QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 00:09 (GMT+7)
Bác Hồ với chiến dịch Điện Biên Phủ

Dành cả cuộc đời tham gia đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế  giới –chỉ nhằm một mục đích duy nhất: giành tự do cho dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam; đồng thời góp phần vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi chế độ bóc lột dã man của chủ nghĩa tư bản. Chính vì vậy, hình ảnh Hồ Chí Minh ra trận trong các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã thấm sâu vào tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đặc biệt, Người đã trở thành biểu tượng chiến thắng của các dân tộc thuộc địa trước chủ nghĩa thực dân, đế quốc qua chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân loại mỗi khi nhắc đến Việt Nam đều trân trọng : Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ như một khối thống nhất, bền chặt của tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do. Bài viết này đề cập đến vai trò lãnh tụ tối cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Bác Hồ cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hoạch định  kế hoạch tác chiến trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954. Trung tuần tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta họp thông qua phương án tác chiến chiến cục Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân uỷ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày. Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị hai phương án. Phương án thứ nhất: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp vùng tự do của ta, thì ta cần tập trung toàn bộ hay phần lớn chủ lực ta ở đồng bằng, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận quân địch, phối hợp đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do trong một thời gian. Sau khi địch bị tổn thất đến mức độ nhất định, vùng tự do của ta được củng cố, lúc đó ta sẽ tuỳ tình hình để chủ lực hoạt động ở vùng đồng bằng hoặc điều động đi hướng khác. Phương án hai: địch tập trung số lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, chiến trường đồng bằng lại có nhiều thuận lợi cho địch, ít thuận lợi cho chủ lực ta tác chiến; sử dụng chủ lực ở đó chỉ có thể thu được những thắng lợi có hạn, mà lại có thể bị tiêu hao lực lượng. Vì vậy, ta nên điều động chủ lực đánh ở những hướng khác, ở những hướng địch tương đối sơ hở, tiêu diệt sinh lực địch trong những điều kiện thuận lợi, buộc địch phải phân tán đối phó; cùng với đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích khắp các chiến trường sau lưng địch trên cả nước. Nếu địch đánh ra vùng tự do thì lực lượng chúng càng bị phân tán, chủ lực ta thu được thắng lợi ở hướng địch sơ hở thì tự khắc chúng phải rút khỏi vùng tự do của ta.
Quyết tâm của Tổng Quân uỷ là chọn phương án thứ hai, với chủ trương: chưa nên đánh vào đồng bằng ngay mà phải phá tan âm mưu tập trung binh lực của địch để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn. Ta sẽ đưa một bộ phận chủ lực lên hoạt động ở Tây Bắc và đề nghị các đồng chí Pha-thét Lào cùng phối hợp với bộ đội ta hoạt động tại những chiến trường địch sơ hở để buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Trong khi đó, ta sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích tại tất cả chiến trường sau lưng địch, đặc biệt tại đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, giấu một số đơn vị chủ lực mạnh tại những vị trí cơ động để kịp thời tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do. Lúc này, do ta còn phải tiếp tục nghiên cứu để nắm được những điều cụ thể trong âm mưu mới của địch nên phương châm chỉ đạo tác chiến là cơ động, linh hoạt. Nghe xong phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân uỷ, Bác Hồ nhắc lại tinh thần Nghị quyết đầu năm của Trung ương Đảng: Phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, vì vậy, ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Chỉ được đánh thắng, không được đánh không thắng. Rồi Người giơ bàn tay phải lên, nắm lại, xoè ra nhiều lần, vừa nói: Bàn tay nắm lại thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra dễ bị gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra năm bảy mà tiêu diệt dần, đặng làm cho chúng thất bại hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc hội nghị bằng một ý kiến vắn, đại ý:  Tổng Quân uỷ phải có một kế họach lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bắng Bắc Bộ. Cần đề phòng địch đánh ra vùng tự do ở những nơi đang tiến hành cải cách ruộng đất. Về hướng hoạt động, lấy tây bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính  hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi, "phép dùng binh là phải thiên biến, vạn hoá". Sau đó, Bác căn dặn các đồng chí trong Tổng Quân uỷ, công tác lãnh đạo trước mắt phải làm cho bộ đội ai nấy thông suốt phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” để có thể hoàn thành nhiệm vụ ở bất kỳ nơi đâu.
           
Bác Hồ chủ toạ cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định tình hình chiến sự Đông Xuân 1953-1954 đã thống nhất, sau nhiều chiến dịch tổ chức thắng lợi, ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động và đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Như vậy, ta đã từ “tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” trước đây, đã tiến tới chọn chỗ mạnh nhất của địch là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Đây là một quyết định táo bạo mà sáng suốt, hoàn toàn phù hợp với phép biện chứng của sự phát triển của chiến tranh, với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” đã được đề ra từ trước. Trên cương vị thống soái tối cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được"1. Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng nó có cái yếu cơ bản là bị cô lập. Nó rất xa hậu phương của địch, mọi tiếp tế, vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương lớn. Để tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, khó khăn lớn nhất của ta vẫn là vấn đề cung cấp. Nhưng quân dân ta có nhiều khả năng khắc phục khó khăn hơn kẻ địch. Đó là hậu phương của ta đang chuyển mình trong cuộc cải cách ruộng đất. Hơn nữa, quân đội ta cũng đã trưởng thành sau các chiến dịch Biên Giới, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, có tiến bộ trong tác chiến, trang bị kỹ thuật, nhất là với ý chí “quyết chiến, quyết thắng” có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Để đảm bảo công tác chuẩn bị và chỉ huy chiến dịch, Bác Hồ  và Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng uỷ Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó Thủ  tướng Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh được cử vào  Thanh Hoá là vùng tự do đông dân, nhiều gạo, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thì về chiến trường quen thuộc là đồng bằng Liên khu 3 trực tiếp phổ biến nhiệm vụ, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra trận, Bác Hồ dặn đi dặn lại Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư  Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ: “Tổng Tư lệnh Mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định"2. Chính nhờ sự tin tưởng cao độ của lãnh tụ tối cao đối với mình mà Đại tướng Tổng Tư lệnh đã có một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời làm tướng của mình. Ông kể: “Quyết định khó khăn nhất khi hầu hết Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị, Chủ nhiệm hậu cần, các cán bộ cao trung những đại đoàn tham gia chiến đấu, nhiều cán bộ trung đoàn, liên đoàn đều thấy nên đánh nhanh, giải quyết nhanh. Các chuyên gia đều nhất trí cần đánh sớm, có khả năng giành chiến thắng bằng đánh nhanh, thắng nhanh”3.Trong những giờ phút khó khăn ấy, Đại tướng đã lấy lời căn dặn của Bác làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Ông đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”. Và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn cuả quyết định trên. Qua đây, chúng ta có được bài học sâu sắc trong việc chọn người giao trọng trách trong công tác sử dụng cán bộ và niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ tối cao đối với những cán bộ đã được ủy thác trọng trách.
Bác Hồ chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc của một Chủ tịch nước, nhưng do tính chất tối quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ nên Bác Hồ dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Ngay sau ngày mở chiến dịch, Bác Hồ đã gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu Đông năm nay các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng  gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh:
Quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi"4.
Nhân lễ kỷ niệm 9 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" để làm cờ thưởng luân lưu”. Chiều ngày 14-3-1954, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận trân trọng đăng thư Bác Hồ gửi cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Điện Biên Phủ. Trong thư, Người chỉ rõ nhiệm vụ trong chiến dịch này là “rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang", và tin tưởng rằng, cán bộ và chiến sĩ ta sẽ “phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”. Ngày 15-3-1954, giữa những trận đánh căng thẳng, ác liệt của đợt 1 chiến dịch, Bác Hồ và Trung ương Đảng gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận. Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điện Biên Phủ; nêu ý nghĩa lịch sử của chiến dịch cả về chính trị và quân sự và nhắc nhở quân và dân ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành thắng lợi trong chiến dịch này. Ngoài thư, điện gửi bộ đội, dân công, Bác Hồ còn viết nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, khẳng định thắng lợi tất yếu của chiến dịch Điện Biên Phủ và của cả cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
           
Nhân kỷ niệm 106 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, hình ảnh Người trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho chúng ta thấy, Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng quân sự vĩ đại, lãnh tụ tối cao nhưng không hề xa lạ với nhân dân. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Người nêu cao tác phong sâu sát, tỷ mỷ, luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ. Và đặc biệt, Bác theo dõi sát thực tiễn, lấy đó làm thước đo kiểm nghiệm cho những quyết sách. Phẩm chất cao quý đó của Người được biểu lộ qua thực tế chiến dịch Điện Biên Phủ - thời điểm đọ sức quyết liệt nhất giữa hai khối lực lượng lớn giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Nguyễn Khánh Phúc
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
 
1- Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, H.1987, tr 194.
2- Võ Nguyên Giáp - Quyết định khó khăn nhất. Xem: “Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi", Ban Khoa học Thành ủy Hồ Chí Minh, 1994, tr 494.
3- Võ Nguyên Giáp, Sdd, tr 494.
4- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H.1996. tr 526.
 

Ý kiến bạn đọc (0)