QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:34 (GMT+7)
Bàn về cơ cấu xã hội của đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
Cơ cấu xã hội (CCXH) của đội ngũ sĩ quan quân đội (SQQĐ) là sự kết cấu của các nhân tố, các thành phần và mối liên hệ cơ bản của các nhân tố đó, như: thành phần xuất thân, cơ cấu loại hình, cơ cấu lãnh thổ, cơ cấu dân tộc, cơ cấu quân hàm, độ tuổi của sỹ quan. CCXH giữ vị trí hết sức quan trọng đối với chất lượng SQQĐ. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích đầy đủ tình hình, từ đó đề xuất được các giải pháp góp phần làm cho CCXH của đội ngũ SQQĐ phù hợp với yêu cầu đặt ra, vừa có ý nghĩa lý luận thiết thực, vừa là một đòi hỏi cấp bách của thực tiễn xây dựng quân đội hiện nay.

Những năm trước đổi mới, đội ngũ SQQĐ được xây dựng trong điều kiện CCXH - giai cấp khá thuần nhất. Thành phần xuất thân của SQQĐ chủ yếu là từ giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức XHCN. Ngày nay, sau hơn 20 năm đổi mới, quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo ra trong xã hội một CCXH - giai cấp mang tính quá độ, phát triển đa dạng, biến đổi nhanh, có nhiều giai cấp, giai tầng cùng tồn tại và phát triển. Thực hiện cơ chế thị trường, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, bản thân các giai cấp: công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức cũng đã có những biến đổi không nhỏ. Giai cấp nông dân, trước đây chiếm tới gần 90% dân số thì hiện nay đã giảm (còn chưa đến 70%) và tỷ lệ đó còn tiếp tục giảm, cơ cấu bên trong giai cấp nông dân có những biến đổi phức tạp. Giai cấp công nhân cũng có những biến đổi cả về số lượng và chất lượng, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ công nhân trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xí nghiệp cổ phần hóa ngày càng tăng lên...Điều này đã và đang làm cho thành phần xuất thân của đội ngũ SQQĐ cũng có biến đổi phức tạp hơn; ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của đội ngũ SQQĐ. Chính vì vậy, nghiên cứu thành phần xuất thân của SQQĐ hiện nay, bên cạnh việc phản ánh đúng đắn thực trạng tình hình, phải làm rõ xu hướng vận động, từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước và quân đội các biện pháp thích hợp, nhằm không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân của đội ngũ SQQĐ.

Cùng với việc nghiên cứu thành phần xuất thân, cần phải làm rõ cơ cấu loại hình của đội ngũ SQQĐ. Cơ cấu loại hình của SQQĐ ta hiện nay bao gồm: sĩ quan chỉ huy, tham mưu; sĩ quan chính trị; sĩ quan hậu cần; sĩ quan kỹ thuật và sĩ quan chuyên môn khác. Cơ cấu đó đã có sự biến đổi quan trọng theo chiều hướng chung và chịu sự tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Nếu như năm 1954 , sĩ quan chỉ huy, tham mưu chiếm tỷ lệ 59%, sĩ quan chính trị : 20%, sĩ quan hậu cần : 10%, sĩ quan kỹ thuật : 2%, sĩ quan chuyên môn khác : 9%; thì năm 1975, tỷ lệ tương ứng là : 51%, 26%, 15%, 3%, 5%, và đến năm 2005, tỷ lệ tương ứng là: 46,32%, 22,49%, 13,55%, 13,06%, 4,58%. Những năm qua, cơ cấu trên tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đất nước và yêu cầu nhiệm vụ của quân đội ; song vẫn còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề đặt ra chưa được khắc phục triệt để. Cơ cấu loại hình theo biên chế nhìn chung chưa phù hợp. Đặc biệt, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và việc thực hiện Chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, cơ cấu loại hình của SQQĐ cần có sự  tập trung nghiên cứu, điều chỉnh một cách khoa học, phù hợp hơn nữa.
Cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu dân tộc có mối liên hệ, tác động lẫn nhau và cùng chi phối tới CCXH của đội ngũ SQQĐ. Do các yếu tố lịch sử, chính trị, xã hội quy định, từ nhiều năm trước, đại đa số SQQĐ ta sinh ra và lớn lên ở nông thôn; tỷ lệ sĩ quan quê ở miền Bắc chiếm tỷ lệ cao. Thực tế đó đã tác động, ảnh hưởng nhất định đến quá trình phân công công tác, đến đời sống, tình cảm và việc chăm lo hậu phương quân đội của sĩ quan nói riêng và các đơn vị nói chung. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã có một số chủ trương, giải pháp để khắc phục thực tế đó, nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục đáng kể. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước, quân đội ta cần có một chính sách tổng thể, cả về công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, sử dụng một cách hợp lý, nhằm tạo ra được cơ cấu thích hợp giữa các vùng, miền trong đội ngũ SQQĐ. Cùng với đó, một vấn đề đang đặt ra hiện nay là tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong đội ngũ SQQĐ còn thấp. Những năm qua tỷ lệ đó có tăng lên, nhưng tính bình quân 5 năm qua, chỉ tăng hơn 0,6 %. Điều nay hoàn toàn chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của các đơn vị làm nhiệm vụ trên các vùng biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Cơ cấu quân hàm SQQĐ phản ánh mối quan hệ nội tại về thứ bậc trong hệ thống cơ cấu tổ chức quân đội ; là cơ sở xác lập vị thế, giá trị xã hội của người sĩ quan ; đồng thời cũng thể hiện chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với SQQĐ. Quân hàm sĩ quan phong cho quân nhân phải đảm bảo phù hợp với chức vụ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, thành tích, niên hạn phục vụ của họ. Trước đây, trong chiến tranh, cơ cấu quân hàm SQQĐ ta đã góp phần tạo ra sức mạnh bảo đảm cho quân đội chiến thắng kẻ thù xâm lược. Ngày nay, yêu cầu mới đang đòi hỏi phải tìm ra một mô hình cơ cấu quân hàm sĩ quan mang tính khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của quân đội trong thời kỳ mới. Cơ cấu đó phải khắc phục được những hạn chế, như : tình trạng không cân đối; số lượng vừa thừa, vừa thiếu, ùn trên, hẫng dưới ; sĩ quan cấp tá chiếm tỷ lệ quá cao (65%), trong khi đó sĩ quan cấp úy ở đơn vị cơ sở lại không đủ (thiếu 20%). Mối quan hệ giữa quân hàm và chức vụ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, vừa tạo sức mạnh cho nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, vừa đánh giá sự cống hiến của sĩ quan. Hiện nay, tình trạng cơ cấu quân hàm và cơ cấu chức vụ còn bất hợp lý; số sĩ quan có bậc quân hàm như nhau nhưng đảm nhiệm ở nhiều cương vị, chức vụ khác nhau. Cơ cấu quân hàm còn mất cân đối, thiếu đồng bộ ở nhiều khía cạnh, cấp độ khác nhau. Cơ cấu đó phản ánh quá trình chuyển từ thời chiến sang thời bình, nhưng nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc thiết lập, củng cố các mối quan hệ và tạo sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Hiện nay, việc quy định độ tuổi phục vụ, chủ yếu dựa vào tính chất, đặc điểm nhiệm vụ, chức vụ và cấp bậc quân hàm của người sĩ quan. ở đơn vị cấp phân đội, do yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý bộ đội ... nên sĩ quan cần có độ tuổi trẻ; ở các cơ quan chiến lược và các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu, do đặc điểm nhiệm vụ khác hơn, nên cần có độ tuổi cao hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất, tạo sự công bằng xã hội, cần phải có sự nghiên cứu công phu, khoa học để mỗi cấp bậc, chức vụ của sĩ quan có độ tuổi nhất định, sao cho phù hợp với đặc điểm của quân đội và mặt bằng chung của xã hội. Hiện nay, tuổi phục vụ trung bình của đội ngũ SQQĐ là 38,2 ; so với 5 năm về trước, tăng 0,6. Nhìn chung, độ tuổi phục vụ trung bình của sĩ quan có xu hướng tăng, nhất là cán bộ chỉ huy, quản lý đơn vị. Theo quy định về tuổi phục vụ của Luật Sĩ quan Quân đội 1999, thì niên hạn phục vụ của sĩ quan ở đơn vị cơ sở là phù hợp với tính chất nhiệm vụ; còn số sĩ quan ở cơ quan, nhà trường, trung tâm nghiên cứu khoa học, nơi đòi hỏi cường độ lao động chất xám cao hơn và phải có sự tích lũy nhiều về kiến thức, kinh nghiệm... thì việc quy định về tuổi phục vụ của SQQĐ cần được nghiên cứu khoa học và tính toán, cân nhắc một cách toàn diện hơn.
Để tiếp tục góp phần xây dựng đội ngũ SQQĐ có chất lượng cao, CCXH hợp lý, phù hợp với tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới, trước hết, phải thường xuyên quán triệt và chấp hành nghiêm túc nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Các cấp ủy đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý cán bộ và công tác cán bộ; tập trung đánh giá đúng chất lượng, CCXH đội ngũ SQQĐ ; trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp lãnh đạo xây dựng đội ngũ SQQĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định, chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Đảng uỷ Quân sự Trung ương về công tác cán bộ; làm tốt các khâu quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ.
 Hai là, tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu, phân tích một cách khoa học về CCXH nói chung và sự biến đổi CCXH của đội ngũ SQQĐ nói riêng. Trên cơ sở đó, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam một cách cơ bản và phù hợp, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh, khắc phục những mất cân đối, bất hợp lý, chưa đồng bộ, nhằm xây dựng đội ngũ SQQĐ có cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao. Trong đó cần đi sâu tổng kết, nghiên cứu về độ tuổi phục vụ tại ngũ, cấp bậc quân hàm và các chính sách đãi ngộ đối với sĩ quan quân đội cho phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ đất nước hội nhập kinh tế quốc tế.
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị ; tiếp tục củng cố, nâng cao bản chất giai cấp công nhân, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sạch cho đội ngũ SQQĐ, nhằm bảo đảm cho Quân đội ta luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
 Bốn là, đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự và chất lượng đào tạo của các nhà trường quân đội. Phải có tầm nhìn xa trong điều kiện khoa học, công nghệ và nghệ thuật quân sự phát triển mạnh mẽ ; chú trọng đến tính đặc thù đối với một số dân tộc thiểu số và các địa phương phía Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên..., để có chế độ tuyển sinh, đào tạo phù hợp, nhằm lựa chọn, đào tạo được đội ngũ SQQĐ có cơ cấu phù hợp, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cần quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm, nguyên tắc giai cấp của Đảng; đồng thời, phải có chính sách thu hút đông đảo con em cán bộ, đảng viên, gia đình sỹ quan, công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức XHCN tham gia vào đội ngũ SQQĐ. 
Năm là, tập trung nghiên cứu, ban hành và triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hệ thống các chính sách đối với SQQĐ ; trong đó, cần chú ý đến chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi quốc phòng, phụ cấp chức vụ, chính sách nhà ở, hợp lý hoá gia đình sĩ quan..., nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống của SQQĐ ; đồng thời, tạo sức thu hút đối với những lực lượng ưu tú của xã hội vào đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá, ThS. Nguyễn Đình Thắng
Phó cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị
 

Ý kiến bạn đọc (0)