QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 01:30 (GMT+7)
Bàn về tạo lập thế trận hậu cần chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu

Chiến dịch phòng ngự (CDPN) trong tác chiến phòng thủ (TCPT) quân khu là bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chiến dịch do quân khu chủ động tổ chức với quy mô phù hợp ở địa bàn có lựa chọn, nhằm đánh trả, ngăn chặn hướng tiến công chủ yếu của địch, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, các khu vực, địa bàn quan trọng của quân khu, tạo điều kiện, thời cơ chuyển sang phản công, tiến công. Trong điều kiện tác chiến diễn ra ác liệt, tính biến động cao, để chiến dịch giành thắng lợi, một trong những vấn đề cơ bản là phải có phương pháp tác chiến đúng và tạo lập được thế trận phù hợp; trong đó, tạo lập thế trận hậu cần chiến dịch (HCCD) là một nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến tiến trình và kết quả chiến dịch.

Tạo lập thế trận hậu cần CDPN trong TCPT quân khu là một nội dung của tạo lập thế trận CDPN, thế trận hậu cần quân khu (HCQK), bảo đảm cho TCPT; được thực hiện bằng tổng thể các biện pháp, hoạt động của HCQK, hậu cần CDPN và các lực lượng trên địa bàn, tiến hành cả trước và trong suốt quá trình tổ chức chiến dịch, nhằm lựa chọn, triển khai, bố trí HCCD ở những nơi có lợi, phát huy cao nhất khả năng, sở trường của các thành phần, lực lượng hậu cần (LLHC), tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Đó là một quá trình thường tiến hành qua các bước: tạo lập thế trận hậu cần ban đầu; giữ thế, phát triển thế, hình thành thế trận hậu cần trực tiếp khi chính thức tổ chức chiến dịch và chuyển hoá thế trận HCCD trong quá trình tác chiến. Trong đó, tạo lập thế trận hậu cần ban đầu giữ vai trò nền tảng, quan trọng; điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện, chuyển hoá thế trận HCCD trong giai đoạn chuẩn bị trực tiếp và giai đoạn thực hành chiến dịch có ý nghĩa trực tiếp, quyết định. Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc tạo lập thế trận hậu cần CDPN trong TCPT quân khu tiến hành như thế nào? bước đi cụ thể ra sao? Bài viết đề cập một số nội dung cơ bản về vấn đề này.

 Trước hết cần thấy rằng, CDPN là sự cụ thể hoá quyết tâm và thực hiện mục đích, ý định của TCPT quân khu, được quân khu tạo thế, tạo thời cơ; mọi hoạt động tác chiến chiến dịch trực tiếp gắn liền hoạt động tác chiến KVPT tỉnh (huyện) địa bàn. Trong chiến tranh BVTQ tương lai, trước đối tượng địch có ưu thế về khả năng cơ động, vũ khí công nghệ cao, tác chiến CDPN sẽ diễn ra ác liệt, dài ngày, nhiều tình huống đột biến phức tạp, thế trận chiến dịch chuyển hoá nhanh, khó lường... Do đó, để duy trì, giữ vững khả năng bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho các lực lượng CDPN bám trụ tác chiến giành thắng lợi, đòi hỏi thế trận HCCD tạo lập phải liên hoàn, vững chắc, hình thành thế BĐHC theo khu vực một cách hoàn chỉnh, có thể độc lập bảo đảm trong một số tình huống; bảo đảm được toàn diện nhưng tập trung có trọng điểm; đồng thời, có khả năng cơ động, chuyển hoá nhanh, linh hoạt. Muốn vậy, khi tạo lập thế trận HCCD phải dựa vào thế trận chung của quân khu, trực tiếp là thế trận HCQK, thế trận KVPT địa phương và thế trận của bản thân chiến dịch; lấy thế trận hậu cần rộng khắp, vững mạnh của KVPT địa phương làm nền tảng, tập trung xây dựng căn cứ, phân căn cứ HCCD mạnh, đồng bộ, liên kết chặt chẽ với các cơ sở hậu cần tại chỗ, với mạng lưới hậu cần nhân dân rộng khắp để làm hạt nhân BĐHC trên từng hướng, từng khu vực tác chiến chiến dịch. Đồng thời, phải coi trọng chuẩn bị mạng đường vận tải chiến dịch rộng khắp, thông suốt để tăng tính liên hoàn, vững chắc trong bảo đảm, khả năng cơ động trong chuyển hoá thế bố trí.

Tạo lập thế trận HCCD ban đầu từ thời bình là đặc điểm nổi bật, bao trùm của tạo lập thế trận hậu cần CDPN trong TCPT quân khu; là điểm mới, khác so với tạo lập thế trận hậu cần CDPN trong chiến tranh giải phóng. Ngay từ thời bình, trên cơ sở quyết tâm phòng thủ cơ bản và kế hoạch chuẩn bị CDPN của Bộ Tư lệnh quân khu, cơ quan HCQK tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh quân khu các chủ trương, biện pháp chuẩn bị hậu cần CDPN; trong đó, có chuẩn bị về thế trận và trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung này. Đây là bước chuẩn bị trước, tiến hành trong thời gian dài, cần làm một cách cơ bản, toàn diện theo phương án đã dự kiến để tạo cơ sở, tiền đề cho các bước tiếp theo. Giai đoạn này có nhiều nội dung cần tiến hành; song, nên tập trung vào: lập thế bố trí; xây dựng cơ sở hạ tầng cho căn cứ, phân căn cứ HCCD; dự kiến và chuẩn bị mạng đường vận tải chiến dịch.

Hiện nay, việc tạo lập thế trận hậu cần CDPN trong TCPT quân khu có nhiều thuận lợi cơ bản; được triển khai trong sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN), xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn không ít khó khăn, trở ngại; đó là: khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều lực lượng, địa phương; phụ thuộc vào cơ chế, chính sách, điều kiện địa lý, KT-XH của quân khu và địa bàn chiến dịch… Trong khi đó, nguồn kinh phí còn hạn hẹp; đây lại là vấn đề mới, chưa có mô hình cụ thể, nên còn khó khăn trong lập quy hoạch tổng thể, kế hoạch phân kỳ triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ quân sự và cán bộ các ngành KT-XH địa phương về chuẩn bị cho CDPN trong TCPT quân khu chưa đầy đủ; còn quan điểm cho rằng, hiện nay chưa cần thiết phải chuẩn bị cho CDPN mà nên tập trung vào nhiệm vụ khác trọng tâm hơn...

Từ thực tế trên, để đẩy mạnh thực hiện xây dựng, tạo lập thế trận HCCD ban đầu phù hợp, đúng ý định, vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng là phải tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân đối với nhiệm vụ này. Phải hiểu rằng, đây là yêu cầu mang tính khách quan, một nội dung trong “lập thế, tạo lực” của HCQK, hậu cần KVPT tỉnh (huyện) địa bàn chiến dịch, bảo đảm cho TCPT phải được chủ động, tích cực tiến hành ngay từ thời bình. Làm tốt bước chuẩn bị trước này, không những là cơ sở, tiền đề để thực hiện có hiệu quả công tác BĐHC cho CDPN và hoạt động tác chiến KVPT tỉnh (huyện) trên địa bàn khi chiến tranh xảy ra, mà còn góp phần tạo khả năng BĐHC ổn định, vững chắc cho các hoạt động QP-AN của quân khu và địa phương ngay trong thời bình. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai xây dựng, tạo lập thế trận HCCD ban đầu trong tổng thể hoạt động chuẩn bị hậu cần cho TCPT quân khu. Theo đó, cùng với xây dựng tiềm lực mọi mặt cho CDPN, cần tiến hành lập quy hoạch tổng thể bố trí HCCD theo phương án đã dự kiến. Quy hoạch phải xác định rõ các khu vực dự kiến bố trí căn cứ, phân căn cứ HCCD (chính thức và dự bị), vị trí các kho, trạm lẻ, vị trí từng thành phần hậu cần trên bản đồ và thực địa; diện tích, chỉ giới từng khu vực; hệ thống bến, bãi, mạng đường vận tải (thuỷ, bộ) dự kiến sử dụng... Do tính chất quan trọng của địa bàn chiến dịch, nên đây cũng là khu vực tập trung các mục tiêu, các KVPT then chốt của địa phương tỉnh (huyện). Vì thế, khi quy hoạch bố trí HCCD, cần đặc biệt chú ý đến mối liên hệ, sự liên hoàn giữa HCCD với các lực lượng tác chiến; giữa HCCD với HCQK, hậu cần các đơn vị, hậu cần KVPT tỉnh (huyện) địa bàn chiến dịch, địa phương kế cận; giữa hậu cần với kỹ thuật; tránh sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định cao, có thể đồng thời bảo đảm cho nhiều phương án. Để thực hiện tốt Chỉ thị 44/CT-TM ngày 09-01-2007 của Tổng Tham mưu trưởng, Chỉ thị 2762/CT-HC ngày 31-10-2007 của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần về “Quy hoạch tổng thể xây dựng công trình hậu cần phòng thủ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN từ 2008-2015”, phải đặt quy hoạch bố trí HCCD trong quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng của địa phương và phải tính đến quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương đến năm 2020 và những năm tiếp theo; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong từng nội dung. Trên cơ sở đó, HCQK cùng các cơ quan có liên quan lập kế hoạch chi tiết, phân kỳ xây dựng cơ sở hạ tầng cho căn cứ, phân căn cứ HCCD. Cần xác định rõ: các hạng mục, công trình chuẩn bị trước từ thời bình; các hạng mục, công trình sẽ hoàn thiện trong giai đoạn chuẩn bị trực tiếp và trong quá trình tác chiến; mức độ, tiến độ xây dựng theo mục tiêu từng năm, từng thời kỳ, yêu cầu chất lượng; nguồn kinh phí huy động; trách nhiệm thực hiện... Trước mắt, nên tập trung lựa chọn, tận dụng cải tạo các hang động sẵn có, từng bước xây dựng một số công trình hậu cần trọng điểm; thực hiện phương châm “ngầm hoá - kiên cố hoá - lưỡng dụng hoá," “gắn phòng thủ dân sự với phòng thủ quân sự" trong xây dựng. Đối với mạng đường vận tải, quân khu có thể phối hợp với địa phương hoặc thông qua Bộ Quốc phòng thực hiện một số dự án kinh tế-quốc phòng để tu bổ, nâng cấp các tuyến đường chính hiện có hoặc mở mới một số tuyến đường quan trọng. Để tạo lập thế trận HCCD có hiệu quả, vấn đề cốt lõi hiện nay là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, vai trò của Đảng uỷ quân khu trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, xây dựng KVPT; thực hiện tốt chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trong từng địa phương trên địa bàn; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiến hành đầu tư tập trung, dứt điểm từng hạng mục, công trình.

Thế trận HCCD ban đầu được tạo lập mới dựa trên những đánh giá, dự kiến về địch. Khi tác chiến xảy ra, tình hình mọi mặt luôn vận động, biến đổi, có thể không như dự kiến. Bởi vậy, dù thế trận đó được tạo lập vững chắc đến đâu cũng có thể bị đảo lộn, phá vỡ hoặc không phát huy được sức mạnh nếu không có sự điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện khi chính thức mở chiến dịch và chuyển hoá thế trận trong quá trình tác chiến. Đây là bước quyết định, nhằm phát triển thế ban đầu (hoặc thế trận hiện thời) của HCCD. Thực chất đó là việc tổ chức bố trí, triển khai lại các thành phần LLHC, nỗ lực tạo ra thế và lực mới có lợi, phù hợp với thực tế chiến trường. Lúc này, thế trận chiến dịch được điều chỉnh linh hoạt, song, cơ quan HCCD cần đặc biệt quan tâm khi có sự điều chỉnh về phạm vi phòng ngự, hướng (khu vực) phòng ngự chủ yếu, khu vực tiến hành các trận then chốt chiến dịch. Việc bổ sung, điều chỉnh thế trận HCCD ít hay nhiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố và là vấn đề phức tạp, thuộc nghệ thuật tổ chức, chỉ huy HCCD. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà nội dung có thể là: hoàn thiện thế bố trí căn cứ, phân căn cứ HCCD; bổ sung nhiệm vụ cho các đơn vị hậu cần; điều chỉnh phương án sử dụng LLHC, điều chỉnh vị trí bố trí của các thành phần hậu cần; trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh phương án tổ chức HCCD và thế bố trí căn cứ, phân căn cứ hậu cần... Có một thực tế là, khi điều chỉnh, chuyển hoá thế trận HCCD tất dẫn đến phá vỡ tính ổn định hiện có, mối liên hệ bảo đảm giữa các cấp và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác, nhất là việc phải cơ động, triển khai LLHC trong điều kiện thời gian rất ngắn, địch đánh phá, ngăn chặn ác liệt. Bởi vậy, để nhanh chóng hình thành thế trận có lợi, bảo đảm cho đánh địch đúng thời cơ, đòi hỏi cơ quan HCCD phải hết sức linh hoạt, nhạy bén, nắm bắt kịp thời tình hình, nhất là tình hình địch, ý định triển khai lực lượng, điều chỉnh thế trận của Bộ Tư lệnh chiến dịch để có quyết định chính xác. Cần triệt để tận dụng thế trận của HCQK, hậu cần KVPT địa phương và bản thân HCCD ở giai đoạn trước để kịp thời triển khai bảo đảm. Cố gắng không điều chỉnh lớn thế bố trí HCCD đã tạo lập trước đó, có thể bằng cách tăng cường LLHC cho đơn vị hoặc tổ chức LLHC bảo đảm cơ động... Khi buộc phải điều chỉnh thế bố trí căn cứ, phân căn cứ HCCD, chú ý tận dụng các khu vực bố trí dự bị, các cơ sở hậu cần tại chỗ, các công trình sẵn có. Trường hợp cần thiết, có thể lấy căn cứ (phân căn cứ) HCQK trên hướng (khu vực) đó hoặc tăng cường lực lượng, sử dụng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần KVPT đồng thời đảm nhiệm cả chức năng căn cứ, phân căn cứ hậu cần CDPN. Cần thấy rằng, dù trường hợp nào đi nữa thì điều chỉnh, chuyển hoá thế trận HCCD đều phải hướng tới mục tiêu là: đáp ứng yêu cầu BĐHC chung cho toàn chiến dịch mà trọng tâm là cho đánh thắng các trận then chốt, then chốt quyết định, tiến tới bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi.

Tạo lập thế trận hậu cần CDPN trong TCPT quân khu là một nội dung trong “lập thế, tạo lực” HCQK, bảo đảm cho TCPT được tiến hành lâu dài, qua nhiều bước. Đây là vấn đề mới, phong phú, luôn vận động, phát triển. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, làm cơ sở vận dụng vào thực tiễn.

Trung tá, ThS. NGUYỄN MẠNH TUẤN

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)