QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:40 (GMT+7)
Bàn về xây dựng thế trận hải quân trong chiến lược biển

Nước ta nằm ở phía Tây của Biển Đông, có bờ biển dài 3.260 km, vùng biển rộng với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, từ xa đến gần bờ. Hơn nữa, vùng biển nước ta có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng, nhất là dầu mỏ, khí đốt cùng các nguồn lợi thủy, hải sản quý; lại án ngữ trên nhiều tuyến giao thông hàng hải và hàng không quan trọng của khu vực và thế giới. Vì thế, vùng biển nước ta có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cả trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) của Tổ quốc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, bước đầu đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh từ biển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay khả năng khai thác những lợi ích từ biển còn nhiều hạn chế; an ninh trên biển vẫn còn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền, thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép của lực lượng tàu, thuyền nước ngoài vẫn thường xuyên xảy ra; tình hình buôn lậu, tội phạm trên biển vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền, giữ vững hòa bình và ổn định trên các vùng biển là điều kiện tiên quyết để chúng ta khai thác và tiến ra biển khơi một cách vững chắc. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển...”1.

Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, trên tất cả các lĩnh vực và bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển nói chung, xây dựng thế trận Hải quân nói riêng giữ vai trò hết sức quan trọng. Chúng tôi xin nêu mấy vấn đề cơ bản về xây dựng thế trận Hải quân để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Tổ chức, bố trí lực lượng Hải quân phù hợp với nhiệm vụ và phương án tác chiến bảo vệ biển đảo. Đây là vấn đề rất quan trọng trong xây dựng thế trận Hải quân, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Bởi lẽ, vùng biển và thềm lục địa của nước ta rất rộng (hơn 1 triệu km2), số lượng mục tiêu cần phải quản lý và bảo vệ nhiều; trong khi đó, lực lượng, phương tiện và khả năng hoạt động của Hải quân ta trên các vùng biển, nhất là ở vùng biển xa còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức, bố trí lực lượng Hải quân không thể dàn trải trên các vùng biển, mà phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhiệm vụ, phương án tác chiến của từng lực lượng trên từng địa bàn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu bảo vệ mục tiêu trong thời bình và tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại, công nghệ cao; vừa có thể tác chiến độc lập, liên tục dài ngày ở vùng biển gần cũng như ở vùng biển xa bờ; vừa có khả năng cơ động cao và hiệp đồng tác chiến hiệu quả với các lực lượng khác. Để đáp ứng được yêu cầu đó, việc tổ chức lực lượng cần theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, cơ động phản ứng nhanh; có cơ cấu cân đối, đồng bộ, đủ thành phần lực lượng tác chiến tại chỗ trên các đảo, lực lượng làm nhiệm vụ thường trực trên biển và lực lượng cơ động Hải quân. Trong đó, chú trọng tổ chức, xây dựng lực lượng cơ động, lực lượng đột kích Hải quân và lực lượng làm nhiệm vụ trên các đảo, nhất là những đảo ở vị trí trọng yếu, tiền tiêu của Tổ quốc. Đối với lực lượng thường trực trên biển, cần được tổ chức, củng cố vững mạnh toàn diện, làm chỗ dựa, cầu nối giữa đất liền với biển, đảo; coi trọng việc phát huy sở trường thực hiện nhiệm vụ quản lý biển, đảo trong thời bình và bảo đảm sẵn sàng tác chiến được ngay khi có xung đột, chiến tranh xảy ra. Lực lượng cơ động Hải quân phải được tổ chức, xây dựng đủ mạnh, chú trọng khả năng cơ động và trình độ tác chiến linh hoạt, nhằm giải quyết tốt các nhiệm vụ trên biển, đảo, nhất là các nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược trên biển.

Cùng với đó, việc bố trí lực lượng Hải quân đòi hỏi phải có chiều sâu, phù hợp trên các tuyến, nhất là tuyến ven bờ, nhưng phải tập trung có trọng điểm trên hướng chủ yếu, khu vực biển quan trọng, theo một ý định thống nhất, bảo đảm có thể đánh địch từ xa đến gần, từ nhiều hướng tới. Đặc biệt, trên cơ sở nhiệm vụ và phương án tác chiến đã xác định, có thể bố trí, triển khai một phần lực lượng, phương tiện, nhất là lực lượng cơ động, trang bị mạnh ở những khu vực biển nhạy cảm, trọng yếu để có thể giành quyền chủ động trong mọi tình huống. Tuy nhiên, các phương án tác chiến dù chuẩn bị công phu đến đâu cũng sẽ có sự điều chỉnh khi chiến tranh xảy ra, nên việc bố trí lực lượng cũng cần hết sức linh hoạt, phù hợp với tình hình, đặc điểm cụ thể của từng tình huống. Mặt khác, việc bố trí lực lượng không chỉ tuân theo quy luật đặc thù của Hải quân, mà còn phù hợp với thế trận chung trên từng hướng chiến lược của đất nước, nhằm gắn kết thế trận giữa bờ- biển- đảo và đạt được mục đích chiến lược đề ra. Do đó, trong quá trình bố trí, cần nắm chắc chất lượng, nhiệm vụ, sở trường của từng lực lượng; tính năng hoạt động của các loại vũ khí, phương tiện, trang thiết bị chiến đấu và đặc điểm của từng vùng biển để bố trí, sử dụng lực lượng một cách hợp lý, bảo đảm thế trận liên hoàn, vững chắc, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc.

2. Tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh thiết bị chiến trường. Xuất phát từ đặc thù của thế trận Hải quân được xây dựng chủ yếu ở trên biển và ven bờ, với hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị chiến trường phức tạp, có hàm lượng kỹ thuật chuyên ngành cao, nhằm phát huy tối đa khả năng sở trường và tính năng ưu việt của từng lực lượng, phương tiện và vũ khí trang bị hiện đại của Hải quân, nên việc xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh thiết bị chiến trường trong thế trận Hải quân phải bảo đảm toàn diện, đồng bộ, hiện đại, được liên kết với nhau trên tất cả các tuyến, cả vùng biển gần và vùng biển xa.

Tuyến ven bờ và vùng biển, đảo gần bờ cần được xây dựng cơ bản, vững chắc, đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm tính cơ động cao, nhằm tạo ra chiều sâu của thế trận phòng thủ biển, đảo; đồng thời, là điểm tựa vững chắc, sẵn sàng chi viện mọi mặt cho các lực lượng hoạt động ở tuyến biển xa. Trong xây dựng, cần tập trung vào các công trình quan trọng: bến cảng, sân bay, sở chỉ huy; các trận địa pháo binh, phòng không, tên lửa; các căn cứ Hải quân, các điểm trú đậu tàu, thuyền, các khu sơ tán bí mật, khu đợi cơ..., theo các phương án tác chiến.

Đối với vùng biển, đảo xa bờ, các thiết bị chiến trường cần được xây dựng theo phương án tác chiến của từng vùng và của toàn Quân chủng, trên từng hướng chiến lược, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có chính diện, chiều sâu phù hợp, liên hoàn, vững chắc, có thể cơ động chuyển hóa linh hoạt, đáp ứng với mọi tình huống xảy ra. Trong đó, cần coi trọng việc tận dụng triệt để thế có lợi của địa hình, nhất là các đảo xa bờ để làm căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, các điểm trú đậu bí mật..., làm chỗ dựa để vươn rộng, vươn xa và phát huy cách đánh sở trường của các lực lượng trong chiến tranh nhân dân trên biển. Cần tiếp tục quán triệt tư tưởng “lấy nhỏ thắng lớn”, “ lấy ít địch nhiều”, lấy thô sơ kết hợp với hiện đại để thắng hiện đại, công nghệ cao của địch; trong đó, việc tận dụng thế thiên hiểm của địa hình biển, đảo, đặc điểm môi trường, thủy văn, các luồng, lạch..., để xây dựng thế trận hiểm hóc, linh hoạt, nhằm tạo thế có lợi đánh địch là vấn đề rất quan trọng. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao khả năng phòng thủ, bảo vệ an toàn cho hệ thống thiết bị chiến trường, nhất là bảo đảm phòng không, ngụy trang, nghi binh giữ bí mật, chống tác chiến điện tử của địch.

3. Chủ động hiệp đồng giữa lực lượng Hải quân với các lực lượng vũ trang khác và lực lượng của các ngành kinh tế biển. Đây là nội dung quan trọng không thể thiếu, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển KT-XH và củng cố QP-AN trên biển; đồng thời, góp phần xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển nói chung và thế trận Hải quân nói riêng. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, Hải quân cần tích cực chủ động hiệp đồng tác chiến với các lực lượng vũ trang khác, như: Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, lực lượng vũ trang của các quân khu, các tỉnh, thành phố ven biển để kiện toàn mạng lưới thông tin và thống nhất phương án hoạt động. Đồng thời, phải chú trọng phối hợp tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án tác chiến phòng thủ biển đảo, nhất là tác chiến hiệp đồng binh chủng; phối hợp tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu, cướp biển và xử lý các sai phạm trên biển. Mặt khác, Hải quân cần phối hợp với lực lượng của các bộ, ngành và địa phương, trong việc duy trì trật tự an ninh trên đảo, xây dựng môi trường văn hóa, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, củng cố thế trận quốc phòng trên tuyến biển, đảo ven bờ; thực hiện công tác nghiên cứu, điều tra môi trường biển; tổ chức diễn tập theo phương án bảo vệ các vùng thềm lục địa trọng điểm, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác, nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm biển, đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để công tác phối hợp, hiệp đồng đạt hiệu quả thiết thực, cần tiếp tục tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng; tổ chức, bố trí hợp lý lực lượng QP-AN với lực lượng phát triển kinh tế biển trên từng khu vực; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các lực lượng, không để chồng chéo, kém hiệu quả trong hoạt động.

Một nội dung hết sức quan trọng trong xây dựng thế trận Hải quân hiện nay là tổ chức thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự trên biển, nhất là các hoạt động tuần tra chung với lực lượng hải quân của các nước trong khu vực, tại các vùng biển chồng lấn mà nước ta đã ký kết, mở rộng hợp tác quốc tế, tập trung giải quyết các vấn đề mới mang tính toàn cầu, như phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển, tìm kiếm cứu nạn..., góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển của Tổ quốc, xây dựng biển nước ta hòa bình, hợp tác và phát triển.     

Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện được mục tiêu chiến lược biển của đất nước, vấn đề xây dựng thế trận Hải quân vững chắc trên biển là đòi hỏi khách quan, vừa cấp thiết vừa cơ bản, lâu dài, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Viết Nhiên

Chỉ huy trưởng Vùng D Hải quân

_______

1- Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương - Các nghị quyết BCHTWĐảng khóa X, H. 2007, tr. 94.

 

Ý kiến bạn đọc (0)