QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 21:46 (GMT+7)
Bài học về Mỹ rút quân ra khỏi Vệt Nam
Mới đây, tại thành phố Can-xát, Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ đã đưa ra nhận định về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông ta cho rằng, quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam là một sai lầm được trả bằng cái giá của nhiều triệu người dân vô tội...
Vậy sự thật là thế nào?
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 32 năm. Độ lùi của thời gian cho phép chúng ta xem xét sự kết thúc chiến tranh Việt Nam một cách khách quan. Mỹ buộc phải rút quân từ sau cuộc tiến công đồng loạt Tết Mậu Thân (1968) vào 41 thành phố, thị xã của quân và dân miền Nam, phơi bầy rõ rệt nhất thất bại về quân sự có ý nghĩa quyết định của Mỹ trong cuộc chiến tranh. Cuộc tiến công đồng loạt đã đưa chiến tranh quy mô lớn vào hầu hết các thành thị trên toàn miền Nam, làm đảo lộn hẳn thế trận của quân Mỹ, làm rung chuyển nước Mỹ, đánh bại ý chí giành chiến thắng bằng quân sự của giới cầm quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Mắc Na-ma-ra, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, năm 1995 khi sang Hà Nội dự Hội thảo khoa học đã thừa nhận rằng: “Từ sau Tết Mậu Thân (1968), không ai trong giới cầm quyền và giới quân sự Mỹ nói tới khả năng giành chiến thắng bằng quân sự ở Việt Nam, mà chỉ là rút quân Mỹ trong danh dự, hòa bình trong danh dự”.
Nhớ lại, tướng Oét-mo-len, chỉ huy quân Mỹ trong chiến lược chiến tranh cục bộ, đã công bố kế hoạch của chiến lược này là: năm 1965 đưa ồ ạt quân Mỹ vào Việt Nam để ngăn chặn chiều hướng thua, năm 1966 đánh gẫy xương sống Việt cộng, năm 1967 tiếp tục tìm diệt quân chủ lực Việt cộng và bắt đầu rút quân.
Thế nhưng, sau 3 năm trực tiếp chiến đấu với quân Mỹ, chủ lực của Việt cộng đã mạnh hẳn lên, đã có thể trong 2 đêm, tiến công quân địch ở hầu hết các thành thị miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn, làm chủ thành phố Huế 25 ngày; làm cho tướng Oét-mo-len hoàn toàn bị bất ngờ, phải đề nghị tăng thêm 20 vạn quân nữa lên thành 70 vạn (gấp đôi số quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên).
Trước tình hình như vậy, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải mở cuộc họp gồm các nhà chiến lược khôn ngoan nhất nước Mỹ để bàn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong ngày 25 và 26-3-1968, tại Nhà Trắng, kết quả của cuộc bàn thảo là 11/16 chiến lược gia (phần lớn là phái “diều hâu”) đã nói rằng: đưa cho tướng Oét-mo-len gần 50 vạn quân Mỹ, đánh nhau 3 năm liền mà vẫn không giữ nổi sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nay lại đòi tăng thêm 20 vạn thì biết bao giờ mới đưa được quân Mỹ về, nên quyết định không tăng quân mà rút quân Mỹ về. Tổng thống Giôn-xơn ngày 31-3-1968 đã có một quyết định đúng- tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2; ngừng ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận đàm phán, phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh.
Ông Ních-xơn muốn đắc cử Tổng thống Mỹ đã tuyên bố: nếu được bầu, ông sẽ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam và lấy tù binh về. Tuy cũng thuộc phái “diều hâu”, nhưng Ních-xơn đã phải thực hiện rút quân Mỹ. Sau đó, Mỹ đã phải rút 37 vạn quân vào các năm 1969, 1970, 1971.
Có thể thấy rằng, Mỹ là nước có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã huy động sức mạnh đến mức cao nhất có thể huy động được: 545.000 quân Mỹ, 72.000 quân đồng minh, với vũ khí kỹ thuật hiện đại nhất, kể cả loại máy bay chiến lược B52 chưa từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh nào, với thời gian quân Mỹ trực tiếp chiến đấu từ năm 1965 đến năm 1972. Đó là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất, dài ngày nhất của nước Mỹ trong thế kỷ XX.
Sức mạnh của Mỹ còn, nhưng đã huy động tới mức tối đa trong phạm vi chiến lược chiến tranh cục bộ. Mỹ có bom hạt nhân nhưng dễ gì sử dụng vũ khí này, vì tình hình nước Mỹ, tình hình thế giới; hơn nữa, còn vì gần 600 tù binh Mỹ (phần lớn là phi công) đang bị giam giữ ở Bắc Việt Nam đã không cho phép.
Mỹ đã thất bại nặng nề cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Thất bại về quân sự đã làm cho thất bại về chính trị và ngoại giao không thể cứu vãn được. Trong đàm phán tại Pa-ri, Mỹ khăng khăng đòi cả hai bên là Bắc Việt Nam và Mỹ cùng rút quân; nhưng cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán đã làm cho chính Ních-xơn phải hiểu ra rằng: quân Bắc Việt Nam là người Việt Nam nên có thể ở lại miền Nam (tài liệu Nhà Trắng được giải mã của La-ri Bơ-man); đồng thời, chỉ có rút quân Mỹ mới lấy được tù binh Mỹ về- đó là ý chí của nhân dân Mỹ. Tuy nhiên, với hy vọng có thể giành điểm trên bàn đàm phán để có thể rút quân trong thế thắng, Ních-xơn trấn an Thiệu bằng cách dùng “pháo đài bay” B52 ném bom vào Hà Nội và Hải Phòng. Thế nhưng, những cố gắng cuối cùng này cũng bị thất bại; Mỹ đã buộc Thiệu phải cùng ký vào Hiệp định.
Mỹ từng rêu rao là giúp đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, chứ không phải là xâm lược. Nhưng đồng minh của Mỹ là ai? Tổng thống Ngô Đình Diệm do chính Mỹ đào tạo, được đưa từ Mỹ về, được Mỹ tâng bốc. Nhưng khi Diệm bất lực, không làm đúng ý Mỹ thì Mỹ bật đèn xanh cho đảo chính. Mỹ nói muốn xây dựng ở miền Nam Việt Nam một chế độ dân chủ, bằng cách lùa dân vào 8.000 “ấp chiến lược”- như các trại tù tập trung. Mỹ đã chống lại quyền con người với quy mô lớn nhất trên thế giới ở miền Nam Việt Nam vì muốn áp đặt sự thống trị của Mỹ bằng cách bỏ tù cả một dân tộc. Mỹ đã thất bại thảm hại bắt đầu từ sai lầm lớn này.
Mỹ nói phải ngăn chặn Cộng sản xuống miền Nam Việt Nam, vì nếu Cộng sản thành công thì các nước Đông Nam Á sẽ sụp đổ như ván bài Đô-mi-nô. Nhưng cách mạng không phải là hàng hóa để có thể xuất khẩu. Sự lựa chọn đi theo chế độ nào của mỗi quốc gia là do nhân dân nước đó tự quyết định, không ai có thể làm thay được. Việt Nam toàn thắng. Các nước Đông Nam Á không sụp đổ như Mỹ tưởng.
Mỹ còn lu loa rằng Việt Nam là tay sai của các nước cộng sản lớn. Song vì bí quá nên Mỹ đã phải chạy đến các nước lớn để “móc ngoặc”, chịu nhân nhượng, hòng qua bàn tay của các nước này để gây sức ép với Việt Nam, giúp Mỹ rút ra nhưng vẫn giữ được Chính quyền Sài Gòn, hoặc chí ít có chính phủ liên hiệp nhiều phe phái, nhưng cũng chẳng thành công. Ngoại giao nước lớn của Mỹ muốn “chơi” con bài Việt Nam, nhưng Việt Nam đâu phải là “con bài”, mà Việt Nam thực sự là người chơi bài cùng các nước.
Trong thời đại ngày nay, chính trị là một sức mạnh, một lực lượng lớn tạo ra áp lực ghê gớm mà không ai có thể xem thường. Việt Nam nhận được sự ủng hộ, đồng tình của thế giới vì Việt Nam có chính nghĩa và độc lập tự chủ trong chính sách đối ngoại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc; của các nước XHCN anh em và nhiều nước khác, cùng đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Thế giới có tới 8 vụ tự thiêu phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. Chưa nước nào nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng lớn như Việt Nam.
Ông G.W. Bu-sơ còn đề cập đến những vụ thuyền nhân di tản, những trại cải tạo và những vụ thảm sát, xem đó là cái giá phải trả khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam. Về vấn đề này, nhân ông G.W. Bu-sơ nói tới, thì cần thiết chúng ta cũng phải chỉ ra rằng chính Mỹ đã có kế hoạch hậu chiến thâm độc đối với Việt Nam. Mỹ đã tiến hành kích động, nào là sẽ có những cuộc “tắm máu”, nào là nên đi tìm thiên đường ở nước ngoài... để tạo ra một dòng người ra đi bất hợp pháp, làm cho Việt Nam rối loạn, mất ổn định. Kít-xinh-giơ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, tháng 10-1975 đã đi châu Á, châu Âu, đến Áo, tiết lộ rằng: “Vì Mỹ mà Việt Nam chảy máu một lần nữa”. Những ai quan tâm đến tình hình Việt Nam lúc đó đều hiểu Kít-xinh-giơ hoàn toàn có cơ sở và có đủ sự tự tin để nói điều này. Và thêm nữa, chính Mỹ đã tiến hành chính sách vô nhân đạo là bao vây, cấm vận Việt Nam về kinh tế, làm cho kinh tế Việt Nam sau chiến tranh vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sự ra đi của những “thuyền nhân” mà ông G.W. Bu-sơ nói đến có nhiều lý do, trong đó có lý do mà người Mỹ gây ra và họ phải chịu trách nhiệm.
Còn nữa! Có hay không “hàng chục nghìn người đã bỏ mình” trong “trại cải tạo” thì nhiều người cũng đã rõ. Việt Nam là một dân tộc có nền văn hoá lâu đời, luôn mang trong mình tư tưởng “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, đem trí nhân để thay cường bạo”, và tấm lòng nhân hậu “thương người như thể thương thân”. Nguyễn Trãi từng dạy: hận thù kêu gọi trả thù thì oán mãi không nguôi, phải đại đoàn kết, khoan dung. Hồ Chí Minh, trong tư tưởng của Người luôn thể hiện rất rõ quan điểm giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người, thức tỉnh con người, nâng cao con người, vì quyền con người. Với tù binh Mỹ, ta đối xử rất nhân đạo. Điều này thì người Mỹ biết, cả thế giới đều biết. Riêng đối với những người Mỹ còn lại ở miền Nam Việt Nam trước ngày 30-4-1975, Mỹ đề nghị ta không bắn máy bay trực thăng Mỹ trong hai ngày để họ rút đi. Ta đồng ý và đã thực hiện. Với người Mỹ, ta đã đối xử như vậy, huống hồ cùng là người Việt với nhau, làm gì có chuyện “tắm máu” nghe đến rùng rợn như nhiều người Mỹ tưởng tượng. Bằng chính sách đại đoàn kết dân tộc, chúng ta đã giáo dục, cảm hoá hàng trăm nghìn binh lính của chính quyền cũ, giúp họ hoà nhập vào cuộc sống mới.
Như vậy, có thể khẳng định, việc Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam là điều bắt buộc. Mỹ không có sự lựa chọn nào khác. Cho nên, nếu nhìn nhận việc rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam là sai lầm do nó đã để lại những hậu quả mà ông G.W. Bu-sơ đưa ra, lại chính là một sai lầm tiếp theo. Những người am tường đều hiểu rằng, việc làm sai lệch sự thật đó, thực chất là để ông G.W. Bu-sơ bảo vệ cho cái ý định kéo dài sự chiếm đóng của quân Mỹ ở I-rắc hiện nay. Bởi vậy, ngay sau khi đưa ra cách nhìn nhận của mình về việc Mỹ rút quân ở Việt Nam, ông G.W. Bu-sơ đã gặp phải sự phản đối gay gắt của dư luận. Thượng nghị sĩ Mỹ Ét-uốt Ken-nơ-đi đã phân tích: “Tổng thống G.W. Bu-sơ đã đưa ra một bài học sai trái về lịch sử. Mỹ thua cuộc chiến tranh Việt Nam vì quân đội chúng ta sa lầy ở một đất nước xa xôi mà chúng ta không hiểu biết gì hết. Mỹ khi đó ủng hộ một chính phủ không có đủ tính hợp pháp đối với người dân họ”. Một Thượng nghị sĩ Mỹ khác, Giôn Ke-ri, cho rằng: Cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như cuộc chiến tranh I-rắc bây giờ, “lính Mỹ đã buộc phải tham chiến và kết quả là nhận lấy cái chết trong cuộc chiến tranh, nơi họ không thể dùng bom đạn để khuất phục người dân bản địa”.
Rõ ràng, sự thật trước và sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam đều chống lại nhận định và cách đánh giá của ông G.W. Bu-sơ. Thực tế thì sau khi chiến tranh kết thúc, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, đã bảo vệ vững chắc biên giới của đất nước, đã cứu nhân dân Cam-pu-chia ra khỏi họa diệt chủng. Việt Nam trước đây đã đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, nay đang tích cực xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần ổn định hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được xây dựng trên một cơ sở mới, tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình và phát triển, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước. Tổng thống G.W. Bu-sơ đã có dịp đến Việt Nam, tận mắt chứng kiến sự thay đổi to lớn của đất nước Việt Nam, và hẳn ông cũng tận mắt được thấy thái độ thân thiện và cởi mở của con người Việt Nam.
Nhân việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam được nhắc đến một lần nữa, nhiều người đồng ý rằng, thay vì làm sai sự thật thì nên coi đó là bài học. Đó là lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, bài học kiên trì đấu tranh của nhân dân Việt Nam; đó còn là bài học về hiệu lực lớn lao của tinh thần đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ; sau cùng, đó cũng là bài học bổ ích đối với Mỹ chung quanh chủ đề rút quân Mỹ khỏi I-rắc hiện nay.
Trung tướng, PGS. Nguyễn Đình Ước
 
Ý kiến bạn đọc (0)