QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:06 (GMT+7)
Bàn về nghệ thuật mở đầu chiến dịch phản công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến dịch phản công (CDPC) là hành động “phản tiến công” của ta đối với địch. Đây là loại hình chiến dịch có tính biến động rất cao so với các loại hình chiến dịch khác. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) (nếu xảy ra), do địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tiến hành tác chiến điện tử quy mô lớn, nên tính biến động của CDPC còn cao hơn nhiều so với các CDPC mà ta đã tiến hành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây. Để bảo đảm cho CDPC giành thắng lợi, việc tổ chức các trận đánh trong quá trình thực hành chiến dịch cần được nghiên cứu, phát triển cả về lý luận lẫn thực tiễn. Bài viết này chủ yếu bàn về nghệ thuật mở đầu CDPC và cũng chỉ giới hạn trong một số trường hợp cụ thể.

1- Về một số trường hợp của CDPC.

Các CDPC trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đều diễn ra đồng thời với quá trình địch tiến công ta, không trải qua chiến dịch phòng ngự (CDPN), mà ta chỉ thực hiện một số biện pháp chốt chặn, tiêu hao một bộ phận lực lượng, phương tiện của địch, nhằm chuyển hóa thế trận, để chủ động chuyển sang phản công trong thế có lợi. Qua nghiên cứu cho thấy trường hợp này (tạm gọi là trường hợp 1) vẫn sẽ là một trong những trường hợp của CDPC trong chiến tranh BVTQ, nhưng có thể diễn ra không phổ biến, ở thời kỳ đầu. Sở dĩ như vậy là vì, thời kỳ đầu địch còn rất mạnh. Và chúng thường triển khai tiến công trên bộ khi đã đạt được kết quả của tiến công hỏa lực. Nếu chúng ta tổ chức CDPC trong thời kỳ này sẽ khó hoàn thành mục tiêu chiến dịch, tổn thất lớn. Đối với địch, để thực hiện được chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, tổn thất ít nhất, chúng thường tập trung lớn về lực lượng, phương tiện để áp đảo ta; chúng có thể tiến công lần lượt, nhưng cũng có thể tiến công vượt điểm (bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài) nhằm nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu chủ yếu. Về ta, sau đòn tiến công hỏa lực của địch, ta cũng cần có thời gian để củng cố nên khó có điều kiện mở CDPC ngay; hơn nữa, tránh bộc lộ lực lượng chủ lực ngay từ đầu. Trường hợp 2- ta mở CDPC sau hoạt động tác chiến phòng thủ, phòng ngự, trong đó có thể đã tổ chức CDPN trước đó. Nhờ vậy, xuất phát từ ý định chiến lược, CDPC được tổ chức kế tiếp CDPN. Trường hợp này có thể diễn ra phổ biến trong chiến tranh BVTQ. Trường hợp 3- ta mở CDPC khi địch tiến hành đổ bộ đường không quy mô lớn xuống một khu vực sau đó tiến đánh mục tiêu chủ yếu. Trường hợp này ít xảy ra, nếu xảy ra thì thường là CDPC quy mô nhỏ, vì địa hình nước ta ít có nơi cho phép địch đổ lực lượng lớn cỡ lữ đoàn, sư đoàn xuống một khu vực.

2- Về đặc điểm của CDPC.

Đặc điểm của CDPC chi phối rất nhiều đến nghệ thuật mở đầu chiến dịch. Mỗi trường hợp diễn ra CDPC, kể cả cùng trường hợp, nhưng khác nhau về địa bàn, thời điểm, thì từng CDPC cũng có những đặc điểm riêng của nó. Tuy vậy, đặc điểm cơ bản của CDPC là địch ở trạng thái tiến công ta nên quyền chủ động ban đầu thuộc về địch. Trên cơ sở nắm địch, ta có thể phán đoán trước một phần ý định, quy mô sử dụng lực lượng, hướng tiến công, các thủ đoạn và các biện pháp tác chiến của địch, nhưng phải đến lúc trước khi chúng tiến công một thời gian nhất định, ta mới có thể có thêm thông tin về địch một cách chính xác. Đặc điểm đó ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức và thực hành chiến dịch, trước hết là mở đầu chiến dịch. Một đặc điểm khác là ta thường phải tiến hành CDPC với lực lượng, phương tiện chiến đấu ít hơn địch. Chẳng hạn, trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti năm 1967, chủ lực ta chưa bằng một phần ba lực lượng địch và kém hẳn địch về pháo binh; địch chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân, thiết giáp.

Tuy nhiên, CDPC trong chiến tranh BVTQ dù diễn ra ở quy mô, địa bàn nào thì nó cũng được dựa vào thế trận phòng thủ chung đã được chuẩn bị một bước từ thời bình. Phải đối phó với các lực lượng trong khu vực phòng thủ (KVPT), trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển của ta, địch không thể tránh khỏi bị đánh tiêu hao, tổn thất, khó có thể thực hiện được mục tiêu tiến công bất ngờ, tập trung, táo bạo như chúng mong muốn. Đó là đặc điểm mới so với các CDPC trong chiến tranh giải phóng trước đây mà ta cần khai thác tối đa khi mở đầu chiến dịch.

3- Về yêu cầu của mở đầu CDPC.

Nghệ thuật mở đầu CDPC thực chất là nghệ thuật chuẩn bị và thực hành trận đánh mở đầu trong CDPC. Xuất phát từ các trường hợp và những đặc điểm trên, yêu cầu đặt ra đối với việc mở đầu CDPC là phải có biện pháp chuyển hóa thế trận, giành quyền chủ động từ địch, phá vỡ một bước ý định tiến công của địch, buộc chúng phải tạm ngừng hoặc giảm hẳn nhịp độ tiến công để củng cố lực lượng, phương tiện, tạo điều kiện để chiến dịch tổ chức và thực hành các trận đánh tiếp theo, tiến đến đánh bại cuộc tiến công của địch. Thực hiện yêu cầu trên, nghệ thuật mở đầu chiến dịch cần tập trung nắm chắc địch cả về chiến dịch, chiến lược, phán đoán chính xác âm mưu chiến lược, quy luật hành động, nhất là ý đồ, hướng lực lượng tiến công và các biện pháp, thủ đoạn tác chiến của chúng. Mặt khác, chiến dịch cần lựa chọn mục tiêu mở đầu sao cho phù hợp, bảo đảm chắc thắng. Nếu chọn mục tiêu mở đầu quá lớn, ta phải bộc lộ lực lượng ngay từ đầu, trong khi sức cơ động và khả năng tiến công của địch còn rất mạnh, là không phù hợp; trong trường hợp trận đánh kéo dài, nó sẽ làm đảo lộn quyết tâm của chiến dịch theo chiều hướng xấu. Chọn mục tiêu mở đầu nhỏ, trận đánh mở đầu có thể sẽ diễn ra nhanh chóng, nhưng nó lại không tạo được sự đột biến cần thiết cho các trận, các đợt tiến công, phản công tiếp theo. Hơn nữa, trận mở đầu quá dễ dàng có thể dẫn đến tư tưởng bộ đội chủ quan khinh địch. Vì vậy, mục tiêu mở đầu chiến dịch phải vừa sức ta, bảo đảm trận mở đầu chắc thắng. Mục tiêu này cần được chọn nơi địch sơ hở, nhưng hiểm yếu, khi nó bị tiến công tiêu diệt phải tạo ra được yếu tố bất ngờ đối với địch, khiến chúng phải lâm vào thế bị động về chiến lược.

4- Về sử dụng lực lượng, vận dụng hình thức và phương pháp tác chiến.

Việc sử dụng lực lượng và vận dụng các hình thức, phương pháp tác chiến để tiến hành trận mở đầu chiến dịch phụ thuộc vào tình hình địch, ta trên chiến trường; nói cách khác, phụ thuộc vào quyết tâm của Tư lệnh chiến dịch. Trận mở đầu CDPC có thể là một trong những trận then chốt của chiến dịch, nhưng cũng có thể được tiến hành bằng một số trận đánh, hoặc một số đợt hoạt động tác chiến cấp phân đội.

Mở đầu CDPC bằng trận then chốt được vận dụng khi các hướng, mũi tiến công của địch bị các hoạt động tác chiến phòng thủ, phòng ngự của ta chặn đánh quyết liệt. Lúc này địch không còn duy trì được mạch tiến công do một phần lực lượng của chúng đã bị tiêu hao tổn thất, đội hình bị chia cắt, có bộ phận phải dừng lại và buộc phải triển khai ở địa hình bất lợi. Trong khi đó, chiến dịch đã cơ bản hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, đặc biệt là lực lượng chủ lực cơ động chiến dịch đã vào đến khu vực triển khai. Trường hợp này, chiến dịch cần tạo áp lực, sử dụng lực lượng ưu thế: kết hợp lực lượng cơ động chiến dịch với lực lượng tại chỗ của chiến dịch và lực lượng của KVPT, để mở đầu chiến dịch; đồng thời, thực hiện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng kết hợp vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, như: vận động tiến công, vận động tiến công kết hợp chốt giữ, vận động bao vây tiến công liên tục, vận động tập kích hoặc có thể phải tiến công trận địa (nếu địch đã kịp thiết bị công trình trận địa) để tiêu diệt một bộ phận quan trọng của địch.

Khác với chiến dịch tiến công (thường chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch tập trung ở một khu vực), CDPC trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nếu xác định trận đánh mở đầu chiến dịch là trận then chốt thì chiến dịch có thể chọn một hay một số mục tiêu. Nếu chọn một số mục tiêu thì cần tiến công các mục tiêu đã chọn một cách đồng thời, buộc địch phản ứng bị động trong phạm vi rộng, tạo điều kiện cho chiến dịch giành và giữ quyền chủ động để tổ chức, triển khai các trận then chốt tiếp theo của chiến dịch.

Mở đầu CDPC bằng tiến hành một số trận đánh cấp phân đội được vận dụng khi địch thực hành tiến công thuận lợi. Điều này có nghĩa là, các lực lượng trong KVPT của ta không đủ sức ngăn chặn địch; các hướng, mũi tiến công của địch có thể đã bị suy yếu một phần, song về cơ bản, địch vẫn có khả năng duy trì nhịp độ tiến công. Bên cạnh đó, ta chưa có điều kiện tập trung về lực lượng, phương tiện để có thể đánh lớn ngay từ đầu. Vì vậy, tiến hành bằng một số trận đánh cấp phân đội trong trường hợp này là phù hợp và cần thiết, nhằm làm cho địch tiếp tục bị suy yếu thêm và phải bộc lộ sơ hở. Về lực lượng, tiến hành một số trận đánh cấp phân đội nên sử dụng lực lượng vũ trang địa phương là chủ yếu, kết hợp một phần lực lượng chủ lực đang bố trí trên địa bàn. Để thực hành mở đầu chiến dịch bằng một số trận đánh cấp phân đội đạt được ý định của chiến dịch, cần kết hợp đánh nhỏ với đánh vừa, đánh cả phía trước, bên sườn và phía sau đội hình địch; đồng thời, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, bao gồm cả phòng ngự trận địa, vận động tiến công, vận động phục kích, vận động tập kích..., vào đơn vị cấp trung đội, đại đội trong đội hình tiến công đường bộ của địch, hoặc lực lượng đổ bộ đường không của địch vừa mới đổ quân, đứng chân chưa vững (chưa kịp triển khai tiến công).

Như vậy, mở đầu CDPC bằng cách gì, với quy mô lực lượng bao nhiêu và vận dụng hình thức, phương pháp tác chiến ra sao là tùy thuộc vào tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Song, dù mở đầu CDPC như thế nào thì Tư lệnh và cơ quan chiến dịch cũng phải triệt để tận dụng thế trận (bao gồm cả lực lượng, phương tiện) của KVPT, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch, khắc phục hạn chế về hỏa lực và khả năng cơ động của ta; đồng thời, khoét sâu điểm yếu của địch, buộc chúng phải chấp nhận đánh gần, đánh cài xen với ta, qua đó không cho chúng phát huy uy lực của vũ khí công nghệ cao và khả năng cơ động, tạo điều kiện cho ta thực hành các trận, các đợt phản công kế tiếp và phát triển chiến dịch thuận lợi.

Đại tá Phạm Quang Sỹ

Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)