QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:20 (GMT+7)
Bản chất giai cấp của Đảng và nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng trong điều kiện lãnh đạo chính quyền

1. Trước hết nói về bản chất giai cấp của Đảng, trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội X của Đảng viết "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc". Diễn đạt như vậy chưa rõ bản chất giai cấp của Đảng, hơn nữa còn làm cho bản chất giai cấp của Đảng bị phai mờ đi. Và có thể dẫn đến người ta hiểu rằng Đảng ta ngày nay là Đảng của nhiều giai cấp, Đảng của toàn dân, điều mà chưa ở đâu có một Đảng chính trị nào có tổ chức như vậy.

ở đây, vấn đề cơ bản cần khẳng định và làm rõ là Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, đó là giai cấp triệt để cách mạng nhất, luôn có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có tinh thần đoàn kết chặt chẽ trong đội ngũ của giai cấp mình với nhân dân lao động và toàn dân tộc, đồng thời luôn nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng. Có được những đặc tính đó là do điều kiện tồn tại và vị trí khách quan của giai cấp công nhân trong phương thức sản xuất xã hội quy định. Chính từ bản chất giai cấp của Đảng như vậy, Đảng mới có cơ sở tiếp thu lý luận tiền phong để trở thành đội tiền phong về hệ tư tưởng, lý luận, đường lối chính trị, mà như V.I.Lê-nin nói "Chỉ có đảng nào có lý luận tiền phong mới làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong". Đảng ta sở dĩ được nhân dân lao động và cả dân tộc thừa nhận là Đảng của chính mình và một lòng một dạ theo Đảng vì Đảng là đội tiền phong lý luận, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, đề ra được đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo qua từng giai đoạn cách mạng. Đó là một giai cấp cách mạng nhất, lợi ích của giai cấp này phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Nó là giai cấp không thể tự giải phóng mình nếu không đồng thời giải phóng nhân dân lao động và giải phóng toàn xã hội.
Cho nên tôi đề nghị dùng phương án 2 trong dự thảo Điều lệ Đảng là "Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân; là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc". Diễn đạt như thế rõ hơn, đầy đủ hơn.
2. ở mục 1. Về nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng trong điều kiện mới (trang 51) có nêu "gắn xây với chống, lấy xây làm chính. Đặc biệt quan tâm chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, quan điểm; phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch", tôi đồng ý. Thế nhưng xây thì vấn đề cơ bản đầu tiên là phải giáo dục nâng cao trình độ hiểu biết chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng đó của Đảng ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay như thế nào ? Cần nghiên cứu nhận thức đúng về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm rõ điều gì trước đây đúng nay vẫn đúng, điều gì trước đây đúng nhưng đến nay không còn phù hợp cần phải điều chỉnh, bổ sung phát triển sáng tạo, tránh để tình trạng một số người mượn danh nghĩa đổi mới để phủ định sạch trơn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ định ý thức hệ tư tưởng của Đảng. Đồng thời phải khắc phục những biểu hiện tiêu cực của không ít cán bộ, đảng viên trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và trong bộ máy quản lý, điều hành của Nhà nước trên lĩnh vực này.
Bởi lẽ hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, thực dụng, thiếu trung thực, tệ quan liêu, tham nhũng đang diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện xa rời mục tiêu CNXH, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn tại ngay trong Đảng và nghiêm trọng hơn là ở ngay trong một số đồng chí đã từng là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Nhiều tổ chức cơ sở Đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiền phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới: Một số vấn đề ở tầm quan điểm, tư tưởng, chủ trương lớn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ cả về lý luận lẫn thực tiễn- Ví như vấn đề cơ chế thị trường định hướng XHCN - vấn đề đảng viên được làm kinh tế tư nhân không bị giới hạn về quy mô..., nên chưa đạt được sự thống nhất cao trong Đảng. Chính sự chưa thống nhất cao trong Đảng cũng là một điểm yếu của Đảng ta và nó cũng là một nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến làm suy yếu sự đoàn kết trong Đảng và làm suy yếu Đảng. Như V.I.Lê-nin thường nhắc nhở những người cộng sản rằng: không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ.
Những biểu hiện yếu kém trên, nếu Đảng không có những hình thức, phương pháp tích cực để khắc phục, thì sẽ là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng bóp méo, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, xuyên tạc bản chất cách mạng khoa học của Đảng, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng và giữa nhân dân với Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng. Từ đó sẽ dần dần tự phát rơi vào âm mưu của các thế lực thù địch, tự làm suy yếu mình, tự diễn biến, tự chuyển hóa sang quỹ đạo của CNTB. Đó là thời cơ để các thế lực thù địch thực hiện ý đồ bạo loạn lật đổ Đảng, lật đổ chế độ như đã từng diễn ra ở Liên Xô, Đông Âu trước đây.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu và sụp đổ của các Đảng Cộng sản ở đây là: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước khi bước vào cải tổ, đổi mới, thì lãnh đạo cao nhất của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị không thống nhất về quan điểm, về đánh giá tình hình đang diễn ra và những chủ trương, giải pháp. Điều nguy hiểm là sự không thống nhất về quan điểm, định hướng và bước đi của công cuộc cải tổ đổi mới. Điều này suy cho cùng chính là sự xa rời, từ bỏ lập trường, quan điểm mác-xít về giai cấp trong đường lối cải tổ, thay thế vào đó cái gọi là "tư duy chính trị mới", thực chất là hệ tư tưởng tư sản, là đường lối thỏa hiệp, đầu hàng các thế lực thù địch, giúp chúng không đánh mà thắng. Sự chia rẽ trong lãnh đạo, làm cho các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên mất phương hướng, quyền lực chính trị là sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước do Đảng lãnh đạo bị suy yếu. Đó là thời cơ cho các phần tử cơ hội, bất mãn trong Đảng hoạt động; cho các phần tử bất mãn và phản động trong xã hội nổi lên chống Đảng. Đó cũng là điều mà các thế lực thù địch bên ngoài mong muốn phá Đảng Cộng sản từ bên trên và từ bên trong để tiến tới lật đổ Đảng, lật đổ chế độ. ở đây cần lưu ý: một trong những thủ đoạn thâm độc nhất của các thế lực thù địch chống Đảng Cộng sản, chống phá CNXH là đề cao nền dân chủ tự do kiểu phương Tây; công kích sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tuyên truyền cho "chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập" và tự do không có giới hạn.
Đối với nước ta, các thế lực thù địch ở trong nước và ngoài nước đang tìm mọi cách làm mất uy tín của Đảng ta và chế độ ta, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cổ vũ cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng; khuyến khích các phần tử chống đối, lôi kéo những người bất mãn, móc nối, gây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng chống phá, nhất là hiện nay khi mà chúng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Từ đó chúng ta phải chú trọng một bài học về xây dựng Đảng mà Nghị quyết TW3 khóa VII đã chỉ ra là: chống nguy cơ sai lầm về đường lối, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, sai lầm về lựa chọn cán bộ, tệ quan liêu xa rời quần chúng.
3. Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Vấn đề này ở mục 5, trang 54 của dự thảo có viết: Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Viết như vậy, có thể gợi cho người ta có cảm giác như Đảng chi phối mọi mặt hoạt động của chính quyền Nhà nước, Đảng làm thay Nhà nước, nhất là trong tình hình hiện nay cũng đã có người cho rằng nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị của chúng ta là chế độ "Đảng trị", "chuyên chế và mất dân chủ nặng"... Và hiện nay các thế lực thù địch cũng đang tập trung công kích vào vấn đề này. Vì vậy, theo ý kiến tôi đề nghị sửa lại là: "Đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền Nhà nước". Đặt vấn đề như vậy nó cũng rất lôgíc với những nội dung quan điểm phân tích ở dưới mà dự thảo đã nêu như:
- Mấu chốt cần tập trung hiện nay là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở cấp Trung ương và chính quyền cơ sở địa phương.
- Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết, quyết định nguyên tắc giải quyết những vấn đề trọng đại...
- Đảng không buông lỏng lãnh đạo đồng thời không bao biện làm thay Nhà nước,v.v.
Thế nhưng, ở đây có vấn đề là trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết "Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng...". Nay đặt vấn đề Đảng lãnh đạo chính quyền Nhà nước thì có trái với quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh không? Theo tôi nghĩ hoàn toàn không có gì sai trái. Bởi lẽ, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho Đảng - có tính định hướng cơ bản cho hoạt động của Đảng,  còn căn cứ vào từng giai đoạn cách mạng cụ thể, điều kiện lịch sử cụ thể để nghiên cứu vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng đó cho phù hợp với thực tiễn, đưa đất nước phát triển theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn để đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó chính là thể hiện lòng trung thành và bảo vệ tư tưởng của Người, chứ không phải chỉ bằng những câu chữ trích dẫn... Và do đó những luận giải về nội dung quan điểm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và chính quyền nêu trên đã thể hiện rõ điều đó.
 
Trần Duy Hương
 

Ý kiến bạn đọc (0)