QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:37 (GMT+7)
Báo chí quân đội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và vấn đề đặt ra trong xu thế phát triển hiện nay
Báo chí quân đội trong đội ngũ báo chí cách mạng. Là một vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén, báo chí cách mạng có một vị trí đặc biệt, góp phần quan trọng định hướng tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục, cổ động nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng. Nhận thức một cách sâu sắc vai trò to lớn của báo chí cách mạng, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc -  Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp viết báo, dùng báo chí làm diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cách mạng, mà Người còn trực tiếp tổ chức ra những tờ báo cách mạng. Báo chí quân đội là một bộ phận của báo chí cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo tổ chức, hoạt động.

Khi thời cơ lớn cho khởi nghĩa vũ trang xuất hiện, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) chính thức được thành lập. Sau hai trận đánh thắng đầu tiên, khởi đầu truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta, Đội VNTTGPQ đã tiến hành chấn chỉnh, củng cố và phát triển lực lượng. Công tác chính trị của Đội được đặc biệt chú trọng. Đi đôi với huấn luyện quân sự là việc học tập chính trị, giáo dục giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đội còn tổ chức học văn hóa, viết và ra bích báo. Đây là thời điểm ra đời tờ báo đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) - tờ Tiếng súng reo. Giai đoạn 1940 -1944 là giai đoạn báo chí cách mạng nước ta phát triển mạnh, có khoảng 50 tờ báo của các tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể, chủ yếu là xuất bản bí mật hoặc nửa công khai. Tờ Tiếng súng reo của quân đội nằm trong đội ngũ báo chí cách mạng, cùng với các tờ Cờ giải phóng- cơ quan tuyên truyền, cổ động và Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận, cùng của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh; Chiến đấu và Kêu gọi lính, cùng của cơ quan tuyên truyền Quân nhân cứu quốc hội, v.v.  Tất cả đều: “ Cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”.

2. Báo chí quân đội trưởng thành, phát triển trong cách mạng và chiến tranh cách mạng. Trong  sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta đã động viên, tổ chức lực lượng toàn dân, LLVT nhân dân làm nòng cốt, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Trong nhiệm vụ này, báo chí quân đội đã phát huy vai trò quan trọng của mình.
Ngay từ buổi khai sinh, báo chí quân đội đã được Tổng Quân ủy và Tổng cục Chính trị xác định: là những báo và tạp chí của Đảng, là tiếng nói của Quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Báo chí quân đội là một phương tiện tuyên truyền, quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng và được coi như một binh chủng quan trọng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, đặc biệt là nhiệm vụ quân sự. Báo chí quân đội còn là cầu nối giữa Đảng và quần chúng, giữa quân đội với nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân sự Trung ương), trực tiếp là Tổng cục Chính trị, các tờ báo từ Quân Giải phóng, Sao Vàng, Vệ Quốc quân, Quân du kích, Quân đội nhân dân đến các tờ tạp chí Quân chính tập san (sau là Quân sự tập san, Quân đội nhân dân, Quốc phòng toàn dân) và đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phát thanh Quân đội nhân dân... đều từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân và củng cố quốc phòng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tờ nhật báo, mà tiêu biểu là Báo Quân đội nhân dân đã phản ánh cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên các mặt trận, tiền tuyến và hậu phương, cả trong vùng địch tạm chiếm; nổi bật là trong các chiến dịch lớn, đã làm tốt việc thông tin chiến sự, làm rõ tình hình, nhiệm vụ, quán triệt phương châm tác chiến, cổ vũ ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ. Báo Quân đội nhân dân bám sát các chiến dịch, xuất bản ngay tại mặt trận, nhất là ở Điện Biên Phủ, thể hiện nổi bật phong cách bám sát chiến trường của báo chí quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Báo Quân đội nhân dân đã tập trung vào việc xây dựng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; góp phần làm cho toàn quân, toàn dân thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: dù chiến tranh có thể kéo dài; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, nhà máy có thể bị tàn phá, song nhân dân ta quyết không sợ, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; phê phán tư tưởng sợ Mỹ, củng cố niềm tin ta nhất định thắng, cổ vũ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự sáng tạo về nghệ thuật quân sự; đấu tranh sắc bén kịp thời với các luận điệu chiến tranh tâm lý xảo quyệt của Mỹ; vạch trần tính chất phi nghĩa và tất yếu thất bại của chiến tranh xâm lược, nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, làm rõ thắng lợi của quân và dân ta, sự ủng hộ và cổ vũ mạnh mẽ của nhân dân thế giới. Nắm bắt thời cơ, bám sát các chiến trường, các phóng viên chiến tranh đã tỏa đi khắp các mặt trận, phát hiện và kịp thời phản ánh những sự kiện quân sự quan trọng bằng những bài báo và bức ảnh chiến đấu sinh động. Nhiều nhà báo – chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình tác nghiệp.
Sự có mặt của các tờ tạp chí lý luận trong hai cuộc kháng chiến đã góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, xây dựng, phát triển đường lối quân sự, khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận và tư duy quân sự của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ quân sự  nói riêng. Sau chiến thắng Việt Bắc – Thu Đông 1947, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn mới và trên cơ sở kinh nghiệm được tích lũy những năm đầu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị xuất bản Quân sự tập san, sau đổi tên là Quân chính tập san.  Tháng 4 năm 1948, Quân sự tập san ra số đầu tiên. Bác Hồ đã gửi thư căn dặn và giao nhiệm vụ cho Quân sự tập san. Trong thư có đoạn: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì hay bị mù quáng...”. Lời căn dặn của Bác trở thành cẩm nang hành động trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển của tờ tạp chí lý luận quân sự và chính trị của Đảng trong quân đội, từ Quân chính tập san, Quân sự tập san đến Quân đội nhân dân, Quốc phòng toàn dân.  Qua các số Tạp chí lý luận trong các giai đoạn cách mạng, có thể thấy những nét cơ bản của đường lối chính trị, quân sự của Đảng ở mỗi giai đoạn; đồng thời thấy được quá trình phát triển của công tác lý luận quân sự, lý luận về chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc XHCN; thấy được công tác Đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân; thấy được quá trình Đảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin về chiến tranh và quân đội và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng. Các tạp chí lý luận, mà tiêu biểu là Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ lý luận, cả về quân sự và chính trị, cho cán bộ lãnh đạo các cấp trong và ngoài quân đội ở từng giai đoạn cách mạng.
Sự có mặt của Tạp chí Văn nghệ quân đội không những đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ LLVT mà còn đánh dấu sự trưởng thành, phát triển về mọi mặt của quân đội ta. Ngay từ khi mới ra đời (tháng 1-1957) và trong quá trình trưởng thành, phát triển, Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn luôn phấn đấu để trở thành người bạn tâm tình của cán bộ, chiến sĩ trong LLVT, cũng như đông đảo bạn đọc nói chung. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, ở đâu có bộ đội, ở đó có Văn nghệ quân đội. Các nhà văn quân đội đã bám sát bước chân chiến sĩ, vừa cầm súng, vừa cầm bút, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, kịp thời cổ vũ quân và dân ta; đồng thời, góp phần làm nên sức sống hào hùng của dòng văn học cách mạng, làm phong phú thêm nền văn học nước nhà, kể từ sau cách mạng Tháng 8-1945.
Sự ra đời và phát triển của Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân (PTQĐND) đánh dấu sự phối kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa báo chí trong quân đội với báo chí ngoài quân đội trên mặt trận văn hóa-tư tưởng của Đảng. Chương trình PTQĐND được Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng cục Chính trị phối hợp xây dựng. Ngày 16-3-1959, Chương trình PTQĐND phát sóng buổi đầu tiên và kể từ đó, hằng ngày phát sóng hai buổi (6 giờ 30 và 21 giờ). Chương trình chủ yếu phục vụ LLVT nhưng cũng đóng góp không nhỏ vào việc tuyên truyền, quán triệt cho các tầng lớp nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Chương trình còn góp phần tích cực vào công tác binh địch vận và vào việc tăng cường tình đoàn kết quốc tế để các nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ bản chất phản động của cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành và cuộc đấu tranh anh dũng, chính nghĩa của quân và dân ta. Chương trình PTQĐND còn tham gia tích cực  vào giáo dục tinh thần đoàn kết quân dân; tuyên truyền thực hiện các chính sách hậu phương quân đội. Có Chương trình PTQĐND,  Đài Tiếng nói Việt Nam được đánh giá là “biết đi hai chân”, quán triệt tốt hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.
3. Báo chí quân đội trong xu thế phát triển của báo chí cả nước hiện nay. Nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện, hợp tác sâu rộng nhằm phát triển về mọi mặt. Trong bối cảnh tình hình đó, vai trò của báo chí càng quan trọng. Chưa bao giờ báo chí phát triển mạnh và phong phú, đa dạng như hiện nay, với trên 650 tờ báo của Trung ương, địa phương, ngành, gắn với các loại hình: báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử.
Trong xu thế ấy, báo chí trong quân đội ngày một trưởng thành và phát triển phong phú; ngoài 4 báo và tạp chí tiêu biểu, trưởng thành và phát triển trong 30 năm của sự nghiệp giải phóng dân tộc là Quân đội nhân dân, Quốc phòng toàn dân, Văn nghệ Quân đội, PTQĐND, hiện nay còn có Truyền hình Quân đội nhân dân, các báo  của quân khu, quân chủng, các tạp chí chuyên ngành và các tờ tin, tập san của các binh chủng, quân đoàn.... Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay, báo chí quân đội tập trung tuyên truyền, phổ biến đường lối chính trị, quân sự của Đảng; tuyên truyền và cổ động quần chúng thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân, quân đội nhân dân trong tình hình mới. Cùng với đó, báo chí quân đội tích cực tham gia tuyên truyền nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước trên tất cả các lĩnh vực; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân tham gia quản lý xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Khi tình hình thế giới có những biến chuyển quan trọng, cả  tích cực và diễn biến phức tạp; đặc biệt đối với nước ta, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, báo chí quân đội đã đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống lại các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, giữ vững trận địa tư tưởng. Gần đây, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành các văn bản tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí như Thông báo 162 – TB/TƯ (ngày 11-12-2004) và Thông báo 41- TB/ TƯ của Bộ Chính trị. Cơ quan chủ quản của báo chí quân đội  và các tờ báo, tạp chí của quân đội đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản nói trên. Thời gian tới, báo chí quân đội cần tiếp tục bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự chỉ đạo, quản lý của Bộ Văn hóa-Thông tin, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị và của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị. Ngày 28-5-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg "Quyết định ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí", nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan... trong việc cung cấp những thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời các vấn đề mà báo chí quan tâm. Đây chính là cơ sở để các nhà báo làm sáng tỏ các vấn đề có tầm chiến lược, nhạy bén đề cập đúng và trúng các vấn đề then chốt trong các tình huống, thể hiện rõ thái độ chính trị của quân đội trước thời cuộc, trước các sự kiện quan trọng trong nước và thế giới; từ đó, nêu cao tính chiến đấu, phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận văn hóa- tư tưởng.
Đại tá  Nguyễn Thế Vỵ
và ThS . Nguyễn Bích Hạnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)