QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:35 (GMT+7)
Bàn về nghệ thuật sử dụng lực lượng đánh trận then chốt trong chiến dịch tiến công
Thực hiện các trận then chốt (TTC) trong chiến dịch tiến công có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đó là trận đánh lớn do một bộ phận lực lượng quan trọng của chiến dịch tiến hành, nhằm tạo ra chuyển biến có lợi hoặc quyết định thắng lợi của chiến dịch. Để giành thắng lợi trong các TTC của chiến dịch, phải vận dụng tổng hợp nhiều biện pháp, thủ đoạn chiến đấu, giải quyết nhiều nội dung, trong đó một nội dung hết sức quan trọng là sử dụng lực lượng đánh TTC.

Trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, chúng ta đ• có nhiều bài học sâu sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng đánh TTC. Trong chiến dịch Biên giới 1950, chúng ta tổ chức 2 TTC: trận tiêu diệt địch ở cứ điểm Đông Khê và trận đánh địch ứng cứu đường bộ ở khu vực Cốc Xá và Cao điểm 477. Trong TTC mở đầu chiến dịch tiến công địch ở cứ điểm Đông Khê, ta sử dụng lực lượng gồm 3 trung đoàn bộ binh (e174, e209, e316) và 2 tiểu đoàn độc lập (d426, d11), 13 khẩu sơn pháo 75 ly; tỷ lệ ta/địch là 3/1. 

Trong chiến dịch Tây Nguyên, nghệ thuật sử dụng lực lượng thể hiện nổi bật ở nguyên tắc tập trung lực lượng ưu thế để giành thắng lợi trong các TTC. trong TTC mở đầu chiến dịch tiến công thị x• Buôn Ma Thuột, tỷ lệ ta-địch về bộ binh là 4,5/1 (ta 18 dBB/ địch 4dBB); về xe tăng, xe thiết giáp là 3,5/1; về pháo binh cơ giới là 5/1... Cùng với tập trung lực lượng, ta còn thực hiện tốt các biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên địa bàn chiến dịch; đồng thời, tích cực nghi binh, buộc địch phải phân tán đối phó trên toàn địa bàn, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta đánh TTC...
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra đối với nước ta, đối tượng tác chiến của chiến dịch tiến công là kẻ thù xâm lược có vũ khí, trang bị hiện đại, quá trình tiến công bị chặn lại, chuyển vào phòng ngự, lấy cứ điểm, cụm cứ điểm làm nòng cốt. Theo đó, đối tượng tác chiến của TTC trong chiến dịch tiến công thường là cụm điểm tựa, trong đó có sở chỉ huy; lực lượng địch ứng cứu, giải tỏa đường bộ và địch đổ bộ đường không... Khi bị tiến công, địch thường sử dụng hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa kết hợp với lực lượng phòng ngự ngăn chặn, sát thương, tiêu hao lực lượng tiến công của ta. Đồng thời, tích cực dùng lực lượng dự bị các cấp ra tăng viện, ứng cứu, giải tỏa bằng đường bộ và đổ bộ đường không vào bên sườn, phía sau đội hình của ta, buộc ta phải phân tán, đối phó. Đối với ta, tổ chức chiến dịch tiến công trong điều kiện lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị tham gia có hạn, địa bàn rộng. Do đó, vấn đề hết sức quan trọng là phải tập trung lực lượng đủ mạnh cho TTC; đồng thời, phải tập trung lực lượng vào hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, thời cơ quyết định. Đó vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật để giành thắng lợi của chiến dịch nói chung, của các TTC nói riêng, nhất là TTC quyết định trong chiến dịch tiến công; đồng thời, cũng là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam - nghệ thuật tập trung lực lượng trong điều kiện lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy vũ khí, trang bị hiện có đánh thắng kẻ thù xâm lược có vũ khí, trang bị hiện đại hơn. Điều quan trọng, cũng là yêu cầu về nghệ thuật là tập trung lực lượng phải hợp lý, đủ sức đánh chắc thắng. So sánh lực lượng ở phạm vi chiến dịch, có thể tổng số ta không hơn địch, không nhiều, nhưng trong TTC cụ thể, trên hướng chủ yếu, khu vực, mục tiêu quan trọng, nhất thiết ta phải mạnh hơn hẳn địch. Tất nhiên, giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải rất linh hoạt, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế trong mối quan hệ biện chứng, tổng hòa của các yếu tố cấu thành thắng lợi của chiến dịch. Nếu tập trung lực lượng cho TTC quá lớn sẽ ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác của chiến dịch; trái lại, tập trung lực lượng không đủ mạnh thì việc giành thắng lợi sẽ khó khăn. Hiện nay, quan điểm về tập trung lực lượng của quân đội một số nước, nhất là các cường quốc quân sự là: tập trung sức mạnh hỏa lực với những đòn tập kích nhanh, mạnh, chính xác, kịp thời, nhằm phát huy tối đa khả năng của vũ khí, trang bị hiện đại. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu để có biện pháp đối phó phù hợp. Người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm phòng ngự của địch, trường hợp, điều kiện cụ thể của chiến dịch để lập kế hoạch sử dụng lực lượng phù hợp; đồng thời, tập trung hỏa lực thích đáng cho nhiệm vụ này.
Tham gia đánh TTC thường bao gồm nhiều lực lượng, trong đó bộ đội chủ lực giữ vai trò quyết định. Lực lượng được tổ chức thành các bộ phận như: nghi binh, tạo thế, tiến công, thọc sâu, dự bị binh chủng hợp thành, lực lượng các binh chủng (pháo binh, xe tăng, phòng không...), bộ phận hậu cần, kỹ thuật, sở chỉ huy. Hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực được phối hợp chặt chẽ với hoạt động vũ trang của các lực lượng khác trong khu vực phòng thủ như bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân, tự vệ, buộc địch phải phân tán đối phó, bị động, lúng túng, quân đông mà hóa ít, vũ khí, trang bị hiện đại mà không phát huy được.
Trên cơ sở biên chế, trang bị của đơn vị, khả năng tăng cường, chi viện của cấp trên và tình hình các mặt có liên quan như: địch, ta, địa hình..., người chỉ huy và cơ quan tham mưu tổ chức lực lượng hợp lý. Với mục tiêu là cụm điểm tựa, trong đó có sở chỉ huy lữ đoàn của địch (đánh địch trong công sự), cùng với tập trung lực lượng ưu thế cho TTC, phải có lực lượng sẵn sàng đối phó với các tình huống khác như: đánh địch ứng cứu giải toả đường bộ, đánh địch đổ bộ đường không... Mặt khác, địch luôn tận dụng khả năng của khí tài trinh sát hiện đại để phát hiện lực lượng và ý định tiến công của ta. Do đó, một yêu cầu hết sức quan trọng trong nghệ thuật sử dụng lực lượng là phải bảo đảm bí mật, bất ngờ; bí mật cả về quy mô lực lượng và cách đánh của chiến dịch; đồng thời, phải cơ động, phân tán linh hoạt, thực hiện tốt biện pháp ngụy trang, nghi binh, kết hợp chặt chẽ giữa phòng tránh với đánh trả phù hợp. Công tác nghi binh phải được xây dựng thành kế hoạch chặt chẽ, thống nhất, với sự tham gia của nhiều lực lượng; tập trung vào các hành động như: làm đường cơ động giả, trận địa giả, tạo giả mục tiêu... Bên cạnh đó, người chỉ huy và cơ quan tham mưu phải tổ chức lực lượng trinh sát, bám nắm địch liên tục, cả ngày và đêm, tập trung vào khu vực đánh TTC. Nội dung trinh sát phải nắm chắc địch cả về vị trí, số lượng, bố trí đội hình, trang bị, thủ đoạn hoạt động... làm cơ sở để người chỉ huy và cơ quan tham mưu tổ chức lực lượng phù hợp. Mặt khác, cần kết hợp trinh sát nắm địch với các biện pháp phòng, chống địch trinh sát, không để lộ ý định tổ chức sử dụng lực lượng tiến công của ta.
Thực hành các TTC là cuộc đấu trí, đấu lực gay go, phức tạp giữa ta và địch, trong đó, mỗi quyết định, mệnh lệnh của người chỉ huy khi sử dụng lực lượng đều ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến, thậm chí đến kết quả cuối cùng của trận đánh. Do đó, yêu cầu việc tổ chức, chỉ huy phải kiên quyết, kịp thời, táo bạo; Tư lệnh chiến dịch thường là người trực tiếp chỉ huy đánh TTC. Trong thực tế, mỗi đơn vị thường có khả năng, sở trường, thế mạnh riêng, do điều kiện tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện và kinh nghiệm chiến đấu. Vì vậy, việc sử dụng lực lượng còn phải chú trọng phát huy khả năng, sở trường của từng đơn vị, tạo ưu thế ngay từ đầu và duy trì trong suốt quá trình đánh TTC. Đây không chỉ là vấn đề mang tính nghệ thuật, mà còn biểu hiện tài thao lược “dùng binh, điều binh” của người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch.
Trong chiến tranh hiện đại, địch có khả năng cơ động lực lượng, hỏa lực nhanh, tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp, ác liệt, nên nghệ thuật sử dụng lực lượng đánh TTC còn đòi hỏi khả năng chuyển hóa thế trận linh hoạt, phù hợp với diễn biến của tình hình. Chuyển hóa thế trận phải bảo đảm sự chủ động, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch. Hơn nữa, chiến dịch phải thường xuyên có lực lượng dự bị mạnh để duy trì quyền chủ động, bảo đảm sức tiến công liên tục, kịp thời và sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình chiến đấu. Lực lượng dự bị được bố trí ở nơi kín đáo, tiện cơ động, sẵn sàng bước vào chiến đấu kịp thời. Căn cứ vào diễn biến trận đánh để sử dụng lực lượng dự bị đúng thời cơ, tạo ra thế trận có lợi. Khi đ• sử dụng lực lượng dự bị, phải tổ chức lực lượng dự bị mới thay thế.
Hiệu quả đánh TTC phụ thuộc nhiều vào chất lượng, khả năng tác chiến của mỗi đơn vị. Do đó, ngay từ thời bình, cần tập trung nghiên cứu, kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị của quân đội theo hướng gọn, mạnh, tính cơ động cao, đặc biệt là nâng cao khả năng đột phá trong tiến công. Cùng với xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực, cần xây dựng bộ đội địa phương có số lượng, biên chế phù hợp với đặc điểm địa bàn, có khả năng tham gia đánh địch trong TTC hoặc giải quyết các tình huống xảy ra trên địa bàn chiến dịch. Dân quân, tự vệ được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, theo Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, có chất lượng chính trị cao, có khả năng đánh nhỏ, lẻ, rộng khắp, bám trụ, tạo thế cài xen kẽ với địch, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh TTC. Khi chiến tranh xảy ra, lực lượng dân quân, tự vệ được mở rộng, tỷ lệ từ 5-10% dân số; được trang bị vũ khí tương đối hiện đại, như B40, ĐKZ, cối 82ly, 12,7 ly, 37ly... 
Trong huấn luyện, diễn tập, từng đơn vị phải quán triệt sâu sắc phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện với yêu cầu cao nhất là đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong huấn luyện chiến dịch, cần xác định và làm rõ những vấn đề về nghệ thuật đánh TTC; trong đó, chú trọng nghiên cứu những phát triển mới về nghệ thuật sử dụng lực lượng trong điều kiện tác chiến hiện đại. Tập trung nâng cao năng lực tư duy của người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch về nghệ thuật tổ chức, điều hành lực lượng, vận dụng các biện pháp tác chiến trong TTC.
Trong huấn luyện, cùng với những nội dung quân sự, phải chú trọng giáo dục chính trị, bồi dưỡng cho cán bộ chính trị các cấp phương pháp thực hiện kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch tiến công nói chung và TTC nói riêng. Tập trung xây dựng niềm tin vào thắng lợi, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, ác liệt trong TTC; đồng thời, thực hiện tốt công tác cán bộ, công tác thương binh, liệt sĩ trong chiến đấu... Căn cứ vào kế hoạch diễn tập hằng năm, từng đơn vị, địa phương tổ chức diễn tập, trong đó đặc biệt coi trọng nội dung tổ chức lực lượng đánh TTC. Xây dựng kế hoạch diễn tập cần chú trọng các nội dung như: tổ chức trinh sát xác định mục tiêu then chốt, tổ chức sử dụng lực lượng, tổ chức hiệp đồng đánh TTC... Đối với lực lượng vũ trang địa phương, cần chú trọng tình huống tham gia đánh địch ứng cứu giải tỏa đường bộ, địch đổ bộ đường không...phù hợp với khả năng, tổ chức biên chế, trang bị hiện có.
Nghiên cứu nghệ thuật sử dụng lực lượng đánh TTC trong chiến dịch tiến công là một vấn đề quan trọng, nhất là đối với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bài viết này mới chỉ đề cập một số vấn đề cơ bản. Thực tiễn chiến tranh vô cùng phong phú, nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Do đó, trong tác chiến, đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tham mưu phải nắm chắc nguyên tắc sử dụng lực lượng; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong từng trận đánh cụ thể mới có thể giành thắng lợi với hiệu quả cao.
Đại tá, ThS. Nguyễn Hữu Phòng
Học viện Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)