QPTD -Chủ Nhật, 04/09/2011, 00:40 (GMT+7)
Bàn về tạo lập thế trận thông tin liên lạc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Thế trận thông tin liên lạc (TTLL) là một bộ phận cấu thành của thế trận quốc phòng, an ninh, có vai trò rất quan trọng trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trước đối tượng tác chiến có tiềm lực quân sự và phương tiện chiến tranh hiện đại, ta đã kết hợp chặt chẽ hệ thống thông tin (HTTT) cơ động với HTTT có sẵn tại chỗ của Bộ, của các quân khu, mặt trận, các cơ quan quân sự địa phương và của ngành Bưu điện...; nhất là phát huy khả năng tham gia công tác TTLL của nhân dân, hình thành thế trận TTLL thống nhất, hoàn chỉnh, vững chắc. Thế trận đó đã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy hoạt động tác chiến trên các chiến trường và phục vụ tác chiến ở cả ba cấp: chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh bại kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch có thể sử dụng lực lượng, phương tiện tác chiến hiện đại, có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, đặc biệt là sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) và tác chiến điện tử (TCĐT) quy mô lớn, tiến hành tiến công hỏa lực đường không đánh phá các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trọng yếu của ta, nhất là các sở chỉ huy, trung tâm thông tin, các trạm ra-đa, trận địa pháo binh, tên lửa. Tiếp đó, chúng có thể dùng các liên binh đoàn hỗn hợp tiến công trên bộ từ nhiều hướng vào lãnh thổ nước ta, thực hiện chia cắt chiến lược, cô lập và đánh chiếm các mục tiêu chiến lược quan trọng, trong đó có các mục tiêu về TTLL. Đồng thời, chúng có thể sử dụng các phương tiện TCĐT hiện đại, các tổ hợp trinh sát, gây nhiễu đặt trong vũ trụ, trên máy bay, hạm tàu, kết hợp với các trung tâm TCĐT bố trí bên ngoài lãnh thổ nước ta, tập trung chế áp mạnh vào HTTT các cấp, nhất là mạng thông tin chiến lược, làm tê liệt chỉ huy, rối loạn hiệp đồng, tạo điều kiện cho các hướng, mũi tiến công của chúng đánh chiếm các mục tiêu, kết thúc chiến tranh. Vì vậy, bảo đảm TTLL thông suốt, vững chắc, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy trong mọi tình huống của chiến tranh hiện đại là yêu cầu khách quan, cấp thiết và cần có các giải pháp đồng bộ; trong đó, tạo lập thế trận TTLL vững chắc là vấn đề rất quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Dưới đây, chúng tôi xin nêu mấy ý kiến về vấn đề này để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Xây dựng thế trận TTLL phải phù hợp với ý định tác chiến chiến lược (TCCL) và vững chắc trong mọi tình huống.

Trong chiến tranh, ý định TCCL là cơ sở quan trọng nhất để tạo lập thế trận tác chiến nói chung, thế trận TTLL nói riêng trên phạm vi cả nước, trong từng khu vực (hướng) chiến lược, cả ở quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Vì vậy, tạo lập thế trận TTLL phải phù hợp với ý định TCCL; phải dựa trên cơ sở ý định TCCL để bố trí, triển khai các thành phần của HTTT phù hợp và thống nhất với thế bố trí chiến lược của các lực lượng tham gia tác chiến trên từng khu vực (hướng) chiến lược và cả nước. Thế trận đó phải được thể hiện bằng việc bố trí, sắp xếp, triển khai các thành phần của HTTT, các lực lượng thông tin quân sự, dân sự theo ý định thống nhất của cấp chiến lược, nhằm tạo thế có lợi và phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của các lực lượng thông tin, bảo đảm TTLL kịp thời, vững chắc, bí mật..., phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, điều hành, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến. Để làm được điều đó, thế trận TTLL phải được triển khai xây dựng ngay từ thời bình, có dự kiến ý định điều chỉnh thế bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị TTLL khi có chiến tranh xảy ra. Trong thời bình, trên cơ sở HTTT chiến lược hiện có, HTTT của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, ngành, khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) và của ngành Bưu chính, Viễn thông, tập trung nghiên cứu, xây dựng HTTT tại chỗ; điều chỉnh thế bố trí các tổng trạm, trạm thông tin; các tuyến thông tin; các nhà máy, xí nghiệp của Binh chủng thông tin, của ngành Bưu chính, Viễn thông và các ngành khác, bảo đảm phù hợp ý định TCCL trên từng khu vực, địa bàn và cả nước. Khi chiến tranh xảy ra, phải căn cứ vào quyết tâm và kế hoạch TCCL để nhanh chóng triển khai HTTT cơ động các cấp theo kế hoạch TTLL đã được phê duyệt, kết hợp với HTTT cố định, hình thành thế trận TTLL thống nhất, hoàn chỉnh, vững chắc trên từng hướng chiến lược và cả nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các tình huống tác chiến diễn biến rất khẩn trương, mau lẹ và quyết liệt, đòi hỏi thế trận TTLL phải vững chắc, bảo đảm giữ vững thông tin chỉ huy không bị gián đoạn trong mọi tình huống. Người chỉ huy và cơ quan thông tin cần nghiên cứu, bố trí lực lượng, phương tiện TTLL bảo đảm phát huy cao nhất sức mạnh, sở trường của từng lực lượng; kết hợp chặt chẽ giữa bố trí, sử dụng thông tin cố định và thông tin cơ động; thông tin quân sự và thông tin dân sự; kết hợp giữa các loại phương tiện thông tin hiện đại, tương đối hiện đại và thô sơ; giữa thông tin vô tuyến, hữu tuyến, vi-ba, vệ tinh... kể cả các phương thức thông tin tín hiệu một cách linh hoạt, sáng tạo; sử dụng đúng tính năng, đúng thời cơ để giữ vững TTLL trong mọi tình huống.

2. Tạo lập thế trận TTLL phải bảo đảm tính ổn định, đồng thời phải linh hoạt trong quá trình tác chiến.

Đặc điểm địa hình nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam qua 16 độ vĩ tuyến, bề ngang lại hẹp, phía Đông và Đông Nam được bao bọc bởi Biển Đông với hơn 3260 km bờ biển. Khi chiến tranh xảy ra, địch có điều kiện triển khai tiến công và chế áp điện tử từ nhiều hướng, nên lãnh thổ nước ta rất dễ bị chúng chia cắt về chiến lược. Hơn nữa, trong điều kiện tác chiến hiện đại, địch có ưu thế tuyệt đối về VKCNC, vũ khí điều khiển chính xác và TCĐT rộng rãi, nên việc cơ động TTLL sẽ hết sức khó khăn, phức tạp. Vì vậy, tạo lập thế trận TTLL phải bảo đảm tính ổn định trên từng địa bàn và cả nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm để giữ vững TTLL cho lãnh đạo, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến, kể cả khi bị chia cắt chiến lược. Tính ổn định của thế trận TTLL đòi hỏi hệ thống TTLL các cấp vừa có thể hoạt động độc lập trên từng vùng chiến lược, vừa có khả năng liên kết giữa các chiến trường với nhau, chi viện hỗ trợ cho nhau, mà ít phải thay đổi, bố trí lại trong quá trình tác chiến. Đồng thời, thế trận đó cũng dự kiến được các tình huống có thể diễn ra, các khu vực có thể sẽ tiến hành các hoạt động tác chiến (phòng ngự, phản công, tiến công chiến lược) để có các phương án bố trí trước các trạm thông tin, các đường liên lạc..., sẵn sàng đáp ứng sự phát triển của chiến tranh, nhất là những phát triển đột biến. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần tạo lập thế trận TTLL liên hoàn trên cả nước, trên từng khu vực, chiến trường, từng quân khu và các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Trong đó, cần tập trung tạo lập thế trận TTLL tại chỗ đủ sức đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin chỉ huy trên từng vùng chiến lược, hạn chế thấp nhất việc phải cơ động lực lượng từ xa đến. Căn cứ vào thế trận của các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, thế bố trí chiến lược của Bộ trên các địa bàn chiến lược, từng bước điều chỉnh, bố trí lực lượng thông tin các cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật) hợp lý trên các vùng, miền phù hợp với tình hình nhiệm vụ, tạo sự ổn định trong thời chiến. Tuy nhiên, trong thực tế chiến tranh, thế trận TTLL dù có ổn định đến đâu cũng vẫn phải có sự điều chỉnh, bổ sung trong quá trình tác chiến, nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện đại sẽ có nhiều tình huống bất ngờ ngoài dự kiến. Do đó, thế trận TTLL không những phải ổn định, mà còn phải linh hoạt, sẵn sàng chuyển hoá khi cần thiết. Để có được thế trận TTLL linh hoạt, phải trên cơ sở của HTTT cố định có sẵn tại chỗ, nhạy bén nắm bắt thời cơ, nhanh chóng triển khai HTTT cơ động (dã chiến), tạo ra hình thái thế trận TTLL mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và những phát triển của chiến tranh. Bài học về chuyển hóa thế trận TTLL trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (1971) cho thấy, cơ quan thông tin chiến dịch đã dựa vào HTTT và lực lượng thông tin tại chỗ của Bộ, Đoàn 559, B4, B5, kịp thời triển khai thế trận vững chắc và cơ động cho HTTT chiến dịch. Vì vậy, với lực lượng thông tin chiến dịch hạn chế (chỉ có 2 đại đội), thời gian chuẩn bị chiến dịch rất gấp (9 ngày), nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin cho chiến dịch giành thắng lợi. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thời gian chuẩn bị chiến dịch có thể còn ngắn hơn, nên cần kết hợp chặt chẽ giữa thế trận thông tin ổn định với thế trận thông tin linh hoạt để sẵn sàng mở rộng, triển khai mạng thông tin cơ động đáp ứng yêu cầu tác chiến.

3. Kết hợp giữa thế bố trí rộng khắp với tập trung có trọng điểm trên khu vực (hướng) chiến lược chủ yếu.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh có thể có quy mô lớn ngay từ đầu, không gian tác chiến có thể mở rộng trên phạm vi toàn quốc, mang tính tổng hợp cao, với nhiều lực lượng, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tham gia, nhưng chiến trường chính có thể diễn ra trên một số hướng (khu vực) trọng điểm, nhất là ở những đô thị lớn, vùng đồng bằng và trên những địa bàn chiến lược. Do đó, xây dựng thế trận TTLL phải vừa đảm bảo có thế bố trí rộng khắp, vừa có thế tập trung, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến tranh nhân dân rộng khắp trên cả nước, trên các chiến trường, các quân khu và các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố); đồng thời, sẵn sàng bảo đảm cho chỉ huy vượt cấp từ cấp chiến dịch-chiến lược đến các đơn vị, hướng, khu vực làm nhiệm vụ quan trọng ở những giai đoạn, thời điểm quyết định. Để có thế bố trí rộng khắp, khi quy hoạch phát triển mạng lưới thông tin quốc gia (quân sự, dân sự), cần kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh, lấy nhu cầu bảo đảm TTLL thời chiến để định hướng phát triển mạng lưới thông tin trong thời bình. Trong đó, sử dụng hệ thống TTLL cố định làm nòng cốt, bao gồm các trung tâm thông tin dân sự, các tổng trạm và các trạm thông tin cố định, các đường trục liên lạc và các mạng thông tin khu vực... Hệ thống này được triển khai từ thời bình, rộng khắp trên phạm vi cả nước, theo quy hoạch thống nhất của các ngành, các cấp, từng địa phương, do lực lượng bảo đảm TTLL thường xuyên đảm nhiệm.

Thế bố trí tập trung là để tạo đủ lực bảo đảm TTLL cho chỉ huy, điều hành các lực lượng tác chiến đánh địch, giữ vững các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế trọng yếu của quốc gia. Có tạo lập được thế trận tập trung, thì khi có điều kiện, thời cơ, ta mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm TTLL để mở các chiến dịch, chiến dịch chiến lược phản công, tiến công thực hiện tiêu diệt, tiêu hao lớn, đánh bại kẻ thù. Ngoài lực lượng đảm nhiệm mạng thông tin cố định trên từng khu vực, thế bố trí tập trung sử dụng lực lượng thông tin cơ động quân sự làm nòng cốt kết hợp với lực lượng thông tin của các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). HTTT cơ động được điều chỉnh, triển khai, tăng cường cho các khu vực trọng điểm theo yêu cầu tác chiến, phù hợp với ý định của cấp chiến lược, do lực lượng thông tin cơ động các cấp đảm nhiệm. Thành phần thông tin cơ động bao gồm các tổng trạm, các trạm thông tin cơ động và các đường liên lạc. Các tổng trạm thông tin cơ động được bố trí tại sở chỉ huy thời chiến của từng cấp. Các trạm thông tin cơ động (trạm chuyển tiếp vô tuyến điện sóng cực ngắn, vi-ba, trạm bổ trợ hữu tuyến điện, trạm vệ tinh…) được khảo sát, xác định từ thời bình và được triển khai trong thời chiến. Kết hợp giữa bố trí rộng khắp với tập trung có trọng điểm trên chiến trường (hướng chiến lược) chủ yếu là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam và nghệ thuật tạo lập thế trận TTLL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Bách

Học viện Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)