QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 01:02 (GMT+7)
Bàn về nghệ thuật cơ động lực lượng trong chiến dịch phòng không
Cơ động lực lượng là một nội dung quan trọng trong hoạt động tác chiến chiến dịch nói chung, chiến dịch phòng không (CDPK) nói riêng, nhằm mục đích tạo lập và chuyển hóa thế trận có lợi, bảo toàn lực lượng, tạo bất ngờ, chớp thời cơ đánh trả có hiệu quả các đòn tiến công đường không (TCĐK) của địch, bảo vệ vững chắc mục tiêu được giao, hoàn thành mục đích, nhiệm vụ chiến dịch. Thực tiễn các cuộc chiến tranh cục bộ trên thế giới gần đây cho thấy, bên tiến công sử dụng đòn TCĐK như một phương thức tác chiến chủ yếu, đánh phá ác liệt ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh, vào nhiều mục tiêu, nhất là các mục tiêu trọng yếu về chính trị, kinh tế, quân sự của đối phương, trong đó có các lực lượng phòng không (LLPK), nhằm giải quyết chiến tranh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Vì vậy, cơ động lực lượng (pháo cao xạ, tên lửa) trong CDPK vừa là yêu cầu khách quan, vừa là vấn đề “sống còn” của các LLPK.

Đối với nước ta, vấn đề cơ động lực lượng trong CDPK đã được các đơn vị cao xạ, tên lửa vận dụng trong CDPK 12 ngày đêm trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận. Nhờ vậy, ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay” B52, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược lớn nhất của địch. Qua đó, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích về hoạt động tác chiến CDPK, trong đó có bài học về cơ động lực lượng chiến dịch. Tuy nhiên, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), sẽ có những phát triển mới cả về phía ta và đối tượng tác chiến, nên việc nghiên cứu tìm ra giải pháp cơ động lực lượng chiến dịch phù hợp nhằm bảo đảm thắng lợi của CDPK là hết sức cần thiết, quan trọng.

 Qua nghiên cứu cho thấy, về địch, chúng có thể sử dụng nhiều phương tiện trinh sát hiện đại từ trên không, trên bộ, trên biển và trong vũ trụ, nhằm phát hiện, theo dõi, chỉ điểm chính xác, liên tục các mục tiêu của ta, đặc biệt là quá trình cơ động, di chuyển của các lực lượng vũ trang; huy động tối đa lực lượng, phương tiện và vũ khí, nhất là vũ khí công nghệ cao (tên lửa hành trình, máy bay tàng hình, bom đạn có điều khiển...) có sức công phá, sát thương lớn, độ chính xác cao, đánh phá từ xa kết hợp với đột nhập tiếp cận gần, bay thấp, đánh đêm, đánh nhanh, thoát ly nhanh, đánh trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết nhằm phá huỷ các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự của ta; trong đó LLPK và các phương tiện cơ động, các trọng điểm giao thông sẽ là những mục tiêu quan trọng của chúng. Về ta, trình độ và khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các LLPK tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng so với yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại thì đang còn nhiều bất cập: vũ khí, trang bị khí tài phòng không cồng kềnh, mất khá nhiều thời gian khi thu hồi và cơ động; số lượng trận địa dự bị, dã chiến của các đơn vị phòng không và hệ thống đường giao thông bảo đảm cho cơ động, nhất là cho các phương tiện kỹ thuật hiện đại, cồng kềnh còn hạn chế; trình độ thao tác, tổ chức, chỉ huy trong thu hồi, triển khai và hành quân cơ động chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là vào ban đêm. Điều đó đòi hỏi các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch phải giải quyết tốt mâu thuẫn giữa yêu cầu tất yếu khách quan về cơ động LLPK trong điều kiện chiến tranh hiện đại với thực trạng khả năng cơ động của các đơn vị phòng không. Để giải quyết mâu thuẫn, góp phần nâng cao khả năng phòng tránh, đánh trả của các LLPK, đòi hỏi nghệ thuật cơ động lực lượng trong CDPK phải thực hiện nhiều biện pháp, cả trong tạo lập thế trận ban đầu chiến dịch, quá trình diễn biến chiến dịch và khi kết thúc chiến dịch.   
Cơ động lực lượng tạo lập thế trận ban đầu chiến dịch có ý nghĩa quan trọng, nhằm bố trí đội hình, triển khai LLPK trên từng hướng chiến dịch, tạo ra thế trận CDPK liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, đánh được địch tiến công trên các hướng. Yêu cầu cơ động lực lượng trong giai đoạn này phải được thực hiện một cách đồng bộ, nhanh chóng và bí mật để hoàn chỉnh thế trận trong thời gian sớm nhất, sẵn sàng bước vào chiến đấu, nên các đơn vị có thể vận dụng phương pháp cơ động đồng thời là chủ yếu. Quá trình cơ động, tùy tình hình, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để tổ chức, điều hành cơ động cho phù hợp; các đơn vị làm nhiệm vụ đánh địch vòng ngoài, đánh địch từ xa có thể sử dụng LLPK có cơ cấu gọn nhẹ, khả năng cơ động cao; các đơn vị làm nhiệm vụ vòng trong, trực tiếp bảo vệ mục tiêu có thể sử dụng các LLPK tại chỗ, kết hợp với LLPK có hỏa lực mạnh, có thể đánh địch trên mọi tầng không.
Cơ động trong quá trình tác chiến CDPK là cơ động, điều chỉnh một số bộ phận LLPK (có thể là lực lượng nòng cốt của chiến dịch), nhằm thực hiện các biện pháp tác chiến chiến dịch, các hình thức chiến thuật hoặc xử trí các tình huống. Đây là nội dung rất quan trọng trong tác chiến hiện đại, đòi hỏi Tư lệnh và cơ quan tham mưu chiến dịch cũng như chỉ huy các đơn vị cần vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của các lực lượng, bảo vệ an toàn mục tiêu được giao. Cơ động trong quá trình tác chiến chiến dịch có thể vận dụng nhiều hình thức và phương pháp: cơ động nghi binh lừa địch; cơ động phục kích đánh địch; cơ động phục kích ở khu nhử địch; cơ động “xê dịch” để phòng, chống vũ khí công nghệ cao... Trong các hình thức và phương pháp đó, cơ động “xê dịch” thường được vận dụng nhiều hơn trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Khi thực hiện cơ động “xê dịch”, các đơn vị có thể giảm một số bước trong thu hồi vũ khí, trang bị để nhanh chóng rời khỏi vị trí đang triển khai chiến đấu trong thời gian ngắn nhất đến vị trí mới (có thể chỉ cách vài trăm mét đến vài ki-lô-mét), mà vẫn giữ được thế bố trí chung, không làm thay đổi tổ chức hệ thống hoả lực của toàn chiến dịch. Thực hiện tốt phương pháp cơ động “xê dịch” sẽ giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ để tiếp tục đánh địch trên hướng, đường bay đã xác định; phòng tránh kịp thời sự đánh phá của địch vào trận địa bằng vũ khí công nghệ cao. Đây là một dạng cơ động khá mới, nhưng có cơ sở vững chắc cả về lý luận và thực tiễn. Qua tính toán, phân tích khả năng sát thương của bom, đạn và khả năng điều khiển, độ chính xác khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; về khả năng cơ động của các đơn vị có thể thấy, thời gian từ khi địch phát hiện mục tiêu đến tổ chức thực hành tiến công hoả lực lớn hơn thời gian các đơn vị phòng không của ta cơ động “xê dịch” đến vị trí mới; nghĩa là, thời gian bay tới của máy bay địch để bắn tên lửa và ném bom lớn hơn thời gian cơ động của ta. Thực tiễn cuộc chiến tranh ở Cô-xô-vô (1999) đã chứng minh, sau 78 ngày đêm chiến tranh, hầu như tất cả các trận địa phòng không của Nam Tư đều bị đánh phá, nhưng do tích cực, chủ động cơ động “xê dịch” nên LLPK của nước này vẫn được bảo toàn. Từ cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên cho thấy, cơ động “xê dịch” hoàn toàn có thể bảo toàn được lực lượng để đánh trả đòn TCĐK của địch. Thời cơ tốt nhất để cơ động “xê dịch” có thể xen kẽ giữa các lần địch đánh phá, sau mỗi lần địch trinh sát mục tiêu, hoặc cơ động định kỳ theo kế hoạch. Yêu cầu của cơ động “xê dịch” phải khẩn trương, linh hoạt, chính xác, bí mật, bất ngờ và phải rất thành thạo trong thu hồi vũ khí, trang bị; phải có hệ thống trận địa dự bị, dã chiến được xây dựng trước theo đúng yêu cầu của nghệ thuật tác chiến phòng không chiến dịch. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta vẫn phải quán triệt tư tưởng lấy “nhỏ đánh lớn”, lấy “ít địch nhiều”, nên cần nghiên cứu, dành nhiều thời gian huấn luyện để các đơn vị phòng không vận dụng thành thạo phương pháp cơ động “xê dịch”. Điều cần chú ý là, khi vận dụng phương pháp này, cần tính toán hết sức chặt chẽ, tránh sự “chồng lấn” trận địa giữa các đơn vị; tránh những nơi địa hình bị chia cắt bởi sông, suối, bưng, sình...
Cơ động kết thúc CDPK là trường hợp cơ động nhằm mục đích chuyển hóa thế trận từ tác chiến chiến dịch sang tác chiến phòng không thường xuyên, hoặc chuyển hướng chiến dịch sang làm nhiệm vụ khác. Trường hợp này được thực hiện khi ta có ý định kết thúc chiến dịch, hoặc khi ta đánh bại TCĐK của địch, buộc chúng phải thay đổi phương thức và thủ đoạn đánh phá. Để đảm bảo cơ động thành công, các đơn vị phòng không tham gia chiến dịch phải nắm chắc thời cơ, ý định tác chiến chiến dịch, âm mưu, thủ đoạn của địch... Quá trình cơ động, có thể vận dụng phương pháp cơ động lần lượt là chủ yếu; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ động nghi binh, đánh lạc hướng sự chú ý của địch, bảo đảm cho lực lượng cơ động được an toàn.
Khác với cơ động lực lượng trong các loại hình chiến dịch của binh chủng hợp thành, cơ động lực lượng trong CDPK là cơ động lực lượng của binh chủng kỹ thuật chiến đấu, với nhiều loại vũ khí, trang bị, khí tài vừa cồng kềnh, vừa có hàm lượng công nghệ hiện đại với độ chính xác cao, nên cơ động bảo đảm an toàn đã khó, cơ động đến vị trí mới bảo đảm cho vũ khí, khí tài chiến đấu được ngay và chiến đấu có hiệu quả lại càng khó hơn. Vì vậy, để nâng cao khả năng cơ động lực lượng trong CDPK, đòi hỏi các biện pháp bảo đảm phải được giải quyết đầy đủ, đồng bộ... Trước hết, cần làm tốt công tác  bảo đảm nắm địch, nhất là về tính năng, tác dụng của các loại vũ khí công nghệ cao địch sử dụng trong TCĐK; về chiến thuật, kỹ thuật và thủ đoạn trinh sát, đánh phá của địch... Từ đó, có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, tỷ mỷ phương án cơ động lực lượng, đặc biệt là chuẩn bị hệ thống đường cơ động, hệ thống trận địa dự bị, dã chiến. Hết sức coi trọng công tác bảo đảm ngụy trang, nghi binh “bày giả, giấu thật”, trong đó cần vận dụng tổng hợp các biện pháp nguỵ trang, che dấu vũ khí, trang bị, khí tài phòng không để chống trinh sát của địch; kết hợp tổ chức hệ thống trận địa giả nghi binh, lừa địch theo hướng “làm giả như thật”, tạo ra thế trận “hư thực, thực hư” cả trước, trong và sau cơ động. Đồng thời, tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cho các LLPK, nhất là khả năng cơ động và thuần thục các thao tác trong chiến đấu, bảo đảm triển khai, thu hồi nhanh, chiến đấu nhanh và cơ động nhanh. Ngoài ra, phải thường xuyên nghiên cứu cải tiến vũ khí, trang bị hiện có để giảm được các bước trong thu hồi và triển khai chiến đấu, nhất là vào ban đêm. Việc bảo đảm cơ động cần được triển khai xây dựng, chuẩn bị ngay từ thời bình, trong quá trình xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) cần kết hợp xây dựng thế trận phòng không nhân dân, xây dựng các công trình bảo đảm cơ động cho LLPK ba thứ quân, trong LLPK quốc gia là nòng cốt.
Đại tá Nguyễn Văn Bình
Phó giám đốc Học viện PK-KQ
 

Ý kiến bạn đọc (0)