QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:29 (GMT+7)
Bắc Ninh đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Kinh Bắc xưa - Bắc Ninh ngày nay là một vùng đất văn hiến, có truyền thống cách mạng và nền văn hóa giàu bản sắc. Bắc Ninh cũng là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi và thế mạnh về nguồn lực con người. Phát huy truyền thống và tiềm năng đó, bước sang thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn, nhằm xây dựng Tỉnh giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội, vững mạnh về quốc phòng-an ninh (QP-AN).

Với chủ trương xây dựng Tỉnh vững mạnh toàn diện, trong đó phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) là nhiệm vụ trung tâm, sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế của Bắc Ninh đã đạt được kết quả rất quan trọng. 5 năm trở lại đây, GDP tăng bình quân 14%/năm. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,1%/năm. Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề về KT-XH, nhất là về lao động, việc làm. Các khu công nghiệp hình thành và phát triển mạnh. Tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp tập trung với diện tích 2.571 ha, cấp giấy phép cho 157 dự án, trong đó có nhiều dự án lớn của nước ngoài với công nghệ hiện đại. Sản xuất nông nghiệp-thủy sản phát triển với nhịp độ khá. Cơ cấu kinh tế được đổi mới, chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. So với năm 2000, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 38% xuống còn 25,5%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng từ 35,7% lên 47,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 34,7%. Năng lực của các thành phần kinh tế được phát huy; kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình được coi trọng. Bộ mặt đô thị và nông thôn được đổi mới; dân chủ được mở rộng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân chuyển biến tích cực. Các chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, sáng tạo; chính sách hậu phương quân đội được quan tâm thực hiện tốt; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được triển khai sâu, rộng... Sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển nhanh về quy mô, chất lượng, đa dạng về loại hình. Năm 2002, Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hoạt động khoa học, công nghệ, môi trường có tiến bộ; hiện đang thực hiện 85 đề tài, dự án khoa học. Công tác tư tưởng, văn hóa có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, giáo dục; đã hướng mạnh về cơ sở.

Đáng chú ý là, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác QP-AN; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN. Vì vậy, tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ tỉnh được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng vững chắc, gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Sự kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN được thực hiện toàn diện trong các ngành, các cấp, các mặt hoạt động. Các dự án kinh tế đều được cơ quan quân sự thẩm định. Công tác giáo dục quốc phòng được chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ nên đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc. 5 năm qua, Tỉnh đã mở 38 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 3.391 cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đặc biệt, Tỉnh đã mở được 2 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo với tổng số 210 vị. Lực lượng vũ trang (LLVT) Tỉnh được chăm lo, xây dựng vững mạnh toàn diện; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và tham gia phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ... Công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự được thực hiện dân chủ, công khai.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng của Bắc Ninh. Nền kinh tế phát triển chưa toàn diện, kết quả chưa đồng đều, quy mô còn nhỏ. Hoạt động giáo dục- đào tạo, khoa học - công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH; chất lượng giáo dục còn hạn chế, công tác giáo dục chính trị, đạo đức chưa được chú ý đúng mức. Cải cách hành chính chuyển biến chậm; hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền chưa cao; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng cơ bản... còn hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 17, để phấn đấu hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn trong tình hình mới, ủy ban nhân dân Tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng mặt công tác, thực hiện phát triển toàn diện đi đôi với lựa chọn khâu đột phá. Trong đó, xác định: phát triển KT-XH là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, QP-AN là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên.
Trong phát triển KT-XH, Tỉnh tập trung khai thác triệt để các lợi thế so sánh, tiếp tục phát triển đồng bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phấn đấu sản xuất công nghiệp tăng bình quân 25%/ năm, tạo tiền đề để Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Chú trọng đổi mới cơ chế, vận dụng năng động chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, phấn đấu đến năm 2010 lấp đầy các khu công nghiệp tập trung đã triển khai.
Đổi mới, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao; vùng trồng lúa ở Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng hoa ở Từ Sơn... Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư bằng các chính sách, chương trình thiết thực, nhằm giúp đỡ các hộ nghèo, xã nghèo vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN; khuyến khích tư nhân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, dịch vụ theo đúng pháp luật. Chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng như: giao thông vận tải, bưu chính-viễn thông, điện, thủy lợi, các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Hình thành trung tâm thương mại lớn ở thành phố Bắc Ninh, các cụm thương mại, dịch vụ ở các thị trấn, thị tứ. Mặt khác, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, tăng thu ngân sách.
Không ngừng đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010, Bắc Ninh là tỉnh phát triển khá trong cả nước; năm 2020 là một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh tập trung đổi mới là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính và bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Quan tâm thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Tiếp tục xây dựng nền văn hóa mang đậm dấu ấn dân tộc; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân ca quan họ, lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử cách mạng.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối về QP-AN của Đảng, Tỉnh chủ trương: tận dụng mọi thành quả của công cuộc đổi mới để tăng cường QP-AN; thực hiện mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN. Sự nghiệp CNH, HĐH đang được đẩy mạnh là một trong những tiền đề cơ bản để xây dựng Tỉnh giàu, mạnh, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới trong công tác QP-AN; đòi hỏi các ngành, các cấp, nhất là cơ quan quân sự phải thực hiện tốt chức năng thẩm định, giám sát các dự án phát triển KT-XH, không để việc triển khai thực hiện các dự án đó ảnh hưởng đến thế trận QP-AN. Trong phát triển KT-XH phải chú trọng kết hợp và phát huy tính lưỡng dụng kinh tế-quốc phòng, nhất là trong các ngành như: giao thông vận tải, bưu chính-viễn thông, y tế... Sự kết hợp đó phải được thể hiện ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển; trong tổ chức sản xuất, xây dựng lực lượng... Quá trình thực hiện nhiệm vụ QP-AN, phải vận dụng sáng tạo cơ chế hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị: “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành theo pháp luật, các cơ quan ban, ngành làm tham mưu theo chức năng, cơ quan quân sự, công an làm trung tâm hiệp đồng...”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc địa phương cả trong thời bình và thời chiến. Trước hết là, thường xuyên giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên địa bàn. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, LLVT trong Tỉnh phải tích cực tham gia phòng, chống lụt bão, bảo vệ hệ thống đê sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình, cứu nạn, cứu hộ...
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, các cấp phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh. Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng cho cả 3 khối đối tượng: bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp và chức sắc, chức việc các tôn giáo; giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên và giáo dục quốc phòng cho toàn dân. Kết hợp nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ QP-AN, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng Tỉnh giàu, mạnh.
Thường xuyên quan tâm xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đối với cơ quan quân sự các cấp, phải tập trung xây dựng đủ về số lượng theo quy định, có chất lượng cao, nhất là chất lượng về chính trị, đủ năng lực làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Xây dựng bộ đội địa phương theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Xây dựng lực lượng dự bị động viên có chất lượng ngày càng cao; thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý cả con người và phương tiện, trang bị; xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp sát thực tế, bảo đảm tận dụng được kết quả của quá trình đổi mới, CNH, HĐH trên địa bàn. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao. Trước sự phát triển của kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, việc tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong loại hình doanh nghiệp này cần có tư duy, cách làm mới, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Cơ quan quân sự cần rà soát, nắm chắc số lượng, quy mô của từng doanh nghiệp; trên cơ sở đó đẩy mạnh việc tổ chức lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ.
Nguyễn Công Ngọ
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)