QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:48 (GMT+7)
Bắc Kạn phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự

Tỉnh Bắc Kạn thuộc địa bàn Quân khu 1, tái lập năm 1997; có địa hình phức tạp, nhiều dân tộc, tôn giáo; kinh tế, văn hóa, xã hội chậm phát triển; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc điểm đó tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, do có chủ trương đúng, giải pháp sát hợp; đặc biệt, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) Tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện, nên Bắc Kạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ QP,QS, được Quân khu đánh giá cao.

Trước hết, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND và UBND Tỉnh kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS địa phương. Trong nhiệm kỳ (5 năm) và hằng năm, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh đều sớm có nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ QP,QS; trong đó, đối với những mặt công tác trọng tâm, có nghị quyết chuyên đề và chỉ thị riêng, như Chỉ thị số 06 của Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV). Nhờ đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ QP,QS được tăng cường. Cùng với việc phát huy tốt vai trò tham mưu, cơ quan quân sự các cấp còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ, toàn diện, công tác QP,QS địa phương, trọng tâm là: xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Tỉnh đã coi trọng việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 152/NĐ-CP của Chính phủ về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới”; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng (nhất là quản lý đất quốc phòng); hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với quốc phòng-an ninh (QP-AN), như: công trình phòng thủ ST04 của Tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư quy hoạch vùng CT229/CP thuộc các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì; giúp UBND Tỉnh tổ chức và chỉ đạo các cấp diễn tập KVPT Tỉnh, huyện, diễn tập chiến đấu trị an xã (phường, thị trấn). Thông qua đó, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và củng cố QP-AN. Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã đề xuất với UBND Tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Nghiên cứu đặc điểm hoạt động tôn giáo và di, dịch cư tự do ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.“thế trận lòng dân” trên địa bàn Tỉnh ngày càng vững chắc hơn. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở, trực tiếp tìm hiểu, nắm tình hình hoạt động truyền đạo trái pháp luật, nguyên nhân, lý do di, dịch cư tự do của đồng bào các dân tộc. Trên cơ sở đó, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương những biện pháp ngăn chặn kịp thời và có giải pháp tổng thể (xây nhà tình nghĩa, mở đường giao thông, xây dựng trường học, xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm...) nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Nhờ có chủ trương đúng đắn và giải pháp thích hợp của cấp uỷ và chính quyền các địa phương,

Hai là, tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ QP,QS địa phương. Với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng giáo dục QP-AN, cơ quan quân sự các cấp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong công tác quan trọng này. Điều đó được thể hiện rõ trong việc giúp Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp kiện toàn tổ chức, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và triển khai thực hiện...; đồng thời, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị định, hướng dẫn về giáo dục QP-AN của cấp trên và cấp mình đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ và các cơ quan trong Tỉnh có liên quan, tiến hành rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp. Nhờ thực hiện tốt điều đó, 10 năm qua (2001-2010), Tỉnh đã tổ chức được 536 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, đạt 97,91% (trong đó, đối tượng 1 đạt 89,5%, đối tượng 2 đạt 96,55%, đối tượng 3 đạt 99,13%, đối tượng 4 đạt 97,20, đối tượng 5 đạt 98,11%) so với kế hoạch. Qua đó, đội ngũ cán bộ các cấp đã nhận thức sâu sắc quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng và được trang bị những kiến thức cơ bản về công tác QP,QS để vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ theo cương vị, chức trách được giao. Đối với công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường đưa công tác giáo dục QP-AN vào nền nếp. Ngoài ra, Tỉnh còn coi trọng triển khai thực hiện nghiêm túc các quyết định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội..., tích cực đổi mới phương pháp tổ chức, thực hiện tốt chương trình theo quy định. Thông qua đó, làm cho học sinh, sinh viên nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin vào Đảng, vào chế độ XHCN. Công tác giáo dục QP-AN cho toàn dân được triển khai tích cực, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đạt hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, cơ quan quân sự Tỉnh còn tham mưu trong việc tổ chức các tổ (đội) tăng cường xuống cơ sở để tuyên truyền trực tiếp và kết hợp với phương tiện thông tin đại chúng, như báo, đài... để tuyên truyền. Ngoài ra, Tỉnh còn coi trọng kết hợp và lồng ghép vào các hoạt động khác, nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của địa phương, dân tộc, các buổi hội, họp, lễ hội; đồng thời, phát huy vai trò của các tổ (đội) đi vào từng thôn, bản, từng nhà dân để tuyên truyền vận động; làm cho nhân dân nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ QP,QS, truyền thống cách mạng của địa phương, dân tộc. Công tác giáo dục QP-AN được thực hiện tốt đã trực tiếp góp phần thúc đẩy công tác QP,QS địa phương ngày càng hiệu quả hơn.

Ba là, tăng cường xây dựng KVPT vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ thực tiễn những khó khăn của Tỉnh, như cơ sở hạ tầng, KT-XH phát triển còn chậm, giao thông giữa các vùng còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, hệ thống thông tin, truyền hình, phát thanh còn hạn chế, cơ quan quân sự Tỉnh đã chủ động đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trước hết là phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, củng cố QP-AN. Đến nay, các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã được phát triển một bước; trong đó, hệ thống giao thông nông thôn phục vụ sản xuất và nhiều tuyến đường, nhất là tuyến đường từ thị xã Bắc Kạn đi các trung tâm kinh tế, chính trị, vào các hang động, khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần được mở rộng, nâng cấp. Hệ thống thông tin liên lạc được quan tâm đầu tư tập trung phát triển nhanh và rộng khắp; bảo đảm 2 mạng đến các điểm bưu điện văn hoá xã (Vinaphone, Viettel); ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm ít nhất 2 phương tiện thông tin (cáp quang, vô tuyến điện). Cơ quan quân sự tỉnh còn tham mưu cho UBND Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị của địa phương tích cực cải tạo địa hình, hang động làm căn cứ hậu cần, kỹ thuật; xây dựng vành đai an toàn xung quanh khu ATK; làm mới công sự, trận địa theo phương án, kế hoạch tác chiến, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc trong KVPT của Tỉnh. Thực hiện Quyết định 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan quân sự các cấp đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về QP-AN.

Bốn là, xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện, đủ sức làm nòng cốt trong hoạt động QP,QS; trong đó, xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh được xác định là khâu then chốt, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy và tham mưu của cơ quan là trọng tâm. Theo đó, Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tổ chức quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng đảng và cụ thể hoá thành chương trình hành động; triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bồi dưỡng đạo đức cách mạng, ý chí chiến đấu, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm để họ luôn vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, quan điểm của Đảng; chú trọng gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan quân sự vững mạnh toàn diện. Để cơ quan quân sự phát huy tốt vai trò nòng cốt, tham mưu đúng, trúng, giúp cấp uỷ và chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS địa phương đạt hiệu quả cao, Bắc Kạn đã và đang tập trung kiện toàn tổ chức cơ quan quân sự các cấp phù hợp với vị trí, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương; bồi dưỡng cán bộ quân sự có kiến thức, năng lực tổ chức và tham gia xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng KVPT. Cùng với đó, cơ quan quân sự các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp mình chăm lo xây dựng lực lượng DQTV, lực lượng DBĐV vững mạnh; đồng thời, làm tốt công tác gọi thanh niên nhập ngũ, chuẩn bị động viên thời chiến, công tác tuyển chọn thiếu sinh quân...

Từ thực tiễn thực hiện công tác QP,QS địa phương những năm qua, có thể khẳng định, cơ quan quân sự các cấp ở Bắc Kạn đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS. Đó cũng là một trong những cơ sở để Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự Tỉnh Bắc Kạn lần thứ 4, nhiệm kỳ 2010-2015, xác định phương hướng xây dựng cơ quan quân sự tập trung vào 2 khâu đột phá: “Một là, tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương; hai là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và đổi mới phương pháp, tác phong công tác”.

Đại tá TRIỆU VĂN NGÔ

Chỉ huy Trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)