QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 09:48 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng - quân sự nổi bật trên thế giới năm 2008

LTS: Năm 2008, xu thế chung của tình hình thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển; nhưng cùng với đó, cũng có nhiều biến động phức tạp, nhiều sự kiện quan trọng diễn ra đã tác động, ảnh hưởng với những mức độ khác nhau đến các quốc gia và thế giới.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân nghiên cứu, đánh giá và bình chọn "10 sự kiện quốc phòng - quân sự nổi bật trên thế giới năm 2008"; trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

   1- Cô-xô-vô tuyên bố độc lập  

Ngày 17-2-2008, với sự hậu thuẫn của Mỹ và NATO, Cô-xô-vô thuộc Xéc-bi-a đơn phương tuyên bố độc lập. Dư luận quốc tế phản đối, cho rằng, sự kiện đó sẽ tạo một tiền lệ hết sức nguy hiểm để các thế lực cực đoan lợi dụng vấn đề quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm thực hiện mưu đồ ly khai, gây mất an ninh, ổn định của các nước và thế giới. 

2- Xung đột quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a

Xung đột quân sự giữa Nga và Gru-di-a ở Nam Ô-xê-ti-a, vùng đất ly khai thuộc Gru-di-a, diễn ra từ 7 đến 12-8-2008 (còn gọi là cuộc chiến tranh 5 ngày ở Cáp-ca-dơ), gây tác động rất lớn, đẩy mối quan hệ và cục diện cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, NATO và Nga ở Cáp-ca-dơ và trên thế giới càng gay gắt, phức tạp; báo hiệu sự thay đổi trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực.

3- Mỹ triển khai "lá chắn tên lửa" (NMD) ở Cộng hòa Séc và Ba Lan

 Việc Mỹ ký hiệp ước triển khai NMD tại Séc (7- 2008) và Ba Lan (8-2008) đã gây mối quan ngại trong dư luận quốc tế; đặc biệt, làm cho quan hệ Mỹ- Nga hết sức căng thẳng. Mát -xcơ-va coi NMD của Mỹ ở Đông Âu đe dọa an ninh của Nga và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả thích đáng. Ngay một số nước trong NATO cũng thể hiện thái độ không đồng tình với Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh Nga- EU (11-2008), Tổng thống Pháp N.Xa-cô-di đã tuyên bố, NMD của Mỹ ở châu Âu không giúp tăng cường an ninh ở châu lục này. Thủ tướng I-ta-li-a Béc-lu-xcô-li thì cho rằng, việc Mỹ triển khai NMD ở Đông Âu là hành động "khiêu khích" Nga, gây mất ổn định cho khu vực và thế giới.

4-Thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Tháng 2- 2008, đàm phán 6 bên, gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, Hàn Quốc đã đạt được Thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thực hiện Thỏa thuận này, CHDCND Triều Tiên đã phá tháp làm lạnh trong tổ hợp hạt nhân Đông Piêng, công khai hóa các tài liệu liên quan đến chương trình hạt nhân của mình. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tiến hành viện trợ kinh tế cho CHDCND Triều Tiên; Mỹ đã đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách "các nước bảo trợ khủng bố" (12-10-2008). Tuy nhiên, đàm phán 6 bên ngày 12-12-2008 đã không đạt được thỏa thuận về kế hoạch kiểm chứng giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, gây trở ngại cho tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo này.

5-  Vấn đề hạt nhân của I-ran

 Khủng hoảng hạt nhân ở I-ran càng sâu sắc, khi mới đây Mỹ cáo buộc, I-ran đang đẩy nhanh chương trình làm giàu u-ra-ni để chế tạo vũ khí hạt nhân; đe dọa để ngỏ mọi khả năng, nếu Tê-hê-ran không ngừng chương trình làm giàu u-ra-ni. Tuy nhiên, I-ran tuyên bố kiên quyết không từ bỏ việc làm giàu u-ra-ni, mà họ cho là vì mục đích hòa bình; đồng thời khẳng định, sẵn sàng đối đầu với bất kỳ cuộc tiến công quân sự nào, khiến cho quan hệ Mỹ - I-ran và tình hình khu vực tiếp tục căng thẳng.   

6-  Hiệp ước an ninh Mỹ - I-rắc

Ngày 16-11-2008, Mỹ và I-rắc đã ký hiệp ước an ninh, với tên gọi là "Hiệp ước rút quân đội Mỹ". Theo hiệp ước này, Mỹ sẽ rút hết quân đội khỏi I-rắc vào năm 2011; không được phép sử dụng lãnh thổ I-rắc để tiến công các nước khác. Dư luận cho rằng, Hiệp ước này là bằng chứng cho thấy, chiến lược "Dân chủ Đại Trung Đông", hòng "dân chủ hóa" I-rắc, I-ran, Xy-ri, biến Trung Đông thành "bàn đạp" phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Chính quyền Mỹ, đã phá sản. Mới đây, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ, Ngoại trưởng Mỹ C.Rai-xơ đều đã thừa nhận cuộc chiến của Mỹ ở I-rắc là "một sai lầm".

7- Nga và Vê-nê-du-ê-la tổ chức tập trận chung tại biển Ca-ri-bê

Đầu tháng 12-2008, Nga và Vê-nê-du-ê-la đã tổ chức tập trận hải quân tại vùng biển Ca-ri-bê. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đưa quân đến tập trận ở vùng biển Ca-ri-bê và Tây bán cầu- vốn được coi là "sân sau" của Mỹ-làm cho Nhà Trắng rất lo ngại. Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã tuyên bố, cuộc tập trận này là trong kế hoạch hợp tác quân sự đã được hai nước dự kiến, không nhằm chống bất kỳ một nước thứ ba nào.

8- Khủng bố ở Mum-bai, Ấn Độ

Ngày 26-11-2008, các phần tử khủng bố đã tiến hành một loạt vụ khủng bố kinh hoàng tại thành phố Mum-bai của Ấn Độ, làm 200 người chết và 270 người bị thương, gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Vụ khủng bố này được cho là do nhóm Hồi giáo vũ trang Lashkar-e-Taiba có căn cứ ở Pa-ki-xtan tiến hành, gây tác động tiêu cực đến nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan.

9- Mỹ phóng tên lửa phá vệ tinh

Ngày 20-2-2008, Mỹ đã phóng tên lửa chiến lược SM.3 phá hủy một vệ tinh mà họ tuyên bố là đã hết hạn sử dụng. Nhiều nước cho đây thực chất là bước thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh trong chương trình NMD đầy tham vọng của Mỹ; là nhân tố thúc đẩy chạy đua vũ trang và quân sự hóa khoảng không vũ trụ, tạo nguy cơ "chiến tranh giữa các vì sao" hết sức nguy hiểm cho an ninh, hòa bình của thế giới.

10- Cướp biển ở Xô-ma-li

Ngày 15-11-2008, hải tặc đã bắt giữ tàu Sirius Star của A-rập-Xê-út chở 2 triệu thùng dầu, ở biển A-đen. Đây là chiếc tàu chở dầu lớn nhất bị cướp biển bắt giữ từ trước đến nay. Năm 2008, đã có khoảng 100 tàu của các nước bị hải tặc Xô-ma-li tiến công ở vùng biển này, hiện vẫn còn 16 tàu bị bắt giữ. Cơ quan Hàng hải quốc tế đã lên tiếng "báo động"; kêu gọi tăng cường lực lượng hải quân đa quốc gia để tuần tra, bảo vệ an ninh trên tuyến đường biển quan trọng chiến lược này. Dư luận cho rằng, giải quyết hải tặc cần phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và phải tiến hành đồng thời với giải quyết tình trạng bất ổn định chính trị, đói nghèo ở Xô-ma-li  - gốc rễ gây ra cướp biển ở biển A-den.

Thực hiện: MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)