QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:04 (GMT+7)
Bàn thêm về việc quy hoạch, di dân, hình thành những cụm dân cư mới tại các khu kinh tế - quốc phòng

Xây dựng các khu kinh tế- quốc phòng (KT-QP) là một chủ trương sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta nhằm phát triển những điểm dân cư - xã hội trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa nơi biên giới, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ. Đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa chiến lược của Quân đội ta, biểu hiện bản chất, truyền thống  cao quý của quân đội cách mạng, là trách nhiệm chính trị của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, chiến sĩ.

Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương nhấn mạnh: xây dựng các khu KT-QP cần thực hiện chủ yếu ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo.... Các quân khu cần khảo sát, điều tra về địa hình, thổ nhưỡng, qui hoạch, lập dự án tổ chức khai hoang, xây dựng cơ sở hạ tầng khu KT-QP; phân vùng tổ chức dân cư, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp ở địa phương tổ chức di dân đến khu KT-QP, phân đất, giao rừng, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghề nghiệp sinh sống cho dân; sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn vốn để phục vụ cho việc giúp các hộ nghèo có vốn và điều kiện sinh sống ban đầu, từng bước ổn định sản xuất và đời sống. Như vậy, vấn đề qui hoạch, di dân đến các khu KT-QP là một trong những nội dung quan trọng rất cần quan tâm nghiên cứu và tổ chức thực hiện tốt, bảo đảm thành công cho khu KT-QP.
Thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, gần 10 năm qua, Quân đội đã và đang triển khai 21 dự án xây dựng khu KT-QP ở những vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội. Các khu KT-QP bước đầu đã mang lại thành quả đáng ghi nhận ở nhiều mặt, chứng minh tính đúng đắn của chủ trương trên. Một số khu KT-QP đã hình thành những cụm dân cư mới với qui mô khác nhau, bước đầu tạo nên một thế bố trí lực lượng dân cư mới có lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc quy hoạch, di dân, ổn định dân, hình thành các cụm dân cư mới thực hiện còn chậm, kết quả đạt thấp và chưa bảo đảm sự chắc chắn. Việc di dân không theo đúng qui hoạch, kế hoạch đã tác động không nhỏ đến hiệu quả xây dựng các khu KT-QP. Nguyên nhân chính có thể nêu ra đây là do một số nơi chưa lường hết tính phức tạp, khó khăn khi di chuyển dân từ phía sau lên phía trước, từ sâu trong nội địa ra vùng giáp biên khi mà môi trường, điều kiện sống và cả tập quán, thói quen lao động đều có sự thay đổi khá lớn. Không nên đơn giản nghĩ rằng đã tạo điều kiện cho dân có chỗ ở, nơi làm ăn mới là đủ, mà sau đó là vô vàn việc phải giải quyết cho một vùng dân cư mới. Thực tế đã có nơi tổ chức di dân còn nặng về việc đưa được dân đến mà chưa chú trọng đến việc làm thế nào để giúp dân trụ lại vùng đất mới. Có nơi cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, chợ) đang thiếu đồng bộ, chưa thật hoàn chỉnh mà đã sớm nhận dân di cư. Ngay cả việc bảo đảm cho dân những điều kiện sản xuất ban đầu như giống, vốn, dụng cụ để sản xuất có nơi chưa gắn liền với việc phải bố trí cán bộ kỹ thuật bám dân, sống cùng dân để tổ chức, hướng dẫn cho dân biết lao động sản xuất trong điều kiện mới, duy trì cuộc sống. Chính vì thế, không ít nơi dân vẫn chưa thật tin tưởng và tự nguyện di chuyển đến vùng đất mới; mặt khác, đã xuất hiện tình trạng dân di cư đến vùng đất mới tiêu hết cả vốn hỗ trợ trong thời gian ngắn, không kịp ổn định cuộc sống, tay trắng lại đòi về quê cũ.
Để thực hiện có hiệu quả việc di dân, xây dựng các cụm, vùng dân cư mới tại các khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược, xin nêu một số vấn đề cần lưu ý sau. Một là, cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch mô hình dân cư phù hợp với từng vùng. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa bàn và yêu cầu về xây dựng kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, qui mô xây dựng các cụm, vùng dân cư từng khu KT-QP sẽ khác nhau. Song xuất phát từ mục tiêu của các khu KT-QP, căn cứ vào điều kiện địa lý tự nhiên, điều kiện sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các dân tộc,... mô hình dân cư phù hợp cho các làng, xã khu KT-QP có thể theo tiêu chí sau: quy mô khoảng 180 - 200 hộ dân với tổng số nhân khẩu dưới 1000 người; hình thành từ 3 - 4 làng, bản tập trung; các làng, bản cách nhau từ 12 - 14 km. Vị trí quy hoạch làng, bản cần dựa trên thế bố trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới, có tính đến khả năng thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Chúng nên bám theo các trục giao thông chính trên biên giới; gần các nguồn nước ngọt để tiện sinh hoạt và tổ chức sản xuất; nơi có khả năng phát triển kinh tế ngành nghề phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của từng vùng địa lý. Gắn liền với quy hoạch làng, bản của các xã biên giới là quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống các điểm bưu điện-văn hoá, trường học, chợ,...
Hai là, cần xây dựng mô hình tổ chức sản xuất phù hợp hơn nữa với điều kiện thiên nhiên, khí hậu, đất đai và tập tục canh tác, sinh sống của nhân dân trên địa bàn. Đây là nội dung sát sườn nhất với người dân, khẳng định tính khả thi của dự án qui hoạch các vùng dân cư mới. Thực tế, các khu KT-QP đa phần đều được xây dựng dọc theo chiều dài biên giới, bên cạnh địa hình rừng núi là phổ biến, còn có các vùng đồi núi, cả những vùng đất bãi bồi ven sông.  Mỗi địa hình có tiềm năng, thế mạnh khác nhau, khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, địa chất cũng không giống nhau, đòi hỏi phải có mô hình tổ chức sản xuất tương ứng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng thế mạnh của từng vùng lãnh thổ. ở vùng địa hình rừng núi, đất lâm nghiệp nhiều, đất nông nghiệp ít, nên nghiên cứu áp dụng mô hình trồng rừng đầu nguồn, rừng cây công nghiệp, cây nguyên liệu dài ngày. ở địa hình đồi núi trung du, diện tích đất trồng thường khá rộng lớn, có những khu vực rộng tới hàng trăm, hàng ngàn héc-ta, nơi đây nghiên cứu vận dụng phát triển các mô hình trang trại trồng chè, trồng cây ăn quả đặc sản... ở địa hình ven sông thường có những vùng đất bồi vẫn đang bị bỏ hoang hóa, mô hình nuôi trồng thuỷ, hải sản được xem là mô hình sản xuất phù hợp nhất. Thực tiễn ở đoàn KT-QP B27, dự án phát triển bãi Tục Lãm, Móng Cái, Quảng Ninh đã xây dựng được mô hình thích hợp. Dự án đã sớm đem lại hiệu quả, thu hút dân ra định cư và có thể vận dụng được ở nhiều địa hình bãi bồi khác, đặc biệt là những quân khu có nhiều sông, biển như Quân khu 3, Quân khu 4.
Ba là, cần nghiên cứu kỹ các yếu tố tác động, lựa chọn phương thức di dân thích hợp. Nguồn nhân lực là một trong những điều kiện, yếu tố quyết định thành công của dự án xây dựng khu KT-QP. Các khu KT-QP thường được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, biên giới, hải đảo,... Nơi đó, cơ sở hạ tầng kém phát triển, điều kiện sản xuất khó khăn, không có sức thu hút lao động, nên việc đưa dân đến định cư không đơn giản. Chúng ta phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, huy động tổng hợp các sức mạnh thì việc di dân mới hiệu quả. Trong một vài phương thức di dân đã làm, phương thức di dân tại chỗ có nhiều thuận lợi hơn cả. Do là dân sở tại nên họ quen với điều kiện thiên nhiên, khí hậu, địa bàn và tập quán sản xuất. Mặt khác, việc di dân này còn đem lại lợi ích trực tiếp cho địa phương. Vấn đề cần quan tâm là phải có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, có sự chỉ đạo và tổ chức hợp lý, không để xảy ra tình trạng di dân mang tính tự phát và cục bộ ảnh hưởng đến quy hoạch dân cư, kế hoạch di dân và xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đất mới. Đã xảy ra trường hợp, có những vùng đất lâu nay hoang hoá, khô cằn, không thể cấy trồng được do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, khi dự án KT-QP làm tốt việc “dẫn thuỷ nhập điền” nên vùng đất đó được khai thác có hiệu quả rõ rệt, dân địa phương đã di chuyển lên xâm chiếm tự do không theo qui hoạch của các vùng dân cư, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp mới.
Để bảo đảm tính chủ động, trên cơ sở qui hoạch đã xác định, các khu KT-QP và các cấp ủy, chính quyền địa phương nên nghiên cứu xây dựng phương thức tổ chức di dân có kế hoạch đến vùng dự án. Đây là cách làm bài bản, có tổ chức, có kế hoạch. Bên cạnh đó, các đoàn KT-QP cần nghiên cứu phương thức tổ chức di dân theo kiểu thành lập mô hình làng quân nhân. Khi quân nhân có nguyện vọng sinh cơ lập nghiệp lâu dài ở những vùng đất mới nên tổ chức giao đất, giao rừng và hỗ trợ một số yếu tố cần thiết ban đầu theo qui định giúp họ ổn định cuộc sống. Động viên quân nhân hợp lý hoá gia đình, đưa vợ con, bố mẹ, thậm chí cả anh em ruột thịt đến sinh sống ở nơi mới; khuyến khích họ xây dựng gia đình và định cư tại chỗ.
Bốn là, cần nghiên cứu lồng ghép các chương trình quốc gia vào từng dự án khu KT-QP; quản lý, hướng dẫn cho dân biết sản xuất, nâng cao hiệu quả xây dựng khu dân cư mới. Đây là điều không thể thiếu và cần chủ động thực hiện vì các chương trình quốc gia như Chương trình 135 phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi; chương trình xoá đói giảm nghèo cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn; chương trình 12: kết hợp quân dân y; chương trình trồng rừng; chương trình nước sạch nông thôn... ít nhiều đều hướng tới mục tiêu của dự án khu KT-QP.
Thời gian qua, do phối hợp tốt với các ngành, các cấp ở địa phương, các đoàn KT-QP đã tranh thủ được sự ủng hộ của địa phương, gắn kết, lồng ghép hiệu quả các chương trình quốc gia vào các dự án KT-QP, góp phần thúc đẩy nhanh một số việc cụ thể như hợp pháp hoá đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, di dân và quy hoạch dân, quy hoạch sản xuất, bao tiêu sản phẩm... Song, để các nội dung, chương trình không chồng chéo, trùng lắp, cần phải đề cao sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, cụ thể với các cấp, ngành, nhất là với chính quyền địa phương và phải được thực hiện ngay từ khi khảo sát lập dự án cũng như trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Tổ chức di được dân lên vùng đất mới, bảo đảm được cho dân những điều kiện ban đầu để sản xuất và sinh sống đã là quan trọng và khó khăn, song làm cho dân ổn định được sản xuất và đời sống, yên tâm trụ lại, sinh cơ lập nghiệp lâu dài càng khó khăn hơn. Để quản lý được sản xuất của dân, các đoàn KT-QP cần nghiên cứu quản lý sản xuất đến từng hộ dân. Cấp vốn cho dân phải gắn liền với hiệu quả sản xuất đo bằng số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Cần tránh tình trạng cấp vốn nhiều mà kết quả sản xuất thấp, điều này dẫn đến việc người dân sẽ ỷ lại, trông chờ vào vốn dự án mà thiếu tính chủ động.
Việc bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết là một giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trên các địa bàn chiến lược, thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của dự án khu KT-QP. Từ những kết quả ban đầu và những vấn đề nảy sinh từ thực tế, xin trao đổi một số biện pháp trên nhằm góp phần thực hiện tốt hơn việc quy hoạch, di dân, ổn định dân, hình thành các cụm dân cư mới trong các khu KT-QP.
 
Đại tá, TS. Lê Viết Tuyến
Học viện Hậu cần
 

Ý kiến bạn đọc (0)