QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:53 (GMT+7)
Bàn về chủ thể của chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự

Ở tầm vĩ mô của một quốc gia, bất cứ chiến lược nào được hoạch định, dù những người tham gia nghiên cứu là ai, cũng phải xác định chủ thể của chiến lược cho rành rọt. Chủ thể không chỉ là tổ chức có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo thực hiện chiến lược, mà quan trọng hơn là tổ chức có quyền quyết định xử trí các tình huống chiến lược và chịu trách nhiệm về thành, bại của chiến lược trước toàn dân, trước các cơ quan lập pháp và hành pháp của đất nước theo đúng Hiến pháp đã ban hành. Đối với các chiến lược thuộc nhiệm vụ  bảo vệ Tổ quốc - một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam - như chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược an ninh... thì chủ thể chiến lược phải chịu trách nhiệm trước toàn Đảng,  toàn dân về sự an, nguy của quốc gia, mất còn của chế độ, vẹn toàn của lãnh thổ, chủ quyền... Trước nhất là phải báo cáo và trả lời chất vấn của Quốc hội - cơ quan quyền lực, đại diện cao nhất của nhân dân - về các vấn đề trọng đại đó. Bởi vậy, chủ thể của chiến lược là vấn đề lớn, quan trọng, không thể nhận thức giản đơn, cảm tính.

Thời gian trước, về mặt bảo vệ, các chiến lược quốc phòng, quân sự chưa được ban hành, chủ thể chiến lược vì thế cũng chưa được chính thức xác định. Nhưng ngày nay, trong quá trình hội nhập, việc giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ diễn ra thường xuyên. Trong nước thì cơ chế trách nhiệm trên từng lĩnh vực phải thực hiện theo đúng Hiến pháp. Bởi vậy, cùng với việc xúc tiến hoạch định các chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, vấn đề chủ thể của từng chiến lược cũng cần được xác định rõ ràng, minh bạch.

Về chủ thể của chiến lược quốc phòng: muốn khẳng định chủ thể của chiến lược quốc phòng, ta cần làm rõ nội dung và quy mô của một nền quốc phòng trong xây dựng; phân biệt nó với những “quán tính” đã hình thành trong thời kỳ chiến tranh giải phóng. Ai cũng biết, quốc phòng là thuật ngữ nói tắt của cụm từ “ phòng thủ quốc gia” mà bất cứ nước nào cũng coi là sự nghiệp của cả đất nước và chế độ, không chỉ là một lĩnh vực hoạt động xã hội ( như kinh tế, chính trị, văn hóa), cũng không chỉ là việc riêng của các lực lượng vũ trang. Lấy ví dụ, nước Pháp đã lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập chế độ cộng hòa từ cuối thế kỷ XVIII. Trong quá trình chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng quốc phòng, bảo vệ nền cộng hòa, họ có bề dày kinh nghiệm trên 200 năm. Đã từ lâu, trong các Bách khoa toàn thư và Từ điển, các học giả Pháp định nghĩa: quốc phòng là tổng thể các biện pháp về mọi phương diện: dân sự, kinh tế, tài chính, quân sự... mà một đất nước phải lựa chọn để bảo đảm tính toàn vẹn và nền an ninh của lãnh thổ cũng như đời sống của dân cư. Tức là, họ nhấn rất mạnh tính toàn diện của sự nghiệp quốc phòng, đưa phòng thủ dân sự lên hàng đầu, chứ không chỉ chú trọng sức mạnh quân sự.

Đối với nền quốc phòng nước ta, một đất nước đã kinh qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở thế kỷ XX, “đánh thắng hai đế quốc to”, nếu ai nói rằng, chúng ta mới thực sự xây dựng nền quốc phòng được vài chục năm nay thì chắc sẽ bị phản đối kịch liệt. Nhưng sự thật lại đúng như vậy. ai cũng biết, chiến tranh giải phóng và quốc phòng có quan hệ với nhau, nhưng nội dung và bản chất không phải là một, thậm chí còn có những hoạt động trái chiều. Trong khi sự nghiệp quốc phòng chỉ nằm trong tay những người làm chủ quốc gia một cách thực sự và toàn diện, cả về lãnh thổ, nhân, tài, vật lực, các nguồn tài nguyên, hoàn toàn chi phối cả về nội trị, ngoại giao, thì trong suốt mấy chục năm tiến hành chiến tranh giải phóng, chúng ta chưa đủ các yếu tố đó. Tuy rằng, Bộ Quốc phòng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố từ ngày 27-8-1945 với Bộ trưởng là đồng chí Chu Văn Tấn, khi ra mắt Chính phủ lâm thời, nhưng thực chất trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động quốc phòng của ta tập trung bảo vệ các căn cứ địa và những vùng giải phóng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy ta đã làm chủ miền Bắc, nhưng hoạt động quốc phòng thực chất là làm nhiệm vụ “ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn”, đánh giặc bằng vũ khí và một phần lương thực của nước ngoài viện trợ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất nhưng trong trạng thái vừa bị bao vây, cấm vận, vừa phải bảo vệ biên giới, hải đảo và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chi viện cho chiến trường Lào, Cam-pu-chia..., đất nước ta lúc đó trong tình thế vừa có hòa bình, vừa phải đối phó với chiến tranh xâm lược. Chiến tranh đòi hỏi chiến lược quân sự phải thường xuyên hoạch định, nhưng chiến lược quốc phòng hầu như chưa có nhu cầu.

Chỉ từ khi ta khôi phục hoặc lập quan hệ bình thường với hầu hết các nước và tổ chức quốc tế, tạo dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có nguồn dự trữ quốc gia và lực lượng dự bị động viên đông đảo, một nền quốc phòng toàn dân mới thực sự xuất hiện.

Sự đồng nhất giữa quốc phòng với quân sự thành “quán tính”, kéo dài trong chiến tranh không chỉ diễn ra ở nước ta. Cách đây mươi năm, các học giả Trung Quốc đã phải đề xuất khái niệm “ Đại quốc phòng” để phân biệt với khái niệm “ Quốc phòng truyền thống”, được nhận thức đồng nhất với quân sự.

Chức năng của quốc phòng ngày nay cũng không thể chỉ phòng chống “ địch họa” mà không lo phòng chống “ thiên tai”. Đối tượng quốc phòng ngày nay rất đa dạng, không chỉ đe dọa vũ lực mà còn dùng thuyết “biên giới mềm” để tranh chấp với ta: dựa vào thế mạnh về mọi mặt, bất chấp biên giới địa lý, cứ lấy thực lực từng mặt đẩy lui đối phương tới đâu là biên giới được coi là vươn tới đó; hoặc là thế mạnh của ngoại giao, của hải quân thăm dò tài nguyên vùng biển, hoặc là sức hấp dẫn của hàng hóa rẻ tiền, thu hút vật tư, khoáng sản, xuất khẩu rác thải công nghiệp, sản phẩm văn hóa và thông tin xấu độc... từng bước bắt đối phương phải phụ thuộc.

Để chống lại phương thức tiến công tổng lực đó, lấy sức mạnh quân sự làm sức mạnh răn đe là cần thiết, nhưng hoàn toàn không đủ. Chiến lược quốc phòng phải huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng thủ, với nền kinh tế độc lập, tự chủ, có thành phần kinh tế hàng hóa đủ sức đẩy lùi những hàng hóa giá rẻ không có nhu cầu nhập khẩu; với nền  nội trị được đồng thuận rộng rãi, có niềm tin vững chắc vào những giá trị cần bảo vệ, đủ sức vô hiệu hóa những phản ứng đối nghịch; với nền văn hóa lành mạnh, có bản sắc đáng tự hào; nền giáo dục có khả năng đào tạo những thế hệ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của ông cha. Đấu tranh vũ trang càng ít càng tốt, nhưng phải thường xuyên đấu tranh quốc phòng bằng hoạt động tổng thể của mọi lực lượng, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó vai trò của đối ngoại ngày càng lớn. Khi bất trắc, có thể động viên được nguồn lực dồi dào, có lực lượng dự trữ cần thiết về nhân lực, vật lực, đặc biệt là lực lượng vũ trang thật sự tinh nhuệ được chuẩn bị trước, từ trong thời bình, sẵn sàng bổ sung, phát triển khi có lệnh chuyển từ thời bình sang thời chiến.

Chủ thể của chiến lược quốc phòng vì thế, không chỉ là Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng mà phải là Trung ương Đảng, Nhà nước, có các cán bộ chủ chốt trong Chính phủ và các Bộ trọng yếu.

Về chủ thể của chiến lược quân sự: cũng có người cho rằng, vì đó là bộ phận trọng yếu của chiến lược quốc phòng, là công việc toàn Đảng, toàn dân phải chăm lo nên cần phải đưa lên hàng chiến lược quốc gia. Coi đó là chiến lược chuyên ngành sẽ hạ thấp vị trí của quân đội so với các lĩnh vực khác...

Kể từ khi khái niệm chiến lược xuất hiện trong thế giới hiện đại như một công cụ để tổ chức, thực hiện các ý định lãnh đạo, thì quốc gia nào cũng có chiến lược quốc gia và chiến lược chuyên ngành. Chiến lược quốc gia là chiến lược phối hợp mọi ngành hoạt động của quốc gia đó trong từng giai đoạn nhằm đạt cho kỳ được những mục tiêu quốc gia, đưa đất nước phát triển sang một giai đoạn mới. Thông thường, chiến lược quốc gia không thể quá nhiều vì nó có giá trị pháp lệnh, bắt mọi ngành đều phải phục tùng.

Xã hội càng phát triển thì sự “đại phân công” càng mở rộng, các chuyên ngành xuất hiện càng nhiều. Chuyên ngành là những chuyên môn sâu, đòi hỏi từng thành viên phải được đào tạo, huấn luyện, qua các bậc học vấn và cấp thực hành, không phải bất cứ ai, cứ có chút cương vị đều có thể trực tiếp chỉ huy, lãnh đạo. Xếp một chiến lược ở cấp độ nào không xuất phát từ ý muốn đề cao, hạ thấp, mà trước hết phải xuất phát từ nội dung, bản chất  của lĩnh vực đó, từ tác dụng, hiệu quả của nó đối với toàn xã hội trong giai đoạn đó. Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng vì không chú trọng đến những nét đặc thù của quy luật đấu tranh vũ trang mà ta đã có chủ trương gắn Tổng công kích với Tổng khởi nghĩa là hai lĩnh vực không đồng nhất về dạng thức đấu tranh, vì thế đã không thực hiện được, lại gây nên những tranh luận không đáng có. Lấy lý do, toàn Đảng, toàn dân phải chăm lo xây dựng quân đội để đưa chiến lược quân sự lên hàng chiến lược quốc gia cũng không đủ căn cứ; vì bất cứ lĩnh vực nào trong toàn xã hội đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đều có nhân dân tham gia, dù đó là về dân số hay xóa đói, giảm nghèo. Mặt khác, trong xây dựng thời bình, đưa chiến lược quân sự lên hàng chiến lược quốc gia, có giá trị pháp lệnh với mọi lĩnh vực hoạt động trong toàn xã hội là một điều khó được tự giác chấp nhận, chẳng những “mang tiếng” mà cũng không thể thực hiện được trong hoạt động thực tiễn.

Với một chiến lược chuyên ngành như chiến lược quân sự, chủ thể của chiến lược là Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng là phù hợp hơn cả.

Thiếu tướng, GS.  Bùi Phan Kỳ

 

Ý kiến bạn đọc (0)