QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 00:30 (GMT+7)
Bàn về phương thức và giải pháp kết hợp thông tin quân sự với thông tin dân sự trong tác chiến phòng thủ biển, đảo

Kết hợp thông tin quân sự (TTQS) với thông tin dân sự (TTDS) trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) nói chung, trong tác chiến bảo vệ biển, đảo nói riêng là nội dung rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL). Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kết hợp TTQS và TTDS phải có phương thức và giải pháp phù hợp.

Kết hợp TTQS với TTDS là một nội dung trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ; đồng thời, là giải pháp rất quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của các hệ thống thông tin (HTTT) vào phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) biển, đảo (kể cả tác chiến phòng thủ biển, đảo khi có chiến tranh xảy ra). Việc kết hợp TTQS với TTDS trong  tác chiến phòng thủ biển, đảo phải giải quyết nhiều vấn đề, từ nội dung, phương thức kết hợp, đến tổ chức chỉ huy, quản lý, điều hành, bảo đảm thông tin...; trong đó, phương thức kết hợp (cách thức, phương pháp tiến hành) có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở định hướng, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy, việc thực hiện kết hợp TTQS với TTDS (chủ yếu là các doanh nghiệp viễn thông các cấp, các ngành trên địa bàn) đã hình thành hệ thống trục dọc, trục ngang, các mạch vòng, tăng độ vững chắc cho HTTT của các quân khu ven biển, các vùng hải quân (theo 5 vùng biển), làm tăng khả năng bảo đảm TTLL phục vụ phát triển kinh tế biển và quản lý, bảo đảm QP-AN trên biển, đảo. Tuy nhiên, sự kết hợp đó ở các cấp, các ngành, địa phương, khu vực chưa thực sự đồng đều, toàn diện; chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu khi có chiến tranh xảy ra. Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là chưa có phương thức và giải pháp kết hợp phù hợp. Bài viết này đề cập một số nội dung chủ yếu về phương thức và giải pháp kết hợp TTQS với TTDS trong  tác chiến phòng thủ biển, đảo để cùng nghiên cứu, trao đổi. 

Kết hợp TTQS với TTDS trong tác chiến phòng thủ biển, đảo thường được tiến hành theo 3 phương thức chủ yếu sau:

Kết hợp theo từng ngành, từng cấp là phương thức có thể áp dụng được cả trong thời bình và thời chiến. Hiện nay, các cấp, các ngành độc lập đầu tư, phát triển, khai thác HTTT của mình theo mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Do đó, khi cần phải phối hợp giải quyết một tình huống nào đó, các bên có liên quan tiến hành thỏa thuận theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi; việc tổ chức bảo đảm thông tin cho các hoạt động quản lý, bảo vệ biển, đảo trong thời bình cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, khi có chiến tranh, nếu áp dụng phương thức này thì phải thực hiện theo phân cấp; trong đó, cơ quan thông tin của cấp quân khu ven biển cần chủ động phối hợp với cơ quan thông tin của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng (Binh chủng TTLL, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ đội Biên phòng,...) để thực hiện điều hành chung một cách thống nhất; các cấp, các ngành kinh tế hoạt động trên địa bàn phải chịu sự điều hành của thông tin quân khu và tự điều hành HTTT của mình theo nguyên tắc: lấy hoạt động phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến là chủ yếu, vừa thực hiện bảo đảm hoạt động cho HTTT chung theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Kết hợp theo khu vực, vùng lãnh hải (kết hợp theo không gian địa bàn) được coi là phương thức chuyển hóa lực lượng và thế trận thông tin nhanh chóng, thuận lợi, phù hợp cả trong thời bình và thời chiến. Hiện nay, trong các khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) ven biển đã và đang triển khai xây dựng HTTT, bao gồm cả hệ thống TTQS và TTDS với chức năng, nhiệm vụ riêng, tương đối độc lập. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện kết hợp giữa TTQS và TTDS trong KVPT (tại chỗ) với lực lượng thông tin cơ động của lực lượng vũ trang đứng chân trên từng địa bàn, hình thành thế trận liên hoàn, vững chắc giữa các hệ thống TTLL trên từng khu vực, vùng lãnh hải, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế biển, vừa  sẵn sàng chuyển hóa phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có chiến tranh.

Phương thức kết hợp theo nhiệm vụ được áp dụng ở mỗi ngành, mỗi cấp; có tổ chức HTTT riêng để có thể hỗ trợ và giúp đỡ nhau thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể, phát huy được năng lực, thế mạnh của từng hệ thống, vừa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời bình, vừa sẵn sàng chuyển hóa bảo đảm thông tin cho các hoạt động tác chiến trong phòng thủ biển, đảo (đặt dưới sự chỉ huy, điều hành của TTQS).

Cũng cần thấy rằng, việc phân chia các phương thức kết hợp TTQS và TTDS trên đây chỉ mang tính tương đối; trong thực tế, khi giải quyết một nhiệm vụ nào đó, việc kết hợp có thể vận dụng đồng thời cả ba phương thức trên (lấy phương thức kết hợp theo khu vực, vùng lãnh hải là chủ yếu). Tuy nhiên, với các phương thức trên thì việc chủ động tự kết hợp giữa TTQS và TTDS ở các cấp, các ngành trên các địa bàn, vùng biển là yếu tố quan trọng hàng đầu, được thể hiện ngay từ trong chủ trương, đến quy hoạch, kế hoạch phát triển HTTT ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở từ trong thời bình. Muốn vậy, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:   

Một là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển mạng lưới TTQS và TTDS, hình thành thế trận thông tin liên hoàn, vững chắc trong các KVPT địa phương ven biển và các vùng biển. 

Quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển và bảo đảm QP-AN trên biển, đảo, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan đến khai thác kinh tế biển và bảo vệ biển, đảo cần đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; trong đó, chú trọng tăng cường kết hợp giữa TTQS và TTDS với những phương thức và giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả tổ chức bảo đảm thông tin cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, vừa sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận thông tin phục vụ các hoạt động tác chiến phòng thủ biển, đảo của Tổ quốc. Cơ quan thông tin các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển HTTT phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, khu vực, khả năng phát triển mạng lưới thông tin của TTQS, TTDS cả trước mắt và lâu dài (đặc biệt là trong xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thông tin); xác định các nội dung, phương thức kết hợp giữa TTQS và TTDS phù hợp, nhất là ở khu vực trọng điểm trên các vùng lãnh hải, các đảo xa bờ, cụm đảo gần. Tuy nhiên, việc kết hợp TTQS và TTDS trong tổ chức bảo đảm thông tin cho phòng thủ biển, đảo phải quán triệt quan điểm “lấy yếu tố tĩnh làm chỗ dựa cho yếu tố động”, để vừa nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, vừa phục vụ phát triển KT-XH trên các vùng biển. Theo đó, từng bước hoàn thiện tổ chức, bố trí mạng lưới kết hợp TTQS và TTDS, tạo thành mạng thông tin theo các trục dọc, trục ngang, các điểm thông tin, các trạm thông tin chuyển tiếp trên các phương tiện vô tuyến điện, vi ba, vệ tinh, cáp quang... Qua đó, hình thành các trục, đường thông tin bí mật trong cả thời bình và thời chiến; tạo nguồn dự trữ lực lượng, trang bị, phương tiện thông tin và thông tin tại chỗ, kết hợp với thông tin cơ động, tạo thành thế trận thông tin liên hoàn, vững chắc, nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời cho lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động tác chiến bảo vệ biển, đảo.

Hai là, tập trung xây dựng lực lượng thông tin vững mạnh, đủ khả năng bảo đảm thông tin cho tác chiến phòng thủ biển, đảo trong mọi tình huống.

Các lực lượng TTDS (bao gồm cả thông tin nhân dân) hoạt động rộng khắp trên tất cả các vùng biển, đảo của đất nước, là lực lượng đầu tiên thực hiện quan  sát, phát hiện sớm các diễn biến trên biển, nhất là các vùng biển và hải đảo xa. Do vậy, cơ quan TTQS các quân khu ven biển cần tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan đến phát triển kinh tế biển để tổ chức xây dựng lực lượng thông tin vững mạnh, vừa để làm “tai, mắt”, vừa tham gia tác chiến và hỗ trợ đắc lực trong việc tổ chức bảo đảm thông tin cho các hoạt động phòng thủ biển, đảo; đồng thời; cần thường xuyên rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức biên chế cả về con người, trang bị, phương tiện thông tin ở các ngành, các cấp, các địa phương, nhất là cán bộ phụ trách thông tin (bán chuyên trách, kiêm nhiệm), bảo đảm đủ số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đủ khả năng làm nòng cốt trong tổ chức bảo đảm TTLL cho các hoạt động khai thác kinh tế biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp, kết hợp giữa TTQS và TTDS để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong tổ chức điều tra, nắm chắc số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các lực lượng thông tin thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, tiến hành phân loại, tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên thông tin vững mạnh (cả về số lượng, chất lượng), thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập, nâng cao chất lượng tổng hợp, sẵn sàng huy động bổ sung cho lực lượng thông tin phục vụ tác chiến phòng thủ biển, đảo.

Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của lực lượng, trang bị và phương thức kết hợp TTQS và TTDS.

Theo đó, cần phát huy vai trò tham mưu nòng cốt của cơ quan TTQS cấp quân khu trong việc thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật thông tin, trọng tâm là huy động các nguồn lực hiện có để điều tra, nắm chắc số lượng, chất lượng lực lượng thông tin của từng cấp, từng ngành; có kế hoạch huy động các nguồn lực, tổ chức sắp xếp, điều chỉnh, mua sắm trang bị, phương tiện thông tin theo hướng đồng bộ, thống nhất cả về trang bị, phương tiện và cách thức kết  hợp... Trong quá trình xây dựng, phát triển mạng lưới TTQS và TTDS của từng cấp, từng ngành (nhất là trong phát triển các công trình thông tin, cơ sở kỹ thuật thông tin) cần chủ động quan hệ, kết hợp chặt chẽ với nhau theo các phương thức phù hợp để có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong giải quyết các nhiệm vụ thời bình, cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử của địch, bảo vệ an toàn, bí mật HTTT chung trên biển, đảo.

Kết hợp giữa TTQS và TTDS trong tổ chức bảo đảm TTLL cho hoạt động tác chiến phòng thủ biển, đảo, vừa là yêu cầu mang tính cấp thiết, vừa đáp ứng đòi hỏi cơ bản lâu dài. Vấn đề đặt ra hiện nay là: cần tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện phương thức và giải pháp kết hợp sao cho phù hợp với khả năng, điều kiện cụ thể của các cấp, các ngành, các lực lượng, cũng như đặc điểm của mỗi vùng biển...; qua đó, góp phần phục vụ tốt nhất cho các hoạt động tác chiến bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thiếu tướng, ThS. LÊ ĐÌNH HÙNG

Hiệu trưởng Trường Sĩ quan CHKT Thông tin

 

Ý kiến bạn đọc (0)