QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:21 (GMT+7)
APEC Việt Nam 2006 và vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tại Hà Nội, thủ đô nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC ( từ 12 đến 19-11) kết thúc tốt đẹp năm APEC Việt Nam 2006. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta năm 2006, sự kiện có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống kinh tế - chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2006 đã khép lại nhưng dư âm của nó từ Hà Nội vẫn đang lan toả mạnh mẽ khắp toàn cầu.

Trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2006 đã diễn ra rất nhiều hoạt động  phong phú, trọng tâm là hàng loạt hội nghị, diễn đàn: Hội nghị quan chức cấp cao kỳ tổng kết (CSOM), Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 18 (AMM-18), Kỳ họp của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Diễn đàn đầu tư APEC 2006, Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam, Hội nghị cấp cao các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (CEO Summit)… với sự tham gia của hàng nghìn đại biểu, thảo luận sâu sắc các vấn đề nổi lên của khu vực và thế giới. Đó là hợp tác kinh tế, đầu tư; xây dựng môi trường kinh doanh giữa các nền kinh tế; cơ hội và thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển; thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực; tương lai của APEC và châu Á - Thái Bình Dương…
Sự kiện quan trọng nhất và là đỉnh cao của Tuần lễ cấp cao APEC là Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 14 diễn ra trong hai ngày 18 và 19-11.   Hội nghị đã đưa ra những kết luận cuối cùng, tổng kết kết quả hoạt động của cả năm APEC 2006. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã tập trung thảo luận chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng” do Việt Nam đề xuất với hai nội dung chính: Đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong một thế giới đang thay đổi và Những nhân tố cơ bản bảo đảm tính năng động, sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong APEC. Các nhà lãnh đạo đã thông qua khuyến nghị cải cách APEC với nhiều biện pháp cụ thể nhằm làm cho APEC ngày càng có sức sống mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 18 và Tuyên bố của các Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức trong năm 2006 tại Việt Nam, gồm Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, Hội nghị Bộ trưởng về cúm gia cầm, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch.  
Các nhà lãnh đạo APEC còn ra tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Đô-ha về tự do hoá thương mại gồm 5 điểm, mở đầu bằng lời chúc mừng của tất cả các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trước việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Tuyên bố khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ và đặc biệt nhấn mạnh một số biện pháp thiết thực  nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay, kêu gọi nhanh chóng nối lại đàm phán để có thể đi đến kết thúc giúp tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nghèo đói. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã phê chuẩn Kế hoạch Hành động Hà Nội với những bước đi và mốc thời gian cụ thể nhằm thực hiện lộ trình Bu-san được vạch ra năm 2005 với mục tiêu thúc đẩy hệ thống thương mại đa biên, hướng tới xây dựng APEC thành một cộng đồng tự do về đầu tư và thương mại vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định Kế hoạch hành động Hà Nội là cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại của APEC trong 15 năm tới, góp phần tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, khẳng định lại cam kết của APEC thúc đẩy phát triển bền vững vì phồn vinh của khu vực và bảo đảm an ninh của các dân tộc, xây dựng các xã hội vững mạnh hơn và một cộng đồng năng động, hài hoà hơn.
APEC nói chung và APEC Việt Nam 2006 nói riêng là diễn đàn hợp tác kinh tế nhưng vấn đề an ninh vẫn được đặt ra và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thành viên cũng như dư luận. Thậm chí, ngày 18-11-2006, Thủ tướng Ma-lai-xi-a  A.Ba-đa-uy còn cho rằng “Vấn đề an ninh đang choán hết APEC” và nói: “APEC nên quay lại mục đích ban đầu của mình là một phương tiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc khuyến khích thương mại tự do và công bằng hơn”1. Sở dĩ vấn đề an ninh được quan tâm như vậy vì khu vực châu Á -Thái Bình Dương nói riêng, thế giới nói chung ngày nay có rất nhiều nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đối với an ninh của các quốc gia, dân tộc. Hơn nữa, phát triển kinh tế luôn gắn chặt đến vấn đề an ninh quốc gia, an ninh chính trị - xã hội, và bản thân lĩnh vực kinh tế cũng có vấn đề an ninh kinh tế. Nếu như an ninh không được bảo đảm, hoà bình, ổn định không được duy trì thì kinh tế không thể phát triển bình thường. Vấn đề đặt ra là APEC Việt Nam 2006 đã đề cập đến vấn đề an ninh như thế nào, ở những mức độ, khía cạnh nào, và tác động của APEC Việt Nam 2006 đối với vấn đề an ninh khu vực và thế giới ra sao? Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy nổi lên hai vấn đề, tạm gọi là an ninh trực tiếp và an ninh gián tiếp.
An ninh trực tiếp, đó là những nguy cơ, thách thức đối với an ninh, trực tiếp tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và những vấn đề an ninh mà APEC Việt Nam 2006 trực tiếp đề cập tới, tác động tới.
APEC bao gồm 21 nền kinh tế thành viên với 2,6 tỷ người (chiếm 40% dân số thế giới), làm ra 56% GDP và 48% thương mại toàn cầu, là khu vực kinh tế phát triển  năng động nhất thế giới. Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tiềm ẩn nhiều điểm nóng, nếu không tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn một cách hiệu quả, có thể xảy ra xung đột vũ trang, thậm chí chiến tranh cục bộ, như ở bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, vùng Biển Đông. Khu vực này cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, thách thức đối với an ninh, như chủ nghĩa khủng bố, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, nguy cơ can thiệp từ bên ngoài, tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp về lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên thiên nhiên, những vấn đề do lịch sử để lại chưa được giải quyết. Ngoài ra còn có các mối đe doạ phi truyền thống khác, như tác động mặt trái của toàn cầu hoá, hố ngăn cách giàu nghèo, tình trạng tham nhũng, sự suy thoái môi trường, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia,v.v. Nhưng vì là một diễn đàn kinh tế, không phải là một diễn đàn an ninh, APEC nói chung, APEC Việt Nam 2006 nói riêng chỉ có thể đề cập ở mức độ nhất định về những vấn đề an ninh nổi cộm, chung nhất, sao cho phù hợp với nguyên tắc hoạt động là đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc và linh hoạt. Nếu quá đi sâu vào tất cả các vấn đề an ninh, động chạm đến cả những vấn đề “nhạy cảm” trong quan hệ giữa các thành viên thì sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ nguyên tắc hoạt động, đồng nghĩa với phá vỡ APEC. Vậy thì những vấn đề an ninh nào đã được APEC Việt Nam 2006 đề cập tới và cách tiếp cận như thế nào ?
           
Trong “Tuyên bố Hà Nội” - văn kiện cuối cùng và quan trọng nhất của Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2006, biểu hiện ý chí, nguyện vọng của các nhà lãnh đạo APEC, ngoài các tuyên bố về “Thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư”, “Xây dựng các xã hội vững mạnh hơn và một cộng đồng hành động hài hoà hơn”, các nhà lãnh đạo APEC đã dành một phần ba văn kiện để tuyên bố về “Tăng cường an ninh con người”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến chủ nghĩa khủng bố và chống khủng bố. Các nhà lãnh đạo APEC “lên án các hành động khủng bố đang là mối đe doạ của thế giới”, biểu hiện quyết tâm “tiếp tục chống khủng bố dưới mọi hình thức”, coi đó như một điều kiện để “thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực cũng như bảo đảm an ninh cho con người”. Đặc biệt, Tuyên bố viết: “Chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng bất cứ biện pháp chống khủng bố nào đều phải tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế”. Điều này có nghĩa rằng, các biện pháp chống khủng bố mà vi phạm những quy định và luật pháp quốc tế, như chống khủng bố bằng chiến tranh giết hại thường dân vô tội, xâm phạm độc lập, chủ quyền của các quốc gia, dân tộc là trái với “Tuyên bố Hà Nội”, đi ngược ý chí, nguyện vọng của cả 21 thành viên APEC. Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các cam kết thông qua tại Băng-cốc năm 2003 nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố, xoá bỏ nguy cơ của việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, đối phó với các đe doạ trực tiếp khác trong khu vực. Tuyên bố Hà Nội cũng hoan nghênh các sáng kiến chống khủng bố năm 2006 đã được các Bộ trưởng thông qua, và khuyến khích các nền kinh tế thành viên thực hiện các biện pháp cá nhân và tập thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và hoàn cảnh của mỗi thành viên, để thực hiện các cam kết trên nhằm tăng cường an ninh thương mại trong khu vực. Ngoài ra, để “Tăng cường an ninh con người”, các nhà lãnh đạo APEC còn nêu quyết tâm cùng những biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh hàng không, nhấn mạnh quyết tâm hợp tác trong các nỗ lực phòng chống thiên tai, đại dịch HIV/AIDS, dịch cúm gia cầm, chống tham nhũng, v.v.
Ngoài những vấn đề an ninh được thảo luận trong các hội nghị, nêu trong các văn kiện chính thức, một số vấn đề an ninh khác, như cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng được một số đoàn thành viên trao đổi trong các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ song phương, đa phương bên lề Hội nghị. Do nỗ lực hợp tác của các bên liên quan, có tin cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ được nối lại vào tháng 12 -2006.
An ninh gián tiếp, đó là tác động của APEC Việt Nam 2006 một cách gián tiếp đến an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên nằm rải rác quanh “vành đai Thái Bình Dương” có rất nhiều khác biệt: có những thành viên vào hàng lớn nhất, giàu nhất thế giới, lại có những thành viên vào hàng nhỏ nhất, nghèo nhất thế giới. Nhiều thành viên có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, có các mục tiêu chiến lược an ninh, quốc phòng khác nhau. Nhiều thành viên đang còn có mâu thuẫn, tranh chấp về địa vị, quyền lợi, về biên giới lãnh thổ, biển đảo và một số vấn đề do lịch sử để lại, v.v, và v.v.  ấy vậy mà người ta đã “tự nguyện”, “đồng thuận” tập họp nhau lại thành một “Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương” (APEC) với những hoạt động phong phú của các “Năm APEC”, “Tuần lễ cấp cao APEC” bao gồm hàng chục, hàng trăm hội nghị các cấp hằng năm để tìm ra những tiếng nói chung, những lợi ích chung, cùng nhau hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư, phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách, bất đồng. Điều đó đã và đang tác động rất tích cực, rất to lớn đến an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi mà hợp tác, đồng thuận tăng lên, thì mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp giảm dần, an ninh ngày càng được củng cố. Đó là quy luật của cuộc sống, của thời đại. Dù chỉ là một diễn đàn hợp tác kinh tế, có cơ chế “lỏng lẻo”, nhưng chỉ cần APEC hoạt động đúng như tôn chỉ mục đích, nguyên tắc như hiện nay và tiếp tục cải cách, nâng cao tính năng động, hiệu quả trong tương lai thì lợi ích kinh tế và an ninh mà các thành viên thu được thật khó lường. Khi đầu tư và thương mại trong APEC luôn được tăng cường, phát triển, lợi ích kinh tế giữa các thành viên ngày càng gắn kết với nhau thì lợi ích an ninh cũng cùng chia xẻ, không thể tách rời nhau. Không ai “dại gì” mà lại đi “gây gổ” làm mất an ninh ở một nước, một khu vực mà quyền lợi kinh tế của mình gắn chặt ở đó.
Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công một cách mỹ mãn Tuần lễ cấp cao APEC mà đỉnh cao là Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 14, kết thúc tốt đẹp Năm APEC Việt Nam 2006, đã và đang được dư luận thế giới ghi nhận, đánh giá cao. APEC Việt Nam 2006 mang đậm dấu ấn Việt Nam, chẳng những đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như thế giới.
 
Nguyễn Trung
 
1- Theo tin các hãng AP, Roi-tơ, AP (Hà Nội 18-11-2006).
 

Ý kiến bạn đọc (0)