QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:05 (GMT+7)
Bắc Kạn xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng, là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh miền xuôi với hai tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn. Bắc Kạn được tái lập từ tháng 1 năm 1997, diện tích tự nhiên 4.857,2km2, dân số khoảng 29,2 vạn người với 7 dân tộc anh em. Nhân dân các dân tộc ở đây giàu lòng yêu nước, có truyền thống cách mạng kiên cường, một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ và đã lập nhiều chiến công trong các cuộc kháng chiến, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bắc Kạn cùng 6/8 huyện, thị có vinh dự lớn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và nhiều phần thưởng cao quý khác cho tập thể và cá nhân.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, Bắc Kạn vẫn là tỉnh nghèo. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Chúng triệt để lợi dụng khó khăn về KT-XH và trình độ dân trí còn hạn chế để lôi kéo quần chúng, chia rẽ tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc và chia rẽ nhân dân với Đảng, một số nơi còn truyền đạo trái pháp luật. Ngoài ra, hiện tượng di dịch cư tự do chưa chấm dứt, các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan tuy có giảm song vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Mặt khác, ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ.
Từ đặc điểm trên, Bắc Kạn chủ trương đẩy mạnh phát triển KT-XH đi đôi với củng cố quốc phòng-an ninh. Trong đó nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) ngày càng vững chắc được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngay từ năm đầu tái lập Tỉnh (1997), trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ VII đã xác định: "tiếp tục xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tỉnh Bắc Kạn thành KVPT vững chắc, nhằm ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và sẵn sàng đối phó có hiệu quả với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc địa phương". Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ VIII (năm 2001) lại tiếp tục khẳng định các quan điểm trên, đồng thời chỉ rõ tính cấp thiết phải xây dựng KVPT Tỉnh ngày càng vững chắc. Đây là một chủ trương chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Bắc Kạn quán triệt, nhất trí cao về nhận thức, quan điểm, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của Tỉnh trong thời kỳ mới.
Hằng năm, các quyết tâm, kế hoạch, phương án xây dựng KVPT đều được điều chỉnh, bổ sung ngày càng hoàn thiện. Tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập KVPT huyện và diễn tập hoạt động tác chiến trị an ở các xã, phường, thị trấn. Thông qua các cuộc diễn tập, từng bước hoàn chỉnh quyết tâm, kế hoạch và các phương án phù hợp với sự phát triển của địa phương. Đồng thời Tỉnh không ngừng nâng cao nhận thức về quốc phòng-an ninh cho toàn Đảng bộ, toàn dân và trình độ năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, khả năng quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò làm tham mưu của các cơ quan theo chức năng. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn, các huyện, thị, Tỉnh đều có quyết tâm A và các kế hoạch hoạt động tác chiến trị an cũng như các kế hoạch, phương án bảo đảm khác.
Vượt lên chính mình, Bắc Kạn đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo miền núi xây dựng KVPT từng bước đi vào chiều sâu, ngày càng vững chắc trên tất cả các lĩnh vực. Với những kết quả đã đạt được có thể rút ra mấy vấn đề sau.
Trước hết, xây dựng về chính trị tư tưởng là yếu tố quan trọng quyết định sự vững chắc của KVPT. Tỉnh luôn luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng thời giáo dục để mọi người thấy rõ âm mưu của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Từ đó nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng KVPT. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các lớp học của trường chính trị của Tỉnh, huyện, các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh để lồng ghép chương trình giáo dục chính trị. Đặc biệt, công tác giáo dục và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng được quan tâm đúng mức. Hội đồng giáo dục quốc phòng được thành lập từ Tỉnh đến các huyện, thị xã và đi vào hoạt động có nền nếp, tích cực mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, nâng cao ý thức quốc phòng cho cán bộ các cấp; nhiều đối tượng bảo đảm quân số học tập đạt gần 100%. Ngoài ra, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh mở năm lớp tạo nguồn cán bộ vùng sâu, vùng xa cho 179 em, mở ba lớp tiếng Mông cho 111 đồng chí; hằng năm tổ chức giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên, quân số trung bình đạt 90,2%.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII của Đảng, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Nhờ vậy đã nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng lên một bước mới.
Hệ thống chính quyền được củng cố, kiện toàn từ Tỉnh đến cơ sở. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng-an ninh ngày càng có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp có trình độ học vấn và trình độ lý luận chính trị đạt tỷ lệ ngày càng cao.
Mặt trận Tổ quốc Tỉnh và các đoàn thể quần chúng như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... thường xuyên được kiện toàn và hoạt động có nền nếp.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tinh thần của nhân dân trong xây dựng và hoạt động KVPT đã được các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức thường xuyên quan tâm, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tập trung phát triển KT-XH ở vùng đặc biệt khó khăn, chính sách đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, bố trí cán bộ địa phương người dân tộc trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, chủ trương định canh, định cư, tái định cư... ổn định đời sống nhân dân. Phát động và thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", xây dựng nhà tình thương, xóa nhà tranh dột nát. Tỉnh đã quyên góp hàng tỷ đồng để thực hiện các chính sách hậu phương quân đội.
Như vậy, xây dựng KVPT về chính trị, tư tưởng là xây dựng "thế trận lòng dân", được lãnh đạo, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và đồng bào các dân tộc hết sức đồng tình ủng hộ, đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì kết quả xây dựng về chính trị ở một số xã, phường còn hạn chế; cấp ủy, chính quyền chưa thực sự vững mạnh, một số ít cán bộ, đảng viên còn quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm đạo đức, lối sống và tác phong công tác... Công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân còn nhiều bất cập; đồng bào vùng sâu, vùng xa còn thiếu thông tin, thiếu sách, báo và phương tiện nghe nhìn.
Hai là, xây dựng về kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh, là nguồn cung cấp tiềm lực vật chất hậu cần cho KVPT. Đến nay kinh tế của Tỉnh đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 - 2005 là 12,30%, tỷ lệ đói nghèo còn 21,05% (theo tiêu chí cũ). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Trong đó nông, lâm nghiệp là thế mạnh của Tỉnh, chiếm 47,58%, công nghiệp chiếm 15,56%, thương mại, dịch vụ chiếm 36,86%.
Từ năm 1997 đến nay, Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp phát triển nông, lâm nghiệp, như đầu tư các công trình thủy lợi, ứng dụng cải tiến khoa học kỹ thuật, tổ chức dịch vụ nông, lâm nghiệp; trợ cước, trợ giá phân bón, giống cây trồng, hỗ trợ sức kéo cho các gia đình nghèo, tổ chức tập huấn cho cán bộ và nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Nhờ vậy nông, lâm nghiệp đã có bước phát triển, tốc độ tăng trường hằng năm đạt 5,25%. Về lâm nghiệp, thực hiện tốt chủ trương giao đất, giao rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với trồng mới hàng chục nghìn héc-ta tập trung, đã đưa độ che phủ lên 52,6%.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Tỉnh tiếp tục đổi mới công tác quản lý, sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung phát triển các nhà máy công nghiệp sản xuất dược liệu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, khai khoáng, lắp ráp ô tô, may mặc xuất khẩu... Tỉnh đã có quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thanh Bình, Xuất Hóa, Cẩm Giàng, Bắc thị xã Bắc Kạn, Nam thị trấn Bằng Lũng... đưa tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp hằng năm lên 14,32%.
Thương mại, dịch vụ có sự phát triển khá với hàng ngàn điểm bán hàng được phân bổ trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu phục vụ các mặt hàng chính sách cho đồng bào các dân tộc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội hằng năm đều tăng.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kết hợp với quá trình hoàn chỉnh thế trận của KVPT. Các công trình giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã và giao thông nông thôn được mở rộng, nâng cấp, nhiều cây cầu lớn được xây dựng như: Dương Quang, Huyền Tụng, Bắc Kạn 2, Thác Giềng, Hảo Nghĩa...; quốc lộ 3, quốc lộ 3B, quốc lộ 279 cùng với hệ thống tỉnh lộ gồm 7 tuyến đường với chiều dài hàng trăm ki-lô-mét được nâng cấp. Mạng lưới bưu chính-viễn thông được phát triển nhanh và rộng khắp, từ hệ thống bưu cục 3 cấp, trang bị nghèo nàn, lạc hậu, đến nay đã được số hóa đến các huyện, thị, đường truyền vi ba đến tất cả các huyện, thị. Điện lưới quốc gia đang vươn tới các thôn bản để phục vụ đồng bào các dân tộc.
Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tháng 12 năm 1998 tỉnh Bắc Kạn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Hiện nay toàn Tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện để tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Ba là, xây dựng thế trận phòng thủ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm và xây dựng từ cơ sở đến Tỉnh. Trong quy hoạch phát triển KT-XH hằng năm, 5 năm, 10 năm đều gắn với việc xây dựng thế trận phòng thủ. (Bao gồm các làng, xã chiến đấu, KVPT huyện, Tỉnh, các trận địa then chốt, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, mục tiêu quan trọng, các công trình phục vụ chiến đấu... đã được xác định và nằm trong quy hoạch). Tỉnh đã cùng Quân khu và Bộ Quốc phòng xác định các khu vực địa hình có giá trị cho quốc phòng, quân sự như: các hang động, các địa hình quan trọng, nhiều hang hầm được quy hoạch và quản lý theo quy định nhằm phục vụ nhu cầu thời chiến.
Tỉnh đã có quyết định giao cho các sở, ngành đầu tư xây dựng khu căn cứ hậu phương của Tỉnh gồm các hạng mục: cải tạo hang, đường cơ động, điện thắp sáng, thủy lợi, nước sạch và một số công trình phụ trợ khác, nhằm trước mắt phục vụ cho diễn tập KVPT Tỉnh và về lâu dài phục vụ khi đất nước có tình huống chiến tranh xâm lược.
Về xây dựng lực lượng, bộ đội thường trực của Tỉnh được biên chế tổ chức chặt chẽ và xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Lực lượng dân quân, tự vệ và dự bị động viên được tổ chức tinh gọn theo đúng pháp lệnh. Đến nay, tỷ lệ dân quân, tự vệ đạt 2,8% so với dân số, trong đó đảng viên đạt 10,1%, được biên chế thành các trung đội cơ động, tiểu đội chiến đấu tại chỗ, các khẩu đội hỏa lực, tổ, tiểu đội binh chủng... khi tình huống xảy ra có thể phát triển lực lượng lên từ 10 - 15% so với dân số. Lực lượng dự bị động viên được tổ chức sắp xếp đủ các đầu mối đơn vị của Tỉnh. Quân số đạt 100%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 68,5%, đảng viên chiếm 13,4%; các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu có khả năng huy động kịp thời để xử lý các tình huống khẩn cấp và sẵn sàng động viên thời chiến. Công tác tuyển quân hằng năm bảo đảm 100% chỉ tiêu trên giao. 100% xã, phường đều có thanh niên nhập ngũ, chất lượng ngày càng cao, nhiều chiến sĩ sau khi hết nghĩa vụ về địa phương được đào tạo nguồn trở thành cán bộ xã, phường, thôn, bản. Một số đồng chí được đào tạo thành sĩ quan dự bị và một số phát triển lâu dài trong quân đội. Công tác tuyển sinh quân sự được các cấp quan tâm. Hằng năm, Tỉnh cử tuyển vào các trường quân đội và trường Thiếu sinh quân theo chỉ tiêu cấp trên giao. Cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để sử dụng theo hướng lâu dài. Hiện nay 99,18% xã, phường đội trưởng là đảng viên, có 93,4% tham gia cấp ủy.
 
Đại tá Hứa Thanh Giang
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)