QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:08 (GMT+7)
Bài học về thống nhất chỉ đạo chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Sau thất bại của cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, kế hoạch “ bình định” chiến lược của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bị phá sản một bước quan trọng. Đầu năm 1967, trên cơ sở phân tích, đánh giá, tình hình mọi mặt và diễn biến thực tế chiến trường, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Tổng Tư lệnh (BTTL) Quân đội nhân dân Việt Nam nhận thấy một tình thế mới có lợi cho ta, bất lợi cho địch đã xuất hiện. Kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968 lập tức được khởi thảo nhằm chớp thời cơ đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước tiếp tục phát triển.

Liên tục trong tháng 5 và tháng 6 năm 1967, Bộ Chính trị (BCT) Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng, khóa III đã hai lần tổ chức hội nghị để đánh giá tình hình, xem xét dự thảo chiến lược Đông Xuân 1967-1968, đề ra chủ trương: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn, bằng cách quyết tâm chỉ đạo việc tổ chức các trận đánh tiêu diệt từ 3 đến 5 lữ đoàn Mỹ, 3 đến 5 sư đoàn quân ngụy Sài Gòn.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết tháng 6-1967 của Hội nghị BCT, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) đã nhanh chóng cử cán bộ tới các chiến trường, các mặt trận để chỉ đạo thí điểm cách đánh tiêu diệt gọn các đơn vị quân đội Mỹ, nhằm đánh giá khả năng tác chiến của quân và dân ta trước một đối thủ “được trang bị tận răng” như quân đội Mỹ; đồng thời, thăm dò phản ứng đối phó và thực lực của địch. Trong khi BTTM đang chỉ đạo cách đánh thí điểm trên chiến trường thì tháng 7-1967, tại Tổng hành dinh, BCT đã có cuộc họp với lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, với các ngành, các cấp có liên quan để cùng bàn bạc, cân nhắc, từng bước hoàn chỉnh chủ trương chiến lược đã xác định.

Từ kết quả các hội nghị trên, từ thực tế “Tổ kế hoạch” của BTTM  được BCT giao cho lựa chọn hai khả năng tác chiến (từ tháng 6-1967 đến thời điểm này) chưa tìm ra phương án tối ưu; thì vào lúc đó, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong BCT, QUTƯ đưa ra chủ trương: đột ngột chuyển hướng tiến công chiến lược của ta từ rừng núi, nông thôn đánh thẳng vào sào huyệt địch ở đô thị trên toàn miền Nam. Thế là, ngay lập tức, kế hoạch mà BTTM đang triển khai được hình thành lại.

Tháng 10-1967, trong 5 ngày (từ 20 đến 24-10), BCT họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Đây là Hội nghị rất quan trọng để quyết định kế hoạch tiến công Tết Mậu Thân lịch sử.

Sau khi nghe Dự thảo kế hoạch chiến lược Đông-Xuân-Hè 1967-1968 do đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt QUTƯ trình bày, Báo cáo về tình hình địch của Cục 2, về Tình hình ta của BTTM, về Kế hoạch tác chiến của các mặt trận..., BCT nhận định: Mỹ đang thất bại lớn, có tăng quân cũng không giải quyết được gì, mà tình hình càng bế tắc, càng bị cô lập thêm, mâu thuẫn càng sâu sắc. Tuy vậy, Mỹ còn rất ngoan cố... đang cố gắng tăng cường lực lượng để giữ cho tình hình không xấu đi, ta nên chớp thời cơ bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam.

Phải thấy rằng, đây là một quyết định rất táo bạo, rất sáng tạo của Đảng ta. Nếu chỉ căn cứ vào tương quan lực lượng quân sự thuần túy giữa hai bên trên chiến trường lúc ấy sẽ không có chủ trương táo bạo này. Toàn bộ ý định chiến lược được giữ hết sức nghiêm mật (không đưa ra bàn ở Trung ương; ngay trong BTTM cũng chỉ những người được phân công trực tiếp làm kế hoạch mới biết).

Ngày 28-12-1967, BCT họp phiên đặc biệt, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968. Tháng 1-1968, Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 14 họp, đã thông qua Nghị quyết tháng 12-1967 của BCT, thực hiện Tổng công kích- Tổng khởi nghĩa (TCK-TKN) trên toàn miền Nam.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược này, BCT chỉ rõ: trên mặt trận ngoại giao cần có những phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp và “phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta1. Đồng chí  Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng- lưu ý rằng: mặc dù quân Mỹ đang bị động, đang lâm vào thế khó khăn, “nhưng nó là kẻ mạnh, nên ta phải biết thắng nó”. Muốn thế, chúng ta không thể đánh theo lối cũ “mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, tức là giai đoạn TCK-TKN, buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta2.

Để hiểu rõ hơn phương châm chiến lược mà Đảng ta xác định cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chúng ta nhìn lại một cách khái quát tình hình quân sự, chính trị, ngoại giao của chúng ta từ 1965 đến 1968.

Về quân sự: trong khói lửa chiến tranh ác liệt, quân và dân ta trên cả hai miền Nam-Bắc vẫn bền gan chiến đấu, giữ vững chiến lược tiến công, làm thất bại một bước quan trọng các mục tiêu chiến lược trong cuộc “chiến tranh cục bộ” và “chiến tranh phá hoại” của Mỹ, khiến cho Mỹ không thể dễ dàng đạt được mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu là “giành thắng lợi trong thời gian ngắn”.

Về chính trị, ngoại giao: nếu như phía chính quyền Mỹ chịu sức ép của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng tăng ở trong nước và trên thế giới, thì phía chúng ta cũng đang ở vào giai đoạn phức tạp là phải tính toán sao cho vừa giữ được độc lập chủ quyền, vừa tranh thủ được sự ủng hộ tối đa của bạn bè quốc tế. Do vậy, từ cuối năm 1966, đầu năm 1967, BCT đã chủ trương tạo điều kiện mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm. Thấm nhuần chủ trương đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1-1967), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh phát biểu: “ Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn kéo, thắng từng bước”3. Đó là điều giải thích, vì sao nếu như từ năm 1966 trở về trước, lập trường của phía Việt Nam là Mỹ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt hoàn toàn mọi hành động chống phá miền Bắc trước khi có bất cứ cuộc nói chuyện nào giữa hai bên thì tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Đảng ta bắt đầu hé mở khả năng phía Việt Nam sẽ đi vào đàm phán với Mỹ, nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, chứ chưa bao gồm điều kiện Mỹ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam như trước đây. Tuy nhiên, lường trước những vấn đề nảy sinh, Hội nghị Trung ương 13 cũng đã nêu rõ, phải có kế hoạch vận động, giải thích, thuyết phục... Những nước XHCN anh em có thể nghĩ là ta “thương lượng non”, do đó tỏ thái độ trực tiếp hoặc gián tiếp không đồng tình với ta; hoặc quá nặng về đàm phán đi đến thúc ép ta sớm đi đến giải pháp chính trị trong khi tình hình chưa chín muồi; cần hết sức tránh không để kẻ thù lợi dụng sự bất đồng về sách lược giữa nước ta và các nước anh em.

Trước thiện chí hòa bình của Việt Nam, phía Mỹ không những không đáp lại mà còn đòi ta “phải có đi, có lại”, đưa ra điều kiện buộc ta phải công khai cam kết không được lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom để chi viện cho miền Nam. Đó là sự mặc cả trớ trêu, bất công, lộn sòng giữa người bị xâm lược và kẻ đi xâm lược, thể hiện rõ việc Mỹ vẫn ôm mộng xâm lược miền Nam. Xem thư của Tổng thống Mỹ L.Giôn-xơn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967, thấy rõ sự ngoan cố đó.

Vì thế, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 là để giải bài toán lịch sử nêu trên. Nghiên cứu kỹ Biên bản Hội nghị BCT bàn về kế hoạch chiến lược mùa thu: TCK-TKN Đông-Xuân-Hè 1967-1968, Nghị quyết của cơ quan chỉ đạo chiến lược cũng như một số bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội lúc bấy giờ, chúng ta nhận thấy, chủ trương chiến lược táo bạo của Nghị quyết tháng 12-1967 của BCT thực hiện TCK-TKN có sự thống nhất cao của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và quân đội. Tựu trung, các đồng chí đã hoàn toàn nhất trí với chủ trương TCK-TKN, nhằm vào toàn bộ mục tiêu hiểm yếu của địch trên chiến trường; đặc biệt là với cách đánh hiểm, đánh vào yết hầu, đánh vào “tim óc” của địch vào thời điểm nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán, mở ra một giai đoạn mới- giai đoạn vừa đánh vừa đàm, nhằm kết thúc cuộc chiến tranh theo truyền thống Việt Nam.

Tết Mậu Thân 1968 và tác động rộng lớn của nó đã hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này của cơ quan chỉ đạo chiến lược ta về các mặt sau:

- Phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường cả về quân  sự, chính trị; sự bất lực của một đạo quân đông tới gần một triệu rưởi, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại (bậc nhất lúc bấy giờ) trước sức tiến công mãnh liệt và cách đánh hiểm đầy sáng tạo của quân và dân ta.

- Làm lộ rõ những sai lầm về chiến lược cũng như cách thức điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn và của giới tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường.

- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 còn là sự biểu dương ý chí, nghị lực, sức mạnh và nghệ thuật điều hành chiến tranh của Bộ Thống soái Việt Nam; qua đó, làm bộc lộ những giới hạn trong sức mạnh quân sự, kinh tế của Mỹ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược toàn cầu mà Mỹ đã theo đuổi từ lâu.

- Vì những lẽ đã nêu, cho dù Mỹ là một nước lớn, một nước chưa hề bại trận trong lịch sử 200 năm lập nước, nhưng sự kiện Tết Mậu Thân 1968 đã gây  chấn động dữ dội giữa lòng nước Mỹ, khiến cho đông đảo các tầng lớp xã hội Mỹ- kể cả các quan chức cấp cao, các nghị sĩ, các tập đoàn tài phiệt đầy thế lực phải thay đổi quan điểm, không còn hậu thuẫn cho chính sách xâm lược của chính quyền Giôn-xơn nữa.

- Tất cả những gì diễn ra trong Tết Mậu Thân 1968 đã khiếnTổng thống Mỹ L.Giôn-xơn, vào đêm 31-3-1968, chẳng những phải công khai tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà hơn thế, còn quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện. Việc trút bỏ gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn- một lực lượng vốn đã bại trận trước khi quân Mỹ buộc phải tham chiến và ngày càng phụ thuộc vào sự hiện diện của quân Mỹ thì, về thực chất đã làm cho Mỹ phải phụ thuộc vào chính kẻ đã và đang phụ thuộc vào mình. Với tất cả các lý do đó, cho dù sau Tết Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta vẫn phải kéo dài và rất quyết liệt (phải 5 năm sau quân Mỹ mới rút hết và 7 năm sau ngụy quyền Sài Gòn mới sụp đổ hoàn toàn), nhưng với quyết định ngày 31-3-1968 của Tổng thống Mỹ L.Giôn-xơn, về thực chất, số phận cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ đã được định đoạt.

Bài học về sự thống nhất  chỉ đạo chiến lược trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn mang giá trị thời sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của chúng ta, khi mà tình hình chính trị, quân sự, kinh tế thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức, nguy cơ, nhiều nhân tố gây mất ổn định như hiện nay.

Đại tá, PGS, TS. HỒ KHANG

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

                        

1, 2 - ĐCSVN- Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 29 , Nxb CTQG, H. 2004, tr. 63; tr. 23.

3 - Văn kiện Đảng, Sđd, Tập 28, tr. 124;125.

 

Ý kiến bạn đọc (0)