QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:12 (GMT+7)
Bàn về hoạt động tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Lịch sử quân sự đã chứng minh, muốn giành thắng lợi triệt để, cần phải có các đòn tác chiến chiến lược (TCCL). Đây là hoạt động có tính quyết định, làm thay đổi cục diện chiến lược, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh, tạo ra đột biến trong chiến tranh. Ngày nay, trước sự biến đổi sâu sắc của môi trường tác chiến, đặc biệt là những thay đổi về tổ chức, mô hình, kiểu loại, phương thức tiến hành chiến tranh của địch, đã tác động mạnh đến sự phát triển nghệ thuật quân sự của ta. Nghiên cứu, phát triển lý luận TCCL là nội dung quan trọng, nhiệm vụ nặng nề của Bộ thống soái, các cơ quan, đơn vị chiến lược tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Quá trình nghiên cứu, phát triển lý luận TCCL hiện đang tồn tại những ý kiến khác nhau. Bài viết này góp thêm một số ý kiến về những nội dung chủ yếu của nghệ thuật TCCL, để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Mục đích TCCL. Đây là nội dung quan trọng của nghệ thuật TCCL, trực tiếp chi phối đến những quyết định lớn như đánh địch ở đâu, bằng lực lượng nào và bằng cách nào, từ đó thống nhất ý chí và phương thức hành động của các lực lượng TCCL trong chiến tranh, nhằm thực hiện thắng lợi mục đích đặt ra. Tuy nhiên, trong một số tài liệu hoặc qua các buổi hội thảo khoa học quân sự, vấn đề mục đích TCCL hiện tồn tại ba quan điểm khác nhau, đó là: tiêu diệt, đập tan từng tập đoàn lực lượng chiến lược địch, đánh bại các biện pháp TCCL của chúng, làm thay đổi cục diện chiến trường, chiến tranh hoặc kết thúc thắng lợi chiến tranh; tiêu hao, tiêu diệt bộ phận, loại khỏi chiến đấu bộ phận quan trọng lực lượng chiến lược, đánh bại biện pháp TCCL chủ yếu của địch, làm thay đổi cục diện chiến trường, chiến tranh, hoặc kết thúc chiến tranh; tiêu hao, tiêu diệt bộ phận, sát thương lớn lực lượng chiến lược của địch, lần lượt đánh bại các biện pháp TCCL của chúng, làm thay đổi cục diện chiến trường, chiến tranh hoặc kết thúc thắng lợi chiến tranh. Trong ba mức độ trên, xét về mục đích cuối cùng của TCCL là thống nhất, chúng đều nhằm làm thay đổi cục diện chiến trường, chiến tranh hoặc kết thúc thắng lợi chiến tranh. Nhưng việc xác định chỉ tiêu tiêu diệt địch và đánh bại biện pháp TCCL để đạt tới mục đích cuối cùng của TCCL còn chưa thống nhất. Theo suy nghĩ của chúng tôi, về khả năng tiêu diệt địch, qua nghiên cứu hoạt động TCCL trong lịch sử cho thấy, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi lực lượng địch còn mạnh, lực lượng vũ trang ta còn non trẻ, trình độ, khả năng, kinh nghiệm các mặt còn hạn chế, thì mục đích đặt ra cho hoạt động TCCL là tiêu diệt, đánh bại các đơn vị cơ động tiến công ngoài công sự, tiến tới tiêu diệt cứ điểm, cụm cứ điểm, phát triển lên tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch phòng ngự, kết thúc chiến tranh. Tương tự như vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thời kỳ đầu mục đích đặt ra cho hoạt động TCCL là tiêu diệt từng tiểu đoàn, đánh thiệt hại một số trung, lữ đoàn quân Mỹ, đánh bại biện pháp TCCL chủ yếu để đạt tới mục tiêu chiến lược; đến giai đoạn cuối chiến tranh, khi thế và lực của ta đã mạnh lên, đối tượng TCCL là quân chủ lực ngụy, khả năng tác chiến yếu hơn quân Mỹ, lúc này mục đích TCCL đã phát triển lên tiêu diệt cấp sư đoàn, đập tan các tập đoàn lực lượng chiến lược địch, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh. Nhưng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), việc xác định khả năng tiêu diệt địch về chiến lược cần nghiên cứu dựa trên những căn cứ khoa học. Về những thay đổi môi trường chiến lược, đặc biệt là đối tượng tác chiến đã có những phát triển mới về cơ cấu tổ chức, phương thức tiến hành chiến tranh; không gian tác chiến đã vượt ra ngoài không gian truyền thống; các đòn tiến công trực tiếp được thay bằng các đòn tác chiến liên hợp, tác chiến phi tiếp xúc; các hoạt động cơ động triển khai tiến công được thực hiện từ xa với tốc độ, sức mạnh rất lớn... Vì lẽ đó, xác định mục tiêu TCCL là tiêu diệt về chiến lược  là không phù hợp. Theo chúng tôi, chỉ nên xác định ở mức tiêu hao, tiêu diệt bộ phận, loại khỏi chiến đấu lực lượng quan trọng chiến lược địch là phù hợp; trường hợp thuận lợi ta có thể đặt ra chỉ tiêu cao hơn như: tiêu diệt bộ phận, loại khỏi chiến đấu lực lượng chiến lược địch.

Quy mô TCCL. Quy mô TCCL phải căn cứ vào nhiệm vụ, loại hình tác chiến, tương quan so sánh thế, lực hai bên trên chiến trường. TCCL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối tượng tác chiến có xu hướng thu nhỏ quy mô binh lực, sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) để nâng cao khả năng, sức mạnh tác chiến; vai trò của lực lượng chiến lược, chiến dịch, chiến đấu cũng khó phân định rạch ròi. Các đơn vị cấp chiến thuật với sự hỗ trợ của vũ khí công nghệ cao, cùng với phương thức tác chiến mới, cũng có thể đảm nhiệm vai trò của chiến dịch, chiến lược. Trong điều kiện mới, mục tiêu, phương thức tiến hành chiến tranh của địch cũng phát triển đa dạng. Chiến tranh có thể diễn ra trên một hoặc nhiều hướng, một hoặc nhiều địa bàn chiến lược, bằng tiến công hỏa lực, bạo loạn lật đổ, kết hợp với lực lượng phản ứng nhanh, nhằm đạt được mục đích đã xác định. Do vậy, quy mô lực lượng của ta huy động cho TCCL cần được xác định linh hoạt ở các cấp độ như: bộ phận quan trọng; phần lớn; hoặc toàn bộ lực lượng vũ trang của đất nước. Dù sử dụng ở quy mô nào, thì TCCL cũng sẽ luôn bao gồm hai khối lực lượng cơ bản là: lực lượng chủ lực cơ động và lực lượng tại chỗ. Hai lực lượng này luôn được kết hợp chặt chẽ với nhau ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Tuy nhiên, trong mỗi loại hình TCCL cụ thể, vai trò, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, sử dụng lực lượng cũng khác nhau: trong loại hình đánh địch tiến công hỏa lực, lực lượng phòng không- không quân giữ vai trò quyết định; trong phản công, tiến công chiến lược, sử dụng lực lượng chủ lực cơ động là chủ yếu; tác chiến phòng thủ chiến lược, lực lượng của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), quân khu là nòng cốt.
Về không gian tác chiến. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, không gian chiến tranh mở rộng, sẽ diễn ra ở cả môi trường trên không, trên bộ, trên biển- đảo, vũ trụ, điện từ và không gian mạng..., trong đó môi trường điện từ, vũ trụ và không gian mạng là môi trường tác chiến quan trọng, tác động đến kết quả TCCL và chiến tranh. Về nghệ thuật sử dụng không gian chiến tranh, ta vẫn luôn chủ trương thu hẹp không gian, tập trung nỗ lực vào không gian ta có nhiều lợi thế, đó là chiến trường trên bộ. Tuy nhiên, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, do nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và tác động của VKCNC, làm cho nghệ thuật lấy không gian đổi lấy thời gian không dễ dàng như trước. Việc lựa chọn địa bàn, hướng TCCL chủ yếu, kể cả đòn đánh địch tiến công trên bộ, không phải khi nào ta cũng lựa chọn đánh địch ở địa bàn có nhiều lợi thế (rừng núi) như trước đây. Xuất phát từ yêu cầu của chiến lược, có thể ta phải chấp nhận tác chiến trên địa bàn đồng bằng, đô thị, biển- đảo, nhằm bảo vệ những mục tiêu chiến lược trọng điểm, giữ vững thế trận chiến lược cơ bản, tạo đà cho các hoạt động tác chiến và đấu tranh tiếp theo giành thắng lợi.
Đối tượng TCCL. Trong chiến tranh giải phóng, đối tượng TCCL thường là các tập đoàn chiến lược địch hiện diện trên đất nước ta, thực hành tiến công trên bộ, tạm dừng hay phòng ngự, có sự chi viện của lực lượng không quân, pháo binh, tên lửa, các căn cứ hỏa lực tại chỗ và ở một số nước gần ta; hoặc lực lượng không quân, hải quân thực hiện đòn tiến công hỏa lực, bằng vũ khí thông thường, tỷ lệ vũ khí công nghệ cao còn rất thấp. Như vậy, đối tượng TCCL trong chiến tranh giải phóng tương đối rõ ràng, nên công tác huấn luyện, chuẩn bị lực lượng, thế trận..., thường được định hình dựa trên cơ sở phân tích lực lượng đã có, kết hợp với phán đoán hành động tiếp sau của chúng, tập trung giải quyết hai đối tượng cơ bản là địch phòng ngự và địch cơ động tiến công. Đối tượng TCCL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hiện chưa rõ ràng, tất cả mới là dự đoán, nhiều thông tin mới chỉ một chiều, chưa được kiểm chứng một cách đầy đủ. Nhưng qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh khu vực gần đây cho thấy, cơ cấu tổ chức, thành phần lực lượng địch đã có nhiều thay đổi, lực lượng tiến công của địch thường gồm: lực lượng tiến công hỏa lực, đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển, tiến công mặt đất từ ngoài vào, kết hợp với lực lượng phản động bên trong, lực lượng tác chiến đặc biệt, tác chiến điện tử, hoạt động tác chiến từ trên vũ trụ; VKCNC được sử dụng rộng rãi, tính năng vũ khí ngày càng hoàn thiện, phương thức, thủ đoạn, sức mạnh tác chiến đã thay đổi rất lớn. Do vậy, việc xác định đối tượng cho các loại hình TCCL cần cụ thể và mở rộng hơn. Khi tiến hành TCCL đánh địch trên bộ, ngoài đối tượng chủ yếu là cụm lực lượng quan trọng trong đội hình TCCL của địch, ta cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng địch tiến công hỏa lực, tác chiến điện tử, lực lượng tác chiến đặc biệt, chiến tranh tâm lý... Muốn đánh bại đối tượng, biện pháp TCCL chủ yếu của địch, cần phải quan tâm thích đáng đến đối tượng địch tiến công hỏa lực, tác chiến điện tử, tác chiến đặc biệt; đó là những bảo đảm quan trọng để TCCL giành thắng lợi.
(Xem tiếp trang 82)
Lãnh đạo, chỉ huy điều hành TCCL. Trong tác chiến hiện đại, thời gian diễn ra sẽ ngắn, tính ác liệt, đột biến cao, chiến trường dễ bị chia cắt, thông tin liên lạc cũng dễ bị gián đoạn, khối lượng công tác chỉ huy, bảo đảm lớn, phức tạp, mọi vấn đề của TCCL cần phải giải quyết trong thời gian đặc biệt ngắn. Trước đây, chúng ta có tập thể chỉ huy dầy dạn kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh và TCCL, đây là một nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho thắng lợi. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ta chưa có ngay những điều kiện thuận lợi này, nên việc giải quyết mối quan hệ lãnh đạo, chỉ huy điều hành TCCL cũng cần nghiên cứu phù hợp với những đặc điểm mới của chiến tranh hiện đại.
Về cơ cấu tổ chức, có thể tổ chức ra Bộ Tổng tư lệnh, các Bộ Tư lệnh chiến trường (Bộ Tư lệnh mặt trận) và các Bộ Tư lệnh chiến dịch để điều hành TCCL. Bộ Tổng tư lệnh là cơ quan chỉ huy tối cao các lực lượng TCCL, được hình thành trên cơ sở Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Bộ và các đại diện có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước tham gia. Để đáp ứng tính biến động, khẩn trương, công tác lãnh đạo, chỉ huy TCCL vừa phải bảo đảm tính tập trung, thống nhất cao, đồng thời có sự phân cấp nhất định. Căn cứ vào quy hoạch chiến lược, Bộ Tổng tư lệnh có thể giao cho Bộ Tư lệnh chiến trường trực tiếp chỉ huy chiến dịch, hoặc chỉ đạo thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch để điều hành các hoạt động tác chiến trên các hướng.
Thực hiện nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động quân sự, cùng với việc tổ chức ra các Bộ Tư lệnh, là các cấp ủy Đảng tương ứng, các cấp ủy Đảng trong TCCL, hoạt động theo nguyên tắc: “Đảng ủy lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Về quân sự, Đảng ủy quân sự các cấp có trách nhiệm thông qua quyết tâm của cấp mình, quyết định các chủ trương, biện pháp lớn. Trong điều kiện tác chiến hiện đại, trên cơ sở nguyên tắc, chế độ lãnh đạo, cần vận dụng phương pháp công tác linh hoạt, bảo đảm giữ vững nguyên tắc, phát huy cao độ vai trò của người chỉ huy trong các giai đoạn TCCL, đặc biệt là trong tình huống khẩn trương, đột biến của chiến tranh.
 
Đại tá Nguyễn Đồng Thụy
Viện Chiến lược quân sự - Bộ Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)