Thứ Ba, 06/05/2025, 16:21 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách lớn trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Hoạt động của BHXH luôn gắn với quá trình trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách BHXH sẽ góp phần ổn định đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng (CNVCQP) và gia đình họ; tạo động lực trực tiếp cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của quân đội.
Trong thời kỳ chiến tranh, mặc dù cả nước phải dồn sức cho cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; đất nước còn nghèo, khả năng vật chất hạn hẹp, nhưng công tác đãi ngộ đối với quân nhân nói chung, BHXH nói riêng vẫn được Đảng, Nhà nước và quân đội hết sức quan tâm, phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của đất nước. Để tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện BHXH trong quân đội, ngay từ năm 1964, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định tạm thời chế độ đãi ngộ đối với quân nhân và CNVCQP. Ngoài thực hiện chế độ thương binh, liệt sĩ, Nghị định còn xác định chính sách bảo hiểm đối với các chế độ: ốm đau, thai sản, phục viên, hưu trí, mất sức lao động, từ trần… Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí cho chế độ BHXH (kể cả quân nhân đang tại ngũ hay đã nghỉ hưu). Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và ngày càng mở rộng, phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Gắn với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, các chủ trương, chính sách về BHXH từng bước được luật hoá thông qua hệ thống văn bản pháp quy, bảo đảm tính đồng bộ, cơ bản, tạo cơ sở pháp lý về quyền lợi vật chất, tinh thần cho quân nhân và CNVCQP. Tiêu biểu là Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định về chế độ bảo hiểm đối với người lao động; Nghị định 19/CP ngày 16 tháng 2 năm 1995 của Chính phủ về việc thành lập BHXH Việt Nam; Nghị định 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về BHXH đối với quân nhân và công an nhân dân; Luật Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế (BHYT)… đã và đang được cụ thể hoá trong thực tiễn cuộc sống, làm cho chế độ trợ cấp BHXH đối với quân nhân ngày càng được hoàn thiện. Điều đó đã góp phần quan trọng tăng cường sức mạnh chính trị - tinh thần, động viên toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, giữ vững ổn định đất nước; củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thực hiện đúng Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19-4-2007 của Chính phủ về BHXH đối với quân đội và công an, ngày 29-5-2008 Bộ Quốc phòng (BQP) đã ban hành Quyết định số 79/ 2008/QĐ-BQP về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng (BHXH BQP) trên cơ sở tách Phòng BHXH quân đội từ Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị. Theo đó, BHXH BQP là tổ chức sự nghiệp thuộc BQP, có chức năng thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, CNVCQP, lao động hợp đồng đang phục vụ trong quân đội và các đối tượng khác do pháp luật quy định (gọi chung là người lao động); BHYT đối với thân nhân quân nhân; quản lý phần quỹ BHXH, BHYT được sử dụng trong quân đội theo quy định của pháp luật. Quyết định chỉ rõ, BHXH BQP chịu sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng BQP về tổ chức, cán bộ; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ và bảo đảm kinh phí hoạt động của BHXH Việt Nam. Sự ra đời của một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp về tổ chức thực hiện chính sách BHXH trong quân đội là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, một mặt, nó khẳng định vị thế, vai trò của chính sách pháp luật BHXH được nâng cao; mặt khác, thể hiện sự quan tâm của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và BQP về quyền lợi BHXH, BHYT đối với quân nhân, CNVCQP, lao động hợp đồng và thân nhân gia đình quân nhân. Đồng thời, việc thành lập cơ quan BHXH BQP sẽ giúp thủ trưởng Bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH (từ việc xây dựng, hoạch định, ban hành chính sách thuộc thẩm quyền, đến việc quản lý sĩ quan, quân nhân, CNVCQP, giải quyết chế độ lương hưu và các chế độ trợ cấp…) được thực hiện một cách tập trung, thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả, đúng pháp luật và tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách.
BHXH BQP thực hiện nhiệm vụ có những thuận lợi rất cơ bản là: có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và BQP, của Đảng uỷ và cơ quan Tổng cục Chính trị; sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, mà trực tiếp là ngành BHXH Việt Nam; được kế thừa truyền thống vẻ vang của ngành Chính sách Quân đội nói chung và BHXH quân đội nói riêng. Với việc ra đời một tổ chức chuyên nghiệp về BHXH trong quân đội, đội ngũ cán bộ cơ quan BHXH BQP sẽ ngày càng phát triển, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được nâng cao, tạo cơ sở vững chắc cho việc tham gia có hiệu quả vào quá trình nghiên cứu, hoạch định, tham mưu về chính sách BHXH, BHYT, tiền lương, phụ cấp cho các đối tượng công tác trong quân đội. Bên cạnh đó, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, CNH,HĐH đã tăng cường đáng kể tiềm lực kinh tế-xã hội của đất nước, là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta có điều kiện tốt hơn trong việc chăm lo nguồn lực con người; vị thế, hiệu quả hoạt động thực tế của ngành BHXH qua đó cũng được tăng cường… Tuy nhiên, do đặc điểm của một đơn vị mới được thành lập, mọi vấn đề từ cơ chế làm việc, phương pháp, tác phong công tác, giải quyết các mối quan hệ, đến công tác tổ chức, cán bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật… đang trong giai đoạn củng cố, xây dựng; trong lúc đó đối tượng, phạm vi quản lý rộng (có hàng triệu đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bao gồm quân nhân và thân nhân các gia đình quân nhân trên địa bàn cả nước), khối lượng tài chính BHXH, BHYT lớn, đội ngũ cán bộ của cơ quan còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có mặt còn hạn chế… nên không tránh khỏi những thiếu sót. Những vấn đề đó đang đòi hỏi cấp uỷ, Ban Giám đốc và đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ quan BHXH BQP phải không ngừng nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước hết, BHXH BQP phải tập trung xây dựng Ngành vững mạnh về chính trị và tổ chức. Là cơ quan thực hiện chính sách BHXH trong quân đội, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên phải có lập trường, quan điểm vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, ý thức, thái độ phục vụ đúng đắn, tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp BHXH. ở mọi cương vị công tác, người cán bộ, nhân viên BHXH BQP đều phải trung thực, cẩn thận, tỷ mỷ, khoa học trong công việc; luôn bám sát luật, bám sát thực tiễn để xử lý những vấn đề mới đặt ra; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững chính sách và các đối tượng chính sách, làm cơ sở thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng yêu cầu đó, cấp uỷ và Ban Giám đốc BHXH BQP phải làm tốt công tác giáo dục, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội, của cơ quan; giáo dục đạo đức nghề nghiệp, phương pháp, tác phong công tác; khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, tuỳ tiện trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, BHXH BQP tập trung kiện toàn về mặt tổ chức; gắn xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng phòng, ban, cơ quan vững mạnh toàn diện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH BQP tích cực phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về việc hoạch định, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý tài chính BHXH, thiết lập các mối quan hệ công tác; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ… Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ, nhân viên BHXH BQP đang chuyển mạnh từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách thiết thực; tập trung xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong điều kiện mới.
Nhiệm vụ trung tâm trong thời gian tới của BHXH BQP là cấp thẻ BHYTcho thân nhân quân nhân; cải cách thủ tục hành chính, hồ sơ, quy trình, thẩm quyền theo đúng luật; thu, chi BHXH, BHYT. Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, quy định của luật và tình hình thực tiễn công tác BHXH, BHYT trong quân đội hiện nay, với phương châm làm chậm nhưng chắc, có trọng tâm, trọng điểm, có đột phá, rút kinh nghiệm, cấp uỷ và Ban Giám đốc BHXH BQP tập trung nghiên cứu, đổi mới toàn diện công tác BHXH, BHYT đáp ứng yêu cầu đề ra. Trước mắt, cơ quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ BHXH, nhằm thống nhất nội dung, chương trình, cách thức tiến hành trong toàn quân theo cơ chế mới; làm điểm về cấp thẻ BHYT thân nhân sĩ quan và quy trình, thủ tục hồ sơ BHXH theo quy định của Luật BHXH tại Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân; triển khai từng bước công tác BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật đến các đơn vị. Trên cơ sở kết quả thực hiện ở đơn vị điểm, cơ quan tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, triển khai thực hiện đồng bộ công tác BHXH, BHYT trong toàn quân. Là một cơ quan mới thành lập, nên đội ngũ cán bộ phần lớn là mới, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ có mặt còn hạn chế; bởi vậy, cấp uỷ và Ban Giám đốc BHXH BQP xác định: phải tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện trên bồi dưỡng dưới, cán bộ công tác lâu năm, có kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ trẻ, động viên cán bộ tự học tập, tự bồi dưỡng thông qua thực tiễn công tác… Để bảo đảm cho công tác chuyên môn được thuận lợi, BHXH BQP đã tích cực đề nghị được trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý công tác BHXH từ cơ quan Bộ đến các đơn vị và từng doanh nghiệp quân đội. Cùng với đó, cơ quan tập trung nghiên cứu, đề xuất, ban hành Quy chế hoạt động của BHXH BQP, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nền nếp, chế độ; chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện chưa phù hợp về phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ quan BHXH BQP.
Trước yêu cầu mới của công tác BHXH trong quân đội, BHXH BQP coi trọng việc xây dựng, củng cố, giải quyết các mối quan hệ công tác với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội, trên tinh thần Quyết định 79/2008/QĐ-BQP của Bộ trưởng BQP và chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Theo đó, quan hệ giữa BHXH BQP với Đảng uỷ, thủ trưởng các đơn vị đầu mối trực thuộc BQP là mối quan hệ phối hợp công tác; với cơ quan Tài chính là mối quan hệ chỉ đạo về nghiệp vụ quản lý thu, chi quỹ BHXH, BHYT; với cơ quan nhân sự (Cán bộ, Quân lực, Tổ chức lao động) là mối quan hệ chỉ đạo về nghiệp vụ giải quyết các chế độ BHXH, BHYT. Ngoài ra, BHXH BQP còn phối hợp với các cơ quan: Chính sách, Tài chính, Quân y, Cán bộ, Quân lực và các đơn vị trực thuộc BQP tham gia nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và các chính sách khác có liên quan. Giải quyết tốt các mối quan hệ đó sẽ góp phần củng cố niềm tin, tạo được sự đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Để thực hiện tốt chính sách BHXH đối với quân đội trong tình hình mới, BHXH BQP đang và sẽ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ BHXH, BHYT đối với người lao động và người sử dụng lao động. Việc làm này đã góp phần làm cho cán bộ, chiến sĩ, CNVCQP và nhân dân hiểu đúng chính sách của Đảng, Nhà nước; là cơ sở để mọi đối tượng tham gia giám sát việc thực hiện chính sách và đề đạt nguyện vọng, đề xuất sửa đổi và bổ sung chính sách BHXH, BHYT cho phù hợp.
Phát huy truyền thống của ngành BHXH trong quân đội, BHXH BQP tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thiết thực bảo đảm tốt hơn quyền lợi về BHXH, BHYT cho các đối tượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tá Hồ Thủy
Giám đốc
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011