QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:27 (GMT+7)
Bàn về sự kết hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong tác chiến phòng thủ quân khu

Kết hợp tác chiến của lực lượng vũ trang (LLVT) chính quy với các lực lượng của toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều” là nghệ thuật quân sự độc đáo trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc; nó được vận dụng, phát triển sáng tạo thành sự kết hợp tác chiến của LLVT ba thứ quân trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà điển hình là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày nay, nghệ thuật quân sự đặc sắc đó cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển sáng tạo lên một trình độ mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).

Tác chiến phòng thủ quân khu (TCPTQK) được xác định là một trong những loại hình tác chiến chiến dịch-chiến lược trong chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra). Đây là loại hình tác chiến tổng hợp, bao gồm cả phòng thủ, phòng ngự, phản công và tiến công; vận dụng nhiều hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu. TCPTQK chịu sự chỉ đạo của chiến lược, do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất các thành phần, lực lượng trong toàn quân khu. Sức mạnh trong TCPTQK là sức mạnh tổng hợp từ tất cả các mặt đấu tranh, do toàn dân thực hiện; trong đó, LLVT ba thứ quân là nòng cốt, quyết định sức mạnh đấu tranh vũ trang, nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận hoặc bộ phận lớn lực lượng, phương tiện, vũ khí của địch, đánh bại ý chí, ý định tiến công của chúng, giữ vững địa bàn quân khu.

Tuy nhiên, trong điều kiện đối tượng tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiếm ưu thế về hỏa lực, tác chiến điện tử, cơ động cả trên không, mặt đất... thì việc kết hợp tác chiến của LLVT ba thứ quân đặt ra những yêu cầu mới  cao hơn. Để sự kết hợp tác chiến của ba thứ quân đạt hiệu quả cao, còn phải dày công nghiên cứu. Bài viết này chỉ xin đề cập một số vấn đề chủ yếu.

1- Kết hợp LLVT ba thứ quân trong tạo lập thế trận phòng thủ.

Thế trận nói chung, thế trận phòng thủ quân khu nói riêng là một trong những vấn đề cơ bản của nghệ thuật quân sự; là một nhân tố quan trọng trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả hoạt động tác chiến. Thế trận ban đầu trong TCPTQK là thế phòng thủ, phòng ngự, nhưng là phòng thủ, phòng ngự tích cực; nghĩa là thế trận đó có cơ sở chuyển hoá, phát triển thành thế trận phản công, tiến công địch. Do vậy, việc kết hợp LLVT ba thứ quân phải trên cơ sở thống nhất phối hợp, kết hợp chặt chẽ về mọi mặt, từ đó chủ động, sáng tạo xây dựng thế trận theo đúng quyết tâm chiến đấu của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh quân khu. Nền tảng của thế trận TCPTQK là thế trận toàn dân đánh giặc trong địa bàn quân khu, song nòng cốt là thế trận của khối bộ đội chủ lực (BĐCL). Trong TCPTQK, lực lượng BĐCL có số lượng không lớn (chủ yếu là BĐCL của quân khu), nhưng là lực lượng giữ vai trò “đòn bẩy” để giải quyết các nhiệm vụ cơ bản và là động lực để phát triển lực lượng bộ đội địa phương (BĐĐP) và dân quân, tự vệ (DQTV). Vì vậy, tạo lập thế trận của BĐCL là bố trí lực lượng, phương tiện chiến đấu của các đơn vị BĐCL trên hướng phòng thủ chủ yếu, hướng phòng thủ quan trọng của quân khu (tương ứng với hướng tiến công chủ yếu và quan trọng của địch), để bảo đảm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng tác chiến chủ lực của địch là chính. Nhưng thế trận đó phải đảm bảo khả năng chuyển hóa linh hoạt, đối phó kịp thời, hiệu quả với các phản ứng của địch trong quá trình chúng tiến công vào địa bàn quân khu.

Thế trận của BĐĐP và DQTV là thế trận tác chiến rộng khắp, làm nòng cốt cho toàn dân trong quân khu đánh giặc và là chỗ dựa cho BĐCL. Thế trận của hai lực lượng này phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chia cắt, phân tán, sát thương, tiêu hao lực lượng, phương tiện tác chiến của địch, từng bước làm suy yếu địch. Thế trận của BĐĐP dựa vào khu vực phòng thủ (KVPT), lấy đánh địch trên địa bàn địa phương là chính, nhưng xác định vị trí đứng chân sao cho vừa có khả năng phát huy được sở trường của mình, vừa thuận lợi cho tác chiến phối hợp với BĐCL, nhất là khi tiến hành các trận đánh then chốt, then chốt quyết định khi quân khu mở các chiến dịch (phòng ngự, phản công, tiến công). DQTV là lực lượng đông đảo nhất trong ba thứ quân (khi chiến tranh xảy ra, DQTV sẽ phát triển nhanh về số lượng, có thể chiếm trên 10% số dân), do đó thế trận của DQTV là thế trận “thiên la địa võng”, vừa phục vụ tác chiến, vừa chiến đấu tại chỗ, theo phương châm đánh địch giữ làng, bản, xã, phường là chủ yếu. Việc tạo lập thế trận của BĐĐP và DQTV, ngoài đáp ứng  nhiệm vụ đánh địch trước mắt, còn chủ động kết hợp với BĐCL tiến hành chuẩn bị trước đường cơ động, hệ thống hầm, hào, công sự chiến đấu, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các mặt bảo đảm khác để BĐCL có thể chuyển hóa thế trận trong thời gian nhanh nhất.

Mỗi lực lượng có nội dung, yêu cầu riêng về thế trận, song ngay từ đầu và cả quá trình chiến đấu, thế trận của BĐCL, BĐĐP và DQTV phải bảo đảm thống nhất theo ý định tác chiến của Tư lệnh quân khu, trở thành cốt lõi của thế trận toàn dân đánh giặc trong địa bàn.

Quá trình thực hành và phát triển chiến đấu cũng là quá trình đòi hỏi ba thứ quân phải tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung, chuyển hóa thế trận, bảo đảm cho quân khu thực hiện tốt cả nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ tiếp theo.

2- Kết hợp LLVT ba thứ quân để đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu của quân khu.

KVPT chủ yếu của quân khu là nơi có tầm quan trọng, quyết định đến sự mất còn của KVPT quân khu. Đây cũng là mục tiêu ta phải kiên quyết giữ và là mục tiêu mà kẻ địch tập trung ưu thế cả về lực lượng, phương tiện, với nhiều thủ đoạn tác chiến để quyết tâm đánh chiếm. Do đó, về cơ bản, LLVT ba thứ quân cần phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong suốt quá trình tác chiến, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh bại chúng trên các hướng thuộc địa bàn; trong đó, cần tập trung cao nhất về mọi mặt để bảo đảm đủ sức đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu của quân khu.

Trường hợp địch đột nhập vào KVPT chủ yếu của quân khu, các lực lượng phải kịp thời đánh giá tình hình địch, cả về thành phần, lực lượng, phương tiện, hướng, mũi tiến công của chúng; đồng thời, nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh phương án, thế trận và tổ chức hiệp đồng tác chiến. Trong quá trình đó, BĐĐP, DQTV và quần chúng được vũ trang cùng với các lực lượng khác trong KVPT vận dụng linh hoạt mọi thủ đoạn chiến đấu, vừa tích cực kìm giữ, ngăn chặn địch, bảo vệ các mục tiêu được phân công, vừa cơ động lực lượng (nhất là BĐĐP) vào vị trí đã xác định. Các lực lượng chuyên trách (pháo binh, đặc công, công binh) của BĐCL và BĐĐP đẩy mạnh tác chiến phối hợp, đánh mạnh vào đội hình tiến công, nhất là hệ thống chỉ huy và hỏa lực của địch, làm giảm áp lực tiến công của chúng vào KVPT chủ yếu của quân khu. BĐCL dựa vào hệ thống công sự, hỏa lực, vật cản, tập trung sát thương, ngăn chặn bộ binh, xe tăng địch trước KVPT chủ yếu; đồng thời, tận dụng thời cơ có lợi, hiệp đồng chặt chẽ cùng với BĐĐP và DQTV tiến công hoặc tập kích địch đột nhập. Trong điều kiện tác chiến mới, địch có đủ khả năng đột nhập cùng lúc với vu hồi vào KVPT chủ yếu của quân khu, thậm chí chúng tổ chức vu hồi với lực lượng lớn. Trong trường hợp như vậy, ngoài nhiệm vụ đánh địch đột nhập, một bộ phận BĐĐP nhanh chóng chiếm lĩnh các trận địa đã chuẩn bị trước, cùng với DQTV và các lực lượng tại chỗ tích cực tiêu hao, ngăn chặn địch, tạo điều kiện cho BĐCL cơ động, triển khai lực lượng chiến đấu. Nếu địch kết hợp đổ bộ đường không, BĐĐP và DQTV sử dụng các thủ đoạn vây ép, tập kích, không cho chúng triển khai lực lượng, phương tiện tiến công, tạo thời cơ cho quân khu đánh địch. Lực lượng cơ động (chủ yếu là lực lượng của BĐCL) nhanh chóng cơ động, tận dụng thế trận có lợi do BĐĐP và DQTV tạo ra, triển khai đội hình tiến công, hiệp đồng với bộ phận chặn địch để đánh địch vu hồi và đánh địch đổ bộ đường không.

Kết hợp tác chiến của LLVT ba thứ quân trong thời điểm ban đầu của giai đoạn thực hành tác chiến, BĐCL không nên xuất hiện sớm, tránh bộc lộ lực lượng để địch phát hiện và tập trung tiêu diệt; theo đó, chỉ xuất hiện khi cần thiết, tập trung vào thời điểm, nhiệm vụ quan trọng, địa bàn trọng điểm. Mặt khác, khi BĐCL đánh chiếm được mục tiêu, BĐĐP và DQTV phải khôi phục, củng cố địa bàn, tạo thế, lực mới cho BĐCL tiếp tục các trận đánh tiếp theo.

3- Hình thức và phương pháp kết hợp tác chiến của LLVT ba thứ quân trong TCPTQK.

 Hình thức kết hợp tác chiến là cách tiến hành sự gắn kết các hoạt động tác chiến của LLVT ba thứ quân, nhằm đánh bại địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, đường biển vào KVPT. Có hai hình thức kết hợp tác chiến cơ bản là, kết hợp tác chiến trực tiếp và kết hợp tác chiến gián tiếp. Thực hành TCPTQK trong chiến tranh BVTQ, phải căn cứ vào tình hình địch, ta, điều kiện địa hình và diễn biến cụ thể từng trận, từng đợt chiến đấu để vận dụng cho phù hợp. Hình thức kết hợp tác chiến trực tiếp là BĐĐP phối thuộc cho BĐCL (có thể đảm nhiệm trên một hướng phối hợp) cùng thực hiện một trận đánh trong KVPT của quân khu, kết hợp các hình thức tác chiến. Trường hợp này vận dụng khi quân khu mở chiến dịch phản công, hoặc tiến công. Ngược lại, hình thức kết hợp tác chiến gián tiếp là BĐĐP cùng với DQTV phòng thủ, phòng ngự, tác chiến bám giữ địa bàn làng xã, công, nông trường, làm suy yếu, buộc địch phải phân tán đối phó, tạo điều kiện cho BĐCL thực hiện nhiệm vụ phòng ngự giữ vững các trọng điểm hoặc cơ động tiến công. Hình thức này được vận dụng liên tục trong suốt quá trình tác chiến phòng thủ, phòng ngự.

Bên cạnh hình thức kết hợp tác chiến, còn phải xác định phương pháp kết hợp tác chiến sao cho đạt hiệu quả. Có nhiều phương pháp kết hợp tác chiến; đó là, kết hợp theo hoạt động tác chiến của từng lực lượng cần được coi trọng, kết hợp theo nhiệm vụ, kết hợp theo mục tiêu, khu vực, địa bàn...Trong TCPTQK, phương pháp kết hợp tác chiến theo hoạt động tác chiến của từng lực lượng, vì đây là phương pháp có khả năng gắn kết hoạt động tác chiến tập trung của BĐCL với hoạt động phân tán nhỏ lẻ, rộng khắp của BĐĐP và DQTV trên toàn địa bàn khu vực phòng thủ; đồng thời, nó phát huy được sở trường, khắc phục được hạn chế của từng lực lượng trong suốt quá trình tác chiến.

Kết hợp tác chiến của LLVT ba thứ quân trong TCPTQK là kết hợp trong suốt quá trình chiến đấu, nhưng do lực lượng của ta có hạn, phạm vi tác chiến lại rộng, nên phải tập trung kết hợp vào các thời điểm và nhiệm vụ quan trọng; trong đó, trọng tâm là đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu của quân khu và trọng điểm là đánh địch đột nhập. Có như vậy, việc kết hợp mới nhân lên  sức mạnh của từng lực lượng, góp phần cùng với toàn dân  tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh bại địch, giữ vững địa bàn quân khu trong mọi tình huống.

Đại tá, PGS, TS. TRẦN HỮU CÚC

Học viện Quốc phòng

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)