QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:33 (GMT+7)
Bàn thêm về đào tạo cán bộ kỹ thuật quân sự

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự (CBKTQS) là bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là Quân đội nhân dân. Trong từng giai đoạn cách mạng, công tác đào tạo CBKTQS được định hướng bởi mục tiêu, phương hướng và nội dung xây dựng quân đội.

Phương hướng xây dựng quân đội trong giai đoạn mới gồm nhiều nội dung; trong đó, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) là một nội dung quan trọng, với ý nghĩa "người trước, súng sau", đang từng bước được hiện đại hoá. Sự phát triển của VKTBKT, điều kiện, phương thức tác chiến và nghệ thuật quân sự... đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với công tác đào tạo cán bộ quân đội, trong đó có CBKTQS.

Thực tiễn cho thấy, công tác đào tạo CBKTQS trong những năm qua có sự đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng; nhưng bên cạnh đó, đang tồn tại một số vấn đề bất cập, như: đào tạo cán bộ khai thác VKTBKT thế hệ mới trong điều kiện các học viện, nhà trường quân đội chưa được trang bị phương tiện tương đương; CBKTQS, nhất là cán bộ quản lý công nghiệp quốc phòng (CNQP) chưa được chú ý trang bị khối kiến thức khoa học quản lý đúng mức trong các chương trình đào tạo, điển hình là các chương trình đào tạo cán bộ cấp phân đội; đội ngũ giảng viên kỹ thuật quân sự rất ít được tiếp cận với các công nghệ kỹ thuật quân sự tiên tiến trên thế giới; v.v.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ CBKTQS, cần tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo CBKTQS. Bài viết này, chỉ trao đổi một số vấn đề về đổi mới chương trình đào tạo.

Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới đã xác định mục tiêu đào tạo các đối tượng cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược, chiến thuật - chiến dịch và cán bộ cấp phân đội; trong đó, cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch - chiến lược phải có hiểu biết sâu sắc, toàn diện, có khả năng tham gia hoạch định, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành các nhiệm vụ được giao; cán bộ kỹ thuật cấp chiến thuật - chiến dịch phải có kiến thức sâu về chuyên ngành kỹ thuật, có tư duy sáng tạo, có khả năng nghiên cứu đề xuất và thực hành thắng lợi nhiệm vụ theo chức trách; cán bộ cấp phân đội phải có mặt bằng kiến thức bậc đại học theo các chuyên ngành kỹ thuật, có kiến thức quân sự chuyên ngành, năng lực tư duy, thực hành nhiệm vụ theo chức vụ ban đầu và có khả năng phát triển.

Xuất phát từ yêu cầu đó và từ những phát triển mới về VKTBKT, mục tiêu đào tạo CBKTQS trong giai đoạn trước mắt cần có những sự điều chỉnh cần thiết. Một trong những đối tượng cơ bản của công tác kỹ thuật là VKTBKT sẽ không chỉ gồm những chủng loại truyền thống mà còn có một số chủng loại thế hệ mới, với hàm lượng trí tuệ cao, có bước nhảy vọt về tính năng chiến thuật, kỹ thuật do cách mạng khoa học - công nghệ đem lại. Vì vậy, những kiến thức cơ sở để khai thác VKTBKT thế hệ mới, như: tự động hoá, công nghệ thông tin, vật liệu mới,... cùng với những kiến thức về nghệ thuật tác chiến hiện đại, là những nội dung cần thiết phải bổ sung vào chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật các cấp; ngoài ra, rất cần trang bị ngoại ngữ cho cán bộ kỹ thuật. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, phát triển nền CNQP đất nước đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ khả năng quản lý, thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo, nhất là công nghệ chế tạo những loại VKTBKT thế hệ mới, cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc đổi mới chương trình đào tạo CBKTQS.

Dưới giác độ quản lý, toàn quân và từng đơn vị đều là những tổ chức xã hội đặc thù quân sự; trong đó, trình độ, năng lực quản lý của người chỉ huy có ý nghĩa quyết định đến khả năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong tất cả các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trong mọi điều kiện môi trường hoạt động;... Do đó, CBKTQS cần được trang bị những kiến thức về quản lý, tổ chức, chỉ đạo công tác kỹ thuật một cách có hệ thống.

Như vậy, chương trình đào tạo CBKTQS các cấp đều cần phải được điều chỉnh. Định hướng chung đổi mới chương trình đào tạo là chuẩn hoá, hiện đại hoá, phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ, nghệ thuật quân sự, bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học; đồng thời, phải thiết thực cho từng đối tượng đào tạo và thực hiện tốt nguyên lý gắn học với hành, lý luận với thực tiễn. Theo đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, cơ sở đào tạo để rà soát, xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật các cấp, bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, thiết thực cho người học để đảm nhiệm tốt chức trách, nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp; tránh học dàn trải, lãng phí thời gian, công sức của cả người dạy và người học, lãng phí ngân sách của Nhà nước.

Thực hiện định hướng đổi mới nêu trên, chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật các cấp, nhất là cấp chiến thuật - chiến dịch và cấp phân đội phải chuyên sâu theo các chuyên ngành kỹ thuật mới, phù hợp với mục tiêu đào tạo. Điều này đặc biệt cần thiết đối với người cán bộ kỹ thuật có nhiệm vụ tổ chức khai thác các loại VKTBKT hiện đại, tổ chức bảo đảm kỹ thuật trong tác chiến hiện đại.

Trong chương trình đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật quân sự, các học phần cơ sở và chuyên ngành đều cần thực hiện các bài thí nghiệm, thực hành trên mô hình học cụ và trang bị điển hình. Các học phần chỉ huy, quản lý kỹ thuật cần thực hành các tập bài, diễn tập bằng các phương tiện truyền thống và các chương trình mô phỏng trên mạng máy tính.

Cùng với các hình thức thực hành đó, cần gắn lý luận với thực tiễn bằng thực tập chỉ huy, quản lý kỹ thuật ở đơn vị. Qua hoạt động thực tiễn ở những chức vụ tương ứng với mục tiêu đào tạo sẽ giúp người học thể hiện các phẩm chất, năng lực, tri thức, kỹ năng đã được đào tạo; đồng thời, sẽ giúp họ xác định đúng hướng các kiến thức cần tiếp tục tích luỹ, các kỹ năng cần phải hoàn thiện,... ở nhà trường để có thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo. Do vậy, thực tập chỉ huy, quản lý kỹ thuật ở đơn vị rất có ý nghĩa, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ kỹ thuật các cấp.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo cán bộ kỹ thuật làm công tác thiết kế, chế tạo VKTBKT hiện đại, cần nghiên cứu tiếp thu chương trình đào tạo và các yếu tố bảo đảm cho quá trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, phù hợp nhất là chương trình đào tạo của các trường đại học thuộc các nước sản xuất VKTBKT quân đội ta đã và sẽ sử dụng.

Đối với cán bộ quản lý cơ sở CNQP, yêu cầu đặt ra là vừa phải có kiến thức quản lý doanh nghiệp vừa phải có kiến thức thiết kế, công nghệ. Vì vậy, chương trình đào tạo cán bộ quản lý dây chuyền công nghệ nên xây dựng trên cơ sở rẽ nhánh các chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật làm công tác thiết kế, chế tạo với các học phần quản lý cần thiết. Cán bộ quản lý nhà máy, xí nghiệp trở lên cần được đào tạo theo các chương trình quản lý cao hơn.

Sự thống nhất giữa hoạt động đào tạo và tự đào tạo, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo nhằm phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của người học là quy luật cơ bản của quá trình đào tạo, đặt ra những yêu cầu đổi mới phương pháp đào tạo. Trong bối cảnh thông tin khoa học - kỹ thuật rất đa dạng, phong phú, liên tục được cập nhật trên nhiều kênh khác nhau, thì dạy cách tự học và tạo điều kiện cho người học tự tiếp thu kiến thức là phương pháp đào tạo mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình đào tạo CBKTQS.

Hoàn thiện chương trình đào tạo, cùng với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ khác, sẽ tạo động lực quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo CBKTQS, góp phần đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là những vấn đề lớn của công tác đào tạo CBKTQS, cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Thượng tá, TS. HOÀNG NGỌC AN

Học viện Kỹ thuật Quân sự

 

Ý kiến bạn đọc (0)