Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:37 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã lập nên nhiều kỳ tích, nhưng chưa có khi nào cả dân tộc cùng lúc nổi dậy giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân một cách nhanh chóng như trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại, do các tầng lớp nhân dân tiến hành, dưới sự tổ chức và lãnh đạo của giai cấp công nhân mà trực tiếp là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ trong 15 ngày, nhân dân ta đã vùng lên giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng 8-1945 có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã đưa nước ta từ một thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, có tên trên bản đồ thế giới; nhân dân ta thoát kiếp nô lệ, trở thành chủ nhân đất nước. Đó cũng là “... lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”1. Thắng lợi vang dội của Cách mạng Tháng 8-1945 đã để lại nhiều bài học quý; trong đó, bài học mang tính quyết định, có ý nghĩa sâu sắc, đó là: sự thống nhất cao độ giữa ý Đảng với lòng dân. Nội dung cốt lõi của sự thống nhất đó được biểu hiện ở chỗ: chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng phù hợp và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân đã tạo nên sức mạnh lớn lao, đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi nhanh chóng.
Thật vậy, để cuộc Tổng khởi nghĩa phát triển trên không gian rộng (cả nước), giành thắng lợi trong thời gian ngắn (15 ngày), với lực lượng chính trị là chủ yếu, phương thức đấu tranh chính trị là căn bản, đường lối cách mạng của Đảng ta đã được chuẩn bị chu đáo với những điều chỉnh chiến lược hết sức kịp thời. Ngay từ buổi đầu đảm đương sứ mệnh lịch sử (lãnh đạo cách mạng Việt Nam), Đảng ta đã đưa ra những khẩu hiệu đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân, như “Độc lập dân tộc”, “Ruộng đất về tay dân cày”, “Thành lập nhà nước công - nông - binh”... để tập hợp, tổ chức quần chúng lao động yêu nước. Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, với nhãn quan chính trị sâu sắc, Đảng ta đã có nhận định đúng và thống nhất nhận thức: “Tình hình Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng, vấn đề ấy hoàn toàn mau hay chậm là tùy tình hình thế giới và năng lực của các đồng chí ”2. Tiếp đó là chủ trương chuyển hướng mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho hợp với ý nguyện dân chúng và phù hợp với tình hình đất nước: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”3. Vì vậy, mọi vấn đề của cuộc cách mạng, kể cả vấn đề ruộng đất, cũng phải nhằm mục đích ấy mà giải quyết. Khẩu hiệu cách mạng ruộng đất phải tạm gác lại và thay vào đó là khẩu hiệu chống địa tô cao, chống cho vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của thực dân, đế quốc và địa chủ phản lại quyền lợi dân tộc chia cho dân cày nghèo. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị ấy, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận phản đế Đông Dương, thu hút tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái và cá nhân yêu nước ở Đông Dương nhằm chống chiến tranh đế quốc, chống phát-xít, đánh đổ đế quốc Pháp và bè lũ tay sai, giành lại độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở Đông Dương. Thế nhưng, do hoạt động trong chế độ thống trị của Pháp-Nhật ở Đông Dương đã phát-xít hóa, nên tổ chức của Đảng, đặc biệt là cơ quan đầu não của Đảng, luôn bị địch đánh phá ác liệt. Trong vòng một năm, kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, gần như hầu hết các ủy viên trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bị địch bắt. Tháng 11-1940, Ban Chấp hành Trung ương phải kiện toàn lại và tổ chức hội nghị xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Đông Dương là chuẩn bị cuộc võ trang bạo động, giành lấy tự do, độc lập.
Sau các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, binh biến ở Đô Lương không thành công, tháng 1-1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) được tổ chức ở Pắc Bó, Cao Bằng, dưới sự chủ tọa của Người. Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng (được đề ra từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tháng 11- 1939); một lần nữa khẳng định nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, được đặt lên hàng đầu: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”4. Hội nghị cũng chỉ rõ lực lượng cách mạng bao gồm: tất cả những ai có lòng yêu nước thương nòi, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ. Để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đánh Pháp – Nhật, Hội nghị quyết định thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là Việt Minh. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, đưa ra chương trình cứu nước với mục tiêu: làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do.
Nhờ chiến lược đúng đắn, sát hợp này, Đảng ta đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân rộng rãi và mạnh mẽ, mà hạt nhân của nó là Mặt trận Việt Minh với một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ các làng xã lên đến Tổng bộ. Quan điểm bạo lực cách mạng (với hai hình thức: chính trị và vũ trang, sự kết hợp hai hình thức đó) để giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng 8-1945 luôn được coi trọng. Từ căn cứ cách mạng đến chiến khu, khu giải phóng; từ tuyên truyền vũ trang đến vũ trang tuyên truyền; từ đội quân chủ lực của cách mạng đến vũ trang toàn dân; từ khởi nghĩa từng phần, từng địa phương đến tổng khởi nghĩa trên cả nước; những biểu hiện đó của lịch sử (từ năm 1940 đến trước tháng 8-1945) đều nằm trong quá trình vận động cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa do Đảng ta lãnh đạo.
Chúng ta có thể thấy rất rõ, trong những ngày tiến hành Cách mạng Tháng 8-1945, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ đường lối cách mạng và kiên quyết đi theo ngọn cờ quang vinh của Đảng, đánh đổ đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc. Sức mạnh “dời non, lấp biển” mà Đảng ta có được trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 chính là từ đây; và cũng chính điều này đã khiến cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi mau chóng trên cả nước. Hoạt động trong vòng bí mật, cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng từ Trung ương xuống đến các tỉnh, huyện, xã đều nhận được sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Những lúc bình thường, dân nuôi, dân giấu, dân canh gác cho cán bộ cách mạng họp hành, làm việc. Khi quân thù vây ráp, bà con chỉ lối cho cán bộ thoát vòng vây hoặc tìm cách đánh lừa địch. Vùng an toàn khu của Trung ương ở Phúc Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông, Đông Anh, Chèm, Mai Lĩnh, mặc dù ngay sát trung tâm đầu não hoặc đồn bốt của địch, nhưng vẫn được an toàn; đó là do nhân dân hết lòng bảo vệ. Các gia đình cơ sở cách mạng từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống miền xuôi, nông thôn đến thành thị đều hết lòng nuôi, giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng. Cũng chính từ các “cơ sở trong lòng dân” đó, những nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Trung ương và các cấp cơ sở ra đời. Trong buổi đầu thành lập, hầu hết các đội vũ trang cách mạng từ núi rừng Việt Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, từ núi rừng Ba Tơ ở miền Trung Nam Bộ đến Đồng Tháp, Cà Mau... đều được nhân dân giúp đỡ: vũ khí do dân trang bị, quần áo do dân sắm, lương thực nuôi quân do dân cung cấp. Quần chúng không chỉ ủng hộ, mà còn trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa. Những biểu hiện của lực lượng chính trị, đấu tranh chính trị trong Cách mạng Tháng 8-1945 cho chúng ta thấy rõ điều đó. Ngày 19-8, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường khởi nghĩa và giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23-8, tại Huế, hàng chục vạn nhân dân xuống đường mít tinh, tuần hành, buộc chính quyền Trung ương của địch phải đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến ở Việt Nam. Tại Sài Gòn, ngày 25-8, hàng triệu nhân dân khởi nghĩa, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, lập chính quyền cách mạng. Đồng Nai Thượng và Hải Tiên là nơi nhân dân giành chính quyền cuối cùng (ngày 28-8-1945). Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14-8 đến 28-8), cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi này là kết quả sự chuẩn bị 15 năm của Đảng.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng phải là quần chúng được giác ngộ và tổ chức. Với vai trò là đội tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc điều đó và trong thực tế hoạt động của mình, đã phát huy khả năng to lớn của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945. Bài học về ý Đảng, lòng dân làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 còn mang giá trị thời sự nóng hổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước XHCN của chúng ta hôm nay. Nhân dân luôn một lòng tin tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất trí với Đảng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng ta luôn hết lòng vì nhân dân. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng là sự nghiệp của quần chúng. Mục tiêu và lợi ích của Đảng thống nhất với mục tiêu, lợi ích của quần chúng. Chỉ duy nhất Đảng ta mới đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc; thực hiện được mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong tình hình phức tạp hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng quán triệt và thực hiện tốt chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân ta tuyệt đối không bao giờ chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mà các thế lực thù địch và những kẻ phản động, cơ hội chính trị vẫn rêu rao, lừa bịp. Đất nước ta đang đứng trước những vận hội và thời cơ mới, đan xen với khó khăn, thách thức. Trong cách mạng Tháng 8-1945, Đảng ta có 5.000 đảng viên, nhưng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày nay, Đảng ta có trên 3 triệu đảng viên, tức là gấp khoảng 600 lần so với thời kỳ Cách mạng Tháng 8-1945; mối quan hệ giữa dân với Đảng ngày càng được củng cố, ý Đảng, lòng dân quện chặt và gắn bó máu thịt... Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tá, ThS. HOÀNG THỊ THẢO
Chủ nhiệm Bộ môn LSQS dân tộc,Viện LSQS VN
___________
1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 159.
2- Thông cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho các đồng chí và các cấp bộ Đảng ngày 29-9-1939-Tài liệu lưu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
3- ĐCSVN- Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr .536.
4- ĐCS VN- Sđd- Tập 7, tr.113.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011