QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:32 (GMT+7)
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 50 năm xây dựng và phát triển

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 23-11-1945 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh về nhiệm vụ của Việt Nam Đông phương bác cổ, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của ngành Bảo tồn, Bảo tàng ở nước ta. Nhưng thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, công tác bảo tồn, bảo tàng gặp nhiều khó khăn. Đến khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng và Chính phủ đã chỉ thị tổ chức nhiều cuộc triển lãm về thành tích 9 năm kháng chiến, xây dựng đất nước để động viên, cổ vũ nhân dân, đồng thời thu thập, gìn giữ hiện vật làm vốn xây dựng các viện Bảo tàng sau này. Đối với Quân đội, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị cho toàn quân tập trung cố gắng tổ chức triển lãm về sự trưởng thành, chiến thắng của các lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Với sự đóng góp hiện vật của toàn quân, các cuộc triển lãm, trưng bày lớn về “Hình ảnh chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam”, "Thành tựu của đất nước sau chín năm kháng chiến" được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội; một phần trưng bày về hình ảnh chiến đấu, trưởng thành của Quân đội được đưa đi triển lãm ở một số nước: Liên Xô, Ba Lan, Ru-ma-ni, Trung Quốc, Triều Tiên.

Ngày 17-7-1956, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị số 14/CT thành lập Ban xây dựng Bảo tàng Quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chọn khu thông tin của quân Pháp trước đây, bên cạnh Cột Cờ làm địa điểm xây dựng. Sau gần 4 năm chuẩn bị về cơ bản, Bảo tàng Quân đội xây dựng xong, trưng bày 3.260 hiện vật các loại. Ngày 12-12-1959, Bảo tàng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng đến duyệt hệ thống trưng bày và khai mạc trưng bày phục vụ khách tham quan nhân Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi xem kỹ các hiện vật lịch sử nói lên quá trình ra đời, chiến đấu, trưởng thành của LLVT, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, nhân viên Bảo tàng cần phát huy “ Cuốn sử sống” để tuyên truyền, giữ vững truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.
Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN) đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Hệ thống trưng bày bảo tàng được củng cố, nâng cấp ngày càng phong phú, sâu sắc về nội dung, hấp dẫn về hình thức. Phương pháp trưng bày theo niên biểu xen với các chuyên đề, làm nổi các trọng tâm, trọng điểm, tái hiện được không khí lịch sử hào hùng của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sự đa dạng về phong cách trưng bày, sự sắp đặt hài hoà, tinh tế mỗi hiện vật, mỗi phương tiện, kết hợp với màu sắc, ánh sáng thích hợp đã mang tầm khái quát cao về tư tưởng, nội dung, gây biểu cảm cho người xem. Đặc biệt thu hút khách tham quan là những hiện vật tiêu biểu, điển hình, những hiện vật khối lớn như chiếc xe tăng mang số hiệu 843 dẫn đầu đội hình thọc sâu của Lữ đoàn 203 thiết giáp tấn công dinh Độc Lập ngày 30-4-1975; chiếc máy bay MiG.21 số hiệu 4324 lần lượt do 9 phi công điều khiển tiêu diệt 14 máy bay địch; hàng trăm mảnh xác máy bay đủ kiểu loại của Mỹ, Pháp được xếp khéo léo thành hình chiếc máy bay địch cắm đầu lao xuống đất; hiện vật của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, đơn vị anh hùng LLVT nhân dân; những cổ vật trống đồng, súng thần công, súng lệnh, mũi tên đồng, giáo, mác, hộ tâm phiến,... Để phần trưng bày nói lên được tầm vóc của sự kiện, các phòng, ban nghiệp vụ và các cộng tác viên của Bảo tàng đã nghiên cứu công phu, coi như những công trình khoa học, được người xem khen ngợi.
Bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm với nhiều đề tài khác nhau, thể hiện một cách sinh động đường lối, quan điểm của Đảng về đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng, về đường lối đối nội cũng như đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những chiến công, thành tựu của quân và dân ta giành được qua các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện chiến tranh, Bảo tàng tăng cường các cuộc triển lãm lưu động, tuyên truyền hoạt động của LLVT nhân dân qua các bộ ảnh, một số hiện vật sưu tầm tại các địa phương, thậm chí ngay tại chiến trường. Trong hòa bình, đề tài triển lãm được đổi mới, cùng với phần trưng bày các hình ảnh về lịch sử Quân đội còn có phần giới thiệu về lịch sử các đơn vị, địa phương, các hoạt động nóng hổi tính thời sự liên quan đến người thực, việc thực trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng LLVT, bảo vệ Tổ quốc của địa phương, đơn vị. Các cuộc triển lãm này được tổ chức tại Viện, Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Bắc và cả các địa bàn vùng xa như đảo Bạch Long Vĩ, đảo Trường Sa... Bảo tàng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo dựng tốt mối quan hệ với 32 công ty du lịch thường xuyên đưa khách đến tham quan, làm cho hoạt động xã hội hoá bảo tàng ngày càng tăng về quy mô, đạt hiệu quả thiết thực.
Công tác sưu tầm của Bảo tàng luôn được chú trọng. 15 vạn hiện vật có được hôm nay là kết quả của 50 năm công phu sưu tầm với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân, trong đó nhiều cán bộ Bảo tàng đã đi khắp mọi miền Tổ quốc và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia để sưu tầm hiện vật, có người đã hy sinh, nhiều người bị thương. Sau chiến tranh và nhất là mấy năm gần đây, công tác sưu tầm hiện vật càng được đẩy mạnh hơn, chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học trong mỗi hiện vật sưu tầm. Một trong những việc làm thể hiện điều đó là Bảo tàng đã dùng phương pháp khảo cổ học nghiên cứu, sưu tầm các di tích lịch sử kháng chiến, cách mạng rất hiệu quả như thám sát, khai quật, xác định chính xác vị trí, độ dài, độ sâu đường hầm đặt khối bộc phá 1000kg trong lòng đồi A1, đường hầm xuyên núi Sở chỉ huy Mường Phăng trong chiến dịch Điện Biên Phủ; lập hồ sơ 4 di tích cách mạng và phục hồi 1 phần nhà D.67 tại khu A Bộ Quốc phòng bàn giao cho thành phố Hà Nội đúng tiến độ; tham gia phục hồi, tôn tạo di tích đường Hồ Chí Minh, hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra, chiến khu D, khu ATK ở Định Hoá, Thái Nguyên.
Công tác bảo quản hiện vật được nâng cao, bắt kịp yêu cầu của khoa học bảo tàng hiện đại. Hiện vật bảo tàng được phân thành 18 nhóm chất liệu. Riêng hiện vật phim được đăng ký riêng, có ma-két ảnh tương ứng để tra cứu. Đến nay, kho Bảo tàng đã xây dựng mới, khang trang, được trang bị các phương tiện bảo quản hiện đại. Bảo tàng đang triển khai xây dựng các dự án quản lý hiện vật, cộng tác với các nhà khoa học để bảo quản hiện vật bằng các công nghệ tiên tiến.
Hoạt động mỹ thuật của Bảo tàng có nhiều khởi sắc, nhất là cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài “LLVT nhân dân, chiến tranh cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đã thu hút hàng ngàn họa sĩ điêu khắc trong cả nước tham gia. Nhiều tác phẩm được dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần làm phong phú và bổ sung tranh, tượng cho trưng bày triển lãm của Bảo tàng. Viện Bảo tàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúc 270 tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng các bộ, ban, ngành và địa phương nhân Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác.
Công tác nghiên cứu khoa học của tập thể cán bộ Bảo tàng được quan tâm đúng mức. Hằng năm, Bảo tàng tổ chức nghiên cứu 1 đến 2 đề tài khoa học, góp phần làm sáng rõ những vấn đề về lịch sử Quân đội, nghệ thuật quân sự Việt Nam, các sự kiện điển hình trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, làm phong phú những vấn đề lý luận và thực tiễn của bảo tàng học Việt Nam. Thư viện khoa học của Bảo tàng với hàng ngàn đầu sách, báo, tạp chí, trong đó có nhiều tư liệu xuất bản trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có giá trị nghiên cứu, trưng bày về nhiều lĩnh vực, góp phần cùng kho cơ sở bảo tàng phục vụ hàng trăm công trình trưng bày, triển lãm; hàng ngàn lượt khách trên mọi miền đất nước đến khai thác, sử dụng tư liệu, hiện vật; nhiều công trình nghiên cứu, các luận án tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, các phim truyện, phim tài liệu, truyền hình...
 Với chức năng là đơn vị đầu ngành nghiệp vụ, Bảo tàng đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị tổ chức nhiều hội nghị ngành Bảo tàng trong quân đội; định kỳ mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên bảo tàng các đơn vị trong hệ thống bảo tàng toàn quân. Lớp học là dịp cán bộ Bảo tàng trao đổi nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, phát huy mặt mạnh và khắc phục những thiếu sót của bảo tàng mình. Hằng năm, Bảo tàng tổng kết hoạt động nghiệp vụ của hệ thống bảo tàng quân đội; thường xuyên sâu sát giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống bảo tàng quân đội...
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng đã đón tiếp trên 16 triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, trong đó có hơn 1 triệu lượt khách của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bảo tàng đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quan trọng vào sự hình thành, phát triển hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống trong toàn quân nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử mà đỉnh cao là văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Các thế hệ, nhân viên Bảo tàng đã xây dựng nên phẩm chất, truyền thống tốt đẹp: “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kiên trì, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ”; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về tổ chức xây dựng đơn vị, phát huy tính năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên... để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. 
Trong thời gian tới, Bảo tàng phấn đấu hoàn thành tốt đồng thời cả hai nhiệm vụ hoạt động tại chỗ và xây dựng Bảo tàng ở vị trí mới. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nặng nề đó, Bảo  tàng phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tổ chức thi chọn phương án tối ưu về thiết kế kỹ thuật nhằm khẩn trương xây dựng Bảo tàng LSQSVN theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng để có một công trình văn hóa đặc biệt tiêu biểu của quốc gia và quân đội ở Thủ đô Hà nội. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cả về nội dung và hình thức trưng bày, triển lãm tại chỗ và lưu động đảm bảo đạt hiệu quả giáo dục cao, gây ấn tượng, thu hút công chúng tham quan. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, đáp ứng tốt yêu cầu của khách tham quan trong nước và quốc tế. Tổ chức chặt chẽ công tác sưu tầm hiện vật theo chuyên đề, các sưu tập hiện vật đặc biệt từ năm 1930 về trước, nhằm đáp ứng cao nhất cho việc triển khai thực hiện đề cương chính trị của Bảo tàng LSQSVN đến năm 2010. Bảo quản và quản lý hiện vật theo quy chế và luật di sản văn hóa, đảm bảo nắm chắc số lượng và chất lượng, đồng thời từng bước bổ sung các phương tiện kỹ thuật bảo quản, góp phần kéo dài tuổi thọ, không để thất lạc hoặc hư hỏng hiện vật do thiếu trách nhiệm. Phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác hiện vật. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức chu đáo các cuộc triển lãm lưu động phục vụ bộ đội và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tổ chức và tham gia các cuộc sáng tác, thi sáng tác và triển lãm mỹ thuật về đề tài quân đội, Nhà nước và địa phương theo chỉ thị của Tổng cục Chính trị. Đầu tư có chiều sâu cho công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học, đáp ứng và giải quyết các yêu cầu nhiệm vụ bức thiết đặt ra của Bảo tàng. Phấn đấu trong những năm tới, đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện đề án “ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và khai thác thông tin hiện vật của hệ thống bảo tàng quân đội”; đồng thời khai trương Website của Bảo tàng LSQSVN. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, một vấn đề rất quan trọng là phải chú trọng đổi mới phương pháp, tác phong làm việc của cơ quan, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả quy chế làm việc, quy chế quản lý, quy chế nghiệp vụ, bảo đảm cho mọi người thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong tình hình mới, yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng rất cao và toàn diện. Do đó, phải tích cực đào tạo tại trường và bồi dưỡng qua thực tiễn công tác; khuyến khích tự học, tự nghiên cứu, mời chuyên gia một số chuyên ngành bồi dưỡng tại đơn vị,... để nâng cao trình độ kiến thức, tri thức toàn diện và chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tàng ngang tầm đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ.
 
Đại tá Lê Mã Lương
Giám đốc Bảo tàng
 

Ý kiến bạn đọc (0)