Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:13 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quảng Trị là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước; có đường biên giới dài 206 km, tiếp giáp với tỉnh Sa-va-na-khet của nước bạn Lào; có bờ biển dài 75 km, với một ngư trường rộng trên 8.400 km2. Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh hết sức coi trọng công tác quốc phòng-an ninh; trong đó, yêu cầu giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh là một trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương; trực tiếp và thường xuyên là lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tỉnh.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Quảng Trị luôn luôn quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; nắm vững đặc điểm, thuận lợi, khó khăn, nhiệm vụ và những yêu cầu của công tác biên phòng trong tình hình mới; trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước Bạn; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Trên cơ sở nắm vững quan điểm “phát huy sức mạnh tổng hợp” và phương châm bảo đảm “trong ấm, ngoài êm” – thượng sách để giữ nước mà ông cha ta đã đúc rút từ thực tiễn lịch sử hàng nghìn năm - cùng với việc triển khai toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng BĐBP Tỉnh vững mạnh, Đảng uỷ, chỉ huy BĐBP Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị và đồn biên phòng, hướng vào 3 trọng tâm công tác:
Trọng tâm thứ nhất: Thực hiện Đề án xây dựng “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn (bản) khu vực biên giới”.
Xuất phát từ thực tế, việc quản lý hơn 200 km đường biên, cột mốc, 1 cửa khẩu quốc tế (Lao Bảo, 1 cửa khẩu chính La Lay) và bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới ở Quảng Trị (trong đó có tới 59 km dọc theo sông Sê-pôn, còn lại phần lớn qua núi cao, rừng sâu) là vô cùng khó khăn; riêng lực lượng Biên phòng khó có thể gánh vác nổi. Chỉ có dựa vào quần chúng; trực tiếp là từng hộ dân, mới có thể thực hiện được điều này. Hơn nữa, việc triển khai xây dựng phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc ở Quảng Trị cũng có cơ sở khách quan để thực hiện. Bởi lẽ, hiện nay Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương giao đất, giao rừng ổn định cho nhân dân; vấn đề quan trọng là phải làm cho nhân dân không chỉ gắn bó với mảnh đất vì mục đích canh tác, mà còn có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với chủ quyền quốc gia.
Từ sự phân tích như vậy, Đảng uỷ, chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã đề xuất với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh triển khai Đề án xây dựng “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn (bản) khu vực biên giới” theo tinh thần Chỉ thị 34/CT-BTL của Bộ Tư lệnh BĐBP. Đề án tập trung vào việc tổ chức, chỉ đạo các thôn, bản có ranh giới trùng với đường biên giới quốc gia phải kết hợp tốt việc giao đất, giao rừng cho các hộ dân với giao nhiệm vụ tự quản đường biên, cột mốc. Thực hiện Đề án, các đồn biên phòng đã chủ động làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền từ xã đến huyện tổ chức giao đất, giao rừng, kết hợp giao nhiệm vụ tự quản đường biên, cột mốc cho các hộ dân đang lao động sản xuất sát biên giới. Các đội công tác cơ sở đẩy mạnh công tác vận động quần chúng (VĐQC), tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Nghị định 34/CP của Chính phủ về Quy chế Biên giới trên đất liền, Luật Biên giới quốc gia và các hiệp định, hiệp nghị giữa hai nước; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng Quy chế, Cam kết của từng thôn, bản và tổ chức cho từng gia đình, từng hộ dân tự viết Cam kết tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản.
Sau gần 3 năm triển khai Đề án, đến nay, phong trào tự quản đường biên, cột mốc của quần chúng ở Quảng Trị đã dần trở thành nền nếp. Các hộ dân biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất trên mảnh đất được giao; luôn thể hiện rõ trách nhiệm trong chấp hành Quy chế khu vực biên giới; kịp thời phát hiện và báo cáo với chính quyền nhiều trường hợp vi phạm quy định về cư trú, ra, vào, hoạt động trong khu vực biên giới và những thay đổi của đường biên, hệ thống biển báo; tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm quy định. Hiện nay, 100% các thôn, bản, hộ dân trên toàn tuyến biên giới ở Quảng Trị đều cam kết không tham gia các hoạt động vượt biên, tổ chức đưa, đón người vượt biên; không tham gia vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý, hàng quốc cấm; các tệ nạn xã hội trên vùng biên giới từng bước được đẩy lùi...
Trọng tâm thứ hai: Tổ chức kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới.
Chủ trương này xuất phát từ việc phân tích sâu sắc mối quan hệ bền chặt, lâu đời giữa hai dân tộc Việt-Lào; giữa các tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân hai tỉnh Quảng Trị - Sa-va-na-khet đã được thử thách trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược; đồng thời, phù hợp với nguyện vọng của bà con nhân dân hai bên biên giới. Có thể nói rằng, từ xưa đến nay, biên giới Việt – Lào là ranh giới quốc gia, nhưng không có ý nghĩa là ranh giới về tinh thần, tình cảm giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước. Đó là điều đáng trân trọng, cần gìn giữ, phát huy trong điều kiện mới. Càng phấn đấu vì điều đó, càng phải đề cao trách nhiệm của cả đôi bên trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; không để những vi phạm Quy chế vùng biên giới đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến quan hệ láng giềng và kẻ thù có cớ lợi dụng chống phá. Kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới là một hình thức phù hợp với điều đó. Hơn nữa, thông qua kết nghĩa, chúng ta có điều kiện để thực hiện phương châm: “Giúp bạn là tự giúp mình”. Trong các giai đoạn cách mạng trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta cần có sự đồng tình, ủng hộ từ phía Bạn; ngược lại, về phía Bạn, cũng rất cần ta giúp đỡ.
Sau khi được Tỉnh đồng ý, thông qua công tác đối ngoại biên giới, lãnh đạo, chỉ huy Biên phòng Tỉnh đã bàn bạc với lãnh đạo, chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Sa-va-na-khet tiến hành làm thí điểm ở một số bản đối diện hai bên biên giới (huyện Hướng Hóa và huyện Sê-pôn), sau đó sẽ triển khai đại trà. Trước tiên là soạn Quy chế chung; hai bên cùng đưa Quy chế, tham khảo ý kiến già làng, thống nhất trong đội ngũ cán bộ thôn (bản); xây dựng Cam kết của từng hộ thực hiện Quy chế chung. Sau đó, phối hợp tổ chức “Lễ Kết nghĩa bản - bản” trang trọng, có đủ đại diện của cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể địa phương và nhân dân hai bên tham gia. Sau khi đã kết nghĩa và có Quy chế chung, Ban chỉ đạo của mỗi bên, trực tiếp là trưởng thôn (bản) có trách nhiệm đôn đốc, duy trì việc thực hiện Cam kết ở thôn (bản) mình; định kỳ mỗi tháng 1 lần, luân phiên gặp gỡ, trao đổi tình hình và cùng nhau xử lý những việc có liên quan đến nhân dân hai bên; những việc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo lên trên, đồn biên phòng hoặc công an biên giới giải quyết...
Mô hình kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới ở Quảng Trị tuy mới triển khai bước đầu, nhưng đã phát huy tác dụng. Thông qua kết nghĩa, nhân dân các bản đối diện đã học hỏi, giúp đỡ nhau khá nhiều về các mô hình phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống. Nhân các ngày lễ, hội của địa phương hai bên, nhân dân đã cùng nhau tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, làm cho bản sắc văn hóa từng vùng có điều kiện tiếp thu lẫn nhau và phát triển. Cũng thông qua kết nghĩa, các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm Quy chế đường biên, tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể; nhiều nơi đã chấm dứt việc đi lại không đúng quy định. Đặc biệt, nhờ kết nghĩa, nhân dân các bản đã tham gia làm tốt công tác đối ngoại nhân dân; giữ gìn và phát huy một cách tích cực các mối quan hệ thân tộc, họ hàng, không những không làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, mà còn góp phần củng cố, thắt chặt thêm tình đoàn kết thủy chung giữa hai dân tộc Việt–Lào... Từ mô hình này, hiện nay, Tỉnh đang rút kinh nghiệm và nhân rộng; phấn đấu đến quý II/2008 sẽ tổ chức xong kết nghĩa đối với 24 bản phía ta; sau khi xong ở tuyến biên giới, sẽ tiếp tục tổ chức kết nghĩa với các bản sâu trong nội địa. Chúng tôi cho rằng, mô hình kết nghĩa bản - bản nếu được nhân rộng, có thể góp phần xử lý được nhiều vấn đề hệ trọng, tạo nền móng cho quan hệ bang giao giữa hai nước, hai dân tộc phát triển.
Trọng tâm thứ ba: Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở các địa phương vùng núi, biên giới vững mạnh.
Chúng tôi cho rằng, đây là mấu chốt để xây dựng nền biên phòng toàn dân ở Quảng Trị thực sự vững mạnh. Bởi lẽ, sự vững mạnh của hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền ở cơ sở luôn luôn là chỗ dựa để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực hoạt động nói chung và trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự biên giới nói riêng.
Từ nhận thức như vậy, trong nhiều năm qua, cùng với việc phát huy tốt chức năng của “đội quân công tác”, tham gia công tác VĐQC, giúp nhân dân các thôn (bản) vùng sâu, vùng núi cao, biên giới thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, đẩy mạnh các phong trào quần chúng ở địa bàn, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác VĐQC và tăng cường về cơ sở, giúp các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Có một thực tế ở các xã biên giới của Quảng Trị là, một số cán bộ do trên điều động, tăng cường về, do nhiều lý do, khó phát huy tác dụng. Để khắc phục tình trạng này, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh đã đề xuất với Tỉnh ủy phương án cử cán bộ Biên phòng (được chọn trong số những đồng chí làm công tác VĐQC lâu năm, có nhiều kinh nghiệm) về tham gia vào cấp ủy địa phương, trực tiếp giúp địa phương trên các mặt hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước đưa hoạt động của hệ thống chính trị vào nền nếp, hiệu quả (số cán bộ này tham gia vào cấp ủy, nhưng lương vẫn do quân đội trả). Sau khi được Ban Tổ chức Tỉnh ủy chấp nhận, các cán bộ tăng cường cho các xã trên được tổ chức tập huấn thêm những kiến thức về phát triển kinh tế miền núi, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng... và được Ban Tổ chức Tỉnh ủy trực tiếp điều động qua huyện về đến xã.
Sau gần 1 năm triển khai mô hình này, số cán bộ tăng cường cho các xã biên giới của lực lượng Biên phòng đã khẳng định rất tốt vai trò của mình. Với ưu điểm vốn là cán bộ của các tổ công tác VĐQC, từng bám dân, bám địa bàn, biết tiếng dân tộc thiểu số, hiểu phong tục, tập quán của đồng bào; lại có quan hệ tốt từ trước với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương,... nên 100% các đồng chí khi được tăng cường về các xã đã được tín nhiệm bầu vào cấp ủy, đảm đương cương vị Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã; nhiều đồng chí còn được phân công kiêm nhiệm chức danh Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng ủy. Trên cương vị được phân công, thời gian qua, hầu hết các đồng chí này đã giúp các xã đưa hoạt động của Đảng ủy, các chi bộ thôn (bản) vào nền nếp, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; các chế độ trực Đảng, trực Chính quyền được duy trì đều đặn; các chế độ báo cáo của các tổ chức được thực hiện thường xuyên; các tổ chức chính trị-xã hội hoạt động ngày càng tích cực;...
Do lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật là 3 trọng tâm công tác trên, những năm gần đây, BĐBP Quảng Trị đã góp phần tích cực xây dựng Tỉnh vững mạnh, đạt nhiều thành tựu vững chắc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với nước Bạn. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Quảng Trị trở thành một đầu mối quan trọng của hành lang kinh tế Đông-Tây; nhiệm vụ của BĐBP Quảng Trị càng trở nên nặng nề. Cùng với các mặt hoạt động khác, những trọng tâm công tác trên sẽ tiếp tục được lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Quảng Trị thực hiện tốt, tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Đại tá NGÔ XUÂN HOÀN
Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tỉnh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011