QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:15 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng - quân sự nổi bật trên thế giới năm 2009

LTS: Năm 2009 đã khép lại với xu thế chung của tình hình thế giới là  hoà bình, hợp tác và phát triển; nhưng cùng với đó, cũng có nhiều biến động phức tạp, nhiều sự kiện quan trọng đã, đang và sẽ còn diễn ra, tác động sâu sắc với những mức độ khác nhau đến các quốc gia và thế giới.

Tạp chí QPTD nghiên cứu, đánh giá và bình chọn "10 sự kiện quốc phòng - quân sự nổi bật trên thế giới năm 2009"; trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

   

1- Mỹ và NATO tăng quân ở Áp-ga-ni-xtan

Ngày 1-12-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã công bố chiến lược quân sự mới ở Áp-ga-ni-xtan; theo đó, Mỹ sẽ bổ sung 30.000 quân, các nước NATO khác bổ sung khoảng 7.000 quân, nâng tổng số quân Mỹ và NATO ở đây lên 150.000 quân (Mỹ có 100.000 quân). Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ tỏ ý nghi ngờ tính hiệu quả của chiến lược này, coi đây là "canh bạc" của Ba-rắc Ô-ba-ma trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Cho đến nay đã có 849 lính Mỹ bị chết tại Áp-ga-ni-xtan, nhưng tình hình an ninh ở nước này vẫn chưa được cải thiện, đang diễn biến rất phức tạp.

2- Căng thẳng về vấn đề hạt nhân của I-ran

Ngày 27-11-2009, Ban Giám đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết do nhóm P5+1 (5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và Đức) soạn thảo, lên án và yêu cầu I-ran chấm dứt chương trình làm giầu u-ra-ni. Ngay lập tức, lãnh đạo I-ran lên tiếng phản đối, tuyên bố chấm dứt đối thoại với IAEA và tiếp tục đẩy mạnh chương trình làm giầu u-ra-ni, mà nước này tuyên bố là vì mục đích hoà bình. Mới đây, Tê-hê-ran còn phóng thử tên lửa tầm trung (tầm bắn 2.000 km), được cho là có thể bắn tới một phần lãnh thổ châu Âu. Mỹ và một số nước phương Tây đang gia tăng sức ép đòi LHQ bổ sung các biện pháp trừng phạt Tê-hê-ran, làm cho quan hệ giữa I-ran và phương Tây hết sức căng thẳng.

3- Việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Cộng hoà dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên chưa có sự đột phá

Những năm gần đây đã có nhiều cuộc đàm phán 6 bên (gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên), song phương, nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nhưng đều không có kết quả. Sau nhiều lần liên tiếp phóng thử tên lửa, ngày 25- 5- 2009, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân, có sức công phá khoảng 20 ki-lô-tôn (gấp 4 lần so với vụ thử thứ nhất vào năm 2006), làm cho tình hình càng thêm căng thẳng. Đầu tháng 12-2009, đặc phái viên của Mỹ X. Bô-xơ-uốt đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng, được cho là tín hiệu cho việc nối lại đàm phán 6 bên trong thời gian tới, Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích quốc tế, do lập trường của các bên còn khác xa nhau, nên khó có thể tạo đột phá trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

4- HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết "Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân (VKHN)"

Ngày 25-9-2009, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết "Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, không phổ biến và giải trừ VKHN", do Mỹ đề xuất. Dư luận đánh giá cao, coi đây là một sự kiện quốc tế quan trọng trong việc giải trừ, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn VKHN trên toàn cầu, có lợi cho an ninh, hoà bình của thế giới.

5- Mỹ thực hiện kế hoạch rút quân khỏi các thành phố, thị trấn của I-rắc

Ngày 30-6-2009, Nhà Trắng tuyên bố đã rút quân khỏi các thành phố, thị trấn của I-rắc và trao quyền kiểm soát cho chính quyền địa phương nước này. Đây là một bước trong tiến trình thực hiện kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi I-rắc, dự kiến hoàn thành vào 31-12-2011. Tổng thống I-rắc N. Ma-li-ki tuyên bố lấy ngày 30-6-2009 là "Ngày chủ quyền quốc gia". 

6- Mỹ huỷ kế hoạch triển khai "lá chắn tên lửa"(NMD) ở Cộng hoà (CH) Séc và Ba Lan; Nga dừng triển khai tên lửa đạn đạo tại Ca-li-nin-grát.

Trung tuần tháng 9-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố huỷ kế hoạch triển khai NMD tại CH Séc và Ba Lan. Đổi lại, Chính phủ Nga tuyên bố sẽ không triển khai các tên lửa đạn đạo tại Ca-li-nin-grát. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự nhiều nước cho rằng, Mỹ chỉ thay đổi hình thức, từ triển khai NMD trên lãnh thổ Ba Lan và CH Séc bằng một hệ thống NMD cơ động trên biển ở khu vực này.

7- Nga và Mỹ ký thỏa thuận khung cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới

Ngày 6-7-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã ký thỏa thuận khung cho START mới (START-2) giữa hai nước này; theo đó, Mỹ và Nga sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân từ 6.000 đầu đạn hạt nhân (theo START-1, được hai nước ký năm 1991 và hết hạn vào 5-12-2009) xuống còn 1.500 đầu đạn hạt nhân. Tháng 12-2009, tại thành phố Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch), Tổng thống hai nước đã tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc để tiến tới ký thoả thuận trên (START-2) vào đầu năm 2010. Tuy nhiên, việc chính thức ký kết START-2 vẫn còn ở phía trước.

8- I-xra-en tiến công trên bộ vào Dải Ga-da

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, ngày 4-1-2009, sau nhiều ngày đánh phá dữ dội bằng không quân, quân đội I-xra-en đã mở cuộc tiến công quy mô lớn trên bộ vào Dải Ga-da của Pa-le-xtin. Cuộc tiến công đã giết hại khoảng 1.430 người và làm bị thương khoảng 3.500 người dân Pa-le-xtin, tiếp tục gây phẫn nộ trong dư luận thế giới. Ngày 16-10-2009, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua Nghị quyết lên án cuộc tiến công quân sự của I-xra-en vào Dải Ga-da là phạm tội ác chiến tranh.

9- Mỹ triển khai căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a

Đầu tháng 8-2009, Mỹ và Cô-lôm-bi-a đã đạt được thỏa thuận: cho phép Mỹ triển khai một số căn cứ quân sự  tại Cô-lôm-bi-a. Hai nước tuyên bố viện dẫn thoả thuận nhằm giúp Cô-lôm-bi-a chống các tổ chức tội phạm. Nhiều nước trong khu vực Mỹ - la-tinh kịch liệt phản đối, coi thoả thuận này là mưu đồ của Mỹ nhằm tăng cường sức ép quân sự đối với các nước trong khu vực mà Mỹ coi là "thù nghịch". Thoả thuận trên giữa Mỹ và Cô-lôm-bi-a đã gây mất an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới.

10- Xri Lan-ca chấm dứt 37 năm nội chiến

Ngày 17-5-2009, lực lượng Những con hổ giải phóng Ta-min (LTTE) - lực lượng chống Chính phủ Xri Lan-ca - đã tuyên bố đầu hàng Chính phủ, chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này. Cuộc nội chiến ở Xri Lan-ca đã kéo dài 37 năm, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và làm hàng trăm nghìn người lâm vào cảnh vô gia cư. Phát biểu trong buổi lễ mừng thắng lợi, Tổng thống Xri Lan-ca Ra-gia-pác-xê đánh giá chiến thắng của Chính phủ và nhân dân Xri Lan-ca trước LTTE có ý nghĩa lịch sử trọng đại, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của đất nước.

  MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)