QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:13 (GMT+7)
Bàn về trận then chốt quyết định mở đầu chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Chiến dịch tiến công (CDTC) là loại hình chiến dịch ta chủ động tiến công quân địch ở trạng thái phòng ngự. Chiến dịch thường gồm một số trận đánh then chốt, trong đó có trận then chốt quyết định (TCQĐ). Trận TCQĐ có thể là trận mở đầu hoặc là trận kế tiếp của chiến dịch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một số CDTC do ta mở đã xác định trận TCQĐ là trận mở đầu chiến dịch. Đó là trận đánh được thực hiện khi mở màn chiến dịch hoặc trong đợt một của chiến dịch, do bộ phận chủ yếu của chiến dịch tiến hành, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phương tiện chiến tranh quan trọng của địch, phá vỡ một cách cơ bản thế trận phòng ngự của chúng, khôi phục khu vực, mục tiêu trọng yếu, tạo đột biến có tính quyết định để thúc đẩy chiến dịch phát triển. Đặc điểm của trận TCQĐ mở đầu chiến dịch là: trận đánh diễn ra trên chiến trường lựa chọn, trên hướng chiến lược trọng điểm, thực hiện nhiệm vụ do chiến lược giao; mục đích của trận đánh vừa là tiêu diệt, tiêu hao địch vừa giải phóng, khôi phục địa bàn; mục tiêu đánh khá lớn, thường là sở chỉ huy lữ đoàn cùng một bộ phận lực lượng địch phòng ngự trong công sự có liên quan; trận đánh là trận tác chiến hiệp đồng binh chủng; tính chất ác liệt, khẩn trương, vật chất tiêu hao lớn.

Những đặc điểm trên chủ yếu được rút ra từ thực tiễn chiến tranh giải phóng. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trận đánh mở đầu CDTC có thể là trận TCQĐ không? Nếu xảy ra thì nó có gì khác trước? Đó cũng là vấn đề chúng tôi quan tâm chủ yếu trong bài viết này.

Việc xác định trận mở đầu chiến dịch là trận TCQĐ, trước hết phụ thuộc vào tình hình địch trên chiến trường, đặc điểm địch tạm dừng, phòng ngự trên địa bàn tác chiến. Khi xâm lược nước ta, sau giai đoạn tiến công bằng hỏa lực từ xa, hoặc là đồng thời với giai đoạn này, địch sẽ thực hành đổ bộ đường biển, tiến công đường bộ, đổ bộ đường không vào lãnh thổ nước ta. Đây sẽ là cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn, địch sử sụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi. Với phương châm đánh nhanh, thắng nhanh, tổn thất ít và nguyên tắc tiến công bất ngờ, tập trung, táo bạo, địch sẽ dựa vào khả năng hỏa lực và sức cơ động, duy trì nhịp độ tiến công cao, tiến công vượt điểm, hợp điểm, nhanh chóng đánh chiếm các trung tâm kinh tế, chính trị, quốc phòng của ta để kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn và thời điểm có lợi nhất.
Trong cuộc chiến tranh chống I-rắc năm 2003, nhịp độ tiến công của quân đội Mỹ, Anh những ngày đầu thường xuyên được duy trì ở mức cao, có thời điểm lên tới gần 300 km/ngày. Sở dĩ đạt được điều đó là vì quân Mỹ, Anh chưa gặp phải sự kháng cự đáng kể nào của lực lượng vũ trang I-rắc. Khi vào sâu lãnh thổ I-rắc, nhất là khi vào gần đến thủ đô Bát-đa, bị lực lượng vũ trang I-rắc chống cự quyết liệt, cùng với điều kiện khí hậu không thuận lợi, vật chất bảo đảm chưa kịp bổ sung, nên quân Mỹ, Anh buộc phải tạm dừng tiến công. Nếu xâm lược nước ta, kẻ địch sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tranh nhân dân hiện đại. Khác với trước, đó là cuộc chiến tranh nhân dân phát triển ở trình độ cao, được chuẩn bị mọi mặt từ thời bình. Các khu vực phòng thủ địa phương của ta được xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự, an ninh, tạo ra thế trận phòng thủ vững chắc, liên hoàn trong cả nước. Với thế trận đó, chúng ta có khả năng chủ động đánh địch từ xa, nhất là khi chúng xâm nhập vào lãnh thổ đất nước. Khi bị lực lượng vũ trang địa phương kết hợp một bộ phận bộ đội chủ lực của ta chặn đánh quyết liệt, gây cho địch thương vong, tổn thất, không còn đủ điều kiện tiến công hoặc có nguy cơ bị bao vây tiêu diệt, buộc địch phải tạm dừng. Một số nhà phân tích cho rằng, khi gặp phải tình huống này, địch có thể tạm dừng, nhưng trong chiến tranh hiện đại, địch chỉ tạm dừng trong một hai ngày, thậm chí vài giờ, bởi chúng có khả năng bổ sung nhanh lực lượng, phương tiện để tiếp tục tiến công được ngay. Song, thực tiễn không phải khi nào cũng diễn ra theo đúng mong muốn của kẻ xâm lược. Thực tế cho thấy, gặp nhiều thuận lợi như trong khi tiến công I-rắc mà một số binh đoàn hỗn hợp của liên quân Mỹ, Anh vẫn phải tạm dừng dài ngày để củng cố. Nếu diễn ra trên đất ta, do bị chi phối bởi điều kiện địa hình, thời tiết, đặc biệt là bị tác động bởi thế trận khu vực phòng thủ của ta, làm cho địch chẳng những buộc phải dừng tiến công, mà còn phải chuyển vào phòng ngự, thậm chí dài ngày mới có khả năng tiếp tục tiến công. Dù vậy, chúng ta cũng cần khẳng định rằng, địch phòng ngự trong thời gian hàng tuần là khó xảy ra; nếu có thì đó có thể là trường hợp khi cần lập căn cứ, tạo chỗ đứng vững chắc cho lực lượng vũ trang phản động nội địa, khi lực lượng này còn nhỏ, yếu.
Bên cạnh trường hợp địch buộc phải chuyển vào phòng ngự do sự tác động từ phía ta, cũng cần thấy địch hoàn toàn có thể chủ động chuyển vào phòng ngự trong trường hợp chúng đã đánh chiếm được khu vực, mục tiêu quan trọng. Lúc này, việc dừng lại của chúng vừa là để củng cố khu vực đã chiếm vừa là để hội quân, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm tiếp tục đánh chiếm các mục tiêu lớn hơn, trọng yếu hơn của ta.
Dù chuyển vào phòng ngự trong trường hợp nào, vì phải lo đối phó với ta từ nhiều hướng, nên địch vẫn phải chiếm giữ địa hình có giá trị chiến thuật, củng cố công sự trận địa, trước hết là để bảo toàn lực lượng, phương tiện, sau là để giành lại thế chủ động tiếp tục tiến công. Khi phòng ngự, lữ đoàn, sư đoàn bộ binh địch luôn dựa vào khu vực địa hình có giá trị, các trục đường, tổ chức phòng ngự có chính diện, có chiều sâu, có trọng điểm, có thể đối phó được trên nhiều hướng và có khả năng chuyển hướng phòng ngự chủ yếu một cách linh hoạt theo tình huống tác chiến. Thủ đoạn tác chiến phòng ngự của chúng đã có sự thay đổi nhất định. Thí dụ, trận địa tuyến an ninh (tổ chức ở phía trước, hai bên sườn trận địa khu vực phòng ngự), thay vì bố trí các vọng cảnh giới, sử dụng con người là chủ yếu như trước đây thì nay chúng chú trọng sử dụng các phương tiện kỹ thuật, báo động sớm là chủ yếu. Khi phát hiện chính xác ý định tiến công của ta, địch tổ chức phòng ngự dự phòng, bằng cách đưa lực lượng lên phía trước, vòng ngoài, chiếm địa hình có lợi nhằm ngăn chặn ta từ xa, đồng thời dùng hỏa lực đánh phá sự chuẩn bị của ta. Nhờ khả năng được chi viện về hỏa lực từ nhiều cấp, nhất là của cấp chiến lược (trước đây hỏa lực cấp trên chi viện chủ yếu là cấp chiến dịch), nên cho phép địch vận dụng thủ đoạn tác chiến phản kích đồng thời, phản kích sớm hoặc phản kích vượt cấp, tức không đợi ta đột nhập mới phản kích, theo quan điểm: “Càng đẩy đối phương ra xa càng tốt”.
 Tình hình địch trên chiến trường, khi tạm dừng tiến công, chuyển vào phòng ngự theo những trạng thái trên đây là một trong những điều kiện để ta mở CDTC. Nếu địa bàn chiến dịch diễn ra trên hướng chiến trường trọng điểm, khu vực, mục tiêu địch đã chiếm có ý nghĩa quan trọng, trong khi khả năng của ta cho phép thì chiến lược có thể xác định trận mở đầu là trận TCQĐ để khôi phục địa bàn quan trọng, tạo đột biến về chiến dịch, thúc đẩy hoạt động tác chiến chiến lược trên các hướng chiến trường.
Như vậy, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trận đánh mở đầu CDTC là trận TCQĐ hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, do đặc điểm, khả năng phòng ngự của địch đã khác trước, nên để đánh thắng trận TCQĐ mở đầu chiến dịch đòi hỏi chúng ta phải quan tâm giải quyết rất nhiều vấn đề.
Trước hết là vấn đề tạo thế, thực hiện lập thế chuẩn bị trước và lập thế chuẩn bị trực tiếp. Lập thế chuẩn bị trước phải được tiến hành trên cơ sở dự báo sự phát triển của địch, từ đó có thể dự kiến hướng, địa bàn mở chiến dịch, khu vực, mục tiêu đánh trận TCQĐ mở đầu; chuẩn bị sẵn kế hoạch hành quân cơ động; hiệp đồng với cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương về phối hợp tác chiến, bảo đảm vật chất, phương tiện, thiết bị chiến trường. Lập thế chuẩn bị trước càng sát với thực tế càng có tác dụng lớn đối với bước chuẩn bị trực tiếp. Khi phát hiện địch tạm dừng, phải tổ chức mở chiến dịch ngay, không để địch có thời gian củng cố công sự, tức là bước lập thế chuẩn bị trực tiếp phải sử dụng một số lực lượng đánh địch ngay khi chúng tạm dừng bằng lối đánh rộng khắp, đánh hiểm, đánh phối hợp, buộc địch phải phân tán, làm giảm khả năng đối phó của chúng trên hướng tiến công chủ yếu của ta; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nghi binh, tạo thế, thu hút sự chú ý của địch; bí mật, bất ngờ hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập địch, tạo điều kiện tối đa cho bộ phận đánh trận TCQĐ trên hướng tiến công chủ yếu, vào mục tiêu chủ yếu. Bộ phận đánh trận TCQĐ mở đầu tiến hành cơ động lực lượng, tập trung vào hướng tiến công chính diện, tạo khả năng đột phá mãnh liệt, nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu chủ yếu. Các lực lượng khác kết hợp đột phá với thọc sâu, vu hồi vào bên sườn, phía sau lưng địch, tạo áp lực để uy hiếp, cô lập địch.
Quá trình tạo thế, cần tận dụng, cải tạo địa hình, kết hợp vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp ngụy trang, các hoạt động nghi binh, giữ bí mật hành động, không để lộ ý định tiến công, lực lượng tiến công đánh trận TCQĐ.
Về bố trí, sử dụng lực lượng, xét về tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường nói chung ta không hơn địch, thậm chí kém hẳn địch, song trên địa bàn chiến dịch, nhất là đối với trận TCQĐ ta phải hơn hẳn địch. Yêu cầu này là một thách thức lớn đối với ta. Do đó, lô-gíc của vấn đề là từng bước làm cho các yếu tố “thế và lực” vận động, chuyển hóa theo hướng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm chắc thắng trận TCQĐ mở đầu chiến dịch. Muốn vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng trong khu vực phòng thủ, nhất là kết hợp chặt chẽ lực lượng ba thứ quân trên địa bàn chiến dịch, hình thành thế xen kẽ giữa ta và địch, tạo ra thế đánh địch trong ngoài cùng đánh, buộc địch vừa phải phân tán đối phó, vừa khó phát huy hỏa lực. Lực lượng chủ lực phải tổ chức theo hướng gọn, mạnh. Lực lượng thọc sâu tổ chức mạnh ngay từ đầu, cùng với hỏa lực có khả năng đột kích nhanh, bỏ qua hoặc khống chế các mục tiêu vòng ngoài, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu. Bố trí lực lượng cần có sự phân tán thích hợp, nhưng phải bảo đảm tiện chỉ huy, hiệp đồng, có khả năng tập trung được lực lượng khi cần. Lực lượng vũ trang địa phương tổ chức, sử dụng theo một kế hoạch thống nhất của Tư lệnh chiến dịch, bố trí nơi có thể đánh hiểm, đánh rộng khắp, đánh nhanh, rút nhanh, đánh nhiều trận. Ngoài ra phải tổ chức lực lượng dự bị mạnh trên từng hướng, ưu tiên cho hướng tiến công chủ yếu.
Cùng với những vấn đề trên, sử dụng mọi biện pháp để hạn chế hiệu quả vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử của địch là vấn đề mới cần đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Có như vậy mới bảo toàn được lực lượng, bảo đảm đánh chắc thắng trận TCQĐ mở đầu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của chiến lược giao cho.
 
Thượng tá, ThS. Quách Xuân Đà
   
 

Ý kiến bạn đọc (0)