QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:15 (GMT+7)
Bảo đảm an ninh lương thực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lương thực là nhu cầu thiết yếu của con người, là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Nước ta, xét về cơ bản là một nước nông nghiệp. Do đó, vấn đề lương thực nói chung, bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) nói riêng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong chiến lược phát triển đất nước gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong tình hình hiện nay, bảo đảm ANLT là nhân tố quan trọng để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và tăng cường quốc phòng, an  ninh của đất nước. Theo quan điểm của Liên hợp quốc, bảo đảm ANLT phải thoả mãn các tiêu chí: luôn có sẵn  nguồn lương thực an toàn và đủ dinh dưỡng; đảm bảo cung ứng kịp thời mọi nơi, mọi lúc và khả năng tiếp cận được lương thực của mọi người trong xã hội. ANLT bị đe dọa, sẽ là cơ nguyên của sự bất ổn ở trong nước, khu vực và thế giới.

Thực tế diễn biến về giá lương thực từ đầu năm 2008 đến nay cho thấy, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trên phạm vi toàn cầu. Theo tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc, chỉ số giá lương thực đến tháng 4-2008 đã đạt mức 218,2 điểm, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó ngũ cốc tăng 92%; đặc biệt, giá gạo đã tăng từ 300 USD/tấn lên đến hơn 1000 USD/tấn. Giá lương thực tăng cao đã làm khoảng gần 1 tỷ người trên thế giới lâm vào tình trạng thiếu lương thực, tác động trực tiếp đến ổn định chính trị-xã hội của nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi, Trung Mỹ. Thậm chí, ở nhiều quốc gia đã xảy ra biểu tình, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị, như ở Ha-i-ti, Ca-mơ-run, Sê-nê-gan...

Đối với nước ta, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng chiến lược của ANLT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đảm bảo ANLT và luôn coi đó là một trong những mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt trong đường lối, kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước. Đặc biệt, trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, nhờ có chính sách đúng đắn cùng với việc ứng dụng thành công những tiến bộ khoa học-công nghệ tiên tiến, lĩnh vực sản xuất và cung cấp lương thực của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng và tương đối toàn diện trên các mặt: diện tích, phương thức canh tác, năng suất, sản lượng và chất lượng  lương thực. Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2001-2007 so với 1990-1995: diện tích trồng cây lương thực tăng 20%, năng suất tăng 39,6% , sản lượng lương thực tăng 67,5%; bình quân lương thực đầu người không ngừng tăng lên; riêng năm 2007 đã đạt 469,5 kg /người/năm, tăng 29,3% so với năm 1995. Sản lượng lương thực tăng nhanh đã đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực, phải thường xuyên nhập khẩu gạo, đến nay chẳng những đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ mà còn vươn lên trở thành một trong số nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với sản lượng xuất khẩu bình quân đạt từ 3,5 - 4,0 triệu tấn gạo/năm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị- xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh cho đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy đạt được những thành tựu to lớn, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà trước hết là yêu cầu CNH, HĐH đất nước cùng những nguy cơ gia tăng về thiên tai, dịch bệnh do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, việc bảo đảm ANLT của nước ta vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập. Đó là, việc quy hoạch và quản lý, sử dụng đất cho phát triển cây lương thực chưa chặt chẽ, nhất là đối với đất trồng lúa. Qua thống kê cho thấy, trong 5 năm gần đây, diện tích trồng lúa liên tục giảm (bình quân mỗi năm giảm hơn 50.000 ha), nhất là ở các vùng lúa trọng điểm. Điều đáng nói là việc sử dụng đất trồng lúa để phát triển công nghiệp, dịch vụ..., còn khá tùy tiện, hiệu quả thấp, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn gây ra những bức xúc trong việc thu hồi đất và giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực tuy đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống phân phối lương thực trong nước, hệ thống thông tin ANLT quốc gia và các chính sách an sinh xã hội chưa đồng bộ, đã cản trở khả năng tiếp cận lương thực khi có các biến động bất lợi của thời tiết, thị trường đối với các đối tượng, nhất là những người có thu nhập thấp, các vùng khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra các tình huống cấp bách về an ninh, quốc phòng... Theo dự báo, đến năm 2020, dân số nước ta sẽ đạt khoảng 100 triệu người, cơ cấu tiêu dùng lương thực cũng sẽ thay đổi theo hướng tăng dần về chất lượng, làm cho nhu cầu tiêu dùng lương thực ngày càng gia tăng, không chỉ cho tiêu dùng trực tiếp với số dân ngày càng tăng, mà còn phục vụ để chăn nuôi và chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ lương thực. Tình hình đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và có các giải pháp đồng bộ để phát triển lương thực cả trước mắt và lâu dài, nhằm đảm bảo ANLT quốc gia, góp phần phát triển KT-XH bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc ANLT quốc gia cả trước mắt và lâu dài”1. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần tiến hành đồng bộ các giải pháp dưới đây.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANLT quốc gia, nhằm thống nhất điều chỉnh các hoạt động sản xuất, lưu thông phân phối và xuất nhập khẩu lương thực. Trước mắt, trong năm 2008 sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2003, theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa để đảm bảo giữ vững ANLT lâu dài cho đất nước; chủ động tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý đất trồng lúa và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất lúa gạo để đảm bảo ANLT, Nghị định về xử phạt hành chính đối với các hành vi đưa tin thất thiệt, hoặc các hành vi thương mại không lành mạnh làm rối loạn thị trường lương thực. Về lâu dài, cần xây dựng và ban hành Luật về ANLT quốc gia; đồng thời, xem xét, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách về sản xuất, cung ứng, dự trữ, xuất nhập khẩu lương thực; việc áp dụng các biện pháp cần thiết trong tình huống khẩn cấp để đảm bảo ANLT, nhất là bảo đảm cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

- Khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trọng điểm về sản xuất lương thực trên phạm vi cả nước và theo từng khu vực. Trong đó, cần xác định cụ thể quy mô, địa bàn phân bố diện tích đất sản xuất lương thực, đặc biệt là diện tích đất chuyên trồng lúa để đảm bảo vững chắc mục tiêu ANLT. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp về quản lý, sử dụng đất sản xuất lương thực có hiệu quả; về đầu tư cơ sở hạ tầng; về nghiên cứu, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và quan trọng là xây dựng định hướng sản xuất lương thực phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, cần rà soát, quy hoạch, phân loại diện tích trồng lúa theo các mức độ lợi thế khác nhau để có cơ chế quản lý và đầu tư phù hợp. Trong đó, đối với loại đất có khả năng thâm canh cao, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, đầu tư hạ tầng hoàn thiện và ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ tiên tiến, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, cần tích cực khai hoang tăng thêm diện tích trồng lúa nước và đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, nhất là đối với những cánh đồng lớn như: Mường Thanh, Mường Lò, Mường Ẳng, Mường Tấc (Tây Bắc)... Duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản làm hàng hóa, mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa lai, các loại giống chịu hạn và các loại hoa màu khác để tăng năng suất và sản lượng lương thực, đảm bảo đủ khả năng cung ứng lúa gạo tại chỗ, nhất là những vùng dễ bị tổn thương về ANLT. Đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, cần giữ vững diện tích đất trồng hai vụ lúa hiện có, hạn chế tối đa việc chuyển đất lúa sang các mục đích phi nông nghiệp. Đồng thời, chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống để tránh lũ ở vụ Hè thu, mở rộng sản xuất cây vụ Đông, có phương án phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định sản suất và đời sống.

- Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là phát triển hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông, hệ thống nhân và cung ứng giống, hệ thống điện và cơ khí nông nghiệp, hệ thống các nhà máy chế biến và các kho tàng bảo quản, dự trữ lương thực... Trong đó, đầu tư cho thủy lợi là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm tăng vụ, chuyển vụ và mở thêm diện tích gieo trồng ở những địa bàn có điều kiện. Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng các công trình đầu tư, bảo đảm không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mà còn cho các mục tiêu KT-XH, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ khác, việc đầu tư cần được nghiên cứu đầy đủ, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm và định hướng sản xuất lương thực trên từng vùng. Đối với các vùng lúa trọng điểm, cần tập trung cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới hệ thống thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu chủ động, hiện đại và khoa học. Đối với vùng miền núi, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ, để tăng diện tích đất trồng lúa 1 vụ lên 2 vụ, cải tạo nương rẫy thành ruộng bậc thang, tăng quỹ đất trồng cây lương thực, góp phần chủ động nguồn lương thực cho địa bàn.

- Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến và bảo quản lương thực, chú trọng nghiên cứu chọn, tạo và phát triển nhanh các giống lúa, giống màu mới, giống lai có năng suất, chất lượng cao, chống, chịu tốt với sâu bệnh và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt (rét, hạn, úng, nhiễm phèn, mặn...). Tích cực áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến: gieo thẳng, làm mạ công nghiệp, bón phân cân đối và hợp lý, tưới nước tiết kiệm, quản lý dịch hại tổng hợp. Mở rộng việc sử dụng cơ giới hóa trong các khâu của sản xuất lương thực, nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, nước, giảm chi phí sản xuất, tổn thất lương thực, hạ giá thành và tăng hiệu quả sản xuất.

- Củng cố, phát triển hệ thống bảo quản và cung ứng lương thực đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng lương thực trong mọi tình huống, đặc biệt cho lực lượng vũ trang, những địa bàn khó khăn, vùng thường xuyên bị thiên tai, các đô thị lớn..., không để xảy ra các cơn “sốt” do thiếu lương thực.

- Đổi mới, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển lương thực, trọng tâm là các nhóm chính sách về bảo vệ đất sản xuất lương thực, nhất là đất chuyên trồng lúa nước; chính sách hỗ trợ nông dân trực tiếp sản xuất lúa gạo; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; điều tiết tăng ngân sách cho các địa phương được quy hoạch chuyên sản xuất lương thực, không có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ để kích thích sản xuất và đảm bảo công bằng trong phát triển. Chú trọng các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người có thu nhập thấp, người làm nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng phòng hộ,  vùng đặc biệt khó khăn..., có đủ lương thực.

Một vấn đề quan trọng là phải tăng cường hợp tác quốc tế về bảo đảm ANLT, nhất là hợp tác với các nước trong khối ASEAN, với các tổ chức: Ngân hàng Thế giới (WB), FAO để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong phòng chống thiên tai, các loại dịch bệnh, chống đầu cơ, buôn lậu gây mất ANLT. Thông qua hợp tác, tranh thủ thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng; nghiên cứu phát triển khoa học-công nghệ; liên doanh, liên kết sản xuất các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến lương thực trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các nước ở khu vực và thế giới trong việc phòng tránh, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nhằm bảo đảm ANLT lâu dài, bền vững.

Phan Huy Thông

Cục phó Cục Trồng trọt

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

____________

1- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn – Báo Quân đội nhân dân, số 17.000 ngày 17- 8- 2008, trang 4.

 

Ý kiến bạn đọc (0)