QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:32 (GMT+7)
Bàn về quan hệ giữa cấp ủy địa phương và Đảng ủy Quân sự trong lãnh đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương


Công tác quân sự, quốc phòng địa phương (QS,QPĐP) có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực hiện tốt công tác QS,QPĐP là thiết thực quán triệt và thể hiện sinh động quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân ở các địa phương.

Cùng với các mặt công tác khác, công tác QS,QPĐP được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thông qua cơ chế: Cấp uỷ địa phương lãnh đạo; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương (nòng cốt là cơ quan quân sự) làm tham mưu theo chức năng; chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương chỉ huy thống nhất các lực lượng thuộc quyền. Cơ chế đó đã chỉ rõ thành phần, chức năng và mối quan hệ giữa các tổ chức, thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện công tác QS,QPĐP. Theo đó, Đảng uỷ Quân sự có vị trí, vai trò là cơ quan lãnh đạo, trung tâm đoàn kết, tập trung ý chí và trí tuệ của Đảng bộ Quân sự địa phương; vừa chịu sự lãnh đạo trực tiếp, về mọi mặt của cấp uỷ địa phương, vừa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự cấp trên về lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS,QP). Do vậy, Đảng uỷ Quân sự  được coi là động lực khởi động cho cơ chế vận hành thông suốt và có hiệu quả. ở đây, việc lãnh đạo công tác QS,QPĐP thuộc về cấp uỷ địa phương và Đảng uỷ Quân sự; song xét về mặt quan hệ, thì đó là mối quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng. Đảng ủy Quân sự trực thuộc cấp ủy địa phương và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy địa phương cùng cấp. Việc thành lập Đảng bộ Quân sự địa phương, cùng với việc cử đồng chí cấp uỷ viên đảng bộ địa phương tham gia Đảng uỷ quân sự, đồng chí bí thư cấp uỷ địa phương làm bí thư Đảng uỷ quân sự; cơ cấu cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng uỷ, cơ quan quân sự vào thường vụ cấp uỷ địa phương là bước phát triển mới về hình thức tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ QS,QPĐP; bảo đảm trong mọi hoàn cảnh, Đảng luôn nắm chắc và lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương.      

Thực hiện cơ chế đó, cấp ủy địa phương có trách nhiệm lãnh đạo Đảng uỷ Quân sự cùng cấp chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng uỷ, mệnh lệnh của người chỉ huy quân sự cấp trên về nhiệm vụ QS,QP; xây dựng Đảng bộ Quân sự trong sạch, vững mạnh, cơ quan quân sự và LLVT địa phương vững mạnh toàn diện. Cấp uỷ địa phương trực tiếp bàn bạc, trao đổi với Đảng uỷ Quân sự cấp trên xem xét, quyết định điều động, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ quân sự địa phương theo đúng phân cấp quản lý. Nằm trong cơ cấu tổ chức và chịu sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, Đảng ủy Quân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ được xác định trong Quy định số 74 QĐ/ TW, ngày 7 tháng 5 năm 2003 của Bộ Chính trị (khóa IX): “Đảng ủy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đảng bộ quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có nhiệm vụ đề xuất nội dung lãnh đạo và giúp cấp ủy địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội tại địa phương mình; lãnh đạo mọi mặt cơ quan quân sự cùng cấp và các đơn vị bộ đội địa phương thuộc quyền thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ do cấp ủy địa phương và cấp trên giao cho". Theo đó, Đảng uỷ Quân sự địa phương phải thực hiện đồng thời hai chức năng, thứ nhất, lãnh đạo mọi mặt cơ quan quân sự và các đơn vị bộ đội địa phương thuộc quyền thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ do cấp ủy địa phương và Đảng ủy Quân sự cấp trên giao cho; thứ hai, tham mưu cho cấp ủy địa phương về nội dung lãnh đạo thực hiện công tác QS,QPĐP.

Thời gian qua, nhìn chung quan hệ giữa cấp uỷ địa phươơng và Đảng uỷ Quân sự cùng cấp luôn đơược xây dựng, củng cố theo đúng nguyên tắc và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác QS,QPĐP. Các cấp uỷ đảng đã xác định quy chế hoạt động; giải quyết tốt mối quan hệ; làm việc theo chức trách, nhiệm vụ, tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy được vai trò của hệ thống chính trị, lãnh đạo thực hiện tốt công tác QS,QPĐP. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, việc giải quyết mối quan hệ giữa cấp uỷ địa phương và Đảng uỷ Quân sự cùng cấp ở một số địa phương còn bộc lộ một số bất cập. Việc chấp hành các quy định và hướng dẫn của trên về công tác QS,QPĐP có lúc, có nơi chưa thống nhất; nhận thức về chức trách, quyền hạn, nhiệm vụ của một số đồng chí trong cấp ủy địa phương có mặt chưa rõ, có nơi còn coi công tác QS,QPĐP là trách nhiệm của Đảng ủy Quân sự và cơ quan quân sự mà thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đúng mức, hoặc khoán trắng cho cơ quan quân sự. Việc xây dựng quy chế làm việc, giải quyết các mối quan hệ đôi lúc còn giản đơn, chưa cụ thể hoá thành chức trách, nhiệm vụ của từng thành phần. Vai trò của đồng chí bí thư cấp uỷ địa phương và phó bí thư thường trực Đảng uỷ Quân sự ở một số nơi chưa rõ nét. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế một số đơn vị, địa phương có biểu hiện tập trung vào đầu tư phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đầy đủ tới nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu rất cao và toàn diện đối với việc nâng cao sức mạnh của LLVT nói chung, công tác QS,QPĐP nói riêng. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương và Đảng ủy Quân sự đối với công tác QS,QPĐP. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp uỷ địa phương và Đảng uỷ Quân sự là bảo đảm quan trọng cho công tác QS,QPĐP phát huy sức mạnh trong củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh.

Để thực hiện tốt vấn đề đó, trước hết các cấp phải tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác QS,QPĐP. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với công tác QS,QPĐP trong tình hình hiện nay, bởi nếu nhận thức không đúng bản chất, nội dung của cơ chế, thì khi vận dụng, giải quyết mối quan hệ giữa cấp ủy địa phương và Đảng ủy Quân sự dễ lúng túng, chồng chéo, đặc biệt là không rõ chức năng của từng thành viên. Trên cơ sở tiếp tục nâng cao nhận thức về cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác QS,QPĐP cho tất cả các thành phần, cần xác định quy chế làm việc, trong đó, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi công tác của các cấp uỷ và các thành viên trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được xác định, cấp uỷ địa phương cần phát huy vai trò của các cấp uỷ viên, của các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp uỷ (đồng thời là bí thư Đảng uỷ Quân sự) trong việc xác định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác QS,QPĐP; coi công tác QS,QP là một nội dung lãnh đạo, một mặt công tác của từng ngành, từng địa phương; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ QS,QP làm tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp uỷ địa phương và Đảng uỷ Quân sự; kịp thời phát hiện và khắc phục những biểu hiện thiếu quan tâm đối với công tác QS,QPĐP.

Thứ hai, các cấp uỷ địa phương phải thường xuyên nghiên cứu, nắm vững nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo đối với công tác QS,QPĐP để trên cơ sở đó, xác định nội dung lãnh đạo phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội trên từng địa bàn; tập trung lãnh đạo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, bảo đảm luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy địa phương cần quán triệt tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Đảng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Từng cấp bộ đảng coi trọng xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện mà trọng tâm là xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” gắn với thế trận  quốc phòng - an ninh (QP-AN), nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phòng chống có hiệu quả “Diễn biến hoà bình”, của các thế lực thù địch. Lãnh đạo kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng; giữa quy hoạch đầu tư với các yếu tố bảo đảm cho QP-AN; xây dựng hậu cần tại chỗ và hậu phương vững chắc, sẵn sàng đối phó với mọi tình hưống xảy ra. Cấp uỷ địa phương cần nắm vững các chính sách về QS,QP của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thu hút, động viên các tổ chức, các lực lượng tham gia thực hiện tốt công tác QS,QP. Cùng với đó, cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về QP-AN cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể; tiến hành khảo sát, nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định chức danh, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy về QP-AN theo ba loại (cao cấp, trung cấp, sơ cấp) để trên cơ sở đó, xác định nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng tại địa phương với bổ túc kiến thức tại các học viện, nhà trơường trong và ngoài quân đội; vận dụng linh hoạt các hình thức bồi dưỡng, như: tự nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, học tập các chuyên đề theo quy định, tổ chức hội thao, hội thi, diễn tập, tham quan... nhằm nâng cao trình độ về QP-AN cho đội ngũ cán bộ địa phương. Để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm, phấn khởi, thực hiện tốt nhiệm vụ, cấp ủy địa phương cần thường xuyên quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Thứ ba, phát huy vai trò của Đảng uỷ Quân sự trong thực hiện chức năng lãnh đạo cơ quan quân sự cùng cấp và các đơn vị thuộc quyền, tham mưu cho cấp uỷ địa phương về công tác QS,QPĐP. Để làm được điều đó, phải tập trung xây dựng Đảng bộ Quân sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong giai đoạn hiện nay, các địa phương cần căn cứ vào các tiêu chí đã được xác định tại Chỉ thị số 99CT/ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Hướng dẫn số 231/HD-CT của Tổng cục Chính trị để phấn đấu. Trước hết, Đảng uỷ Quân sự địa phương phải được xây dựng đủ về số lượng, cơ cấu hợp lí, chất lượng ngày càng cao; chú ý bảo đảm tỷ lệ giữa thành phần chỉ định và thành phần bầu cử. Tăng cường bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác cho các cấp uỷ viên, trước hết là năng lực quán triệt, vận dụng đường lối, quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của trên và nghị quyết cấp mình về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ QS,QPĐP; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; đổi mới phong cách làm việc, sâu sát cơ sở; nêu cao sự đoàn kết, thống nhất trong cấp uỷ và trong toàn đơn vị. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng uỷ Quân sự còn được thể hiện ở sự chủ động, nhạy bén, phát hiện và nắm vững tình hình, tham mưu đúng, trúng cho cấp uỷ địa phương lãnh đạo, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh. Bên cạnh đó, cần xây dựng và kịp thời bổ sung quy chế lãnh đạo và quy chế làm việc của cấp uỷ theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự địa phương có lập trường, quan điểm vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời xây dựng cơ quan chính trị, cơ quan quân sự địa phương vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy địa phương lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QPĐP.

Đại tá, TS. Phạm Gia Cư

 

Ý kiến bạn đọc (0)