QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:47 (GMT+7)
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với công nghiệp quốc phòng của các nước trên thế giới

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng sâu, rộng với các cấp độ khác nhau tới mọi lĩnh vực hoạt động của các nước trên thế giới; trong đó, với công nghiệp quốc phòng (CNQP) cũng không phải là ngoại lệ.

  

Mặc dù sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đối với CNQP không được đề cập nhiều so với một số lĩnh vực "nhạy cảm" khác (chứng khoán, ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, công nghiệp ô tô, điện tử, luyện kim...), nhưng nghiên cứu kỹ lĩnh vực này cho thấy, việc đánh giá ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với CNQP đang có các ý kiến khác nhau theo cả thiên hướng lạc quan và bi quan. Một số nước khẳng định CNQP của họ không gặp khó khăn hay suy thoái đáng kể gì, đã đưa ra những dẫn chứng: trong khi thương mại quốc tế năm 2009 giảm 10% ở các nước phát triển và từ 2-3% ở các nước đang phát triển, thì thực tế các số liệu thống kê về doanh thu mua bán vũ khí và công nghệ quân sự trên phạm vi toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên. Nhóm ý kiến bi quan lại cho rằng, mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tới CNQP là rất nghiêm trọng và gây ra những hậu quả không khác gì cuộc tấn công của chủ nghĩa khủng bố. Theo họ, cả khủng hoảng tài chính và khủng bố đều dẫn tới sự mất ổn định về chính trị-xã hội, suy thoái kinh tế, thất nghiệp, chỉ số chứng khoán sụt giảm, cân đối ngân sách khó khăn, chi tiêu quốc phòng phải điều chỉnh, sự rạn nứt trong quan hệ đồng minh do khác nhau về quan điểm, giải pháp và trọng tâm ưu tiên. Do vậy, CNQP của nhiều nước trong điều kiện hiện nay cũng phải tạm gác các mục tiêu phát triển lâu dài để lo đối phó với các vấn đề cấp bách trước mắt... Qua đó cho thấy, việc đánh giá ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đối với CNQP không hề đơn giản, phải có sự nhìn nhận khách quan về các hiện tượng phát sinh, về tính đa chiều và sự lệ thuộc của nhiều mối quan hệ có liên quan...

Xem xét khía cạnh ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài  chính đối với CNQP của các nước trên thế giới, thấy rõ ở sự cắt giảm ngân sách và quy mô của các hợp đồng đặt hàng quân sự; mức độ cắt giảm thường không đồng đều giữa các chuyên ngành CNQP. Tại một số nước, những cơ sở chế tạo vũ khí quy ước, vũ khí thông thường cho lục quân là đối tượng đầu tiên bị cắt giảm đặt hàng quân sự; còn các lĩnh vực liên quan tới công nghệ cao, hoặc chế tạo vũ khí chiến lược, vẫn được ưu tiên duy trì kế hoạch đặt hàng. Sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán cũng gây bất ổn tới khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp CNQP trong điều kiện kinh tế thị trường. Lãi suất tín dụng tăng cao, thời hạn cho vay bị rút ngắn làm cho các doanh nghiệp CNQP khó tiếp cận các khoản vay dài hạn, làm tăng giá thành, ảnh hưởng không những tới lợi nhuận trước mắt mà còn tới các chu kỳ phát triển ở những năm tiếp theo. Khó khăn của các ngành kinh tế như: công nghiệp, năng lượng, đường sắt, hàng không, các ngành dịch vụ công... sẽ thu hẹp thị trường đầu ra của CNQP và làm tụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm kinh tế của CNQP (thời bình thường chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng doanh thu)... Sự phá sản của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ chuyên cung cấp vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm... là nguyên nhân phá vỡ dây chuyền phân công chuyên môn hoá và các kế hoạch, tiến độ đã được phê duyệt cho các công ty CNQP là chủ sản phẩm cuối cùng về đóng tàu chiến, chế tạo máy bay quân sự... Khủng hoảng tài chính tại các nước nhập khẩu vũ khí chắc chắn sẽ làm suy giảm các chương trình bán hàng của các nước xuất khẩu và gây ra những hậu quả dây chuyền cho toàn bộ tiềm lực CNQP. Thậm chí đã có những dự báo rằng, nếu các hậu quả nêu trên còn kéo dài, chưa giải quyết được, thì khủng hoảng kinh tế sẽ có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng quân sự.

Cùng với đó, cuộc khủng hoảng tài chính cũng làm cho áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự ngày càng trở nên gay gắt hơn, dễ dẫn tới nhiều mâu thuẫn phát sinh, kể cả giữa các quốc gia cùng nằm trong một khối liên minh quân sự. Một mặt, cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, cuộc khủng hoảng tài chính cũng có thể làm tăng thêm xu hướng bảo hộ trong lĩnh vực CNQP. Do ngân sách quốc phòng thu hẹp, nên kể cả các nước thuộc EU (vốn đang mở rộng liên kết, hội nhập chuyên môn hoá về CNQP) cũng muốn quay về ưu tiên đặt hàng cho CNQP của nước mình. Mặt khác, do lo ngại về hậu quả phản ứng dây chuyền gắn với nguy cơ vỡ nợ của một số quốc gia thành viên NATO (như: Hy Lạp, Ai-xơ-len...), nên khối liên minh này bắt buộc phải tăng cường sự phối hợp trong giải quyết các vấn đề quản lý chi tiêu quân sự, mua sắm quốc phòng và CNQP... Những bất lực trong việc giải quyết riêng rẽ các khó khăn của từng nước và nhu cầu chia xẻ gánh nặng có liên quan cũng là động lực thúc đẩy các xu hướng mở rộng phân công chuyên môn hoá, liên kết, hội nhập và tích hợp các mô hình xuyên quốc gia trong lĩnh vực CNQP. Hiện nay, không chỉ có các thành viên của NATO quan tâm tới vấn đề này, mà còn có cả các nước đang phát triển cũng muốn được hưởng lợi, bằng cách tham gia vào chuỗi phân công chuyên môn hoá của các tổ hợp công nghiệp quân sự xuyên quốc gia. Rõ ràng, đây là một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi phải có thời gian để giải quyết rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích giữa các quốc gia có liên quan. Trước mắt, ngay trong nội bộ NATO và EU cũng chưa có sự thống nhất trong quan điểm đánh giá về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đối với CNQP và thứ tự ưu tiên trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính cũng mang lại những mặt tích cực đối với CNQP, nếu biết tận dụng, khai thác thì sẽ có thể tạo ra lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp CNQP. Trong điều kiện bình thường, CNQP của các nước vẫn nhận được các hình thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của chính phủ. Khi có khủng hoảng kinh tế, để gìn giữ và bảo toàn tiềm lực CNQP, sự can thiệp và mức độ hỗ trợ thường được mở rộng hơn. Phương thức hỗ trợ trước hết thường gắn với biện pháp kích cầu, bằng việc tăng ngân sách đặt hàng quân sự hoặc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí (bằng cách cấp tín dụng cho nước ngoài, chấp nhận các nhượng bộ về giá cả, thời hạn thanh toán, điều kiện chuyển giao công nghệ...). Các doanh nghiệp CNQP còn có thể được hưởng lợi từ các chính sách khác của chính phủ để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Khi kinh tế suy thoái sẽ dẫn tới sự giảm giá của nhiều loại vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào; do đó, giảm được chi phí sản xuất các mặt hàng CNQP. Cơ hội thuận lợi hay khó khăn trong khủng hoảng kinh tế cũng có thể rất khác nhau; có công ty đã ký được hợp đồng bán vũ khí với giá cao từ trước khi xảy ra khủng hoảng nên có thể hy vọng thu được lợi nhuận cao hơn, trong khi các doanh nghiệp khác lại bị thua lỗ. Việc đồng tiền quốc gia bị mất giá so với các ngoại tệ khác cũng sẽ đem lại sức cạnh tranh cao hơn cho hàng hoá xuất khẩu, trong đó có vũ khí. Cuộc khủng hoảng tài chính lần này cũng buộc nhiều nước phải xem xét lại mô hình phát triển và thực hiện tái cơ cấu kinh tế; trong đó, có việc rà soát thứ tự ưu tiên trong hiện đại hoá CNQP, điều chỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý CNQP để tạo đà cho sự phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy được sự tác động ngược trở lại của CNQP đối với  khủng hoảng tài chính. Có thể nói, trong số các nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng trầm trọng ở một số nước trên thế giới có bao gồm cả việc chi tiêu quá mức cho mua sắm vũ khí và công nghệ quân sự (trường hợp của Hy Lạp là một ví dụ điển hình). Cũng "nhờ" có khủng hoảng tài chính, nên những điều mà các nước phương Tây vốn hay rêu rao về tính minh bạch, công khai trong chi tiêu quân sự đã bộc lộ chân tướng rõ hơn. Báo chí nước ngoài có thể cập nhật rất sớm tin tức về các biện pháp cứu trợ cả gói hoặc các chương trình kích thích kinh tế để đối phó với khủng hoảng, nhưng rất né tránh các nội dung liên quan tới việc "bao cấp" của chính phủ các nước cho các tổ hợp công nghiệp quân sự. Vì thế, sẽ không dễ dàng gì để có thể hiểu rõ bản chất phần chìm của "tảng băng" ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đối với CNQP.

Các biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính để gìn giữ và phát triển tiềm lực CNQP của mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Các nước nhỏ chủ yếu có xu hướng tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ cấp bách trước mắt và biện pháp bảo hộ CNQP nội địa. Trong khi đó, các cường quốc quân sự lại dành sự quan tâm tới các vấn đề chiến lược lâu dài và các vấn đề quốc tế có liên quan. Đối với các vấn đề toàn cầu, họ thường chú trọng tới việc củng cố lợi ích và vị thế của mình trên thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự; tìm cách hạn chế phản ứng dây chuyền, không để khủng hoảng làm suy yếu sức mạnh chung của liên minh quân sự cũng như các cam kết hợp tác, kiểm tra, giám sát quốc tế trong lĩnh vực CNQP. Đối với các vấn đề nội bộ, các nước lớn thường xem xét điều chỉnh chiến lược CNQP để cân đối lại thứ tự ưu tiên giữa việc thay thế, hiện đại hoá số vũ khí đang sử dụng trong các cuộc chiến hiện nay hay đầu tư cho nghiên cứu-phát triển các thế hệ mới để phục vụ cho các cuộc chiến tranh trong tương lai. Các giải pháp khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính đối với CNQP cũng rất đa dạng, gồm cả biện pháp khẩn cấp trước mắt và các chính sách có tính dài hạn, như: chuyển đổi mô hình phát triển, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu, can thiệp vào thị trường chứng khoán để nắm giữ các công ty CNQP then chốt, cải cách về tổ chức quản lý và thủ tục đầu tư, phát triển thị trường nội địa về hàng hoá lưỡng dụng, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu-phát triển, giãn, hoãn thời hạn thanh toán nợ, ứng trước tiền thanh toán đơn đặt hàng quốc phòng hoặc tiền trả lương cho nhân công...

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay chưa kết thúc; chu kỳ và hậu quả ảnh hưởng của nó vẫn chưa thực sự bộc lộ hết, có thể còn kéo dài. Những tác động của khủng hoảng đối với CNQP là rất đa dạng, sâu rộng và cần phải được tiếp tục nghiên cứu, theo dõi trong thời gian tới để có thể rút ra những nhận định khách quan, toàn diện hơn về bản chất của các hiện tượng, cũng như hiệu quả của các giải pháp mà các nước trên thế giới tiến hành. Căn cứ vào mục đích và hoàn cảnh riêng của mình, một số nước đang tìm cách giải quyết vấn đề này không chỉ bằng các biện pháp riêng rẽ mà còn tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương. Phải chăng, đây là những dấu hiệu mới của xu hướng mở rộng hơn phạm vi toàn cầu hoá kinh tế trong một lĩnh vực đặc thù, mà từ trước tới nay, vẫn còn đang nằm ngoài chương trình nghị sự của WTO.

Đại tá, PGS, TS. ĐOÀN HÙNG MINH

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)