QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 23:44 (GMT+7)
Bắc ninh đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, những năm qua, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh. Tỉnh chủ trương phát huy truyền thống và tiềm năng của vùng đất văn hiến, cách mạng, có nền văn hóa giàu bản sắc và có vị trí địa lý thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng toàn diện cả lực lượng QPTD và thế trận QPTD.

 Trong thực tế, lực lượng QPTD và thế trận QPTD luôn hòa quyện, bổ sung  cho nhau; đó là, thế trận của  khu vực phòng thủ (KVPT), “thế trận lòng dân” với sự phát triển toàn diện của các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh (QP-AN), văn hóa, xã hội... Vì vậy, Bắc Ninh chủ trương xây dựng và phát triển toàn diện; trong đó, đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thực hiện tốt việc tổ chức quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong toàn dân. Công tác giáo dục chủ nghĩa Mác -Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, thực hiện đúng Quy định 54-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang được đẩy mạnh thực hiện từ cơ sở đến các sở, ban, ngành, đặc biệt là trong tổ chức đảng các cấp. Nhân dịp Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tỉnh đã chỉ đạo gắn việc thực hiện Cuộc vận động với triển khai cho đảng viên học tập tác phẩm “Tự chỉ trích” của Đồng chí. Cuộc vận động đã góp phần tạo sự chuyển biến về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Để xây dựng “thế trận lòng dân”, nhằm tạo sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, trong hệ thống chính trị và giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn, Tỉnh đã chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục QP-AN cho toàn dân. Trong 5 năm qua, Tỉnh đã mở 70 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 4.303 người; có 13 đồng chí được bồi dưỡng tại các lớp do Bộ và Quân khu 1 tổ chức, đạt 100% kế hoạch. Trường Quân sự Tỉnh đã tổ chức 2 khóa đào tạo cho 120 cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn). Bắc Ninh cũng là tỉnh đầu tiên của Quân khu 1 triển khai tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, cán bộ công đoàn các doanh nghiệp, cán bộ Hội Phụ nữ và thanh niên đường phố.

Cùng với đó, Tỉnh thường xuyên đẩy mạnh đổi mới công tác xây dựng Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương được Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định, theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; gắn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ với công tác xây dựng Đảng. Xuất phát từ tình hình thực tế, Tỉnh tập trung đột phá vào việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và coi trọng công tác phát triển đảng viên. Vì vậy, hằng năm có trên 82% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; từ năm 2006 đến năm 2009 đã kết nạp được 5.172 đảng viên mới. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng được tăng cường, góp phần ngăn ngừa, hạn chế sai phạm, giúp các tổ chức đảng và đảng viên nhận thức và hành động đúng nghị quyết. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh còn chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã cơ bản đáp ứng yêu cầu; năm 2009, Bắc Ninh là 1 trong 3 tỉnh miền Bắc dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh.

Những năm qua, nhất là từ khi tái lập Tỉnh (01-01-1997), kinh tế của Tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ; từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp và thủ công truyền thống, Bắc Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế của nền QPTD. Trong 5 năm (2006-2010), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,1%; năm 2009, GDP bình quân đầu người đạt 1.501 USD. Nông nghiệp phát triển ổn định, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất tăng bình quân 2,9%. Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, công nghệ ngày càng hiện đại, công nghiệp phụ trợ bước đầu được hình thành, các khu công nghiệp tiếp tục phát triển; giá trị sản xuất năm 2009 đạt 19.486 tỷ đồng. Dịch vụ có bước phát triển đáng kể, đã hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 25,9%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 24%/năm. Năng lực của các thành phần kinh tế được phát huy; kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình được coi trọng. Cơ cấu lao động theo ngành có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực; lao động nông nghiệp giảm (năm 2005 là 63,3%, năm 2010 còn 42,8%.

Sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa-xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng; khoa học- công nghệ có bước phát triển, quản lý tài nguyên, môi trường có tiến bộ, thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, sáng tạo. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn. Trong 5 năm qua, nhân dân trong Tỉnh đã ủng hộ 9,8 tỷ đồng vào quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” và 18,8 tỷ đồng cho quỹ “Vì người nghèo”; xây dựng được 500 Nhà tình nghĩa và 1.483 nhà “Đại đoàn kết”. Cơ quan Quân sự Tỉnh còn phối hợp với các ban, ngành tiến hành rà soát, thẩm định giải quyết kịp thời chế độ, chính sách tồn đọng sau chiến tranh; đã chi trả chế độ cho 2.561 trường hợp theo Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  

Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng được Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, thông qua kế hoạch, chỉ tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện. Cơ quan quân sự đã xây dựng và thường xuyên bổ sung, kiện toàn kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến; trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể đối với 15 khu công nghiệp tập trung, 23 cụm công nghiệp trên địa bàn; chủ động phối hợp với các lực lượng khác nắm chắc tình hình an ninh, tổ chức các đội công tác xuống cơ sở, góp phần giải quyết kịp thời một số “điểm nóng” trên địa bàn.

Xác định lực lượng của nền QPTD là lực lượng tổng hợp; trong đó, lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân giữ vai trò nòng cốt, Tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện. Các cơ quan, đơn vị luôn chấp hành nghiêm túc chế độ giáo dục chính trị, tư tưởng; bám sát thực tiễn để định hướng nhận thức, quan điểm, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong LLVT có lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng và thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, chiếm tỷ lệ 1,4% dân số; trong đó, tỷ lệ đảng viên đạt 20,1%. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng chuyên nghiệp quân sự, gần, gọn địa bàn. Đến nay, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự của bộ binh đạt 80-85%, của các đơn vị binh chủng đạt 65-70%. Phương tiện kỹ thuật trong nền kinh tế được đăng ký đạt 100% chỉ tiêu, được quản lý chặt chẽ, sẵn sàng  huy động khi cần thiết.

Công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự được thực hiện theo phương châm: “công khai, dân chủ, công bằng”. Bước đầu địa phương thực hiện làm “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đạt kết quả tích cực; vai trò của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, cơ quan quân sự địa phương và các ban ngành được phát huy. Đáng chú ý là, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nên đã có tới 50% số thanh niên đủ tiêu chuẩn nhập ngũ viết đơn tình nguyện. Bên cạnh đó, các địa phương còn thực hiện tốt công tác đón nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, có ý nghĩa giáo dục tốt đối với thanh niên và nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong xây dựng nền QPTD còn chưa tương xứng với tiềm năng của Bắc Ninh. Chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao, một số mục tiêu về phát triển văn hóa- xã hội đạt thấp. Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, việc đổi mới hình thức, phương pháp chưa mạnh mẽ. Tình hình an ninh, trật tự xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, một số vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp còn xảy ra; sự kết hợp kinh tế với QP-AN có nơi chưa chặt chẽ. Cấp ủy, chính quyền ở một số cơ sở còn lúng túng trong việc vận dụng cơ chế lãnh đạo, điều hành, hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng khi giải quyết vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, v.v.

Từ kết quả và những hạn chế nói trên, thời gian tới, Tỉnh chủ trương: tập trung khai thác và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT, làm nòng cốt để xây dựng nền QPTD vững mạnh. Đảng bộ Tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, và là một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vào năm 2020; tiếp tục đổi mới công tác giáo dục QP-AN, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền QPTD vững mạnh. Cùng với đó, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân ca quan họ và những lễ hội truyền thống tốt đẹp; đồng thời, xây dựng lối sống, tác phong, kỹ năng, thái độ lao động phù hợp với giai đoạn phát triển mới, góp phần làm cho Bắc Ninh phát triển toàn diện, hiện đại, mang bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Kinh Bắc văn hiến.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”, Tỉnh chủ trương đẩy mạnh cải tạo, củng cố, nâng cấp hệ thống công trình quốc phòng, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi chiến tranh xảy ra; thường xuyên thực hiện tốt việc quản lý, củng cố căn cứ chiến đấu, sở chỉ huy các cấp; thường xuyên bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch chiến đấu trong từng địa bàn, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc trong KVPT. Đồng thời, Tỉnh tập trung chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh; thực hiện “một tập trung, hai đột phá” với nội dung: tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; đột phá trong phối hợp, hiệp đồng, chỉ đạo, xử lý các tình huống và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật. Trước sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, các địa phương còn phải chú trọng tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến QP-AN. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp trong việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên... Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trật tự, trị an, LLVT trong Tỉnh còn phải sẵn sàng tham gia phòng, chống lụt bão, bảo vệ hệ thống đê sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình và tham gia giải quyết các tình huống cứu nạn, cứu hộ...

Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 18 và Đại hội XI của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và LLVT trong Tỉnh tiếp tục tuyên truyền và tổ chức tốt phong trào Thi đua quyết thắng. Qua đó, xây dựng niềm tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NGUYỄN CÔNG NGỌ

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)