QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:05 (GMT+7)
Bác Hồ về nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

Ngày 28 tháng 1 năm 1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), nơi tổ chức lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước. Về đến cột mốc 108 trên biên giới Việt Trung, thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu, xúc động... sau 30 năm bôn ba khắp thế giới tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc.

Từ những nhận định mới, sáng suốt về tình hình thế giới và khu vực, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Là một chiến sĩ cách mạng vô sản có kinh nghiệm hoạt động quốc tế lâu năm, luôn luôn theo dõi sát tình hình, Nguyễn Ái Quốc có những nhận định quan trọng, sáng suốt về tình hình thế giới và khu vực cũng như đề ra những quyết sách cho cách mạng Việt Nam trong bối cảnh khi chiến tranh thế giới lần thứ hai đang lan rộng, rằng cuộc chiến tranh này gây ra nhiều tai họa cho nhân loại nhưng nó sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN, do đó mà cách mạng nhiều nước sẽ thành công. Người đánh giá, khi các kẻ thù của dân tộc lao vào cuộc chiến tranh thế giới, tranh giành thuộc địa, xâu xé lẫn nhau thì lực lượng, sức mạnh của chúng ở nước ta tất nhiên sẽ bị suy yếu và đó là cơ hội quý báu cho công cuộc giải phóng của nhân dân Việt Nam. Nhưng để nắm chắc được tình hình và tận dụng được thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, ngoài việc chuẩn bị lực lượng cách mạng, thì điều quan trọng trước hết là phải có tầm nhìn chiến lược, mọi hoạt động thực hiện đường lối chính trị phải đứng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trong từng giai đoạn cụ thể... Vì thế , một trong những mối quan tâm tiên quyết của Người là mở những lớp bồi dưỡng chính trị cấp tốc cho nhiều cán bộ cách mạng nhằm truyền đạt, bồi dưỡng cho họ phương pháp xem xét, nhận định tình hình quốc tế, đồng thời qua đó truyền cho họ niềm tin vững chắc vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam nói riêng, thắng lợi của cách mạng các nước thuộc địa và cách mạng thế giới nói chung. Những nhận thức này đã giúp cho đội ngũ cán bộ cách mạng nước ta nhanh nhạy nắm thời cơ để hoạt động, tránh “căn bệnh”: biệt lập, cô lập – mà Nguyễn Ái Quốc nói đến, từ trước đó 20 năm.
Nguyễn Ái Quốc đã đặt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh của toàn nhân loại chống chủ nghĩa phát xít. Người tìm cách đặt mối liên hệ với Đồng minh cho cách mạng Việt Nam để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam gắn chặt, hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại. Người cũng là đầu mối trực tiếp trong nhiều mối quan hệ với các nước Đồng minh để cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự giúp đỡ trực tiếp bằng cả vật chất, tinh thần cho cuộc kháng Nhật, cứu nước, nhưng điều quan trọng hơn là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này. Hồ Chí Minh đã xác lập được những mối quan hệ với các cơ quan quân sự, với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, Côn Minh... Qua đó, các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc và sự huấn luyện của một số chuyên gia quân sự Đồng minh. Đúng như Người khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập về mối quan hệ giữa cách mạng trong nước và quốc tế: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”1.
Đến “Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy". Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Hội nghị đã xác định, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Việt Nam: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận,  giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"2.
Ngày 19-5- 1941, giữa núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi, lửa nóng. Với một quyết tâm “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng, tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Các tầng lớp quần chúng đông đảo được tập hợp trong những tổ chức Hội cứu quốc như Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hóa cứu quốc... Tất cả đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh nên đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển rộng rãi. Sự phát triển của những tổ chức cứu quốc lan rộng trên khắp các địa bàn nông thôn, thành thị, miền núi, từ Bắc vào Nam đã làm thành một Phong trào Việt Minh sôi nổi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
           
Các Hội cứu quốc hoạt động dưới sự lãnh đạo của các Tổng bộ Việt Minh. Thông qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng. Đảng gắn bó chặt chẽ với nhân dân  thông qua Mặt trận Việt Minh với những Hội cứu quốc đông đảo và rộng khắp. Do đó, dù số lượng cán bộ, đảng viên trong những năm đó còn ít, nhưng có thể nói đó là những chiến sĩ ưu tú nhất của dân tộc, đầy nhiệt huyết cách mạng, khát vọng tự do vô bờ, gắn bó với quần chúng nên Đảng đã lãnh đạo được phong trào cách mạng phát triển khắp mọi miền Tổ quốc. Mặt trận Việt Minh chính là sợi dây nối liền mối quan hệ máu thịt Dân - Đảng, Đảng – Dân, để ý Đảng thấm đến lòng dân, tạo ra khả năng cho Đảng có thể phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân trên địa bàn cả nước. Thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những phong trào cách mạng. Đây là yếu tố quan trọng để Đảng có thể lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng do nhân dân tiến hành để giải phóng dân tộc mình. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn của Đảng quện chặt với tư tưởng cách mạng khoa học, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây cũng là bài học thành công của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác Mặt trận và về chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của cách mạng Việt Nam.
Và con đường tiến lên giải phóng dân tộc của Việt Nam là con đường bạo lực cách mạng vô sản. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã dự báo: để cách mạng thắng lợi, “sẽ có một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương”, “Cuộc khởi nghĩa đó có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải là một cuộc nổi loạn”3. Từ năm 1927, ở Mát-xcơ-va, Người đã giảng chuyên đề “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân" tại Trường Quân sự của những người cộng sản Đức. Đây là tài liệu đầu tiên của Người về quân sự, cũng là cơ sở để sau này Người viết những tác phẩm quân sự quan trọng khác như Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Tàu, Kinh nghiệm du kích Nga... và những tài liệu huấn luyện quân sự cho cán bộ, chiến sĩ du kích của ta.
Việc cần phải “Tổ chức ra quân đội công nông” để "đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến” cũng đã được khẳng định từ Chính cương vắn tắt do Người soạn thảo và đã được Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thông qua. Tư tưởng này phát triển dần, nhưng phải đến khi Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì những tư tưởng của Người về vũ trang khởi nghĩa dần dần tỏ rõ sự đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với những bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Trước đó, những năm 1930-1940, trong phong trào đấu tranh cách mạng đã xuất hiện những hình thức đấu tranh vũ trang của quần chúng, những đội xích vệ, du kích... Nhưng tình thế cách mạng lúc đó chưa cho phép những tổ chức vũ trang cách mạng thống nhất về cơ cấu, tổ chức và những cuộc đấu tranh vũ trang đều bị kẻ thù đàn áp. Cho đến Hội nghị Trung ương lần thứ tám, vấn đề khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân được đặt ra một cách trực tiếp: "... Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”4. Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) là hiện thực hóa tư tưởng vũ trang khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân của Nguyễn ái Quốc.
 Độc lập, tự do của dân tộc không thể cầu xin mà có, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghiã thực dân, đế quốc, cần phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Quan điểm đó xuyên  suốt trong cả quá trình Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ tám chính là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vũ trang khởi nghĩa ở Việt Nam. Đó là cuộc khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc do toàn thể nhân dân tiến hành. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám-1945 là sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, giữa phát triển phong trào quần chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng chính trị nhạy bén, chớp thời cơ phát động toàn dân đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
           
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến việc mở rộng cánh cửa để cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, để cuộc đấu tranh của nhân dân ta là một bộ phận của cuộc đấu tranh của nhân loại vì hòa bình, tiến bộ và giá trị nhân văn. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa thế giới, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Việt Nam, chúng ta có dịp học tập một cách sâu sắc, toàn diện tư tưởng của Người. Đặc biệt, trong việc vận dụng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc  kiên trì lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phát huy nội lực, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, mà Người đã vạch ra, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
 
ThS Ngô Vương Anh
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
 
1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, Tập 4, tr. 3.
2- Đảng Cộng sản Việt Nam- Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, Tập 7, tr. 113.
3- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, Tập 1, tr. 468, 469.
4- Đảng Cộng sản Việt Nam- Văn kiện Đảng, Toàn tập, Sđd, tr. 131.
 

Ý kiến bạn đọc (0)