QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:49 (GMT+7)
Bàn về huy động sức mạnh toàn dân tham gia công tác vận tải quân sự chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Sức mạnh toàn dân tham gia công tác vận tải quân sự chiến lược đã được thực tế khẳng định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, nếu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, việc huy động sức mạnh toàn dân vào công tác này là vô cùng cần thiết, mấu chốt là nội dung và giải pháp để huy động.

 

Vận tải quân sự chiến lược (VTQSCL) là một bộ phận của công tác hậu cần quân đội, làm nhiệm vụ vận chuyển phương tiện vật chất, cơ động bộ đội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với lực lượng vận tải quân sự, các lực lượng vận tải của Nhà nước và nhân dân đã trực tiếp tham gia và chi viện lớn cho VTQSCL, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Chỉ tính trong 8 năm (1965 – 1972) chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, lực lượng vận tải Nhà nước và nhân dân đã đảm nhiệm 40,9% khối lượng hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên nhiều cung đoạn vận tải chiến lược, trong một số thời điểm, lực lượng vận tải toàn dân đã có những hỗ trợ đắc lực cho VTQSCL.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) - nếu xảy ra, tình hình sẽ có nhiều thay đổi. Khác với chiến tranh giải phóng trước đây, khi tiến hành xâm lược nước ta, địch sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao tiến công hỏa lực đường không từ nhiều hướng, với cường độ mạnh, độ chính xác cao... gây nhiều khó khăn cho công tác VTQSCL. Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều điều kiện thuận lợi cơ bản của thành tựu CNH, HĐH đất nước và lực lượng, phương tiện của nền quốc phòng toàn dân, trong từng khu vực phòng thủ (KVPT) được chuẩn bị từ thời bình. Để phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tham gia công tác VTQSCL trong chiến tranh BVTQ, cần quan tâm những nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, phải huy động được cao nhất sức mạnhvề nhân lực và phương tiện của toàn dân tham gia vận tải và bảo đảm cho vận tải. Với chủ trương kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh của Đảng và Nhà nước ta, hệ thống đường giao thông vận tải (GTVT), các phương tiện GTVT của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đã và sẽ phát triển mạnh. Theo số liệu khảo sát, hiện nay, tiềm năng của lực lượng, phương tiện vận tải trong các ngành kinh tế nhà nước và nhân dân rất lớn, nhiều chủng loại, chất lượng tương đối tốt; trong đó, có 414.880 xe ô tô các loại (gần 150.000 xe tải, 3.400 xe xitec), hơn 76.500 phương tiện thủy nội địa với trọng tải 2,6 triệu tấn và 245.000 ghế hành khách. Các Sở GTVT, các doanh nghiệp vận tải là những đơn vị mạnh của địa phương, vừa có đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, có năng lực, vừa có hệ thống phương tiện vận tải với số lượng lớn và chất lượng ngày càng cao. Đây sẽ là nguồn bổ sung hùng hậu cho lực lượng VTQSCL và tham gia vận chuyển bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống chiến tranh.

Để huy động có hiệu quả nguồn lực vận tải của toàn dân, cơ quan và các đơn vị vận tải chiến lược cần có biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vận tải dự bị động viên; xây dựng hoàn chỉnh các phương án huy động lực lượng, phương tiện vận tải cho từng tình huống, từng khu vực. Đồng thời, tổ chức huấn luyện, diễn tập ở các cấp chiến lược, chiến dịch, KVPT tỉnh (thành phố) để nâng cao khả năng và chất lượng huy động lực lượng, phương tiện vận tải, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi có chiến tranh.

Hai là, huy động lực lượng toàn dân tham gia bảo đảm giao thông và bảo vệ lực lượng vận tải. Lực lượng VTQSCL bao gồm: vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường ống và vận tải đường không... Tuy nhiên, khi có chiến tranh, chúng ta vẫn phải sử dụng lực lượng chủ yếu là vận tải đường bộ, nên việc bảo đảm cho hệ thống đường bộ thông suốt giữ vai trò quyết định trong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển. Việc bảo đảm giao thông và bảo vệ lực lượng vận tải là những công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, nhất là trên những tuyến đường, trọng điểm giao thông chiến lược bị địch đánh phá ác liệt. Do đó, nếu chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách bảo đảm giao thông của Quân đội và của Nhà nước sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, hệ thống GTVT còn thực hiện các yêu cầu vận chuyển phục vụ kinh tế của địa phương, phục vụ dân sinh, nên việc huy động lực lượng toàn dân tham gia bảo đảm giao thông, bảo vệ lực lượng vận tải là cần thiết và có điều kiện thực hiện. Đối với bảo đảm giao thông đường thuỷ, đặc biệt là trên biển và ở các cửa sông chính, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ các lực lượng bảo đảm giao thông đường thuỷ của Quân đội, Nhà nước và địa phương; trong đó, lực lượng công binh là nòng cốt. Vì vậy, trong chiến tranh BVTQ, cần huy động lực lượng nhân dân tham gia cùng các lực lượng quân đội để thực hiện các công việc: làm đường mới, mở đường vòng tránh các bến vượt và các công trình phòng tránh khác trên các tuyến vận tải chiến lược; tham gia bảo vệ lực lượng VTQSCL trên đường vận chuyển và các vị trí giấu quân với các biện pháp: giữ bí mật lực lượng vận tải, canh gác, chống địch phá hoại dưới mọi hình thức, ngụy trang các phương tiện, bốc xếp, chuyển tải hàng hoá; tham gia chiến đấu bảo vệ các trọng điểm giao thông; tham gia khắc phục hậu quả do địch đánh phá hoặc do thiên tai (nhất là bão, lũ) gây ra để bảo đảm thông đường, cứu xe, cứu người, cứu hàng hoá trong thời gian ngắn nhất.

Ba là, huy động lực lượng nhân dân tham gia một số mặt bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng VTQSCL. Do các đơn vị VTQSCL phải thường xuyên hoạt động trên các tuyến đường dài và xa các cơ sở bảo đảm của đơn vị, nên việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, như: bảo đảm sinh hoạt, cứu chữa thương binh, bệnh binh, cứu kéo các phương tiện…có nhiều khó khăn, cần phải dựa vào nhân dân, các cơ sở bảo đảm của Nhà nước, Quân đội trên các tuyến đường vận chuyển.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để tham gia bảo đảm cho các lực lượng VTQSCL, hậu cần quân sự địa phương các tỉnh, huyện ở Quân khu 4 đã tổ chức lực lượng bảo đảm hậu cần tại các trọng điểm trên tuyến giao thông (bến phà Bến Thủy, sông Gianh, ngã ba Đồng Lộc...), thành phần chủ yếu là lực lượng quân-dân y kết hợp và tải thương để bảo đảm cho các đơn vị thường trực bảo vệ giao thông và lực lượng vận tải qua phà. Ngoài lực lượng hậu cần thường trực, tại các trọng điểm, hầu hết các thôn, xã, hợp tác xã ở dọc các tuyến giao thông đều tổ chức những đội ứng cứu để sẵn sàng cứu người, phương tiện và hàng hoá. Ngày nay, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và tiềm lực, thế trận của KVPT cấp tỉnh, cấp huyện được đẩy mạnh xây dựng là điều kiện thuận lợi cho các đơn vị VTQSCL dựa vào dân để giải quyết một số nội dung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, như: cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh; cứu kéo, sửa chữa xe vận tải khi gặp sự cố; khai thác vật chất bảo đảm cho sinh hoạt, đời sống…Muốn vậy, các đơn vị VTQSCL cần chủ động quan hệ với hậu cần KVPT địa phương, trực tiếp là hậu cần quân sự địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện kế hoạch và hiệp đồng thực hiện các phương án bảo đảm cụ thể.

Để huy động được cao nhất sức mạnh toàn dân tham gia công tác VTQSCL trong chiến tranh BVTQ, chúng ta phải tích cực, chủ động chuẩn bị chu đáo từ thời bình trong tổng thể của sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau.

Vấn đề quan trọng, xuyên suốt là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người dân về tham gia công tác VTQSCL. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu của ông cha để lại, cũng là quan điểm nhất quán của Đảng ta đối với vai trò quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Kế thừa, phát triển kinh nghiệm huy động sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia VTQSCL trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào điều kiện mới trong chiến tranh BVTQ để tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc tham gia công tác VTQSCL, chi viện cho tiền tuyến. 

Phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với sự tham mưu nòng cốt của cơ quan vận tải quân sự các cấp. Việc huy động toàn dân tham gia công tác vận tải quân sự là một nội dung của xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng hậu cần KVPT tỉnh (thành phố), một bộ phận của chiến tranh nhân dân địa phương. Vì vậy, tổ chức và hoạt động này phải được vận hành theo cơ chế 02 của Bộ Chính trị; cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo chủ trương, kế hoạch thống nhất trên địa bàn; cơ quan quân sự nói chung, cơ quan vận tải quân sự các cấp nói riêng, cần phát huy tốt chức năng tham mưu nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Theo đó, cơ quan quân sự địa phương cần tích cực, chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng và thường xuyên bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án huy động lực lượng vận tải của Nhà nước và nhân dân tham gia vận tải bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng; đồng thời, tổ chức tốt việc huấn luyện, diễn tập để sẵn sàng huy động khi có tình huống xảy ra.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế tổ chức chỉ huy, điều hành thống nhất, có chính sách phù hợp, nhằm động viên, khuyến khích toàn dân tham gia công tác VTQSCL. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về động viên giao thông phục vụ VTQSCL, gồm: xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, động viên GTVT, xây dựng các phương án động viên, huy động vận tải. Trong đó, quy định rõ biện pháp cụ thể, quy định trách nhiệm, quyền hạn phối, kết hợp giữa Quân đội với các cơ quan Nhà nước để thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả các khâu đăng ký, quản lý, huấn luyện, diễn tập huy động lực lượng. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách cụ thể về trưng dụng, huy động thời bình và động viên thời chiến; quy định cụ thể về nghĩa vụ và quyền lợi thoả đáng cho các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia hoặc có phương tiện, cơ sở vật chất tham gia VTQSCL khi có tình huống và trong chiến tranh, nhằm huy động cao nhất sức mạnh toàn dân tham gia công tác VTQSCL, góp phần bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu vật chất, cơ động lực lượng cho các chiến trường đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá, TS. TRẦN ĐÌNH HƯỚNG

Trưởng phòng Sau đại học - Học viện Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)