Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:28 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Do những thất bại nặng nề, không thể gượng dậy nổi của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam và đòn đau choáng váng của trận “Điện Biên Phủ trên không”, cùng với sự thất thế trong ngoại giao, ngày 27-1 - 1973, tại Pa- ri, Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Pa-ri).
Hiệp định Pa-ri phản ánh những thắng lợi rất to lớn qua 18 năm đấu tranh cách mạng của quân và dân cả nước ta, đánh dấu một bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo các điều khoản của Hiệp định Pa-ri, nếu các bên có liên quan nghiêm chỉnh thi hành thì triển vọng tình hình sáng sủa, cách mạng dân tộc dân chủ miền Nam sẽ được hoàn thành, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước. Quân và dân ta đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, thực hiện đình chiến và giữ nguyên vị trí. Nhưng đế quốc Mỹ ngoan cố vẫn tiếp tục chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, dã tâm tiếp tục duy trì chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ chủ trương tăng quân, hiện đại hóa và tinh nhuệ hóa quân ngụy nhằm tiến công tiêu diệt các lực lượng vũ trang (LLVT) và lực lượng chính trị của ta, xóa bỏ tình trạng hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng hiện có, biến miền Nam nước ta thành nơi chỉ có một chính quyền tay sai Mỹ. Năm 1973, quân chủ lực ngụy tăng lên 710.000 tên, bảo an và dân vệ tới 1,5 triệu. Dưới sự chỉ huy của Mỹ, quân ngụy liên tiếp mở các chiến dịch lấn chiếm “tràn ngập lãnh thổ”. Lấn chiếm và “bình định” được nâng lên thành quốc sách của Mỹ - ngụy. Từ ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực (28-1-1973) đến cuối năm 1973, địch đã mở trên 34.000 cuộc hành quân lấn chiếm, trên 216.000 cuộc hành quân bình định, trong tổng số 301.000 hành động vi phạm Hiệp định. Đến tháng 6-1973, địch đã chiếm lại khoảng 1.900 ấp, đóng thêm 1.774 bốt, kiểm soát thêm hơn 1 triệu dân, gồm hầu hết các vùng ta mới giải phóng năm 1972 và một số vùng giải phóng từ trước.
Trong lúc tình hình quân sự căng thẳng, phức tạp, địch giành thế chủ động trên nhiều chiến trường thì công tác định hướng tư tưởng cho bộ đội không được kịp thời. Do thiếu nhạy bén, tự ràng buộc mình vào những điều khoản đình chiến mà một số địa phương, đơn vị lâm vào bị động, lúng túng, trong khi địch đã gây chiến tranh, trắng trợn phá hoại Hiệp định.
Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng mở rộng với đại diện lãnh đạo các chiến trường (tháng 5 – 1973) và Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7-1973) nhận định: địch chống phá Hiệp định ngày càng tăng, chúng lấn chiếm và "bình định" được nhiều nơi, giành được chủ động trên một số chiến trường, gây cho ta những tổn thất, khó khăn. Nhưng không phải địch mạnh mà do ta chưa đánh giá hết âm mưu của địch, khuyết điểm trong chỉ đạo và thực hiện đối phó với những hoạt động quân sự của địch. Nghị quyết khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, bất kể trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, đánh thắng địch từng bước, chủ động trong mọi tình huống, đưa cách mạng miền Nam tiến lên.
Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ của cách mạng miền Nam do Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đề ra, Quân uỷ Trung ương đã có nghị quyết xác định phương châm hoạt động quân sự và Bộ chỉ huy các LLVT giải phóng đã ra mệnh lệnh kiên quyết đánh trả những hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn. Từ giữa năm 1973, tình hình trên khắp các chiến trường đã có chuyển biến. Đến cuối năm 1973, phần lớn các hành động lấn chiếm và bình định của địch đã bị đẩy lùi, ta giành lại hầu hết các vùng bị địch lấn chiếm sau Hiệp định Pa-ri. Từ đầu năm 1974, ta chuyển sang tiến công và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân 1975.
Từ thực tiễn trong chỉ đạo cuộc đấu tranh chống địch phá hoại Hiệp định Pa-ri năm 1973, có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm về giáo dục tư tưởng cho bộ đội.
Một là, giáo dục kịp thời tinh thần cảnh giác cách mạng, chống ảo tưởng, trông chờ "thiện chí hoà bình" của địch.
Hiệp định Pa-ri là thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc, mà thắng lợi lớn nhất là Mỹ phải cam kết chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam; trong khi đó, LLVT cách mạng ở miền Nam (gồm cả bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào), vẫn tồn tại như trước; mục tiêu trung tâm trước mắt “Mỹ ra, ta ở lại” đã đạt được. Tương quan lực lượng trên chiến trường có bước thay đổi lớn có lợi cho cách mạng. Cùng với đó, việc Chính phủ Mỹ làm lễ cuốn cờ rút quân khỏi miền Nam, thực hiện nghĩa vụ rà phá bom mìn ở các cửa sông miền Bắc, hứa hẹn viện trợ đã khiến cho nhiều địa phương, đơn vị, nhiều cán bộ, chiến sĩ không nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, ảo tưởng, trông chờ “thiện chí hoà bình” của chúng, hy vọng vào khả năng thi hành Hiệp định, dẫn đến mất cảnh giác, bị động, lúng túng trong xử lý khi tình huống phức tạp xảy ra. Một số địa phương, đơn vị, khi địch lấn chiếm thì lui quân, rút bỏ các “lõm” giải phóng, tự xoá “thế da báo”, rút các đơn vị vũ trang về phía sau để tránh xung đột. Nguyên nhân của những sai lầm, khuyết điểm này do trong lãnh đạo công tác tư tưởng, đã có khuyết điểm là nhận thức còn lúng túng giữa hai khả năng hoà bình và chiến tranh; chậm đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, việc nắm địch cả về tư tưởng và tổ chức chưa chắc; chưa kịp thời khẳng định con đường tiếp tục cuộc chiến tranh cách mạng để giải phóng hoàn toàn miền Nam nên chưa tổ chức giáo dục kịp thời cho bộ đội về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch, quyết tâm chiến lược và yêu cầu, nhiệm vụ của toàn quân và từng địa phương, đơn vị.
Sau khi có Nghị quyết của Trung ương Đảng, các đơn vị đã tổ chức quán triệt và khẩn trương sửa chữa khuyết điểm về tư tưởng và hành động của lãnh đạo, chỉ huy và của bộ đội, xốc lại đội hình, phản công và tiến công địch, giành lại đất, giành lại dân, củng cố, mở rộng vùng giải phóng. Từ thực tiễn đó cho thấy, trong công tác tư tưởng đối với quân và dân ta nói chung và với bộ đội nói riêng buộc địch thi hành Hiệp định Pa-ri thì vấn đề đầu tiên là phải kịp thời giáo dục cho bộ đội nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không mơ hồ, ảo tưởng, có các biện pháp đánh bại mọi hành động vi phạm Hiệp định của chúng, giữ vững và phát triển thành quả cách mạng. Buông lỏng giáo dục tư tưởng thì chiến trường gặp khó khăn, cách mạng tổn thất; làm tốt công tác tư tưởng hoặc giáo dục kịp thời thì chiến trường giành thắng lợi, cách mạng đi lên.
Hai là, giáo dục tư tưởng chủ động tiến công, chống hữu khuynh tiêu cực.
Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, có một thực tế là sau những đợt chiến đấu dài ngày năm 1972, bộ đội ta bị tiêu hao nhiều, quân số thiếu hụt, chưa được bổ sung; bộ đội địa phương, dân quân, du kích phát triển chậm; lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị không theo kịp yêu cầu; vùng giải phóng chưa được củng cố vững chắc; viện trợ của nước ngoài bị cắt giảm nhiều. Tình hình này dẫn đến trong bộ đội và nhân dân ta có tư tưởng mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, ngại gian khổ, ác liệt, hy sinh. Trước hành động tiến công lấn chiếm, “bình định” của địch, nhiều địa phương, đơn vị đã phản ứng lại một cách thiếu tích cực, có biểu hiện lừng chừng, hữu khuynh... Nhiều nơi bị động, địch đánh ở đâu thì chống lại ở đó, không dám chủ động tiến công địch, “Thậm chí có nơi sợ đánh trả địch là vi phạm Hiệp định, đề ra năm cấm: cấm tiến công địch, cấm đánh quân địch lấn chiếm, cấm vây đồn, cấm pháo kích, cấm xây dựng xã chiến đấu”1.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, đặc biệt tại miền Tây Nam Bộ, Thường vụ Khu uỷ Khu IX đã sớm nhận định âm mưu của địch là lấn chiếm, “bình định” phá hoại Hiệp định Pa-ri. Khu uỷ xác định nhiệm vụ cho toàn khu, đề nghị lên Trung ương cục và Trung ương Đảng kiên quyết đánh trả địch; đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, tăng cường công tác binh vận, địch vận, giữ vững thành quả cách mạng, đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Vì vậy, mặc dù ở đây địch đông hơn ta nhiều lần (địch 5, ta 1), nhưng vùng giải phóng và thế bố trí lực lượng ở Khu IX cơ bản giữ được như năm 1972.
Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Trung ương Đảng, các cấp bộ đảng, cơ quan chính trị quán triệt chủ trương tiếp tục giữ vững thế tiến công, kiên quyết đánh trả địch lấn chiếm, “bình định”, đưa cách mạng tiến lên. Bộ đội ta kiên quyết phản công, tiến công đánh trả, bẻ gãy mọi hành động lấn chiếm, “bình định” của địch; nhiều nơi đã chủ động tiến công vào các căn cứ xuất phát của chúng. Nhờ vậy, cục diện chiến trường từ bị động (sau Hiệp định) đã chuyển sang thế tiến công khi kết thúc năm 1973.
Như vậy, ta gặp khó khăn, tổn thất không phải bởi địch mạnh mà chủ yếu là do khuyết điểm của ta. Tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực như vật cản, khiến ta không phát huy được khí thế chiến thắng khi Mỹ phải rút quân, cách mạng đang ở thế thắng. Khi làm tốt công tác giáo dục, quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động trừng trị địch phá hoại Hiệp định cho bộ đội, thì dù lực lượng chưa hơn địch, ta vẫn giành thắng lợi, đẩy địch vào tình thế bị động đối phó.
Ba là, quán triệt tư tưởng bạo lực cách mạng, chiến tranh cách mạng để đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Hiệp định Pa-ri là một bước thắng lợi quan trọng của ta. Tình hình miền Nam sau Hiệp định có thể phát triển theo hai khả năng: một là, do ta đấu tranh tích cực trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao buộc địch phải thi hành Hiệp định, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam hoàn thành không phải bằng con đường tiếp tục chiến tranh; hai là, do địch ngoan cố gây chiến tranh, ta phải tiếp tục cuộc chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi hoàn toàn. Chủ trương của ta là “hết sức tranh thủ khả năng thứ nhất và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai”. Lúc này một bộ phận quân và dân ta xuất hiện một chiều hướng nhận thức mơ hồ về kẻ thù, trông chờ vào con đường hoà bình mà ta chưa kịp khắc phục. Trong khi đó, do âm mưu và hành động gây chiến của kẻ thù, “thực tế đòi hỏi phải hướng suy nghĩ và hành động vào khả năng dùng bạo lực cách mạng, chiến tranh cách mạng để giải quyết cuộc đấu tranh một mất, một còn giữa cách mạng và phản cách mạng ở miền Nam Việt Nam”1. Sau khi có các nghị quyết của Đảng, để kịp thời chỉ đạo hoạt động ở chiến trường, ngày 25-6-1973, Quân uỷ Trung ương đã ra nghị quyết “Tình hình và nhiệm vụ quân sự mới", chỉ rõ nhiệm vụ của LLVT là luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và kiên quyết chiến đấu, đánh bại mọi hành động lấn chiếm, “ bình định” của địch, ra sức xây dựng lực lượng, sẵn sàng chuẩn bị về mọi mặt để nếu địch gây lại chiến tranh quy mô lớn thì kiên quyết tiêu diệt chúng. Tư tưởng bạo lực cách mạng, chiến tranh cách mạng của Đảng được quán triệt trong tư tưởng và hành động của bộ đội, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trên các chiến trường toàn miền Nam.
Trong cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Pa-ri, một trong những vấn đề then chốt của công tác tư tưởng là phải nắm chắc tình hình, nhất là âm mưu, thủ đoạn của địch; không một phút lơ là trong việc giáo dục cho bộ đội thấm nhuần quan điểm: cách mạng triệt để, cách mạng không ngừng.
1- Đại tướng Hoàng Văn Thái - Những năm tháng quyết định, Nxb QĐND, H.1985, tr.83.
Những bài học về công tác tư tưởng của một thời chiến tranh từ 35 năm trước đối với đất nước ta hiện nay vẫn còn nhiều ý nghĩa. Chúng ta đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, tham gia và ký kết nhiều hiệp ước, hiệp định với các đối tác. Việc đi đến ký kết đã là một quá trình đấu tranh lâu dài phức tạp, nhưng việc đấu tranh để thi hành đầy đủ, đúng đắn các điều khoản ký kết còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Trong một thế giới mà tình hình chính trị, quân sự còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức, nguy cơ, nhiều nhân tố gây mất ổn định, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh kinh tế và các lĩnh vực khác ngày càng gay gắt, quyết liệt, chúng ta không thể ảo tưởng mọi điều đều thuận lợi, mọi đối tác đều thiện chí nâng đỡ Việt Nam. Điều quan trọng trước tiên là phải đánh giá đầy đủ bản thân ta và đối tác để đặt ra mục tiêu, yêu cầu đúng. Trong quan hệ với các đối tác, ta thật thiện chí, nhưng cũng phải luôn cảnh giác với những ý đồ và hành vi tiêu cực của phía đối tác; không bao giờ được xa rời quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược, vừa hợp tác vừa đấu tranh trong quan hệ đối ngoại, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều có ý nghĩa quyết định là toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực vượt bậc, tự lập tự cường để có được nước giàu, binh mạnh, làm cơ sở cho mọi mối bang giao quốc tế hiện nay.
Đại tá, PGS, TS. VŨ NHƯ KHÔI
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011