QPTD -Thứ Tư, 10/08/2011, 23:27 (GMT+7)
Bàn về bảo đảm trang bị kỹ thuật công binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Bảo đảm công binh (BĐCB) trong chiến tranh là một trong những yếu tố rất quan trọng, nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết về công trình, vật cản, phương tiện kỹ thuật...để các đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ tác chiến. Qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh ở vùng vịnh Péc-xích và ở Cô-xô-vô gần đây cho thấy, Mỹ và Liên quân đã có những sự phát triển vượt bậc về phương tiện kỹ thuật và vũ khí công nghệ cao, tạo khả năng trinh sát tốt, sức cơ động lớn, ưu thế về hoả lực nhờ ứng dụng thành tựu của các ngành khoa học: công nghệ thông tin, tự động hoá, sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới...

Dự báo, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) của ta (nếu xảy ra) sẽ là chiến tranh hiện đại, địch sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao, kết hợp tiến công đường không, đường bộ, đổ bộ đường biển trong không gian rộng, thời gian ngắn... Dựa vào ưu thế về hoả lực, chúng có khả năng chia cắt các vùng chiến lược của ta ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh và hy vọng bằng tiến công hoả lực sẽ cơ bản giải quyết, khắc phục được những mâu thuẫn giữa cơ động và địa hình, giữa đột kích hoả lực với thời gian và không gian trên chiến trường. Thực tế ấy đòi hỏi bộ đội công binh của quân đội ta trong chiến tranh BVTQ, chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao (nếu xảy ra), phải có những bước phát triển mới để thực hiện mục đích BĐCB trong điều kiện các yếu tố về địch, ta và kinh tế, xã hội có sự phát triển mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu cho các lực lượng tác chiến đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch, công binh phải thực hiện tốt nhiệm vụ: tham gia chống hệ thống trinh sát và dẫn đường vũ khí hiện đại của địch; bảo đảm cơ động của ta, gây khó khăn cho hoạt động của địch trong điều kiện địch có khả năng cơ động đường không mạnh và có khả năng bố trí vật cản nhanh bằng các hệ thống rải mìn tự động trên máy bay, xe cơ giới; tổ chức khai thác vật liệu công trình theo kế hoạch thống nhất, nhằm bảo đảm nhu cầu vật liệu công trình cho mọi lực lượng; đồng thời, hạn chế khả năng địch phát hiện hoạt động của ta từ sự thay đổi hình thái thảm thực vật tự nhiên do quá trình khai thác gây ra...

Vấn đề đặt ra là phải có trang bị kỹ thuật công binh (TBKTCB) cần thiết để thực hiện nhiệm vụ BĐCB và chiến đấu, bao gồm các loại: vũ khí công binh (các loại mìn, thiết bị phóng nổ chuyên dùng, hỏa cụ...), xe máy công binh (xe máy: trinh sát công binh, bố trí vật cản, làm đường, vượt sông, cấp nước dã chiến, làm đất, chế biến và gia công gỗ cơ động, xe máy bảo đảm kỹ thuật chuyên dùng, trạm điện công trình cơ động... ), khí tài công binh (khí tài trinh sát, khí tài vật cản, khí tài làm đất, đá, khí tài chế biến và gia công gỗ, khí tài cấp nước, khí tài ngụy trang và nghi trang, quân cụ cầm tay, thiết bị công trình...). Nghĩa là, chúng ta phải có TBKTCB số lượng lớn, nhiều chủng loại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, TBKTCB hiện nay của ta mặc dù có khối lượng lớn, nhiều chủng loại, nhưng đang xuống cấp, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu trong chiến tranh BVTQ tương lai. Trước yêu cầu, nhiệm vụ BĐCB cho các lực lượng tham gia tác chiến trong chiến tranh BVTQ và từ thực trạng TBKTCB của ta hiện nay, đang đặt ra sự cần thiết phải đổi mới TBKTCB cho phù hợp. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đổi mới TBKTCB cần đáp ứng được các chức năng cơ bản sau:

TBKTCB phải có tính năng chống hệ thống trinh sát và dẫn đường vũ khí hiện đại của địch. Trong hệ thống trinh sát của địch, trinh sát vệ tinh giữ vai trò rất quan trọng. Vệ tinh trinh sát hoạt động liên tục, thường xuyên cung cấp các loại ảnh vệ tinh nhằm phát hiện, đo đạc toạ độ, kết hợp với trinh sát mặt đất chuẩn bị số liệu cho điều khiển vũ khí tiến công mục tiêu1. Trinh sát vệ tinh có ưu thế là thu được ảnh với thời gian thực và đa phổ; ảnh của cùng một mục tiêu có thể thu được từ nhiều băng sóng điện từ khác nhau, trên cả các vùng quang học nhìn thấy, hồng ngoại gần, hồng ngoại xa và ra-đa. Đặc biệt, ảnh vệ tinh sử dụng ra-đa mạng pha sử dụng bước sóng ra-đa cỡ xăng-ti-mét nên có khả năng truyền qua sương mù, màn khói, có khả năng quan sát các công trình dưới mặt đất hàng mét. Đối với tên lửa hành trình, các hệ điều khiển theo quán tính (INS), ra-đa đo cao (TERCOM), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), quang học ảnh (DMAS) được sử dụng trong các giai đoạn hoạt động khác nhau. Trong giai đoạn cuối, các tên lửa hành trình đánh mục tiêu mặt đất thường được điều khiển bằng DMAS. Từ nguyên lý điều khiển này, nếu ta kịp thời thay đổi ảnh mục tiêu khác đi so với ảnh vệ tinh đã chụp để nạp vào hệ thống điều khiển trước đó thì tên lửa sẽ mất điều khiển. Đối với các loại vũ khí điều khiển bằng GPS, như bom JDAM, JSOW, TASSAM,… các biện pháp ngụy trang thông thường sẽ không có tác dụng khi đã bị lộ toạ độ mục tiêu.

Trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự chưa đủ mạnh, để vô hiệu hóa hoạt động trên không của địch thì biện pháp ngụy trang, nghi trang công trình là giải pháp rất quan trọng, nhằm bảo toàn lực lượng, nâng cao sức sống của bộ đội, của phương tiện kỹ thuật và công trình của ta. Ngụy trang, nghi trang công trình được thực hiện từ thời bình để giữ bí mật các công trình cấp chiến lược, chiến dịch. Trong chiến tranh, ngụy trang, nghi trang công trình được triển khai trên phạm vi rộng, nhằm giữ bí mật các hoạt động chuẩn bị tác chiến, đánh lừa địch, bảo tồn lực lượng của ta, góp phần tạo yếu tố bất ngờ cho hoạt động tác chiến.

Những kết quả nghiên cứu về nguyên lý trinh sát, dẫn đường vũ khí của địch và đặc tính của các vật liệu tự nhiên cho thấy biện pháp sử dụng điều kiện tự nhiên, màn che thảo mộc truyền thống vẫn có hiệu quả ngụy trang cao. Tuy nhiên, do thảm thực vật tự nhiên của nước ta đang trong xu hướng suy giảm và những hạn chế của biện pháp ngụy trang bằng màn che thảo mộc truyền thống nên cần phải nghiên cứu thiết kế, chế tạo các khí tài ngụy trang, nghi trang thế hệ mới có khả năng triển khai nhanh trên diện rộng và có thể biến đổi nhanh đặc trưng bức xạ trên bề mặt ngụy trang để hạn chế khả năng trinh sát bằng các phương tiện hiện đại của địch. Đồng thời, cần nghiên cứu chế tạo một số loại mục tiêu nghi trang quan trọng, như: trận địa tên lửa, máy bay, trận địa pháo, nơi tập kết xe tăng… Những mục tiêu giả phải có độ chói, hình dáng, kích thước, màu sắc, diện tích phản xạ hiệu dụng, công suất bức xạ,… giống mục tiêu thật để đánh lừa các phương tiện trinh sát và dẫn đường vũ khí công nghệ cao của địch.

TBKTCB phải bảo đảm cơ động của ta, gây khó khăn cho hoạt động của địch. Những phát triển vũ khí, phương tiện kỹ thuật của địch ảnh hưởng rất lớn đến sức sống các công trình của ta. Về TBKTCB, địch đã đưa các hệ thống rải mìn tự động CBU-89B, VOLCANO với khả năng bố trí xong một bãi mìn dài 1.100m, rộng 120m trong vòng vài phút và các loại mìn công nghệ cao, như HORNET M93, SLAM,… vào biên chế công binh các cấp2. Nhờ đó, địch có khả năng bố trí tới 70% mìn mặt đất theo diễn biến tình huống tác chiến, tạo hiệu quả cao gấp nhiều lần so với bố trí mìn theo dự kiến ban đầu. Trong điều kiện đó, nhiệm vụ bảo đảm đường, vượt sông cho các lực lượng cơ động, nhất là bảo đảm cơ động, bảo đảm cửa mở cho bộ binh và xe tăng tiến công,… trong chiến tranh BVTQ tương lai có nhiều khó khăn.

Để xây dựng đường cơ động, bến vượt và các công trình khác trong giai đoạn chuẩn bị tác chiến, chúng ta có thể huy động phương tiện kỹ thuật tại chỗ từ các khu vực phòng thủ tham gia thi công. Tuy nhiên, các nhiệm vụ bảo đảm cơ động trong thực hành tác chiến, phá vật cản nổ của địch, bố trí nhanh các bãi mìn,… chỉ có thể được thực hiện đầy đủ và kịp thời bằng các loại TBKTCB trong biên chế.

Do vậy, trong tương lai, chúng ta cần phải đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo và đầu tư mua sắm các loại TBKTCB thế hệ mới, nhất là những trang bị rải mìn tự động, phá vật cản nhanh... Đồng thời, tổ chức khai thác gỗ, tre, nứa, bương, luồng,… trong tự nhiên theo kế hoạch thống nhất và hợp lý; nghiên cứu huy động từ các khu vực phòng thủ nguồn vật liệu là sản phẩm công nghiệp như gỗ công nghiệp, thép hình,…bảo đảm cho nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu.

Lịch sử chiến tranh đã khẳng định vai trò quan trọng của BĐCB cho các hoạt động tác chiến. Trong chiến tranh BVTQ tương lai, các nhiệm vụ tham gia chống trinh sát, dẫn đường vũ khí của địch, bảo đảm cơ động của ta, gây khó khăn cho hoạt động của địch bằng biện pháp công trình có nhiều phát triển mới về nhiệm vụ, đòi hỏi sự phát triển về phương thức bảo đảm và đặt ra những yêu cầu mới đối với TBKTCB, đó là yêu cầu cấp thiết và lâu dài của quân đội hiện nay.

Thượng tá, TS. HOÀNG NGỌC AN

Học viện Kỹ thuật Quân sự

__________

1- Trung tâm thông tin KH-CN-MT/BQP (2003)- Sự phát triển chiến tranh công nghệ cao qua 4 cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh tiến hành, Hà Nội.

2 - Tổng cục II (2003)- Mìn, tác chiến chống mìn- FM 20-32 (Sở chỉ huy Bộ Lục quân Mỹ), Hà Nội.

 

Ý kiến bạn đọc (0)