QPTD -Thứ Hai, 22/08/2011, 23:59 (GMT+7)
Bàn về sử dụng không quân trong tác chiến phòng thủ chiến lược

Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, tác chiến phòng thủ chiến lược (PTCL) giữ vị trí quan trọng; trong đó, lực lượng Không quân (KQ) là một thành phần cơ bản, không thể thiếu. Tuy nhiên, sử dụng lực lượng này sao cho hiệu quả là vấn đề không đơn giản.

  

Chiến tranh xâm lược nếu xảy ra đối với nước ta, đó sẽ là một cuộc chiến tranh hiện đại, ác liệt. Kẻ địch sẽ sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, với phương thức, thủ đoạn tác chiến mới, thực hiện phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” để hạ gục đối phương trong thời gian ngắn hoặc tương đối ngắn, hòng sớm đạt mục đích chính trị của cuộc chiến. Nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây có thể thấy, trong giai đoạn đầu của chiến tranh, địch thường tổ chức tiến công đường không với quy mô lớn, cường độ mạnh bằng lực lượng KQ, tên lửa hành trình, nhằm tạo áp lực răn đe, phá huỷ tiềm lực của đối phương, tạo điều kiện cho giai đoạn kế tiếp: đưa lực lượng lục quân tiến công trên bộ. Do vậy, trong thời kỳ đầu của chiến tranh, ta thường tổ chức PTCL, nhằm bảo toàn tiềm lực, phát động chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, kết hợp chặt chẽ các hình thức tác chiến nhằm tiêu hao, tiêu diệt, phân tán, giam chân, buộc địch sa lầy, tiến tới làm thất bại ý định của chúng; đồng thời, tạo thế cho lực lượng chiến lược cơ động chuyển hoá thế trận, chuẩn bị cho thời kỳ phản công, tiến công giành thắng lợi quyết định. PTCL gồm nhiều thành phần lực lượng; trong đó, lực lượng KQ với khả năng, thế mạnh đặc thù của mình, có vai trò quan trọng. Để sử dụng KQ có hiệu quả trong tác chiến PTCL cần giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu sau.

Trước hết, tạo lập thế trận PTCL, mưu trí, linh hoạt sử dụng KQ đánh địch tiến công đường không. Thời kỳ đầu chiến tranh, địch sẽ thực hiện trinh sát liên tục ngày đêm bằng nhiều loại vũ khí, phương tiện có hàm lượng công nghệ cao trên cả 5 môi trường tác chiến (không, bộ, biển, vũ trụ, phổ điện từ). Trước đó, chúng sẽ tổ chức tiến công đường không với cường độ cao, quy mô lớn, đánh rộng khắp vào các mục tiêu đã xác định.

Đặc điểm bao trùm nhất của đất nước, của các lực lượng vũ trang trong giai đoạn này là chuyển mọi hoạt động từ trạng thái hoà bình sang chiến tranh. Từ thế bố trí chiến lược của đất nước, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự đều phải thiết lập lại phù hợp với điều kiện chiến tranh, vừa tổ chức sơ tán, phòng tránh bảo toàn tiềm lực, vừa tổ chức lại các hoạt động sản xuất, công tác bình thường của xã hội trong thời kỳ mới. Vậy, để giải quyết tốt vấn đề này, ngoài nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu nắm địch ở tất cả các cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), bảo đảm cho lực lượng PTCL luôn chủ động tác chiến trong mọi tình huống, thì trên cơ sở quyết tâm và kế hoạch tác chiến KQ, tác chiến PTCL, KQ phải nhanh chóng cơ động tạo lập thế trận có lợi, kết hợp phòng tránh với đánh trả tiến công đường không của địch. Để sử dụng KQ có hiệu quả, phải bí mật tổ chức KQ tiêm kích bất ngờ tiến công các loại máy bay, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất quyền chủ động trên không của chúng. Mặt khác, mạnh dạn sử dụng các lực lượng PTCL (an ninh mạng, đặc công, tên lửa,...) để phối hợp, hiệp đồng tác chiến. Đối với lực lượng KQ, ta có thể sử dụng các loại: KQ tiêm kích bom có KQ tiêm kích yểm trợ để tiến công những căn cứ của địch, nhất là những căn cứ trên đất liền giáp với nước ta. Khi tiến công, cần bảo đảm tốt yếu tố bí mật, bất ngờ và nghiên cứu kỹ về địch, nhất là mục tiêu, thời điểm, thời cơ... Mục tiêu tiến công của KQ thường không nhiều, nên càng cần được lựa chọn kỹ, thường là trung tâm chỉ huy, căn cứ hậu cần, kỹ thuật (kho vũ khí, đạn) của chúng. Mục đích của việc sử dụng KQ trong gian đoạn này là nhằm tiêu hao một phần lực lượng, phương tiện của địch, hạn chế đến mức thấp nhất hoặc làm thất bại cuộc tiến công đường không của địch ngay từ khi chúng đang tiến hành công tác chuẩn bị.

Hai là, sử dụng KQ trong thực hành tác chiến PTCL. Sau cuộc tiến công hoả lực đường không, chưa đạt được mục đích chiến tranh, địch có thể tiếp tục tổ chức lực lượng tiến công trên bộ, theo 3 hướng: đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển và có thể tiến công trên bộ qua biên giới; kết hợp giữa tiến công xâm lược từ bên ngoài với tổ chức bạo loạn vũ trang của bọn phản động bên trong. Trong quá trình tiến công, chúng sẽ vẫn duy trì tiến công đường không, nhằm tiếp tục phá huỷ tiềm lực chiến tranh của đối phương; nhưng có thể sẽ không tổ chức đánh rộng khắp, mà đánh phá các mục tiêu một cách có chọn lựa. Đó thường là các mục tiêu trực tiếp trên hướng tiến công chủ yếu, quan trọng.

Hoạt động tác chiến PTCL trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc rất đa dạng về loại hình tác chiến, được kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức tác chiến: phòng ngự, phản công và tiến công; đa dạng về đối tượng (địch trên không, địch trên biển, địch trên bộ, địch từ bên ngoài vào và lực lượng phản động gây bạo loạn ở bên trong) mặt khác, hết sức phong phú về quy mô, thành phần, lực lượng; thực hiện đánh từ nhiều hướng (phía trước, bên sườn, phía sau) kết hợp đánh địch từ bên ngoài và bên trong. Hoạt động tác chiến PTCL coi trọng cả tác chiến độc lập, rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương (trong thế đan xen với địch) kết hợp với tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn của các binh đoàn chủ lực trong các loại hình chiến dịch (phòng ngự, phản công, tiến công) do lực lượng cơ động chiến lược của Bộ hoặc của các quân khu tổ chức ở những hướng, khu vực trọng điểm.

Ba là, sử dụng KQ chi viện đánh địch đổ bộ đường biển. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong việc tổ chức lực lượng tác chiến phòng thủ nói riêng, cũng như trong suốt quá trình chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc nói chung. Khi thực hành đổ bộ đường biển, địch thường tổ chức đánh chiếm các đảo gần bờ làm căn cứ và bảo vệ bên sườn cho lực lượng đổ bộ. Trong quá trình đổ bộ, chúng thực hiện đổi tàu, chuyển lực lượng từ tàu vận chuyển sang các phương tiện đổ bộ, hình thành các mũi tiến công, cơ động vào tuyến xuất phát đổ bộ; đồng thời, có thể kết hợp với lực lượng đổ bộ đường không vào các khu vực ở sâu trong đất liền. Chúng có thể tổ chức hệ thống phòng không, gồm súng pháo phòng không và máy bay tiêm kích, phân chia thành các tuyến để bảo vệ lực lượng đổ bộ đường biển.

Đối với ta, KQ có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng PTCL, thực hành tiêu hao, tiêu diệt lực lượng đổ bộ đường biển, chia cắt các lực lượng của chúng, không cho KQ địch phối hợp với lực lượng tác chiến ở mặt biển, lực lượng đổ bộ đường biển. Với khả năng của mình, KQ có thể đánh địch từ xa, thực hành chia cắt lực lượng máy bay tác chiến điện tử với máy bay tiến công; máy bay tiến công với máy bay bảo vệ; giữa tiêm kích bảo vệ với máy bay chỉ huy báo động sớm; chia cắt lực lượng tiến công đợt trước với đợt sau... Cùng với đó, KQ phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không để đánh địch trên không, bảo vệ mục tiêu trọng yếu và đội hình của lực lượng tham gia tác chiến PTCL. Ngoài ra, KQ tiêm kích bom còn thực hiện nhiệm vụ đánh địch ở khu vực đổi tàu vào đến tuyến xuất phát đổ bộ và đồng thời sử dụng KQ tiêm kích bom, KQ trực thăng vũ trang chi viện cho các lực lượng PTCL đánh lực lượng địch đổ bộ, không cho địch bám bờ...

Bốn là, sử dụng KQ chi viện đánh địch đổ bộ đường không. Căn cứ vào kết quả của đòn tiến công đường không, mục đích của cuộc chiến tranh, địch sẽ đưa quân vào đánh chiếm những vị trí quan trọng sâu trong lãnh thổ, nhằm tạo căn cứ phối hợp với các lực lượng đổ bộ đường biển và tiến công trên bộ; đồng thời, có thể tổ chức đổ bộ đường không với các quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, hình thành các điểm chốt vu hồi phía sau, bên sườn để hỗ trợ cho hướng tiến công chủ yếu hoặc nhanh chóng chuyển hướng tiến công khi bị ta đánh chặn. Ngoài ra, chúng có thể sử dụng lực lượng KQ để thực hiện bốc rút lực lượng khi có nguy cơ bị tiêu diệt, ứng cứu giải toả những bộ phận bị bao vây, tiến công. Trước khi đổ bộ đường không, địch thường tổ chức cho lực lượng KQ đánh phá dọn bãi đổ bộ. Trong khi đổ bộ, địch thường sử dụng KQ, hoả lực phòng không bảo vệ lực lượng và bãi đổ bộ. Lực lượng bảo vệ đổ bộ gồm: máy bay tiêm kích trực tiếp bảo vệ đội hình trên đường bay và khu vực đổ bộ; tên lửa, pháo phòng không trên xe tự hành bố trí trong lực lượng đổ bộ, trực tiếp bảo vệ đội hình đổ bộ đường không tại bãi đổ bộ.

Xét về tính chất đổ bộ đường không của địch và khả năng tác chiến của lực lượng PTCL, ta có thể sử dụng lực lượng tại chỗ hoặc lực lượng cơ động của Bộ, quân khu, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng của các quân, binh chủng, đánh địch đổ bộ đường không quy mô chiến dịch, chiến lược. Tuy lực lượng sử dụng khác nhau nhưng đều thực hiện một nhiệm vụ: tổ chức bao vây, chia cắt, tiêu diệt một bộ phận, kìm giữ không cho địch liên kết giữa các lực lượng đổ bộ đường không ở các khu vực đổ bộ, triển khai phát triển theo kế hoạch của chúng. Để đánh tiêu diệt lớn lực lượng đổ bộ đường không của địch, cần sử dụng lực lượng PTCL một cách linh hoạt, nhất là lực lượng KQ; trong đó, sử dụng KQ tiêm kích đánh tiêu diệt các loại máy bay chở quân đổ bộ trên đường bay và các loại máy bay chiến đấu chi viện hoả lực cho đổ bộ đường không của địch, bảo vệ lực lượng cơ động của ta đánh địch đổ bộ đường không tại khu vực, bãi địch đổ bộ theo kế hoạch tác chiến PTCL. Đồng thời, sử dụng lực lượng KQ tiêm kích bom đánh địch đang đổ bộ hoặc đã đổ bộ, nhưng đứng chân chưa vững. Ngoài ra, KQ tiêm kích còn phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không, tích cực đánh các loại máy bay chiến đấu của địch tại khu vực tác chiến, bảo vệ lực lượng PTCL đánh địch đổ bộ đường không.

Trên đây là một số ý kiến bàn về việc sử dụng KQ trong tác chiến PTCL. Điều quan trọng là, để sử dụng KQ đạt hiệu quả cao, phải quán triệt phương châm, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo tác chiến KQ và vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”.

Đại tá, TS. NGUYỄN QUANG BỘ

Phó Giám đốc Học viện PK-KQ

 

Ý kiến bạn đọc (0)