao thông vận tải, du lịch, đóng tàu...
Biển Đông là một biển nửa kín, diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 30 đến vĩ độ 260 Bắc và từ kinh độ 1000 đến 1210 Đông, rộng gấp 8 lần Biển Đen và gấp 1,2 lần Địa Trung Hải. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 9 nước và vùng lãnh thổ khác là Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Từ lâu, tên gọi Biển Đông đã gắn bó với cuộc sống của dân tộc Việt Nam; là biển rìa lớn nhất của Thái Bình Dương và là biển duy nhất che chắn phía Đông nước ta, là tuyến hàng hải chiến lược thông thương giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Biển Đông còn được coi là không gian phát triển mới cho các thế hệ con cháu Việt Nam trong thế kỷ 21. Do sự giàu có về tài nguyên và vị trí địa-chính trị xung yếu, Biển Đông như một bàn cờ chiến lược mà các quốc gia đang có nhiều lợi ích đan xen, thực hiện các bước đi nhiều chiều nhằm giành nhiều lợi thế nhất cho mình. Vì vậy, Biển Đông cũng là đối tượng của tranh chấp và có ảnh hưởng đến quan hệ không chỉ giữa các quốc gia ven bờ mà cả các quốc gia khác, các nước lớn có quyền lợi liên quan.
Với vai trò ngày càng tăng của biển và đại dương, nhiệm vụ trên biển của chúng ta ngày nay đang đặt ra những yêu cầu mới, nặng nề hơn là xây dựng một vùng biển hoà bình, hợp tác, thịnh vượng và bền vững. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển; đẩy nhanh ngành công nghiệp đóng tàu biển và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản. Phát triển mạnh, đi trước một bước một số vùng kinh tế ven biển và hải đảo". Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết 04 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" với mục tiêu chính là đến năm 2020 phát triển 05 ngành kinh tế trọng điểm, gồm: khai thác, chế biến dầu khí; hàng hải; du lịch biển và kinh tế hải đảo; khai thác chế biến hải sản; xây dựng các khu kinh tế, công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53- 55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Thế nhưng, kinh tế biển hiện nay của nước ta mới chỉ chiếm 27,8% GDP và khoảng từ 30-50% ngoại tệ mạnh (bao gồm dầu khí, hải sản…).
Nghị quyết của Đảng cũng đã khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có đủ yếu tố để phấn đấu đến năm 2020 trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu về biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển-đảo của Tổ quốc; đồng thời, xác định rõ định hướng chiến lược phát triển về biển trong những năm tới là: đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển; hình thành một số lĩnh vực kinh tế gắn với trọng tâm hướng ra biển làm động lực; tăng cường khả năng QP-AN trên biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Từ góc nhìn ngoại giao - pháp lý, việc chủ động nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, tăng cường hợp tác quốc tế trên biển là một biện pháp quan trọng, giúp đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ, xây dựng và phát triển kinh tế biển phục vụ đắc lực công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Các hoạt động trên biển chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi được triển khai trong một môi trường hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự cũng như chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Việt Nam có đường biên giới trên biển với Trung Quốc và Campuchia, có ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa chung với hầu hết các nước xung quanh Biển Đông. Hiện nay, trên biển chúng ta còn bốn vấn đề lớn liên quan đến biên giới lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hoà bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 4 nước 5 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipin, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Tranh chấp chủ quyền nói chung ảnh hưởng không thuận đến sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam theo nhiều khía cạnh. Vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển thông qua biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các nước liên quan nhằm bảo đảm môi trường hoà bình để phát triển. Tuy nhiên, để bảo đảm được chủ quyền về biển và lợi ích quốc gia trên biển của nước ta trong giai đoạn mới, một mặt, chúng ta cần không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường tiềm lực QP-AN, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, nuôi trồng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, phát triển hệ thống giao thông đường biển; mặt khác, phải tích cực đối thoại với các bên liên quan, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm kiếm các giải pháp cơ bản và lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.
Cơ sở của việc giải quyết tranh chấp, giữ gìn hoà bình và ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trên Biển Đông là luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các nước có liên quan cần tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của mỗi nước được quy định trong Công ước, Luật Biển 1982, giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực; các nước trong khu vực đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương giữa các nước có liên quan, nhằm xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, sử dụng, khai thác biển và bảo vệ môi trường biển một cách hiệu quả.
Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, thông qua đàm phán, thương lượng, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, độc lập dân tộc cùng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, nhằm đi đến một giải pháp công bằng, hợp lý mà các bên đều chấp nhận được. Trong Nghị quyết ngày 23/6/1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Quốc hội nước ta đã khẳng định rõ lập trường của Việt Nam “... giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".
Từ năm 1982 đến nay, chúng ta đã đàm phán và ký kết được 5 thoả thuận về hợp tác và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng: Hiệp định về vùng nước lịch sử chung Việt Nam – Campuchia (năm 1982), Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan (năm 1997), phân định thềm lục địa với Indonesia (năm 2003), phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (năm 2000); đã hợp tác khai thác chung tại vùng biển chồng lấn với Malaysia (từ năm 1992). Kết quả các cuộc đàm phán đó đã góp phần ngăn chặn nguy cơ xung đột, tạo môi trường ổn định, hoà bình trên khu vực Biển Đông.
Thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng và đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc hợp tác quốc tế trên biển về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, QP-AN, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường… Từ chỗ chỉ hợp tác chủ yếu với Liên Xô (cũ) và Trung Quốc, ta đã mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, các nước phương Tây. Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được mở rộng từ ven biển tiến ra vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, tới cả các vùng biển xa. Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, kiên định chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, ta tiếp tục xác định và triển khai nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển. Về phát triển kinh tế biển, đáng kể nhất là việc hợp tác với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay trong thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí tại vùng biển thềm lục địa phía Nam. Sau năm 1995, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã mở rộng hợp tác với nhiều nước khác như Malaixia, Anh, Mỹ, Pháp, Ấn Độ,... Ngành Dầu khí đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong thu nhập ngoại tệ của đất nước. Ngành Thuỷ sản có những bước tiến dài trong việc hợp tác quốc tế trên biển, trong đó có việc hợp tác khai thác đánh bắt hải sản với các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Các ngành Du lịch, Giao thông-Vận tải cũng đạt nhiều thành tựu trong quan hệ hợp tác quốc tế trên biển. Nổi bật nhất là lĩnh vực nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển. Việt Nam đã tiến hành một loạt các dự án hợp tác nghiên cứu về các hệ sinh thái ven bờ, đánh giá nguồn lợi biển, đánh giá môi trường và quản lý biển, vùng ven biển với các chuyên gia Hà Lan, Austraylia, EU, Na Uy, Canada, Nga. Đặc biệt là Việt Nam đã cùng Philippin tổ chức thành công bốn chuyến khảo sát Biển Đông vào các năm 1998, 2002, 2005, 2007. Ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, bốn chuyến hợp tác này còn là mô hình về một hình thức hợp tác mới trong các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền, nhằm góp phần ổn định tình hình trên khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, có thể thấy công tác điều tra, nghiên cứu khoa học biển các năm qua còn nhiều hạn chế; trình độ khoa học- kỹ thuật còn thấp, lại thiếu thốn về trang thiết bị, vốn, công nghệ và trình độ quản lý. Các nghiên cứu khoa học trên biển mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, trình diễn nên chưa có đầy đủ dữ liệu để đưa ra một bức tranh tổng thể về nguồn lợi và môi trường biển Việt Nam.
Với tư cách là một quốc gia ven biển, thực hiện công cuộc CNH, HĐH đất nước và chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có kinh tế biển, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về phát triển kinh tế biển, triển khai hiệu quả một số vấn đề sau:
1. Nâng cao nhận thức vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới.
2. Bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển-đảo, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trên biển; giữ gìn và duy trì môi trường hoà bình, ổn định, thân thiện và tăng cường hợp tác quốc tế trên biển.
3. Nâng cao tiềm lực và năng lực quản lý biển, tuân thủ luật pháp và các cam kết quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên biển.
4. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tranh thủ và tập trung các nguồn vốn đầu tư, mở rộng đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, thu hút đầu tư, học tập và vận dụng kinh nghiệm, trình độ khoa học-công nghệ của quốc tế, nhằm xây dựng các ngành kinh tế biển mũi nhọn, các trung tâm kinh tế biển, làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế chung của cả nước, thực hiện phát triển bền vững.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo cán bộ, xây dựng nguồn nhân lực về lĩnh vực biển.
6. Xây dựng lực lượng bảo vệ biển vững mạnh, nhất là Hải quân và Không quân nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên các vùng biển của đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển của Tổ quốc trong mọi tình huống.
HUỲNH MINH CHÍNH
Bộ Ngoại giao
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011